Đối họa bài "Các vị La Hán chùa Tây Phương"

lahan1

Bài thơ Các vị La Hán chùa Tây Phương của nhà thơ Huy Cận được miêu tả những hình ảnh bên ngoài thể hiện nội tâm của các vị La-hán nhằm miêu tả nội tâm xã hội đang đau đớn quằn quại trong những biến động, bế tắc không tìm được lối thoát.

Bài thơ ra đời vào những năm 1960, bối cảnh miền Bắc tiến lên Xã hội chủ nghĩa, làm hậu phương cho miền Nam đánh Mỹ. Qua việc khắc họa những pho tượng La-hán chùa Tây Phương nhằm thể hiện suy tư của tác giả về cha ông thời phong kiến và nêu lên niềm tin của mình vào thời đại mới.

lahan2

Tôi còn nhớ rất rõ những năm tháng khi còn học phổ thông, trang lứa như chúng tôi buộc phải học thuộc bài thơ này. Những đường nét khắc chạm về các vị La-hán trong bài thơ đã khắc sâu vào tâm khảm của những đứa trẻ như chúng tôi. Chẳng ai còn nhớ ý nghĩa bài thơ là gì mà chỉ nhớ rằng khuôn mặt của các vị La-hán chùa này sao bi thương, sầu thảm đến thế. Đọc bài thơ, tôi cũng đau buồn tang tóc theo tâm trạng các Ngài.

lahan4

Nay có dịp ra Hà Nội, về viếng chùa Tây Phương để một lần được nhìn ngắm những pho tượng cổ. Rõ ràng không hẳn như mô tả của nhà thơ. Các vị ngồi đó, vẫn an nhiên tự tại. Tuy mỗi người một vẻ mặt khác nhau nhưng thần sắc tạc trong pho tượng vẫn toát lên cốt cách của những bậc siêu thế, xuất trần. Khá khen thay bác thợ tạc tượng tài hoa, thâm áo. Tôi không có những ý định đối nghịch với bài thơ của Huy Cận, bởi nhân duyên, thời thế và thời cuộc mỗi lúc mỗi khác. Nhưng nay, đất nước đã hòa bình độc lập, nhân dân đều được đầy đủ cơm ăn, áo mặc, trẻ thơ được cắp sách đến trường, thanh bình lại ngự trị trên quê hương đất nước. Nên bài thơ của Huy Cận chỉ là tâm tư của tác giả một thời nước lửa đao binh, không phải là bài thơ sống mãi với thời gian. Vả lại, tôi muốn nói rằng cuộc đời dẫu có bi quan hay lạc quan, nhưng đạo Phật không rơi vào hai quan điểm này, đạo Phật là đạo như thật, là quy luật của vũ trụ vạn hữu. Những bậc A-la-hán đã vượt qua cảnh giới đối đãi của khổ vui, được mất, dù hoàn cảnh thăng trầm biến dịch, thịnh suy, các Ngài vẫn an nhiên, tự tại giữa dòng đời. Dẫu như thế nào, dẫu gương mặt nào được chạm khắc thì các Ngài vẫn an vị trong cảnh giới siêu xuất của bậc Thánh nhân và tùy duyên hóa độ chúng sanh. Thế nên tôi muốn viết một chút gì đó về các Ngài, theo quan điểm Phật giáo, theo cái nhìn hiện thực nhân sinh.

CÁC VỊ LA HÁN CHÙA TÂY PHƯƠNG

Tác giả: Huy Cận

 

Các vị La Hán chùa Tây Phương

Tôi đến thăm về lòng vấn vương.

Há chẳng phải đây là xứ Phật,

Mà sao ai nấy mặt đau thương?

 

Đây vị xương trần chân với tay

Có chi thiêu đốt tấm thân gầy

Trầm ngâm đau khổ sâu vòm mắt

Tự bấy ngồi y cho đến nay.

 

Có vị mắt giương, mày nhíu xệch

Trán như nổi sóng biển luân hồi

Môi cong chua chát, tâm hồn héo

Gân vặn bàn tay mạch máu sôi.

 

Có vị chân tay co xếp lại

Tròn xoe tựa thể chiếc thai non

Nhưng đôi tai rộng dài ngang gối

Cả cuộc đời nghe đủ chuyện buồn.

 

Các vị ngồi đây trong lặng yên

Mà nghe giông bão nổ trăm miền

Như từ vực thẳm đời nhân loại

Bóng tối đùn ra trận gió đen.

 

Mỗi người một vẻ, mặt con người

Cuồn cuộn đau thương cháy dưới trời

Cuộc họp lạ lùng trăm vật vã

Tượng không khóc cũng đổ mồ hôi.

 

Mặt cúi nghiêng, mặt ngoảnh sau

Quay theo tám hướng hỏi trời sâu

Một câu hỏi lớn, không lời đáp

Cho đến bây giờ mặt vẫn chau.

 

Có thực trên đường tu đến Phật

Trần gian tìm cởi áo trầm luân

Bấy nhiêu quằn quại run lần chót

Các vị đau theo lòng chúng nhân?

 

Nào đâu, bác thợ cả xưa đâu?

Sống lại cho tôi hỏi một câu:

Bác tạc bấy nhiêu hình khổ hạnh

Thật chăng chuyện Phật kể cho nhau?

 

Hay bấy nhiêu hồn trong gió bão

Bấy nhiêu tâm sự, bấy nhiêu đời

Là cha ông đó bằng xương máu

Đã khổ, không yên cả đứng ngồi.

 

Cha ông năm tháng đè lưng nặng

Những bạn đương thời của Nguyễn Du Nung nấu tâm can vò võ trán

Đau đời có cứu được đời đâu.

 

Đứt ruột cha ông trong cái thuở

Cuộc sống giậm chân hoài một chỗ

Bao nhiêu hy vọng thúc bên sườn

Héo tựa mầm non thiếu ánh dương.

 

Hoàng hôn thế kỷ phủ bao la

Sờ soạng, cha ông tìm lối ra

Có phải thế mà trên mặt tượng

Nửa như khói ám, nửa sương tà.

 

Các vị La Hán chùa Tây Phương!

Hôm nay xã hội đã lên đường

Tôi nhìn mặt tượng dường tươi lại

Xua bóng hoàng hôn, tản khói sương.

 

Cha ông yêu mến thời xưa cũ

Trần trụi đau thương bỗng hoá gần!

Những bước mất đi trong thớ gỗ

Về đây, tươi vạn dặm đường xuân.

 27-12-1960

CÁC VỊ LA HÁN CHÙA TÂY PHƯƠNG

Thường Như

 

Các vị La Hán Chùa Tây Phương

Nay đến thăm về lòng mến thương

Đúng thật nơi đây là xứ Phật

Mặt người cảnh hiện chốn thanh lương.

 

Nhìn vị xương trần chân với tay

Ô hay, hư huyễn tấm thân gầy

An nhiên trầm lắng nhìn thấu thị

Tự bấy lâu rồi chẳng thị phi.

 

Có vị mắt giương, nhìn quán triệt

Trán như nổi sóng dội thiên hà

Tâm tư ôm cả hồn thiên hạ

Nguyện độ Ta-bà vạn sát-na.

 

Có vị chân tay ngồi xếp lại

Uy nghiêm tĩnh mặc chốn non đài

Đôi tai dài rộng nghe các cõi

Khổ lụy đời như nhịp thoi đưa.

 

Các vị ngồi đây trong an nhiên

Nghe cơn cuồng thịnh nổi trăm miền

Nghe hồn núi đá ngàn năm hiện

Thuận nghịch nào cũng bởi nhân duyên.

 

Mỗi người một vẻ, thật tuyệt vời

Lồng lộng bao dung khắp đất trời

Từ bi cứu thế tràn ba cõi

Độ tận chúng sanh chẳng một lời.

 

Mặt cúi, mặt nghiêng, mặt ngoảnh sau

Quay theo tám hướng, khắp năm châu

Nhìn đàn con dại vào sinh tử

Ngụp lặn liên hồi chịu khổ đau.

 

Vẫn biết quay đầu về đất Phật

Trần gian phủi bụi áo trầm luân

Tang thương nhìn thấu cho cùng tận

Các vị nương, độ lòng chúng nhân.

 

Nào đâu, bác thợ tạc xưa đâu?

Khéo tạc đường mây giữa kinh cầu

Bấy nhiêu đường nét ươm đạo vị

Nghệ thuật từ tâm khó so bì.

 

Hay bấy nhiêu tình người thiên cổ

Gieo hoa đời trên mỗi khúc gỗ khô

Như tinh tú dệt vào hồn dân tộc

Vững yên non nước chẳng mơ hồ.

 

Theo năm tháng thuyền trôi về bến lặng

Gạn nguồn tâm dẫu sóng gió lăng xăng

Gạn lối phủ mây tan vầng trăng hiện

Thả thuyền trôi phương độ tùy duyên.

 

Xưa vẫn thế trí-bi muôn thuở

Dấu Phật đồ chỉ rõ nguồn mê

Bao oan trái xin quay về nương tựa

Phật, Pháp, Tăng như non tựa bóng trăng kề.

 

Bình minh chiếu rọi hạt sương sa

Đá rêu xanh phủ lối quan hà

Như nhung, như gấm chào khách lạ

Nửa khói lam chiều, nửa hương hoa.

 

Tây Phương uốn lượn, rồng phượng múa

Mái ngói in vuông ngũ sắc cờ

Âm dương hóa hiện “không thị sắc”

Cổ ngư xưa thoai thoải dáng yên bình.

 

Ai lên lễ Phật ngàn năm trước

Ngàn năm sau cảnh vẫn hóa gần

Phật vẫn hiện thân từ thinh lặng

Giữa nhịp đời thường, giữa muôn xuân.

Hà Nội, 13.01.2014