Đọc Chơn Lý "Bát Chánh Đạo" phần 8

8chanhdao newChánh văn:

5.- Chánh mạng: là không nuôi loài vật để bán, không mua bán loài vật, không mua bán người (sự mai dong). Không mua bán thuốc độc, không mua bán đồ binh khí, không mua bán các thứ rượu để nuôi sống, không sống theo lẽ ác tà, không vì lẽ sống của mình mà giết hại mạng sống khác.

Bàn thảo:

Kinh Trường Bộ có định nghĩa về Chánh mạng, “Này các Tỷ-kheo, thế nào là Chánh mạng? Này các Tỷ- kheo, ở đây vị Thánh đệ tử từ bỏ tà mạng, sinh sống bằng chánh mạng. Này các Tỷ-kheo, như vậy gọi là Chánh mạng.” Ở chi phần Chánh nghiệp, kinh tạng sơ kỳ dùng phương pháp liệt kê chi tiết; còn ở chi phần Chánh mạng, kinh tạng sơ kỳ lại nói gọn hơn và Chánh mạng được định nghĩa, “từ bỏ tà mạng, sinh sống bằng Chánh mạng... như vậy gọi là Chánh mạng”. Cách định nghĩa này đòi hỏi người nghe phải có vốn liếng kiến thức sẵn để tự trả lời ít nhất hai câu hỏi: Tà mạng là gì? Như thế nào là sinh sống bằng Chánh mạng? Trường hợp không có vốn liếng kiến thức sẵn sẽ phải tìm tòi nơi khác để có câu trả lời cho hai câu trên.

“Đại kinh bốn mươi” thuộc Trung Bộ Kinh chính là một nơi khác thích hợp để có thể tìm đến để bổ sung định nghĩa của Chánh mạng:

“Và thế nào, này các Tỷ-kheo, là chánh mạng? Chánh mạng, này các Tỷ-kheo, Ta nói có hai loại: có loại chánh mạng, này các Tỷ-kheo, hữu lậu, thuộc phước báo, đưa đến quả sanh y; có chánh mạng, này các Tỷ-kheo, thuộc bậc Thánh, vô lậu, siêu thế, thuộc đạo chi.

Và thế nào, này các Tỷ-kheo là chánh mạng hữu lậu, thuộc phước báo, đưa đến quả sanh y? Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử bỏ tà mạng, nuôi sống với chánh mạng, như vậy, này các Tỷ-kheo là chánh mạng, hữu lậu, thuộc phước báo, đưa đến quả sanh y.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là chánh mạng, thuộc bậc Thánh, vô lậu, siêu thế, thuộc đạo chi? Cái gì, này các Tỷ-kheo thuộc về từ bỏ, từ đoạn, từ khước, viễn ly tà mạng đối với một vị tu tập Thánh đạo, thuần thục trong Thánh đạo. Có vô lậu tâm, có Hiền Thánh tâm; như vậy, này các Tỷ-kheo là chánh mạng, thuộc bậc Thánh, vô lậu, siêu thế, thuộc đạo chi.”

“Kinh Phạm võng” thuộc Trường Bộ KinhKinh Di giáo thuộc Hán tạng trình bày rất chi tiết những hành vi thuộc về tà mạng như buôn bán vũ khí, chất độc, bói toán, xem sao giải hạn, phù chú, phép thuật, bùa ngải, kiết hung, địa lý, phong thủy. Tại sao những việc tệ lậu như vậy tồn tại dai dẳng hàng ngàn năm và có thể kéo dài khoảng một ngàn năm nữa? Câu trả lời bộc trực có lẽ là: Tại vì những việc đó liên quan tới tiền bạc, tài sản, quyền lực và vị thứ trong xã hội và nhiều thứ trần đời nữa không tiện nêu lên. Câu chuyện tiền bạc, tài sản, quyền lực và vị thứ trong xã hội chi phối đời sống tu tập của Tăng sĩ là câu chuyện dài nhiều tập. Nếu đó là vấn nạn thì không phải là loại vấn nạn nhất thời của thời hiện đại hay hậu hiện đại mà đã từng là vấn nạn từ thời xa xưa, thời cổ đại, trung đại. Vấn nạn đã mang tính trường kỳ thì chuyện tìm ra và thực hiện giải pháp để hóa giải thậm chí chỉ khiêm tốn là để sống chung nhưng dễ thở hơn với vấn nạn cũng phải trường kỳ. Thanh tịnh hóa pháp khất thực, uy nghiêm hóa pháp khất thực với những quy phạm chặt chẽ, những quy định nhất quán, những lề luật ràng buộc là một trong những giải pháp trường kỳ cần phải làm trường kỳ. Làm cho đến khi hết thảy chúng sanh đồng thành Phật đạo[1].

Chánh văn:

6.- Chánh tinh tấn là ráng giữ không cho sự ác sắp phát khởi ra được, ráng dứt sự ác đã có trong thân tâm, ráng làm những sự lành mà mình chưa làm, ráng làm những sự lành mà mình sẵn có cho được thêm lên, ráng nghe, học hỏi, giảng dạy, tu tịnh, giữ giới.

Bàn thảo:

“Kinh Đại niệm xứ” thuộc Trường Bộ Kinh, “Kinh Phân biệt về sự thật” thuộc Trung Bộ Kinh, và Tương Ưng Bộ Kinh đều gần như đồng nhất với nhau trong cách định nghĩa Chánh tinh tấn như sau:

“Này các Tỷ-kheo, và thế nào là Chánh tinh tấn? Này các Tỷ-kheo, ở đây Tỷ-kheo, đối với các ác, bất thiện pháp chưa sanh, khởi lên ý muốn không cho sanh khởi; vị này nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, trì chí. Ðối với các ác, bất thiện pháp đã sanh, khởi lên ý muốn trừ diệt, vị này nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, trì chí. Ðối với các thiện pháp chưa sanh, khởi lên ý muốn khiến cho sanh khởi; vị này nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, trì chí. Ðối với các thiện pháp đã sanh, khởi lên ý muốn khiến cho an trú, không cho băng hoại, khiến cho tăng trưởng, phát triển, viên mãn. Vị này nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, trì chí. Này các Tỷ-kheo, như vậy gọi là Chánh tinh tấn.”

Tạm đặt tên Tinh-tấn-bốn-chi (TTBC). Ngoài TTBC, kinh tạng sơ kỳ còn có dạng Tinh-tấn-năm-chi (TTNC) được ghi lại trong “Đại kinh Bốn Mươi” thuộc Trung Bộ Kinh như sau:

1. Ai tinh tấn đoạn trừ tà kiến, thành tựu chánh kiến; như vậy là chánh tinh tấn của vị ấy.

2. Ai tinh tấn đoạn trừ tà tư duy, thành tựu chánh tư duy, như vậy là chánh tinh tấn của vị ấy.

3. Ai tinh tấn đoạn trừ tà ngữ, thành tựu chánh ngữ; như vậy là chánh tinh tấn của vị ấy.

4. Ai tinh tấn đoạn trừ tà nghiệp, thành tựu chánh nghiệp; như vậy là chánh tinh tấn của vị ấy.

5. Ai tinh tấn đoạn trừ tà mạng, thành tựu chánh mạng; như vậy là chánh tinh tấn của vị ấy.[2]

Cần ghi nhận Chơn lý chỉ đề cập dạng TTBC mà không đề cập đến dạng TTNC. Ở đây, chúng ta tạm lướt qua dạng TTNC và chỉ bàn đến dạng TTBC. Để dễ so sánh và trực quan hơn, xếp TTBC trong Kinh tạng và TTBC trong Chơn lý song song, chúng ta có bảng đối chiếu như sau:

KINH TẠNG CHƠN LÝ
  • Đối với các ác, bất thiện pháp chưa sanh, khởi lên ý muốn không cho sanh khởi, vị này nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, trì chí.
  • Ðối với các ác, bất thiện pháp đã sanh, khởi lên ý muốn trừ diệt, vị này nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, trì chí.
  • Ðối với các thiện pháp chưa sanh, khởi lên ý muốn khiến cho sanh khởi; vị này nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, trì chí.
  • Ðối với các thiện pháp đã sanh, khởi lên ý muốn khiến cho an trú, không cho băng hoại, khiến cho tăng trưởng, phát triển, viên mãn. Vị này nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, trì chí.
  • Ráng giữ không cho sự ác sắp phát khởi ra được.
  • Ráng dứt sự ác đã có trong thân tâm.
  • Ráng làm những sự lành mà mình chưa làm.
  • Ráng làm những sự lành mà mình sẵn có cho được thêm lên.
  • Ráng nghe, học hỏi, giảng dạy, tu tịnh, giữ giới.

Điều có thể thấy ngay là Kinh tạng có cấu trúc câu dài và khúc chiết hơn, trong khi Chơn lý thì có tính nắm bắt và cô đọng. Về phương diện định danh, Kinh tạng gọi cái phản diện là “Cái ác, bất thiện pháp”, gọi cái chính diện là “Thiện pháp”. Chơn lý gọn và đối xứng khi gọi hai cái là “Sự lành” và “Sự ác”. Câu hỏi có thể đặt ra: Tại sao? Câu trả lời mang tính suy luận: Văn hóa Ấn Độ cổ đại không đặt nặng tính đối xứng, biền ngẫu trong khi nền văn hóa Khổng giáo Việt Nam mà Chơn lý chịu ảnh hưởng lại xem tính đối xứng và biền ngẫu rất quan trọng.

Vì mang tính khúc chiết nên chúng ta có thể phân tích mạch ý tưởng thành ba bước. Bước một là nêu lên bốn đối tượng cần phải ứng xử theo cấu trúc A, B, C, D. Bước hai là nêu lên cách ứng xử: Khởi lên ý muốn A’, B’, C’, D’, tương ứng theo trật tự với bốn đối tượng trên. Và, bước ba là nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, trì chí.

Điều khá thú vị là Chơn lý trong trường hợp này tỏ ra rất kiệm lời. Thay vì tám từ trong cụm từ “Nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, trì chí”, Chơn lý chỉ dùng một từ duy nhất “Ráng”. Và, thay vì đặt ở cuối câu như là một hậu tố mang tính quyết định thì Chơn lý lại đặt ở đầu câu mang tính dẫn đạo. Ráng A’, B’, C’ và D’.

Trong bốn đối tượng của Tinh tấn có hai đối tượng mang tính tiêu cực và hai đối tượng tích cực; có thể gọi là phản diện và chính diện, về mặt đạo đức gọi là sự lành và sự ác, cái lành và cái ác. A và B mang tính tiêu cực, C và D mang tính tích cực. Tiêu cực thì ‘Ráng’ chế tài, cắt giảm, thậm chí là trừ diệt; tích cực thì nuôi dưỡng, bồi đắp, phát triển. Nhìn từ lăng kính triết học để phân biệt cái nào là chất và cái nào là lượng, hay nói nôm na hơn, cái nào là da thịt và cái nào là xương tủy. Theo nguyên tắc, cái nào biến chuyển nhiều là da thịt, cái nào khó biến chuyển hay bất biến là xương tủy; có thể nói ngắn gọn là biến số và hằng số. Nhìn lại bảng kê ở trên chúng ta thấy Kinh tạng có một hằng số dành cho Chánh tinh tấn là “Vị này nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, trì chí.” Trong khi đó Chơn lý có một hằng số khác: “Ráng nghe, học hỏi, giảng dạy, tu tịnh, giữ giới.” Đây chính là yếu tố đặc trưng, cốt lõi, có thể nói là “linh hồn” hay cái “thần” của Chánh tinh tấn hay TTBC. Sở dĩ chi thứ sáu của Bát thánh đạo có tên là Tinh tấn là nhờ vào cái linh hồn hay cái thần này.

Điều khác biệt: Trong Kinh tạng thì hằng số gắn bó chặt chẽ với từng đối tượng về phương diện nội dung lẫn hình thức. Trong khi đó Chơn lý cho hằng số đứng riêng một mình như là một chi 4’ (bốn phẩy) của Chánh tinh tấn. Chi 4’ này vừa khác biệt về mặt hình thức trình bày, vừa khác biệt về nội dung được chuyển tải, đó là những nội dung chung chung; không phải là không liên quan nhưng mối liên quan ở đây không trực tiếp và sát sao với Chánh tinh tấn: Nghe, học, dạy, tu thiền và giữ gìn giới luật. Đây là phong cách hay mô thức mà Chơn lý thường xuyên thể hiện: Trong lúc đang khép lại một đề tài hẹp hay một khung cửa nhỏ thì cũng là lúc mở ra một đề tài khác, một khung cửa khác, thường thì rộng hơn, tổng quát hơn. Ở đây, Chơn lý khép lại khung nhìn gói gọn trong giáo lý Tinh tấn giới hạn bó hẹp và Chơn lý lập tức mở ra một khung nhìn tổng quan rộng rãi hơn về nội dung tu tập. Nói nôm na, tu là phải cố gắng, phải “ráng”.

Một tiêu chí căn bản để nói về tinh tấn là đoạn đối đáp giữa đức Phật với Tỷ-kheo Sona đang trong trạng thái thối chí ngã lòng. Xin được dùng tiêu chí căn bản quan trọng này để làm đoạn kết cho Chánh tinh tấn[3].

- Thầy nghĩ thế nào, này Sona? Có phải thuở trước, khi còn là gia chủ, Thầy giỏi đánh đàn tỳ-bà có dây?

- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

- Thầy nghĩ thế nào, này Sona? Khi những sợi dây đàn tỳ-bà của Thầy quá căng thẳng, trong khi ấy, đàn tỳ-bà của Thầy có phát âm hay sử dụng được không?

- Thưa không, bạch Thế Tôn.

- Thầy nghĩ thế nào, này Sona? Khi những sợi dây đàn tỳ-bà của Thầy quá chùng, trong khi ấy, đàn tỳ-bà của Thầy có phát âm hay sử dụng được không?

- Thưa không, bạch Thế Tôn.

- Nhưng này Sona? Khi những sợi dây đàn tỳ-bà của Thầy không quá căng thẳng, không quá chùn xuống, nhưng vặn đúng mức trung bình, trong khi ấy, đàn tỳ-bà của Thầy có phát âm hay sử dụng được không?

- Thưa được, bạch Thế Tôn.

- Cũng vậy, này Sona, khi tinh cần tinh tấn quá căng thẳng, thời đưa đến dao động; khi tinh cần tinh tấn quá thụ động, thời đưa đến biếng nhác. Do vậy, này Sona, Thầy phải an trú tinh tấn một cách bình đẳng, thể nhập các căn một cách bình đẳng, rồi tại đấy nắm giữ tướng.

- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.


[1] Giải pháp trường kỳ khác là những khóa tu tập mà việc tham gia, đa số trường hợp là tự nguyện, nhiều trường hợp được khuyến khích bằng vật lực, tài lực..., vẫn có trường hợp là quy định. Dĩ nhiên, một số rất ít, khoảng một phần ngàn trường hợp là phải áp dụng phương thức hơi cưỡng chế một chút! Nếu không chịu thì thôi.

[2] Điều này có thể khiến cho người đọc đặt ra câu hỏi: Tại sao lại dừng ở Chánh mạng? Giả sử trường hợp văn mạch không dừng thì sẽ có những đoạn như sau:

6. Ai tinh tấn đoạn trừ tà niệm, thành tựu Chánh niệm; như vậy là Chánh tinh tấn của vị ấy.

7. Ai tinh tấn đoạn trừ tà định, thành tựu Chánh định; như vậy là Chánh tinh tấn của vị ấy. Và, nếu bỏ qua căn bản của luận lý thì sẽ thêm đoạn:

8. Ai tinh tấn đoạn trừ tà tinh tấn, thành tựu Chánh tinh tấn; như vậy là Chánh tinh tấn của vị ấy.

[3] Tăng Chi Bộ Kinh, Chương Sáu pháp.