Đôi nét về khóa tu GIỚI ĐỊNH TUỆ tổ chức tại Tổ đình Tịnh xá Ngọc Viên

Sau nhiều ngày chờ mong, sắp xếp, ngày về Tổ đình Tịnh xá Ngọc Viên tham dự khóa tu rồi cũng đến! Chúng tôi cùng hẹn nhau tập trung gặp mặt tại Tịnh xá Trung Tâm vào sáng ngày 21 tháng 3 âm lịch để hàn huyên và chuẩn bị khởi hành. Với số lượng chư Tăng đòan III, IV, V, VI và Tăng sinh đệ tử của Hòa thượng Viện chủ Tổ đình Ngọc Viên nên chúng tôi sắp xếp đi 2 xe, xuất phát lúc 1-2 giờ chiều và về tới Ngọc Viên khoảng 5 giờ chiều. Chư Tăng đoàn II cũng sắp xếp để về cùng ngày. Sự hiện diện của những hành giả chúng tôi làm cho Hòa thượng trụ trì Tổ đình Ngọc Viên hoan hỷ hẳn lên. Đáng ngạc nhiên hơn, Hòa thượng Giác Nhường đã đến nơi trước rồi, Ngài hoan hỷ đón mừng chúng tôi như những người thân xa xứ trở về. Từng lời nói và cử chỉ khiêm tốn của Ngài đã để lại trong tôi hình ảnh một bậc đạo sư chứng minh thật trân quý.

Sau đó, chúng tôi được sự hướng dẫn của chư vị Tỳ-kheo trú xứ ổn định chỗ ở. Các vị trong Ban tổ chức và mỗi vị đại diện của từng giáo đoàn được ưu tiên ở riêng một cốc. Chư Tăng còn lại được bố trí ở chung trên tầng gác nhà Tăng. Các vị Sa-di trong tịnh xá được đưa ra khu ngoại viện và chư Tăng tại trú xứ được bố trí nơi ở biệt lập, tạo điều kiện thuận lợi để lo công tác Phật sự trong những ngày khóa tu diễn ra.

Đúng 8 giờ (thay vì 7 giờ như dự kiến), toàn thể chư Tăng, kể cả chư Tăng tại tịnh xá hộ khóa hoặc tham dự vài ngày đều vân tập, trước là để thăm viếng và sau là để thảo luận những vấn đề cần sự đồng thuận tuyệt đối của toàn thể chư Tăng, tạo tiền đề cho những ngày tu học theo đúng tinh thần Phật pháp và ý chỉ của Tổ sư: “Nên tập sống chung tu học”. Nội dung phiên họp xoay quanh giải quyết 4 vấn đề chính:

1. Ban tổ chức khóa tu

Vấn đề này trở nên dễ dàng vì đã có sự chuẩn bị của chư Tôn đức lãnh đạo. Nhân ngày chuẩn bị cúng 49 ngày cố Hòa thượng Giác Thường, mùng 4 tháng 3 năm Canh Dần (17/4/2010), chư Tôn đức đã đề cử xong các vị trong ban tổ chức khóa tu. Tuy nhiên, danh sách Ban tổ chức vẫn cần được thông qua để đại chúng đồng hoan hỷ nhất trí. Đồng thời, đại diện mỗi giáo đoàn báo cáo số Tăng về tham dự. Cụ thể như sau:

CHỨNG MINH: HT. Giác Tường và HT. Giác Nhường

TRƯỞNG BAN: HT. Giác Giới

Phó trưởng ban: HT. Giác Toàn

Kiểm soát: HT. Giác Tuệ

Giáo thọ: HT. Giác Giới và Giác Toàn

Giám thiền: HT. Giác Giới và HT. Giác Tuệ

Thư ký: ĐĐ. Giác Hoàng.

Số lượng thành viên tham dự (32 vị)

Đoàn I: TT. Giác Đăng, ĐĐ. Giác Nhuận, ĐĐ. Giác Khánh, ĐĐ. Giác Cương,

ĐĐ. Minh Thể, ĐĐ. Minh Bổn, TK. Minh Danh.

Đoàn II: TT. Giác Minh, TT. Giác Hạnh, ĐĐ. Giác Lộc, ĐĐ. Giác Phước, TK. Minh Siêu.

Đoàn III: ĐĐ. Giác Phổ, ĐĐ. Giác Hoàng, ĐĐ. Giác Khiêm, ĐĐ. Giác Mãnh, SD. Giác Minh Vương.

Đoàn IV: ĐĐ. Giác Đạt, ĐĐ. Minh Sang, ĐĐ. Minh Hương, TK. Minh Lượng, TK. Minh Khánh, TK. Minh Phước.

Đoàn V: TT. Giác Trí, ĐĐ. Giác Nghĩa, TK. Minh Vạn.

Đoàn VI: ĐĐ. Minh Nhơn, ĐĐ. Giác Minh, ĐĐ. Minh Nghĩa, ĐĐ. Minh Chúng, TK. Minh Dẫn.

Danh sách của toàn thể chư Tăng theo hạ lạp được ban thư ký khóa tu phụ trách thông báo hoặc dán nơi công cộng để xưng hô và đi đứng đúng như Pháp và Luật trong giáo pháp. Quả thật, nhìn vào danh sách này, nhiều người tự hỏi tại sao chư Tôn đức trong các giáo đoàn và Tăng số ít quá vậy? Có bốn lý do: (1) Thời gian tổ chức trùng với khoá tập huấn Ban Hoằng pháp Trung ương tại tỉnh Kiên Giang, (2) Các vị trong đoàn III đi Thái Lan để chứng minh cho Phật tử phát tâm cúng dường đất, (3) Số lượng yêu cầu của hệ phái trong phiên họp là từ 5 đến 7 vị Giáo phẩm, Giáo thọ, (4) Chư Tăng giáo đòan I về tu quá ít so với số lượng yêu cầu là đòan nào tổ chức thì chư Tăng đoàn đó về tu chủ yếu.

2. Thời khóa biểu

BUỔI SÁNG

3g30: Thức chúng

4g00 – 5g30: Thiền hành – Thiền tọa

5g30 – 6g00: Chấp tác

6g00 – 7g00: Điểm tâm

7g30 – 8g30: Thiền tọa

8g30 – 9g15: Thiền hành

9g15 – 10g15: Thiền tọa

10g30 – 12g00: Khất thực - Thọ trai

BUỔI CHIỀU

0g30 – 1g30: Chỉ tịnh

2g00 – 3g00: Thiền đàm

3g15 – 4g00: Thiền hành

4g00 – 5g00: Thiền tọa

5g00 – 6g00: Vệ sinh

BUỔI TỐI

6g00 – 7g00: Thiền tọa

7g00 – 7g45: Thiền hành

8g00 – 9g00: Sám hối

10g00: Chỉ tịnh

Thời khóa tu tập nêu trên không quá nặng nề đối với những hành giả mới bắt đầu. Đối với những vị nỗ lực miên mật tu tập có thể gia công dụng hạnh trong những giờ đầu buổi chiều và trước khi chỉ tịnh. Một khi tu tập tốt, tấn căn sẽ hoạt động và tấn lực sẽ đóng vai trò hỗ trợ trong quá trình tu, không cần phải khổ công khắc phục bản thân như lúc đầu. Ở một vài trường thiền, hành giả không có giờ ngủ trưa, tranh thủ thời gian để tu tập luôn buổi trưa và buổi tối, 10 giờ 30 hoặc 11 giờ 30 mới đi ngủ. Giờ thiền đàm là giờ chia sẻ kinh nghiệm tu tập của tự thân trong quá trình tu trong khóa hay là kinh nghiệm từ trước để hỗ trợ chư huynh đệ đồng tu. Giờ sám hối cuối ngày là giờ rất quan trọng. Chư Tăng có thể sám hối những khiếm khuyết trong ngày, tạo duyên cho đời sống đạo đức được thanh cao hơn. Nhân đây, các huynh đệ hoặc chư Tôn đức có thể góp ý xây dựng một nếp sống phù hợp với thiền môn quy củ, bớt não phiền và thêm niềm vui. Những đóng góp sáng kiến để củng cố, ổn định và phát triển Tăng đoàn cũng có thể chia sẻ vào giờ này nếu có thời gian.

3. Nội quy

Để tạo điều kiện tu tập cho chư Tăng hành giả và đại chúng trong khóa tu có kết quả cao nhất, xin chư vị thực hành triệt để các nội quy sau:

1) Tập sống nghiêm túc theo Tứ y pháp trung đạo (bốn pháp truyền thống của bậc Thánh), nghĩa là tập sống đơn giản tối đa.

2) Không giữ tiền và những vật không cần thiết của một vị Tỳ-kheo.

3) Nghiêm túc theo sát thời khóa biểu.

4) Không trao đổi (bằng miệng, mắt, và cử chỉ) khi không có lý do chính đáng.

5) Không sử dụng điện thoại (ngoại trừ một số trường hợp tối cần thiết, phải được sự đồng ý của Ban tổ chức).

6) Không vượt ra khỏi giới vức đã quy định.

7) Không nên tu theo các truyền thống pháp môn khác; nên tu theo sự hướng dẫn của chư Tôn đức Giáo thọ.

8) Không được nghe băng đĩa, coi xem kinh sách khi chưa được sự đồng ý của Hòa thượng Giáo thọ.

Nội quy này được bổ túc, điều chỉnh liên tục theo ý kiến đại chúng và lấy biểu quyết yết ma quá bán theo số lượng Tỳ-kheo hiện tiền.

4) Các phần liên hệ khác

- Địa điểm: Thiền hành và thiền tọa tại Chánh điện. Nghe pháp và thọ trai ở trai đường (Giảng đường Pháp Vân). Sám hối tại trai đường cũ. Về phương diện địa bàn, địa điểm Ngọc Viên rất thuận lợi vì có Chánh điện rộng, nhà Giảng / Trai đường, Tăng xá, am cốc, nhà tắm, vệ sinh rất nhiều. Phải thừa nhận rằng, địa bàn TX. Ngọc Viên rất tốt cho hành giả tu tập, ngoại trừ mùi “hương” của dòng sông bên cạnh, quả thật là một thách thức đối với hành giả tập trung niệm hơi thở!

- Hiệu lệnh: Dựa vào hiệu lệnh chuông tịnh xá sử dụng từ thời Nhị Tổ. Khi thức chúng sáng và đầu giờ chiều, cần phải 3 hồi lâu để đánh thức. Còn khi báo hiệu chúng tăng tu tập hoặc sinh hoạt bình thường thì lắc chuông ngắn hồi, đủ để nghe, tránh tạo tiếng động khi không cần thiết. (Hiệu lệnh này có thể linh động thay đổi tùy theo phương tiện của từng trú xứ trong các khoá tu sau).

- Trực chuông: Đoàn nào tổ chức thì đoàn đó phân người trực chuông. Các vị giám thiền sẽ chịu trách nhiệm thỉnh chuông để báo đại chúng đã hết giờ thiền tập.

- Hành đường: Các vị Sa-di phối hợp với các vị cư sĩ hộ bát, hành đường mỗi ngày, như sắp canh, nước uống, v.v… vào đúng vị trí chư Tăng ngồi trước khi chư Tăng vào trai đường.

- Chấp tác: Khóa tu này phần lớn là chư vị lãnh đạo, đại diện cho Giáo đoàn, nên việc quét dọn do các sư sa-di phụ trách. Thiết nghĩ, ở những nơi ít sa-di và cư sĩ, chư Tăng trong khóa tu linh động quét tước, tạo điều kiện cho khu vực tu tập được thanh tịnh, trang nghiêm và tập tu trong khi lao tác.

- Tiểu thực: Vào buổi chiều, theo như giới luật của nhà Phật, toàn thể chư Tăng chỉ được phép dùng nước, nên được các vị sa-di hộ khóa đem đến tận cốc, liêu và phòng tập thể để cúng dường. Dự định của chư Tôn đức trong Ban tổ chức vào những khóa tu sắp tới, chư Tăng có thể tập trung một nơi, lặng lẽ uống nước rồi sau đó trở về liêu, cốc, khu vực của mình để giảm thiểu việc phục vụ và tập giữ chánh niệm trong khi sinh hoạt, tạo tiền đề cho nếp sống lặng lẽ, trang nghiêm tại tịnh xá.

- Cách nhận thực phẩm: Đây cũng là một trong những vấn đề mà chư Tăng cần sự thống nhất chung. Theo sự chỉ đạo của Hòa thượng Giác Nhường, không nên tự nhận buffet như người thế gian, vì như vậy sẽ đánh mất sự trang nghiêm, thanh cao của một nguời xuất gia, mà nên được nhận từ sự cúng dường trân trọng của quý Phật tử. Các thực phẩm được sớt thẳng vào bát, vì như vậy sẽ tiết kiệm thời gian vào bao ni-lông, không lãng phí vật dụng, không gây ô nhiễm môi sinh và bảo vệ sức khoẻ. Quả thật điều này, Phật tử tại Tổ đình làm rất tốt. Trước khi chư Tăng thọ nhận thực phẩm, Phật tử quỳ xuống đảnh lễ và tác bạch cúng dường ngắn gọn. Hình thức này tạo ấn tượng đẹp về phương thức cúng dường đúng pháp và hình ảnh của một vị Khất Sĩ cao quý.

- Gởi đồ: Để phát triển Giới, bảo đảm đời sống thảnh thơi, an lạc, giải thoát của chư Tăng, không bận rộn với những vật dụng lỉnh kỉnh của mình, làm ảnh hưởng đến sức mạnh của chánh niệm, hành giả phải gởi tất cả cho các vị trú xứ giữ hộ.

- Thiền cụ: Tổ đình không sử dụng bồ-đoàn, nhưng có một tấm chiếu lát rất gọn để hành giả có thể mang theo và dùng tọa cụ trải trên để ngồi. Đối với các trú xứ khác thường sử dụng bồ-đoàn như là một phương tiện để làm cho lưng thẳng, ở đây cũng cho phép sử dụng phương tiện này. Mùng ngồi thiền là một nhu dụng rất cần thiết cho hành giả trong những khu vực ẩm thấp có nhiều muỗi.

Tóm lại, khóa tu được diễn ra khá tốt theo cơ cấu Ban tổ chức, thời khóa tu tập và nội quy nêu trên. Nhờ sự thống nhất cao của toàn thể đại chúng nên việc tu tập được diễn ra trong không khí yên lặng như Chánh pháp và nói năng như Chánh pháp, giúp cho đại chúng tu tập có kết quả cao. Mô hình này nên được ứng dụng trong mỗi trú xứ của hệ phái để làm cho Phật pháp được hưng long, chư Tăng là phước điền, là chỗ nương dựa cho thế gian.