Đôi điều nhận định về Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử

 * Tham luận của HT. THÍCH GIÁC TOÀN

Phó Chủ tịch HĐTS kiêm Phó Ban Thường trực Ban GDTN TƯ GHPGVN

Trước hết, hẳn mọi người đều công nhận: Đất nước ta, Phật giáo đời Trần, Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đã thịnh vượng, rực rỡ nhất so với tất cả các thời kỳ trước. Trần Nhân Tông là vị vua, vị Thái Thượng hoàng anh minh, tài đức, có công trạng lớn lao đối với đất nước và là vị Đại Thiền sư đạt ngộ cao vời, mở rộng mạch thiền, sáng lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử của Việt Nam, là vị Tổ thiền của một dòng thiền rất hưng thịnh mà sử sách còn ghi lại được.

Nhân Đại lễ tưởng niệm 705 năm ngày nhập Niết bàn và khánh thành tôn tượng Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông, chúng ta hãy cùng trao đổi, soi sáng một vài sự kiện liên hệ đến nhà vua – Thiền sư Sơ Tổ Trúc Lâm Yên Tử. Đồng thời, có một số điều mà chúng ta cần nên suy gẫm để có sự đánh giá đúng đắn, khách quan với những cơ sở chứng liệu mang tính khoa học.

1. Có phải Phật giáo đời Trần, Thiền Trúc Lâm Yên Tử mang màu sắc đặc biệt Việt Nam, với tinh thần dân tộc, ý chí tự cường, dũng mãnh chống quân xâm lược?

Trong kinh điển Phật giáo Nguyên thủy và Đại thừa, kể cả Như Lai thiền và Tổ sư thiền, đều không có chỗ nào nói đến lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, tự lực tự cường. Trong văn học Phật giáo Việt Nam, kể cả trong các tác phẩm của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, cũng không hề thấy nhắc đến đặc điểm yêu nước, tính dân tộc… Cụ thể, hãy xem kỹ các tác phẩm của đệ nhất Tổ Trúc Lâm Trần Nhân Tông, đệ nhị Tổ Pháp Loa, đệ tam Tổ Huyền Quang… để xác minh điều đó.

Thực ra, thiền Nguyên thủy cũng như thiền Đại thừa đều dựa vào giáo lý Không, Vô ngã, Duyên khởi… đưa đến sự thực hành giáo lý ấy bằng thái độ vô chấp, trực tiếp, bằng thái độ ung dung, tự tại. Riêng Thiền tổ sư, gần một ngàn năm trăm năm qua, Phật giáo Việt Nam đã áp dụng pháp môn của Sơ tổ Bồ Đề Đạt Ma và có thêm phương pháp, biện pháp giảng dạy, trao truyền trực tiếp, từ tâm sang tâm, không qua ngôn ngữ văn tự thông thường. Và có thể nói, nếu thiếu các tính chất này hoặc thêm vào các tính chất khác thì đấy không thuộc Thiền Phật giáo.

Tính dân tộc, truyền thống yêu nước không phải là đặc sắc của Phật giáo đời Trần cũng như của Phật giáo qua các thời đại. Đó là phẩm chất của dân tộc ta, gồm những cộng đồng dân tộc, tôn giáo và không tôn giáo, chứ không phải của riêng Phật giáo; và càng không phải là của riêng Phật giáo đời Trần. Trong suốt một ngàn năm kể từ thế kỷ I tây lịch, nước ta chịu sự đô hộ của phương Bắc, có ít nhất mười hai cuộc khởi nghĩa giành độc lập, lãnh đạo là những nhà yêu nước, có tinh thần độc lập, tự cường, và đã thành công, lập nên các triều đại, dù ngắn ngủi nhưng vẫn là niềm tự hào về lòng yêu nước, về khí phách anh hùng của dân tộc: Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Bí, Triệu Quang Phục, Khúc Thừa Dụ…, đặc biệt là Ngô Quyền, người đã thực sự thành lập một triều đại mới, chấm dứt một nghìn năm Việt Nam bị phương Bắc đô hộ. Như vậy, tinh thần yêu nước, độc lập, tự cường, chống ngoại xâm không phải của riêng Phật giáo mà là của toàn dân.

Nhưng ở đây, có một điều mà chúng ta có thể cùng cảm nhận và khẳng định đó là tinh thần yêu nước thương dân, vì dân đoàn kết chống giặc ngoại xâm của dân tộc đến thời đại Ngô – Đinh – Lê – Lý – Trần thì được các thiền sư Phật giáo Việt Nam kết hợp và vận dụng đưa nó đạt lên một tầm cao mới như là một thành tựu vượt đỉnh.

2. Phải chăng Đại sĩ Trúc Lâm Trần Nhân Tông gả Công chúa Huyền Trân cho Chế Mân để đổi lấy hai châu Ô, Lý nhằm mở nước về phía Nam bằng con đường hòa bình?

Sự việc này được ghi trong Đại Việt Sử ký Toàn thư của Nho gia Ngô Sĩ Liên mà Ngô Sĩ Liên lại thu thập các truyền thuyết trong dân gian rồi từ đó phê phán việc Đại sĩ Trúc Lâm gả Huyền Trân cho Chế Mân.

Tháng ba năm 1301, Thái Thượng hoàng Trần Nhân Tông vừa là Đệ nhất Tổ Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử sang Chiêm Thành để viếng thăm và giao hảo với Quốc vương Chăm là Chế Mân. Chế Mân bấy giờ cũng là một Thiền sư, Viện chủ Tu viện Đồng Dương rất lớn. Ý đồ chính trị nếu có của Thái Thượng hoàng là Việt-Chiêm sống chung hòa bình trong tinh thần Phật giáo nên hứa gả Công chúa Huyền Trân cho Chế Mân. Chắc chắn không có điều kiện trao đổi hôn nhân ấy với hai châu Ô-Lý. Chế Mân hiến hai châu Ô-Lý này là về sau, do tự nguyện (hoặc có lập luận cho rằng triều đình của vua Trần Anh Tông nài ép) và khi đoàn của triều đình Chăm qua nạp sính lễ thì Trúc Lâm Đại sĩ đang hành đạo và đã là Đệ nhất Tổ tại Trúc Lâm Yên Tử.

3. Phải chăng việc Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông gả Công chúa Huyền Trân cho Chế Mân là một sai lầm?

Thật là vô lý khi có một số tài liệu nghiên cứu bảo rằng khi biết Công chúa Huyền Trân sẽ phải lên giàn hỏa chết theo Chế Mân, triều đình Đại Việt vội vã cử phái đoàn lấy cớ sang phúng điếu để rồi tướng Trần Khắc Chung cướp Công chúa, dùng thuyền nhẹ đưa về Đại Việt, lênh đênh đâu đó hàng tháng mới về tới quê hương. Nhiều tài liệu sử tại Pháp và tài liệu sử của người Chăm cũng như lập luận của nhà nghiên cứu sử trong đó có các tác giả Việt Nam gần đây đã chứng minh rằng người Chăm (vốn theo chế độ mẫu hệ) không có tục vợ chết theo chồng. Thái Thượng hoàng Trần Nhân Tông và cả triều đình Đại Việt hẳn đã biết điều ấy khi quyết định đưa Huyền Trân sang làm vợ Chế Mân. Đại sĩ Trúc Lâm sang thăm Chiêm Thành đã ở đó suốt tám tháng, hẳn biết rõ tục lệ người Chăm, biết rõ cả cuộc sống trong cung điện của hai bà Hoàng hậu của Chế Mân và con người Chế Mân khi quyết định hứa gả Huyền Trân.

Sử Chăm chép Chế Mân người tuấn tú, khôi ngô, da sáng… Chế Mân lại là vua một nước cường thịnh không kém gì nhiều so với Đại Việt; Hải quân Chăm đã hai lần đánh thắng đoàn tầu thuyền của Nguyên Mông xâm lược. Về sau, Trần Anh Tông phá giao ước hòa bình, đem quân chinh phạt Chiêm quốc sau khi Đại sĩ Trúc Lâm viên tịch thì quân Chiêm nhiều lần sang đánh phá, chiếm đất nhiều nơi của Đại Việt; thậm chí Chế Bồng Nga đã bốn lần đánh chiếm kinh thành Thăng Long. Như vậy, cuộc hôn nhân giữa một công chúa em vua Đại Việt với vị vua Chiêm Thành tài ba đức độ có phong cách tốt đẹp của một nước khá hùng mạnh là hoàn toàn xứng đáng. Giả như xứ Chăm có sẵn phong tục buộc vợ phải chết theo chồng thì một nhà vua Phật giáo như Chế Mân hẳn không bao giờ chấp nhận mà cũng đã tìm cách biến cải (trước kia vua Chăm Pô Rômê có ba hoàng hậu, trong đó hai vị là người Việt, vua băng hà, chẳng có bà hoàng hậu nào phải lên giàn hỏa cả).

Sự kiện phái đoàn Đại Việt lấy cớ phúng điếu Chế Mân và đến Chiêm quốc sáu tháng sau khi Chế Mân băng hà để cướp Huyền Trân đem về Đại Việt quá là vô lý. Nếu phải chịu chết trên giàn hỏa thì chỉ trong vòng bảy ngày tục lệ này đã phải được thực hiện; và năm tháng sau, khi phái đoàn Đại Việt đến đất Chiêm thì Huyền Trân đã thành tro lâu rồi, còn đâu mà được đưa về nước! Lại nữa, một phái đoàn nước ngoài đến, nhất là phái đoàn của Đại Việt là một quốc gia đang rất thân thiện, thì bản quốc phải tiếp đón, cung phụng, cho người canh gác an ninh… tướng Trần Khắc Chung làm sao mà một mình hay với vài người lại tìm đến Đệ tam hoàng hậu Paramecvari (tức Huyền Trân) để bí mật rời đất Chăm về Đại Việt được? Hoàng hậu Huyền Trân ở đâu, đi đâu chỉ một mình không kẻ bảo vệ, hầu hạ để được tướng Khắc Chung bí mật mang đi hay sao? Hải quân Chăm đang hùng mạnh, sao để lọt thuyền Khắc Chung trốn thoát?

Lại nữa, tướng Trần Khắc Chung là một danh tướng, đức độ, tài ba được cả triều đình kính phục, lại là thầy dạy Công chúa Huyền Trân; Huyền Trân lại mới sinh hoàng tử Chế Đa-Da của Chiêm quốc, người hiền hậu lại có thể bỏ con ở lại Chiêm quốc, tư tình cùng Trần Khắc Chung mà rong chơi suốt mười tháng mới về đến quê nhà? Trái lại, sử người Chăm chép rằng Huyền Trân ở lại Chiêm quốc cho hết một năm, mãn tang chồng thì được phái đoàn Chiêm quốc trịnh trọng đưa cả hai mẹ con về lại bản quốc cùng với các tặng vật rất phong phú.

Tóm lại, một vài sự việc được ghi chép trong một số tài liệu về Huyền Trân sau khi Chế Mân băng hà là không đúng, vô lý. Những rắc rối có vẻ như đổ thừa cho nguyên nhân từ sự việc Thái Thượng hoàng Trần Nhân Tông chủ trương gả Huyền Trân cho Chế Mân. Vì sự việc đã không đúng, không có thực nên việc quy trách nhiệm cho Đại sĩ Trúc Lâm về việc gả Huyền Trân và về những rắc rối kia là hoàn toàn dựa vào cơ sở lý luận, thiếu thực tiễn khách quan.

4. Việc thống nhất Phật giáo đời Trần là một dấu ấn, một điểm son của Phật giáo Việt Nam

Thống nhất Phật giáo là nguyện vọng chung của Tăng Ni Phật tử. Nhưng nội dung của việc thống nhất vẫn là vấn đề khó giải quyết. Ví dụ, trước năm 1975, tại miền Nam, việc thống nhất được đề ra và đã được thực hiện nhưng không phải tất cả các hệ phái đều chịu hòa nhập chung một tổ chức và danh nghĩa thống nhất chỉ tồn tại một vài năm rồi cũng manh nha sự rạn nứt phân ly (1967).

Việc thống nhất Phật giáo đời Trần được xem là một thành tựu to lớn đối với Phật giáo Việt Nam; nhưng sau đó một thực tế khách quan đã hiển lộ, các thiền phái từ Tỳ-ni-đa-lưu-chi đến Vô Ngôn Thông và Thảo Đường vẫn phát triển và tồn tại. Chẳng những thế, các Thiền phái Lâm Tế, Tào Động đến nay vẫn còn truyền thừa, được ghi rõ trong rất nhiều tự phả? Ngược lại Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử bước sang thế kỷ 15, 16 trở đi thì dần dần mai một ẩn khuất dấu tích truyền thừa và phải đợi đến hậu bán thế kỷ 20 (1975) khi đất nước hòa bình độc lập, đời sống nhân dân dần dần đi vào ổn định… thì Phật giáo Việt Nam cũng từng bước được xương minh. Hòa thượng thiền sư Thích Thanh Từ - vị đạo sư xiểng dương Thiền tông và ngài tuyên bố phục hưng Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử với quyết tâm làm rạng rỡ Thiền phái Trúc Lâm trước thời đại và mai sau.

Ngày nay, trên khắp mọi miền đất nước, hệ thống Thiền viện Trúc Lâm như “tùng địa dũng xuất” hùng vĩ trang nghiêm với hàng ngàn Tăng Ni hành giả như được sự gia hộ ân quang của mười phương chư Phật, của Phật Hoàng Trần Nhân Tông và chư vị Bồ tát, Tổ sư Thiền phái Trúc Lâm ngày đêm tĩnh lặng hành trì, hộ độ chúng sanh.

***

Kết luận: Ý lực Phật Hoàng Trần Nhân Tông – Dòng suối pháp thiên thu

Hôm nay, giữa núi rừng Yên Tử trầm mặc nghiêm thiêng, chúng ta những người con thuộc thế hệ hậu sinh của Đức Điều Ngự Giác Hoàng đồng hướng về tưởng niệm, tìm hiểu soi sáng công hạnh tuyệt vời về cuộc đời Ngài và những hành xử mà Ngài đã phụng sự, dâng tặng lưu lại cho đạo pháp và đất nước quê hương.

Cuộc đời Ngài từ khi còn làm vua đến khi rời ngai vàng xuất gia làm Tăng tu tập, hành đạo là một bài học lớn phó chúc lại cho chúng ta. Từ thời niên thiếu, Ngài một lòng hiếu thuận thọ học trí tuệ tinh hoa của thế hệ cha ông và lớp người trên trước. Đến tuổi trưởng thành Ngài lên ngôi vua đem hết tâm lực phụng sự tổ quốc nhân dân và trực tiếp lãnh đạo chống giặc ngoại xâm Nguyên – Mông dù có lúc phải dấn thân trong sanh tử. Khi đất nước độc lập, hòa bình… Ngài nhường ngôi lại cho con, xuất gia hành đạo đem gương lành hành thiện phủ dụ, hóa độ bá tánh nhân sinh.

Dù thời duyên nào, tuổi tác nào, vị trí nào Ngài đều đem hết tâm lực, ý lực phụng sự chúng sanh đúng như lời Đức Phật dạy: “Này các Tỷ-kheo, hãy luôn du hành vì hạnh phúc cho quần chúng, vì an lạc cho quần chúng, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc, cho chư Thiên và loài Người”.

Mỗi năm, mỗi ôn lại cuộc đời và công đức phẩm hạnh Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông, chúng ta cảm nghe như ý lực, tâm lực Ngài đang phủ trùm lung linh núi rừng Yên Tử và đạo lực Ngài như “dòng suối pháp luân lưu” mãi mãi trong mát hiền đẹp thiên thu.

Núi rừng Yên Tử, 01/11/Quý Tỵ - 2013