Đọc Chơn lý "Bát chánh đạo" - Phần 9

8chanhdao newChánh văn:

7. Chánh niệm: Là nhớ chắc các tướng trong thân thể là vô thường, khổ não, vô ngã. Ghi nhớ rằng: Cái thọ vui hay cái thọ khổ, những sự lành, những sự ác, các danh từ và sắc pháp trong thế gian đều là vô thường, khổ não, vô ngã, không tham sân si, dục vọng, luyến ái.

Bàn thảo:

Chánh niệm trong Kinh điển sơ kỳ xuất hiện trong nhiều văn cảnh khác nhau, ở đây người đọc chỉ nêu hai đoạn để làm nền tảng cho nhận thức.

Kinh Đại bát Niết-bàn thuộc Trường bộ kinh: “Này các Tỷ kheo, thế nào là Chánh niệm? Này các Tỷ kheo, ở đây vị Tỷ kheo sống quán thân trên thân, tinh tấn, tỉnh giác, chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời; trên các cảm thọ... trên các tâm... quán pháp trên các pháp, tinh cần tỉnh giác, chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời. Này các Tỷ kheo, như vậy gọi là Chánh niệm”.

Đại kinh Sáu xứ thuộc Trung bộ kinh: “Khi vị ấy trú, quán sát vị ngọt, không bị ái trước, hệ lụy và tham đắm, nên năm thủ uẩn đi đến tàn diệt trong tương lai. Và ái của vị ấy, đưa đến tái sanh, câu hữu với hỷ và tham, tìm sự hoan lạc chỗ này chỗ kia; ái ấy được đoạn tận; những thân ưu não của vị ấy được đoạn tận; những tâm ưu não được đoạn tận; những thân nhiệt não được đoạn tận; những tâm nhiệt não được đoạn tận; những thân khổ não được đoạn tận; những tâm khổ não được đoạn tận; vị ấy cảm thọ thân lạc và tâm lạc. / Kiến gì như chơn của vị ấy, kiến ấy là Chánh kiến. Tư duy gì như chơn của vị ấy, tư duy ấy là Chánh tư duy. Tinh tấn gì như chơn của vị ấy, tinh tấn ấy là Chánh tinh tấn. Niệm gì như chơn của vị ấy, niệm ấy là Chánh niệm.”[1]

Từ các đoạn trích dẫn trên, người đọc thấy có một điều khác biệt khá tinh tế giữa một bên là Kinh điển sơ kỳ, một bên là Chơn lý và Giáo khoa Phật học[2]. Khi nói về Chánh niệm, Kinh tạng sơ kỳ không dùng động từ “Nhớ” để diễn giải, trong khi đó Giáo khoa Phật học Việt ngữ thường dùng từ “Nhớ” để định nghĩa Chánh niệm. Câu hỏi: Tại sao có sự khác biệt như vậy? Chúng ta sẽ tìm cách lý giải sự tinh tế này trong một bài viết khác.

Một điều có thể chú ý nữa là Chánh niệm (và tất cả những thuật ngữ khác) có mặt trong Kinh tạng thường không tách rời khỏi dòng diễn giải giáo pháp. Vì vậy muốn nắm bắt được “cái thần” của Chánh niệm thì phải thấy Chánh niệm trong chính cái khung cảnh của nó, trong chính cái thế giới của nó, tức là thế giới của những mối tương quan với những khái niệm, thuật ngữ, và những giáo lý gần với nó. Nói cách khác, diện mạo của Chánh niệm cần được thấy trong diện mạo của Chánh pháp.

Để thực hiện chức năng riêng Chơn lý cũng như Giáo khoa Phật học buộc phải cắt rời Chánh niệm ra khỏi cảnh giới của nó rồi định nghĩa hay miêu tả, nên mất đi phần nào thần thái. Điều may mắn là tuy bị cắt rời khỏi nguồn mạch liền lạc của giáo pháp, Chánh niệm, trong định nghĩa của Chơn lý, lại được kết nối với một giáo lý cụ thể, kết nối với giáo lý Tam pháp ấn – Vô thường, khổ não, vô ngã – hướng đến diệt trừ tham sân si. Đây là một kết nối khá mới mẽ và có thực tế gần gũi với sự quán chiếu trong tu tập.

Chánh văn:

8. Chánh định:

a. Định sơ thiền: tầm sát, hỷ, lạc, tịnh, định, xả.

b. Định nhị thiền: hỷ, lạc, tịnh, định, xả.

c. Định tam thiền: lạc, tịnh, định, xả.

d. Định tứ thiền: tịnh, định, xả.

Bàn thảo:

Kinh Ðại Niệm xứ thuộc Trường bộ kinh; kinh Phân biệt về Sự thật thuộc Trung bộ kinh

Này các Tỷ kheo, thế nào là Chánh định? Này các Tỷ kheo, ở đây Tỷ kheo ly dục, ly ác bất thiện pháp, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, với tầm, với tứ. Tỷ kheo ấy diệt tầm, diệt tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tỉnh nhất tâm. Tỷ kheo ấy ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú Thiền thứ ba. Tỷ kheo ấy xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh. Này các Tỷ kheo, như vậy gọi là Chánh định.”

Ở đây có sự chênh lệch giữa Chơn lý và Kinh tạng sơ kỳ về mặt dụng ngữ và về số lượng các thiền chi, cụ thể ở sơ thiền hay thiền thứ nhất, Kinh tạng có 5 chi, Chơn lý có 6 chi. Nhưng, về mặt cấu trúc các tầng thiền từ thấp lên cao thì mang chung một mô thức chuẩn định và một mô hình trực quan. Mô thức chuẩn định bất di bất dịch là từ thô đến tế, từ động đến tĩnh, từ phồn tạp đến thuần nhất. Mô hình bất di bất dịch là hình kim tự tháp: Ở tầng thiền càng thấp thì càng to, càng tiến lên cao thì càng nhỏ dần, nhỏ dần, cho đến cảnh giới nhỏ nhất ở tầng thiền cao nhất, tức là tầng thiền thứ tư.

Tầng thiền Thiền chi trong Kinh tạng Thiền chi trong Chơn lý

4

3

2

1

Xả

Lạc-Xả

Hỷ-Lạc-Nhất tâm

Tầm-Tứ-Hỷ-Lạc-Nhất tâm

Tịnh-Định-Xả

Lạc-Tịnh-Định-Xả

Hỷ-Lạc-Tịnh-Định-Xả

Tầm sát-Hỷ-Lạc-Tịnh-Định-Xả

Nói về thiền định, ngay những tác phẩm luận giải cổ kính nhất cũng đã có những chênh lệch nhất định khi so với Kinh tạng. Thanh Tịnh đạo luận đã có một khác biệt căn cơ so với Kinh tạng khi cho rằng có đến 5 tầng thiền, chứ không phải 4 tầng như Kinh tạng ghi lại. Muốn trả lời câu hỏi tại sao cùng nguồn văn hiến Phật giáo mà có sự khác biệt như vậy đòi hỏi chúng ta phải tìm hiểu sâu xa hơn trong dịp khác. Điều các thiền giả cần ghi nhận và khẳng định chắc chắn là thiền định trong nhà Phật có cốt lõi là dẫn dắt tâm thức đi từ trạng thái thô tháo đến tinh tế, từ động loạn đến yên tĩnh, và từ phồn tạp đến thuần nhất. Nên chăng ba vế trên cần được đưa lên thành ba tiêu ngữ và được tôn trí trong những thiền đường thuộc sơn môn hay thiền đường nói chung để những hành giả luôn tâm niệm mà không lạc vào các dạng thiền lệch hướng và sản xuất ra những sản phẩm kỳ dị trong tâm thức cá nhân và trong tác phẩm văn học được quảng bá cho đại chúng.[3]

Thiền định Phật giáo phản ánh tâm thức Phật giáo mà tâm thức Phật giáo là cả một thế giới muôn hình vạn trạng tùy theo nền văn hóa, xu hướng xã hội và tính khí của từng cá nhân con người. Dĩ nhiên cái thiên hình vạn trạng này không thể diễn tả bằng một đoạn Chơn lý hay một định nghĩa trong sách giáo khoa Phật học. Có lẽ đã nắm được cái thần của sự thiên hình vạn trạng của thế giới thiền Phật giáo mà một vị đạo sư Phật giáo đã thực hành và đề xướng việc gọi tất cả những hành giả Phật giáo là “thiền sư” dù tu theo bất kỳ truyền thống nào, xuất thân từ nền văn hóa nào, và tâm đắc bất kỳ pháp môn nào trong tám muôn bốn ngàn pháp môn của nhà Phật.

Nói hẹp hơn một chút, điều thậm thâm vi diệu là dù muôn hình vạn trạng thế giới đó cũng không rời khỏi phạm vi bao trùm của những tiêu ngữ mà những đôi mắt đủ sáng có thể nhận ra trong nền văn học thiền Phật giáo. Nhận ra là điều cần về phương diện hiểu biết để khỏi đi lạc. Tự thân nổ lực là điều cần về phương diện thực hành để có những trải nghiệm thực tế, nhất là trải nghiệm cảm giác tỉnh táo và hạnh phúc. Trang bị đủ thần thái, đủ kiến thức, tương đối đủ trải nghiệm là điều cần về phương diện hành bồ tát đạo, dẫn dắt người khác tu tập. Đó là ba việc mà người tu thiền cần hướng tới ở những mức độ khác nhau.

Chánh văn:

Tất cả các pháp lành trong thế gian đều thuộc vào tám phần của bát chánh đạo, không thể nói viết cho cùng… Bát Chánh đạo gồm cả tam tàng Pháp bảo, tám muôn bốn ngàn Pháp môn, ba ngàn Pháp cái, mà chơn như (Chánh định) là mục đích chỉ có một.

Bàn thảo:

Ðại kinh Sáu xứ thuộc Trung bộ kinh có đoạn: “Này các Tỷ-kheo, thấy và biết như chơn mắt, thấy và biết như chơn các sắc, thấy và biết như chơn nhãn thức, thấy và biết như chơn nhãn xúc. Do duyên nhãn xúc này khởi lên lạc thọ, khổ thọ hay bất khổ bất lạc thọ, thấy và biết như chơn cảm thọ ấy; vị ấy không ái trước đối với con mắt, không ái trước đối với các sắc, không ái trước đối với nhãn thức, không ái trước đối với nhãn xúc. Do duyên nhãn xúc này khởi lên lạc thọ, khổ thọ, hay bất khổ bất lạc thọ; vị ấy không ái trước đối với cảm thọ ấy. /Khi vị ấy trú, quán sát vị ngọt, không bị ái trước, hệ lụy và tham đắm, nên năm thủ uẩn đi đến tàn diệt trong tương lai. Và ái của vị ấy, đưa đến tái sanh, câu hữu với hỷ và tham, tìm sự hoan lạc chỗ này chỗ kia; ái ấy được đoạn tận; những thân ưu não của vị ấy được đoạn tận; những tâm ưu não được đoạn tận; những thân nhiệt não được đoạn tận; những tâm nhiệt não được đoạn tận; những thân khổ não được đoạn tận; những tâm khổ não được đoạn tận; vị ấy cảm thọ thân lạc và tâm lạc. Kiến gì như chơn của vị ấy, kiến ấy là Chánh kiến. Tư duy gì như chơn của vị ấy, tư duy ấy là Chánh tư duy. Tinh tấn gì như chơn của vị ấy, tinh tấn ấy là Chánh tinh tấn. Niệm gì như chơn của vị ấy, niệm ấy là Chánh niệm. Ðịnh gì như chơn của vị ấy, định ấy là Chánh định.”

Đoạn kinh văn trên cho chúng ta thấy sự thấy biết như chơn trong nhà Phật có mối liên quan thực chất nhất và đáng nói nhất ở tầng gần nhất và trực tiếp nhất với các trần, các thức, và các xúc; có mối liên quan thực chất nhất và đáng nói nhất ở tầng ở tầng thứ hai và gián tiếp hơn với các loại thọ và ái; mối liên quan ở tầng ba và xa hơn nữa với năm thủ uẩn; với sự tái sanh; và trong khung nhìn này của nhà Phật, nó có mối liên quan tầng cuối hay chặng cuối với ưu não, nhiệt não, khổ não; với thân lạc và tâm lạc. Tuy nói là mối liên quan đến tầng xa nhất hay chặng cuối cùng nhưng lại là mối liên quan mang nội dung thiết thực đời thường, liên quan trực tiếp tới những vấn đề nhân sinh và xã hội. Hành giả nào điều chỉnh được những mối liên quan này theo tính tích cực nhất là có tất cả chi phần và tất cả nội dung của Bát Thánh đạo. Như vậy mối quan hệ giữa sự tu tập với Bát Thánh đạo là mối quan hệ hai chiều, hay còn gọi là mối quan hệ vòng tròn. Vòng tròn mang tính nhân sinh và giải thoát. Chiều thông thường là dùng Bát Thánh đạo làm nội dung tu tập; chiều tinh tế hơn là tu tập cái thấy và cái biết để từng chi phần của Bát đạo đều có thánh chất, hay đều trở thành linh thánh, trở thành thiêng liêng.

Quay trở lại chủ đề chính chúng ta thấy Chơn lý đã nâng Bát Chánh đạo lên tầm cao nhất, bao trùm nhất của giáo lý nhà Phật. Ở đây, Chơn lý đã có cái nhìn rất mới. Giáo khoa Phật giáo thường xem Bát Thánh đạo nằm ở vị trí khá hạn cuộc trong tổng thể bức tranh giáo lý. Cụ thể như Bát Thánh đạo là một bộ phận của Đạo đế, Đạo đế là một bộ phận của Tứ đế, Tứ đế nằm trong giáo lý Nhân quả, giáo lý Nhân quả nằm trong giáo lý Nhân duyên; tất cả đều nằm trong vùng phủ sóng của giáo lý Tánh không. Những bàn luận chuyên sâu hoặc là xem giáo lý Nhân quả, hoặc là xem giáo lý Tánh không, hoặc là xem giáo lý Nhân duyên, là giáo lý phủ trùm, siêu tuyệt, đỉnh điểm. Ở đây Chơn lý đưa sự tập trung của hành giả trở về với giáo lý Bát Thánh đạo. Theo người viết, đây là chỗ vi diệu. Đơn giản đến độ vi diệu: Đạo là con đường và Bát Thánh đạo chính là con đường đó.

Ngạc nhiên và thú vị, Chơn lý bỗng nêu lên rằng mục đích của nhà Phật có tính duy nhất và mục đích đó là Chánh định và Chánh định lại đồng nghĩa với Chơn như. Kết luận về Chánh định của Chơn lý bỗng mở ra một khung trời mới, mênh mông và diệu vợi. Chơn lý vừa khép lại cánh cửa này lập tức mở ra một cánh cửa khác để người đọc hân thưởng một bầu không khí mới mẽ, tinh khôi. Câu hỏi tại sao Chánh định đồng nghĩa với Chơn như là một câu hỏi thú vị mang tính khai phóng, chúng ta sẽ trở lại khi có dịp.

Chánh văn:

Bát Chánh đạo cũng là tám con đường ngay thẳng, hay tám cửa giải thoát cho chúng sinh, đang ở trong rừng sâu hố thẳm là đời. Bởi không hiểu mục đích, không thông chơn lý, chẳng rõ nhơn duyên, sau trước khó phân, chỉ quanh quẩn trong sự cần sống hiện tại; nên chúng sanh đã tạo ra cho mình đám rừng nguy, hố độc. Càng lúc càng sâu dày, để tự giam hãm và hành phạt lấy, mặc cho cái khổ nó hành hà, vô thường lôi kéo, cái không nó cướp giựt. Chúng sanh chỉ làm mọi cho sự vô ích, làm tôi cho lẽ thất bại.

Bàn thảo:

Đây là đoạn Chơn lý dùng để kết luận cho đề tài Bát Chánh đạo, tự thân đoạn này là một thông điệp, là một lời nhắn gửi, một ánh sáng, một “tiếng chuông ngân nga vang dội, dục thức quần sanh, kêu khuyên người trí, giác ngộ kẻ hiền” như cách nói của Đại lão Hòa thượng Giác Nhiên khi còn sinh tiền. Cách thuyết phục cũng như sức thuyết phục của Chơn lý cũng như của Phật giáo nói chung là nêu lên sự thật, đúng nghĩa nhất của từ “sự thật”. Với tinh thần của thông điệp này, chúng ta nên ghi nhận lại một lần nữa rằng sự thuyết phục của Phật giáo nói chung hay của Chơn lý nói riêng không nằm ở sự trừng phạt hay đe dọa trừng phạt theo kiểu: “Tin nhận ta thì được cứu rỗi, không tin nhận ta thì xuống địa ngục đời đời.” Ghi nhận như vậy để chúng ta cảm nhận lại một lần nữa cái cảm giác hạnh phúc thong dong khai phóng của người con Phật. Đó là cái hạnh phúc được hít thở một bầu không khi tôn giáo phi bạo lực dù bạo lực qua hành động chém giết phạt vạ hay bạo lực qua lời hăm dọa, nguyền rủa, mắng nhiếc. Thay vì gieo hạt giống từ bi và trí tuệ để gặt hái sự hiểu biết và quả thương yêu cho ta và cho người thì đó là gieo hạt giống sợ hãi và bất an để gặt hái linh hồn song song với sự khiếp nhược và phục tòng. Bất hạnh thay, vòng dây oan nghiệt: Đe dọa bạo lực và bị đe dọa bằng bạo lực, gặt hái sự sợ hãi và phục tòng, bị áp lực của sự sợ hãi mà phải phục tòng đã và đang ngày đêm diễn ra khắp nơi. Chính vì bầu không khí đầy sự bất an, sợ hãi, khiếp nhược và phục tòng đó mà cảm giác hạnh phúc theo kiểu đạo Phật càng lúc càng quý giá và đáng gìn giữ, trân trọng. Đó là dạng hạnh phúc được tạo ra bởi một bầu không khí của sự soi sáng, soi sáng bằng những lời nói ôn tồn, chỉ thẳng vào lẽ thật để dẫn dắt cho mọi người làm lợi lạc cho nhân sinh, mang lại hạnh phúc bình an cho cõi đời.

 


[1] Chương XVI, Thanh Tịnh đạo luận: “82. Khi hành giả nỗ lực như thế, sự không quên lãng trong tâm tương ứng Chánh kiến, rũ bỏ tà niệm, thì gọi là Chánh niệm. Nó có đặc tính là an lập. Nhiệm vụ nó là không quên. Nó được biểu hiện bằng sự từ bỏ tà niệm. 83. Khi tâm hành giả được phòng hộ bởi chánh niệm tối thượng như thế, sự nhất niệm tương ứng Chánh kiến trừ khử tà định, gọi là Chánh định. Nó có đặc tính là không phân tán. Nhiệm vụ nó là tập trung. Nó được biểu hiện bằng sự từ bỏ tà định.”

[2] Cụ thể như trong Phật học cơ bản tập 1, chương trình Phật học Hàm thụ của Ban Hoằng pháp Trung ương, Chánh niệm được định nghĩa: “Chánh niệm (Sammà sati): Sati theo Pàli ngữ mang nghĩa: sự ghi nhớ, sự chú tâm, thường được dịch là Niệm. Chánh niệm là sự chú tâm quán tưởng 4 đề mục: thân thể, cảm thọ, tâm thức và các pháp. Sự chú tâm và ghi nhớ, suy nghĩ thường trực về 4 đề mục trên đưa đến sự loại trừ 4 tà niệm...”

[3] Những sản phẩm này có khi được nhữngvịở lâu năm trongnhà Phậtsản xuất và dán nhãn Phậtgiáo!!!