Đôi dòng cảm niệm nhân ngày ra đời của đức Tổ sư

 
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Kính lạy Chư Phật Pháp Tăng mười phương ba đời chứng minh
Kính lạy Đức Tổ Sư khai sáng Hệ Phái Khất sĩ chứng minh
Kính bạch chư Hòa thượng, chư Thượng tọa chứng minh
Kính bạch quý Ni trưởng, quý Ni sư, chư Tôn đức Tăng Ni chứng minh.
Kính thưa toàn thể chư Phật tử hiện diện trong buổi lễ hôm nay.
Kính bạch chư Tôn đức!
Kính thưa liệt quý vị!
Hôm nay là lễ tưởng niệm ngày sinh nhật lần thứ 95 của Đức Tổ Sư, vị tổ khai sáng Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam. Trong giờ phút thanh tịnh trang nghiêm lắng đọng này, xin chư Tôn đức cho phép con được dâng lên đôi dòng tưởng niệm ân đức Tổ Sư.
Kính bạch Đức Tổ Sư thùy từ chứng giám!
Trải qua 63 năm, 63 mùa xuân mà Đức Tổ Sư vắng bóng, chư Tôn đức trong Hệ phái luôn khắc khoải hướng vọng về Người. Ngày Tổ Sư vắng bóng mãi là dấu ấn không phai trong hàng Tứ chúng đệ tử Hệ phái Khất sĩ, vì vậy hằng năm vào ngày 1/2AL chư Tôn đức Giáo phẩm trong các Giáo đoàn thuộc Hệ phái làm lễ tưởng niệm. Hôm nay, chư Tôn đức Giáo phẩm trong Hệ phái nói chung, trong Giáo đoàn 3 nói riêng, thành kính thiết lễ tưởng niệm ngày sinh của Tổ Sư, ngày đản sanh của một vị Thánh tăng, là một ngày hy hữu đối với những người con trong Hệ phái. Chúng con là hàng hậu học cháu chắt thuộc thế hệ thứ ba, thứ tư trong Tông môn Hệ phái, nhờ hành trì theo lời dạy của Tổ Sư mà có được niềm hỷ lạc trong cuộc sống tu học. Giờ đây, chúng con xin được ôn lại trang sử của Người với những hành trạng hết sức phi thường.
Kính bạch quý Ngài!
Chúng con vô cùng đầy đủ phước duyên, được xuất gia tu học trong Hệ phái Khất sĩ, được làm con cháu gái của Đức Tổ Sư, được sống yên bình trong vòng tay bảo bọc của chư Tôn đức, tất cả đều nhờ  ân đức của Đức Tổ Sư. Hôm nay, chúng con hạnh phúc bao nhiêu thì ngày trước Đức Tổ Sư gian nan vất vả bấy nhiêu. Cuộc đời Người nếu xuôi thuận, không dong ruổi, không vĩ đại thì làm sao trang sử huy hoàng của đời Người lưu truyền đến  hôm nay, để chúng con ngưỡng vọng và tôn thờ.
Người sinh ra vào ngày 26 tháng 9 năm Quý tỵ (1923), tại làng Phú Hậu, quận Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long, trong một gia đình trọng Nho kính Phật, được đặt tên là Nguyễn Thành Đạt, tự Lý Hườn. Thân phụ là cụ Nguyễn Tồn Hiếu và thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Tỵ (tự là Nhàn). Vào thời điểm ấy, nước nhà rơi vào bối cảnh đen tối, chiến tranh loạn lạc, ly tán. Có lẽ, vào thời điểm ấy, vì hạnh nguyện độ sanh cao cả mà một vị Bồ tát, một Hài nhi lịch sử đã giáng sanh tại miền Nam nước Việt, để rồi sau này  xuất gia tu theo Phật hoằng dương đạo pháp, trở thành Tổ Sư Minh Đăng Quang, vị Tổ  khai sáng Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam.
 Qua tiểu sử, Ngài có những điểm khác với người thường mà có phần giống Đức Phật. Phụ mẫu  sinh tất cả năm người con, Ngài là con út. Đối với bốn anh chị, cụ bà đều thọ thai và sinh nở bình thường, nhưng đến Ngài, cụ bà mang thai đến mười hai tháng mới khai hoa nở nhụy. Niềm vui chưa trọn, khi Ngài tròn mười tháng tuổi, cụ bà lâm trọng bệnh và qua đời, hưởng dương 32 tuổi. Ngài được bà nội và người cô chăm sóc, sau đó đến kế mẫu Hà Thị Song chăm lo giáo dưỡng, cho ăn học đến tuổi thiếu niên.
Thời thơ ấu, với tướng hảo quang minh, thông minh đĩnh đạt hạnh nết đã thuần chơn, lại tiếp nhận được ánh lửa đạo bừng sáng từ ông Nội (là ông Cay), đó là những nhân tố quan trọng khiến cho Lý Hườn trở thành Tổ Sư Minh Đăng Quang, con người lịch sử. Đối với Ngài, từ cái tên đời đến tên đạo, đều có một ẩn ý sâu xa, hàm tàng sự kỳ bí mầu nhiệm. “Lý Hườn sẽ Hườn Lý, Nguyễn Thành Đạt sẽ đạt thành .. ... Tâm hạnh tương ưng pháp hành viên mãn, giữ chí nguyện độ đời vững chắc, nhứt định thành chánh quả”. Đó là lời của Hòa thượng Tổ Chơn Minh tại Chùa Giác Hải - Phú Lâm - Chợ Lớn, dạy cho Lý Hườn (Tổ Sư) đang lúc sầu não sau khi Kim Huê qua đời.
(trích Minh Đăng Quang, Giác Viên Trường Giang Thủy).
Năm mười lăm tuổi, Lý Huờn có ý định xuất gia nhưng gặp phải một thử thách lớn trong đời, đó là hiếu nghĩa song đường và nghiệp duyên trần thế. Vâng lệnh cha, Ngài kết hôn cùng nàng Kim Huê, con nuôi ông Hội đồng Nhiều, sinh được một gái tên là Kim Liên. Nhưng do nghiệp duyên quá khứ, Kim Huê và Kim Liên lâm bệnh, rồi lần lượt qua đời. Biến cố gia đình càng khiến Ngài cảm nhận sâu sắc hơn lý nhân quả nghiệp báo, lẽ vô thường, giả tạm, khổ não của cõi đời, từ đó quyết tâm xuất gia theo chân lý thoát khổ độ sanh, thực hiện hạnh nguyện cao cả: “Đời đạo tận tường lý sự viên dung, Đem cái riêng soi sáng cái chung, Hai sự tương phùng, một Phật thừa liễu ngộ”.
 (trích Minh Đăng Quang, Giác Viên Trường Giang Thủy).
Cơ duyên đã đến, Ngài xuất gia tu học theo Chánh pháp Thế Tôn. Đầu tiên, Ngài đến Hà Tiên, định lần qua Phú Quốc rồi sau đó đi nước ngoài học đạo, nhưng khi đến nơi đã trễ tàu, Ngài ra đầu gành bãi biển Mũi Nai tọa thiền bảy ngày đêm. Vào một buổi chiều, cũng trên bãi biển ấy, Ngài triệt ngộ lý vô thường, vô ngã, chứng nhập Đạo mầu, lên “Thuyền Bát nhã” ngược dòng đời cứu độ chúng sanh. Năm ấy, Ngài tròn 22 tuổi. Để rồi:
“Một cành mà nở trăm hoa
Bóng Y, Bát đẹp quê ta tự rày
Chơn truyền Khất sĩ là đây
Bóng xưa, với lại hình này dặm không”.
Ngài hành trì theo truyền thống Phật Tăng xưa: sáng ra đắp y mang bát khất thực hóa duyên, trưa về thọ trai, buổi chiều thuyết pháp, buổi tối tham thiền nhập định. Trải qua 8 năm làm đạo, Ngài đã tiếp độ Tăng chúng, dạy dỗ hàng cư gia bá tánh tu tập. Thế là, bước chân của người Khất sĩ đã in dấu khắp nơi trên miền Nam nước Việt, ánh đạo vàng cũng từ đây được lan tỏa. Vào thời điểm ấy, sự có mặt của Đạo Phật Khất sĩ vô cùng cần thiết. Như một nhà nghiên cứu Phật học nhận định: “Thực tế này cho thấy, nhu cầu được tiếp cận với mạch nguồn giáo pháp tinh khôi, do chính Đức Phật Thích Ca tuyên thuyết, cũng là nhu cầu quan thiết lúc bấy giờ. Chính vì vậy, khi Tôn giả Minh Đăng Quang đề xuất tôn chỉ: “Nối truyền Thích Ca Chánh pháp” đã tạo nên hiệu ứng tích cực ngay từ ban đầu”.
(trích Nghiên cứu về những tương đồng giữa chân dung một vị Độc giác và hành trạng của Tổ sư Minh Đăng Quang - Thích Chúc Phú- tr40)
 Đặc biệt lúc bấy giờ, các phong trào chấn hưng Phật giáo trên cả nước chú trọng đến việc kiện toàn tri thức Phật học, xem nhẹ sự hành trì, thì Đức Tổ Sư lại chú trọng đến pháp hành nhưng không xem nhẹ sự học, lấy sự  học để hỗ trợ sự tu. Pháp hành căn bản của Ngài chính là thực hành Tứ y pháp. Tổ Sư đã dạy: “Tánh cũ tự mình gồm chứa đủ”. Tánh cũ ấy là cõi Tây phương của mỗi chúng sanh vốn sẵn có. Khi ta giác ngộ lý chân thì nên mở lòng từ giúp cho người hiểu biết mà giác ngộ tu tập giống như ta. Do nghiệp lực tạo tác mà, con người có thân tướng cao thấp, ốm mập, đẹp xấu, giàu nghèo sang hèn..., không ai giống ai cả; khi giác ngộ chân lý quay về sống với bản tánh Phật thanh tịnh của mình, khi ấy ai ai cũng là Phật.
Thời gian hành đạo của Tổ Sư chỉ trong vòng 8 năm. Tám năm thôi mà Tổ Sư sáng lập một sự nghiệp vẻ vang, đó là dựng lập thành công nền Đạo Phật Khất sĩ, một Tông phái Phật giáo mang đậm bản sắc dân tộc Việt. Tổ Sư chiết lọc những tinh túy trong các nguồn Kinh Luật Luận của Bắc tông và Nam tông, rồi kết hợp lại tạo nên giáo lý riêng biệt của Hệ phái. Đặc biệt, Ngài chỉ dùng tiếng Việt, không dùng âm ngữ của Pali hay Hán ngữ, văn từ đơn sơ, mộc mạc khiến người ta dễ đọc, dễ hiểu. Bộ Chơn Lý, gồm 69 đề tài, cô đọng những ý pháp mà Ngài đã thuyết giảng trong 8 năm. Bộ Chơn lý là kim chỉ nam định hướng đi, là ánh đuốc sáng soi đường trong đêm tối, là nguồn sữa bổ dưỡng cho con cháu Khất sĩ.
Hình ảnh đầu trần chân đất, ôm bát khất thực, sống đời tự tại như cánh hạc tung bay khắp bốn phương, đã đánh thức bao tâm hồn đang chìm đắm trong luân hồi sanh tử bởi do tham sân si. Mãi đến hôm nay, hình ảnh ấy vẫn còn nguyên vẹn và ngày càng phát triển thêm lên, dù cho Tổ Sư đã vắng bóng.
Hoằng dương Chánh pháp tuy âm thầm nhưng sâu lắng, bước chân của Ngài đi đến đâu, nơi đó Đạo pháp nở rộ hoa. Tổ Sư đã mượn ẩn dụ mà Đức Phật dạy cho chư Tỳ kheo để nhắc nhở chư Tăng Ni Khất sĩ: “Những lời Ta dạy đây tốt đẹp vô cùng, lợi ích rất nhiều cho chúng sanh. Song chỉ ai may mắn được sinh vào đương thời mới được nghe, học. Ví như đám hoa đương thời, nở đẹp rực rỡ thơm tho nhưng rồi một trận gió sẽ thổi bay tan tác ... Các người (chư Tăng sư) về sau hãy lượm lấy từ lần xâu kết lại, tuy hoa có bị thủng, có bị giảm sắc đẹp, hoa chóng héo phai mùi, nhưng sau này còn có một vòng hoa, tuy vòng hoa héo. Chúng sanh đời sau, nhân vòng hoa héo đó còn biết có hoa. Mới nhân vòng hoa héo tìm đến hoa thật, sẽ được tận hưởng sắc đẹp hương thơm của hoa chơn lý giải thoát, tức là đạo Niết bàn vậy”. (trích Pháp giáo Minh Đăng Quang - tr57).
Hôm nay, chúng con đầy đủ phước duyên xuất gia trong Chánh pháp của Đức Thế Tôn, hành trì theo chí nguyện “Nối truyền Thích Ca Chánh pháp” của Đức Tổ Sư. Chúng con biết rằng hành trì phạm hạnh và truyền thừa xiển dương Chánh pháp là bổn phận của một Thích tử. Cho dù cách quá xa chư Phật, Tổ, Thầy, chúng con luôn tự nhủ lòng mình rằng phải tinh tấn tu tập hành trì Giới-Định-Tuệ,  tập sống chung tu học theo phương châm bất hủ của Tổ Sư: “Cái sống là phải sống chung, cái biết là phải học chung, cái linh là phải tu chung”. Ngài còn khuyên nhắc chư Tăng Ni “Không tự lấy để trừ tham, không tự làm để tránh ác”.
Nhớ lại lời cuối cùng Tổ Sư dặn dò Tăng Ni trước khi vắng bóng: “Các con hãy ở lại mở mang mối đạo, giáo hóa chúng sanh, đền ơn chư Phật, ấy là các con theo Thầy và làm vui lòng thầy nơi xa vắng rồi một ngày kia Thầy sẽ về”.
Vâng! Chúng con luôn trông đợi và tin tưởng rằng Ngài sẽ luôn dõi mắt theo đàn con thơ dại mà dìu dắt, nâng đỡ, để các con đi đúng đường lối Chánh pháp Phật Tăng xưa.
Hôm nay, chúng con, những người con cháu gái của Tổ Sư, thành kính dâng lời cảm niệm tri ân vô hạn. Xin nguyện cố gắng tu tập hầu tự độ độ tha, tiếp nối hành trì hạnh nguyện của Người, để rồi một ngày nào đó sẽ gặp Người nơi bến Giác.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
(Tịnh xá Ngọc Duyên - Đập Đá - Bình Định)
TN. Hoa Liên