Đôi nét về Tịnh xá Ngọc Uyển

Chánh Điện Tịnh xá Ngọc Uyển

Tịnh xá Ngọc Uyển là ngôi Tịnh xá Ni giới đầu tiên được chư Tôn đức Tăng Ni hệ phái Khất Sĩ chọn làm điểm chung cho Ni giới Khất Sĩ đứng ra đăng cai tổ chức Đại lễ Tưởng niệm 55 năm ngày Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng năm Kỷ Sửu (2009).

Tịnh xá tọa lạc cạnh quốc lộ 1K, ấp Tân Bản, phường Bửu Hòa, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Khuôn viên Tịnh xá Ngọc Uyển được thiên nhiên ban tặng cho một cảnh quan mỹ tú. Bên trái là ngọn núi Châu Thới hùng vĩ, bên phải là dòng sông Đồng Nai hiền hòa, nước ngọt hai mùa mưa nắng. Trước mặt là ngọn núi Bửu Long trang nhã, cổ thụ cao lớn làm điều hòa hệ sinh thái môi trường xung quanh. Đôi Hàm Long oai vệ đứng chầu, hang Bạch Hổ khom mình phủ phục.


Cổng Tam Quan Tịnh xá Ngọc Uyển

Thiên nhiên đã tạo nên quang cảnh kỳ ảo như thế. Ngôi tịnh xá lại điểm xuyết thêm nét thiêng liêng khi ngôi bảo tháp của cố Ni trưởng Đệ nhị Thích Nữ Bạch Liên được tôn trí rất uy nghiêm, hài hòa. Ngoài ra, còn ngôi bảo tháp của cố Ni trưởng Đức Liên làm tăng thêm nét tôn nghiêm trang trọng. Thấm nhuần lời dạy: Phụng sự chúng sanh là thiết thực cúng dường chư Phật, đáp ơn Tổ Thầy, Ni sư Kha Liên đương vi trụ trì Tịnh xá Ngọc Uyển đã nỗ lực kiến tạo thêm những thắng tích lịch sử của Đức Phật từ Đản sanh đến nhập Niết Bàn, tạo thêm nét mỹ quan cho khuôn viên Tịnh xá.

Tịnh xá Ngọc Uyển được thành lập từ năm 1968 do Ni trưởng Thích Nữ Huỳnh Liên - Đệ nhất Ni trưởng Ni giới hệ phái Khất Sĩ cùng quý Ni sư tạo lập. Tổng diện tích là 6 mẫu. Ông chủ đất Nguyễn Văn Chút đã phát tâm cúng dường 1 mẫu, còn lại là do tịnh tài Phật tử và quý Ni sư góp phần mua để tạo dựng. Vào năm 1968, cố Ni trưởng Huỳnh Liên lấy cơ sở này thành lập cô nhi viện Nhất Chi Mai. Cô nhi viện này hoạt động rất hiệu quả. Ban giám đốc phối hợp với Ban điều hành quản lý và với Ni chúng trực tiếp chăm sóc, dạy dỗ các cô nhi (trong đó có sư cô Ni Liên và sư cô Hạnh Liên đã từng tham gia). Đến năm 1975, sau ngày thống nhất đất nước Cô nhi viện được Sở Lao động -Thương binh và Xã hội tiếp nhận, trong đó có một số em được đoàn tụ với gia đình là những người có công với cách mạng ở huyện Duy Xuyên và Hội An.

Một số em khác được Giáo hội cho đi xuất gia tu học. Còn phần đất thuộc diện tích của cô nhi viện là 1 mẫu 4 được cố Ni trưởng Huỳnh Liên hiến tặng luôn cho Sở lao động - Thương binh và Xã hội sử dụng (hiện nay là Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh Đồng Nai). Phần đất còn lại hơn 3 mẫu được sử dụng làm nơi tu học và sản xuất của Ni chúng tại đây.

Kể từ khi thành lập Tịnh xá Ngọc Uyển đến nay đã trải qua các vị trụ trì như Sư bà Ngọc Liên, Sư bà Tín Liên. Đến năm 1980, sư bà Tín Liên tuổi cao sức yếu nên Sư bà đã giao Tịnh xá lại cho Giáo hội quản lý và xin về an dưỡng tại tịnh xá Ngọc Trung huyện Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ cho đến ngày viên tịch. Kể từ đó Giáo hội đã bổ nhiệm Ni sư Kha Liên làm trụ trì tịnh xá Ngọc Uyển.

Ni sư Kha Liên với trách nhiệm của một vị trụ trì muốn sớt chia gánh nặng cho thầy, muốn Ni Trưởng nhẹ gánh lo âu, nên quyết tâm cùng sư cô Hạnh Liên và chúng Ni nỗ lực tạo nguồn kinh tế tự túc, như lao động sản xuất, làm tương chao và các thứ bánh mức. Từ đó vùng đất rừng cằn cỗi năm nào đã trở mình và thay da đổi thịt, từng luống rau xanh, từng hàng cây cảnh, từng khóm hoa ngày một xinh tươi tô thắm thêm vẻ mỹ quan cho khuôn viên Tịnh xá.

Với 39 mùa lá vàng rơi rụng, ngôi Chánh điện Tịnh xá Ngọc Uyển xuống cấp theo vận hành sanh trụ dị diệt của vũ trụ. Nắng mưa thời gian đã xói mòn những vật liệu bán kiên cố của ngôi Chánh điện. Được sự cho phép của Giáo hội và các cơ quan chức năng, sự phát tâm cúng dường của Phật tử Thiện Tân và Diệu Bông (gia đình ông bà Phước Hương), chư Ni Tịnh xá Ngọc Uyển đã trùng tu ngôi Chánh điện. Ngoài ra, sự phát tâm cúng dường của các Phật tử gần xa góp phần công đức kiến tạo.

Việc trùng tu này nhằm tôn tạo nơi phụng thờ Tam Bảo, còn là nơi nương tựa tinh thần cho bá tánh địa phương, có nơi chiêm ngưỡng, lễ bái, nghe pháp, học kinh, thọ bát quan trai, góp phần điểm tô cho thành phố thân yêu thêm thanh lịch, và một phần nào đó góp phần phát triển khu du lịch tâm linh ở Bửu Long (Biên Hòa).

Niềm thao thức trăn trở nhất của Ni sư Kha Liên là làm thế nào để làm tròn bổn phận người con trò đối với Giáo hội. Noi gương cố Ni trưởng Huỳnh Liên với tâm nguyện lo cho chúng Ni tu và học cho đến lúc thành đạt. Đối với xã hội, Ni Sư nỗ lực tham gia các công tác từ thiện, ủy lạo, cứu trợ vùng sâu. Hàng năm với tổng chi phí khoảng 175 triệu đồng. Bên cạnh là mở phòng thuốc từ thiện do lương y Nguyễn Tuấn Cảnh phụ trách. Trung bình mỗi năm khám chữa bệnh cho hơn 17.000 lượt người và phát thuốc miễn phí với tổng trị giá gần 220.000.000 đồng. Với tâm nguyện phụng đạo giúp đời, Ni sư và Ni chúng đã góp phần không nhỏ vào công tác xã hội ở địa phương.

Nhớ lại ngày xưa, nơi đây là một mảnh đất hoang, cỏ cây um tùm, đất đá trũng thấp, nhưng cảnh lại rất nên thơ, thiền vị. Đời sống lúc ấy rất khó khăn, vậy mà Ni trưởng đã nuôi khoảng 50 Ni chúng ăn học từ các tỉnh thành, với hoài bão của Ni trưởng là mong Ni chúng phải học hết cấp III và vào các trường Trung Cao cấp Phật học. Hiện nay số chư Ni tu học nơi đây có vị đã thành đạt và đi giảng dạy, có vị đã làm trụ trì ở các tỉnh thành khác. Ni giới hệ phái luôn kỳ vọng nơi đây sẽ là một trung tâm sinh hoạt lớn của hàng Ni chúng.