Đọc Chơn Lý "Bát Chánh Đạo" phần 5

8chanhdaoChánh văn:

Bát chánh đạo cũng là con đường từ đầu đến cuối, mà chư Phật đã đi qua rồi.

1. Chánh kiến: là sự nhận xét thấy tỏ rõ lẽ thật đạo pháp, liền xuất gia giải thoát, lìa bỏ sự tà kiến vô minh lầm lạc của đời ác trược bỏ khổ tìm vui.

2. Chánh tư duy: là sự chiêm nghiệm, sưu tầm chơn lý, để được trí huệ, phải ở nơi chỗ vắng, núi, rừng, vườn một mình ít lâu.

3. Chánh ngữ: là tới lui cõi đời, để nói pháp dắt dẫn dạy khuyên người, sau khi đã thấu lý đạo đắc quả, để cho được cái học tự nơi nghe, nơi suy nghĩ, nơi sự hành động, cùng nơi sự nói luận, giảng giải.

4. Chánh nghiệp: là đi xin, ăn một ngọ chay, mặc một bộ áo vá ba cái, ở lều lá gốc cây, bịnh không tự làm thuốc, vật chất không không, không một chỗ, không một vật. Đi khắp nơi học dạy trao tâm. Lấy sự cứu độ người làm nghề nghiệp, không tích trữ của cải, không tự lấy, vì tự lấy là tham, không tự làm, vì tự làm là ác. Ta xin ăn của người mà sống, người xin học nơi ta mà sống; sống lo chuyền nhau, bỏ cái sở chấp ta, và của ta, gian ác. Ở nơi rừng lượm xin trái lá, vào xóm xin thuốc xin cơm, uống nước xin sông xin suối, ngồi nằm xin đất đá; lẽ xin tự người hạp mà cho, là tốt đẹp hơn các nghề nghiệp.

5. Chánh mạng: là không có cái sống cho mình, thân là của đạo, của chúng sanh, sống bằng tâm chơn như, thân có không, còn mất chẳng mến, chết trong sạch hơn sống nhơ bẩn.

6. Chánh tinh tấn: là sự cố gắng kiên tâm, trì giới nhập định, và đi hành đạo giáo hóa khắp nơi.

7. Chánh niệm: là niệm tưởng Phật, niệm tưởng Pháp, niệm tưởng Tăng, niệm tưởng chúng sanh khổ, để tìm phương tiện cứu độ.

8. Chánh định: là niết bàn chơn như, hay là sự nhập định, sau khi từ bi trí huệ đã đầy đủ. Cũng gọi hưu trí nín nghỉ, sau khi rồi xong hết việc, của cải có dư.

Câu Chơn Lý "Bát chánh đạo cũng là con đường từ đầu đến cuối, mà chư Phật đã đi qua rồi" gợi cho người đọc nhớ lại câu chuyện còn ghi trong ký ức nói về việc khám phá một con đường độc đạo trong khu rừng bỏ hoang, câu chuyện được kể như sau: Người có trí đi sâu vào rừng và tìm thấy lờ mờ một lối đi. Cành khô, lá mục, đá cát, bụi cây, bãi cỏ, rêu phong che phủ tất cả. Lờ mờ một con đường đã bị thời gian làm khuất lấp, con đường từ lâu hoang phế vì không ai biết, không ai thấy, không ai sử dụng. Lần theo dấu vết, người ấy đến được một cung điện vô cùng hoành tráng, xinh tươi và đủ đầy phúc lạc. Người ấy quay trở về kinh thành kể lại chuyện thấy con đường cho đấng quốc vương nghe. Sau đó đấng quốc vương tin theo sự hướng dẫn và đi theo con đường đó, con đường mà người trí tự phát hiện. Vị quốc vương cũng đến được nơi hoành tráng, xinh tươi và đủ đầy phúc lạc. Con đường đó dụ cho BCĐ, đấng quốc vương dụ cho mỗi một người chúng ta, người có trí, dụ cho Đức Phật.

Trở lại với Chơn Lý, Chơn Lý dùng câu "Bát chánh đạo cũng là con đường từ đầu đến cuối, mà chư Phật đã đi qua rồi." để dẫn đến việc vận dụng 8 chi BCĐ để miêu tả con đường của bậc giác ngộ từ xuất gia đến Niết-bàn. Con đường từ lúc khởi tu đến lúc Niết-bàn ngang qua 8 hành tướng như sau: (1) Xuất gia; (2) Ở nơi chỗ vắng... ít lâu; (3) Tới lui cõi đời, để nói pháp; (4) Hành Tứ y pháp, đi khắp nơi học dạy trao tâm; (5) Sống bằng tâm chơn như; (6) Đi hành đạo giáo hóa khắp nơi; (7) Niệm tưởng chúng sinh khổ để tìm phương cứu khổ; (8) Hưu trí nín nghỉ, xong hết việc.

Nhìn tổng thể con đường BCĐ như đã được Chơn Lý miêu tả, thì nội dung chính của một đời tu vẫn là bộ ba Giới-Định-Tuệ, một mô thức vô cùng căn bản. Bộ ba này là khuôn vàng thước ngọc, bất di bất dịch, dù nơi này nơi kia có thay đổi chút ít về tên gọi. Câu hỏi có thể được đặt ra là: Phải chăng Bát chánh đạo trong Chơn Lý chỉ là một sự lặp lại? Câu trả lời: Đúng, đó là một sự lặp lại, nhưng người đọc cần phải thưa thêm rằng nhận định đó tuy đúng nhưng không đúng hoàn toàn, vì thực sự mà nói đó không phải chỉ là một sự lặp lại đơn thuần. Không phải sự lặp lại của cái máy thâu âm và phát ra trở lại, hay của cái máy photocopy sao chép thuần túy. Nhìn từ định nghĩa BCĐ theo khung giáo khoa, học thuật, hàn lâm được ghi chép trong những từ điển Phật học, hay những bộ Bách khoa toàn thư Phật học thì sẽ thấy BCĐ như được giảng giải trong Chơn Lý là sự lặp lại có sáng tạo, có điểm nhấn và có chứa đựng yếu tố năng động của một dạng Phật giáo sống động, phát triển. Thật ra khi nói "yếu tố năng động" thì đã dùng cách nói giảm nhẹ. Nói đúng hơn thì phải nói những từ mạnh hơn như "tinh thần năng động" hay "chủ trương năng động" thậm chí là "tông chỉ năng động" hay "tuyên ngôn năng động" của Chơn Lý.

Từ góc nhìn rộng như vậy, người đọc xin quay lại và khép góc để chi tiết hơn, qua đó nói rõ hơn về chỗ sáng tạo, điểm nhấn và yếu tố năng động.

Chỗ sáng tạo dễ thấy nhất và xuyên suốt tác phẩm Chơn Lý là đưa 8 chi của BCĐ vào khung thời gian, gồm 8 giai đoạn của một đời người tu hành từ khi xuất gia đến khi thành chánh quả. Khi đưa vào khung thời gian như vậy dĩ nhiên phải cố cượng ở một mức độ nào đó. Theo cá nhân người đọc, nếu phải phân chia cuộc đời của người tu thành từng giai đoạn thời gian theo lộ trình của con đường BCĐ thì cách phân đoạn trùng với trật tự thời gian trước sau của các chi BCĐ như vậy vẫn là cách phân đoạn thuận hợp nhất. Điểm sáng tạo này có một hiệu quả tích cực thực tiễn là giúp cho hành giả trả lời câu hỏi: Bây giờ là lúc cần làm gì? Thí dụ, sau khi xuất gia hành giả có thể băn khoăn về công việc chủ yếu cần làm kế tiếp. Chơn Lý giải tỏa chỗ băn khoăn đó bằng việc nêu lên giai đoạn thứ hai là: ... Chiêm nghiệm, sưu tầm chơn lý, để được trí huệ, phải ở nơi chỗ vắng, núi, rừng, vườn một mình ít lâu. Chúng ta có thể hiểu như sau: Sau khi xuất gia người tu phải ở nơi chỗ vắng, cụ thể như núi, rừng, vườn một mình ít lâu để sưu tầm chơn lý, để được trí huệ. Khi hướng dẫn như vậy thì Chơn Lý đã có vai trò của một người thầy dẫn dắt, ít ra là đưa ra một gợi ý cho người học trò đang trong tâm trạng lơ mơ 'không biết làm gì'. Trong thời hiện đại hôm nay, xin được nói thêm rằng chúng ta đừng nên hiểu câu Chơn Lý trên theo nghĩa đen là phải đi kiếm núi rừng để ở, mà có thể hiểu rằng lúc mới xuất gia thì hãy sống tùy theo duyên cảnh cụ thể nhưng với tinh thần viễn ly, tránh tiếp xúc với thân quyến, với tha nhân, với xã hội để tập trung vào việc tìm học và chiêm nghiệm ý nghĩa chân chính của giáo lý. Nhìn từ góc độ của trật tự Giới-Định-Tuệ, chúng ta có thể quay lại câu chuyện đã bàn luận trước đây rằng trật tự của BCĐ từ điểm khởi đầu Chánh Kiến (Tuệ) đến Chánh Nghiệp (Giới) và kết thúc ở Chánh Định (Định) là trật tự Tuệ-Giới-Định. Nhắc lại câu chuyện trên, người đọc muốn nói rằng trật tự Tuệ-giới-định không hẳn là hoàn toàn sai hay xáo trộn. Trật tự Tuệ-giới-định trong BCĐ có giá trị riêng của nó, nhất là khi nói về một đời người tu, từ thời kỳ đầu rời gia đình xuất gia đến thời kỳ sắp về với Phật.

Điểm nhấn trong cách trình bày BCĐ là tinh thần cần mẫn chịu khó chịu khổ của đời sống tu trì thể hiện qua cách định nghĩa Chánh Nghiệp và ảnh hưởng của cách định nghĩa như vậy đối tới Chánh Mạng. Nói gọn, Chánh Nghiệp chính là điểm nhấn hay điểm nhấn chính là Chánh Nghiệp (văn cú của người đọc lâu ngày tập nhiễm văn phong của Chơn Lý!!!). Để cụ thể hóa điểm nhấn Chánh Nghiệp, chúng ta có thể dùng cách đếm chữ, danh từ khoa học cao sang thì gọi là phương pháp thống kê. Cộng tất cả chữ dùng để định nghĩa Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Tinh Tấn và Chánh Niệm chúng ta có 110 chữ. Trong khi đó chỉ để định nghĩa một mình Chánh Nghiệp mà thôi thì Chơn Lý đã dùng đến 139 chữ. Nói gọn, một mình định nghĩa của Chánh Nghiệp đã to hơn định nghĩa của 4 chi BCĐ khác gộp lại. Nhân đây xin nói thêm một bước. Sự thanh tịnh của Tăng-già được hình thành dựa trên sự thanh tịnh của từng cá nhân vị Tăng. Sự thanh tịnh của từng cá nhân vị Tăng chủ yếu đặt trên Chánh Nghiệp của vị ấy. Mối tương quan giữa Chánh Nghiệp và Giới là mối tương quan hữu cơ. Có Chánh Nghiệp thì có giới, có giới thì phải có Chánh Nghiệp. Giới và Chánh Nghiệp là hai mặt của cùng một chỉnh thể. Người viết tâm đắc với cách trình bày giới theo kiểu nhật dụng đơn giản theo năm nội dung là, Giới bổn Patimokkha, Giới thu thúc lục căn, Giới tiết độ ăn uống, Giới chú tâm cảnh giác và Giới chánh niệm tỉnh giác.

Từ thuở đầu lập đạo, Tổ sư Minh Đăng Quang đã quyết thiết lập một hàng ngũ Tăng sĩ thanh tịnh làm biểu mẫu, tiêu chí và làm trụ cột cho Giáo pháp. Ở một mức độ đáng kể, Ngài đã thành công. Lớp đệ tử đầu tiên của Tổ đã thể hiện được ý chí của người thầy. Tuy có hạn chế ở mặt này mặt khác nhưng đời sống phạm hạnh, thanh khiết, thậm chí là thanh bần trọn vẹn đến độ kinh ngạc trong đời sống du phương hóa đạo. Ngày ăn một bữa ngọ do khất thực mà có, không giữ tiền bạc hay vật gì quý giá, không có tài sản riêng - dù là một ngôi tịnh xá đơn sơ hay một am cốc gỗ tạp mái lá cũng không thuộc về tài sản riêng của một vị xuất gia nào cả. Hình ảnh đó đã để lại một dấu ấn khá đậm nét trong tâm tư của những người có duyên mến đạo, những người có tiếp xúc nương theo tu tập, và cả những người tương đối bàng quan hơn trong xã hội. Tổng thể bức tranh Phật giáo Miền Nam Việt Nam thời bấy giờ, tức là từ những năm 50, có người đã tóm tắt thành ba nét chính (số ba là con số khá dễ chịu). Nét thứ nhất là Phật giáo Đại thừa, nét thứ hai là Phật giáo Nguyên thủy, và nét thứ ba là Phật giáo Khất sĩ. Phật giáo Đại thừa được đặt thêm một tên hiệu là Phật tâm tông, Phật giáo Nguyên thủy cũng nhận được danh hiệu là Pháp tánh tông, và Phật giáo Khất sĩ được gọi là Tăng tịnh tông. Ai ngờ câu chuyện đặt tên hiệu của những năm 1950 đã được cụ thể hóa trong cơ cấu hình thành nên Giáo hội Phật giáo Việt Nam sau đó 30 năm với ba hệ phái. Như vậy người đọc mạn phép nói rằng Tăng tịnh tông là điểm nhấn, là linh hồn, là tinh hoa của Giáo pháp Khất sĩ trong bức tranh toàn cục Phật giáo Việt Nam thời bấy giờ - một thời đại nhiễu nhương, phân hóa, đất nước ngửa nghiêng vì binh đao loạn lạc.

Việc Tổ sư Minh Đăng Quang đã quyết đào tạo nhân sự và xây dựng một hàng ngũ Tăng sĩ thanh tịnh làm biểu mẫu, tiêu chí và làm trụ cột cho Giáo pháp, đây rõ ràng không phải là công việc ngẫu nhiên, tình cờ hay do cảm hứng nhất thời. Việc làm đó càng không phải do thiên cơ, thần khải hay nhận 'sắc lịnh', nhận 'điển quang' hay 'giáng cơ' từ một ông thánh hay một bà thần vô hình có vị trí nào đó trong hệ thống thần thánh đầy quyền lực cứu nhân độ thế (Ở đây người đọc không hướng đến việc phủ định toàn bộ hay hạ thấp mọi giá trị sử dụng của cảm hứng, thiên cơ, thần quyền hay điển giáng, mà chỉ nhằm minh định tính chất của một việc làm có tầm quan trọng ở mức vĩ mô mà thôi). Việc làm đó rõ ràng là đã có gốc gác, động cơ và có lý tưởng dựa trên một sự đắn đo trước thực tế không mấy khả quan, một suy nghĩ vì đời, một tư tưởng vì chơn lý Phật-đà đang trong thời kỳ sa sút đáng kể về mặt phạm hạnh, cụ thể là mặt Chánh Nghiệp. Suy nghĩ như vậy, tư tưởng như vậy được thể hiện qua điểm nhấn mà người đọc nhận ra trong định nghĩa chi Chánh Nghiệp trong BCĐ. Suy nghĩ thì ai cũng có ít nhiều, thậm chí rất nhiều và quá nhiều, nhưng đưa được điều đã suy nghĩ ra thực hiện và thực hiện thành công, thành công ở tầm vĩ mô thì có thể nói quả thật là điều xưa nay khan hiếm.

(còn tiếp)