“Đôn Hoàng: Công trình nghệ thuật Phật giáo nơi cửa ngõ con đường Tơ Lụa”

 “Đôn Hoàng: Công Trình Nghệ Thuật Phật Giáo Nơi Cửa Ngõ Con Đường Tơ Lụa” (“Dunhuang: Buddhist Art at the Gateway of the Silk Road”). Đây là chủ đề cuộc triển lãm nghệ thuật Phật giáo lần đầu tiên tại New York, Mỹ quốc. Sự kiện nổi bật đầu hạ năm nay do Phòng Triển Lãm Nghệ Thuật của Học Viện Trung Quốc tại Mỹ tổ chức từ ngày 19/04/2013 đến 21/07/2013. Trong dịp này, tuyệt tác nghệ thuật Phật giáo Đôn Hoàng trên ngàn năm tuổi thể hiện qua phù điêu, bích hoạ, tranh trang trí dạng cuộn, và nhiều tuyệt phẩm khác được triển lãm quảng bá hiến tặng cho khách tham quan.

Học viện Trung Quốc được nhóm học giả người Mỹ và Trung Quốc thành lập vào năm 1926 với mục đích giới thiệu giao lưu nền văn minh Trung Quốc ngang qua các chương trình giáo dục đào tạo, văn hoá, thương mại và nghệ thuật với toàn thế giới. Học viện này cũng là một tổ chức văn hoá vô vụ lợi tại Mỹ ủng hộ bảo tồn các di sản Trung Quốc. Nơi đây thường xuyên tổ chức nhiều chương trình, hoạt động, khoá học, hội thảo, biểu diễu nghệ thuật, văn hoá, lịch sử, âm nhạc, triết học, ngôn ngữ, văn học cho quần chúng, thanh thiếu niên, giáo viên cũng như doanh nhân.  

Phòng triển lãm nghệ thuật của Học viện Trung Quốc được thành lập vào năm 1966, khá đặc biệt so với các viện bảo tàng tại thành phố New York. Điểm thu hút ở đây chính là độc quyền giới thiệu nghệ thuật Trung Quốc và hiện nay là không gian triển lãm vô vụ lợi dâng tặng đến những ai đam mê, muốn tìm hiểu học hỏi, nghiên cứu không những về nghệ thuật mà còn các lĩnh vực văn hoá, văn học, âm nhạc, lịch sử... Trung Quốc.

Lần này, Phòng triển lãm nghệ thuật của Học viện Trung Quốc đã biến thành một hang động cổ, chào đón khách tham quan trở về với thế giới hoàng kim của hơn một ngàn năm về trước. Nơi đây những người tín thành Phật giáo trang trí trên các bức tường nhiều bức bích hoạ đầy màu sắc, cờ lụa cầu nguyện, và phù điêu lớn có kích thước như người vật thật ....Quang cảnh thật tráng lệ.

Triển lãm về Đôn Hoàng là điểm nhấn đặc biệt trong năm của Học viện, cũng có thể nói năm nay là “Năm của Đôn Hoàng.” Theo kế hoạch cuộc triển lãm với chủ đề “Đôn Hoàng - Niềm Đam Mê được Tái Tạo trong Nghệ thuật Trung Quốc Hiện đại” (“Inspired by Dunhuang: Re-creation in Contemporary Chinese Art”) sẽ bắt đầu từ ngày 19/09/2013 đến 08/12/2013 và ba tháng đầu năm 2014.

Đôn Hoàng nằm trong ốc đảo sa mạc Gobi, là quê hương nghệ thuật kiến trúc hang động Phật giáo cổ kỳ vĩ nhất của thế giới.

Đôn Hoàng nằm trong ốc đảo sa mạc Gobi, là quê hương nghệ thuật kiến trúc hang động Phật giáo cổ kỳ vĩ nhất của thế giới. Một miệng núi lửa trên Sao Hỏa cũng được lấy tên theo xứ sở kỳ bí này. Lịch sử văn hoá nghệ thuật Đôn Hoàng khá đặc biệt và hấp dẫn một phần do ảnh hưởng truyền thống văn hoá của người Mông Cổ và Tây Tạng sống dọc theo con đường Tơ Lụa. Một ảnh hưởng sâu đậm khác chính vì Đôn Hoàng là trung tâm dừng chân của vô số đoàn thương buôn Đông-Tây, nên đây là điểm gặp gỡ hội tụ giữa truyền thống Trung Quốc và các nước phương Tây.

Ở ngay vị trí cửa ngõ phía Tây vào Trung Quốc, Đôn Hoàng kiêu hãnh giới thiệu với du khách hơn 800 hang động bao gồm hang động Mạc Cao, Du Lâm (Yulin) và Thiên Phật Động chạm khắc trên vách núi. Triển lãm “Đôn Hoàng: Công Trình Nghệ Thuật Phật Giáo Nơi Cửa Ngõ Con Đường Tơ Lụa” lần này, tập trung giới thiệu Nghi lễ tôn giáo và nghệ thuật của triều đại Bắc Nguỵ (420-589) và nhà Đường (618-907). Cuộc triển lãm mô phỏng lại các tác phẩm nghệ thuật đã được khai quật, tượng người bằng đất, phù điêu gỗ, cờ lụa cầu nguyện, gạch nền trang trí hoa văn... từ hang động nổi tiếng này.

Hang động Mạc Cao là một quần thể 492 ngôi điện cách trung tâm thành phố Đôn Hoàng, tỉnh Cam Túc, Trung Quốc 25 km về phía Đông Nam. Đây cũng được gọi là Thiên Phật Động hay hang Đôn Hoàng. Nói một cách chính xác hơn, đây là các công trình kiến trúc chạm khắc vào vách núi đá. Hang Mạc Cao là một toà nhà đá có quy mô lớn nhất, phong cách tuyệt mỹ nhất, có giá trị nghệ thuật cao nhất Trung Quốc còn tồn tại cho đến ngày nay. Các tác phẩm nghệ thuật chủ yếu trong toà nhà đá này là các tượng Phật điêu khắc và các bức bích họa về cuộc đời Đức Phật. Hiện nay nơi này còn có 492 hang động, 45.000m² bích họa và 2415 pho tượng, 5 ngôi nhà gỗ từ đời Đường, Tống. Năm 1987 hang Mạc Cao đã được UNESCO công nhận là "Di sản văn hóa thế giới." Một hang động lộng lẫy, đó là bản sao của hang động kiến tạo vào thế kỷ thứ 8 được thực hiện tại Phòng triển lãm. Bên trong hang, tượng Phật, Bồ-tát ở động Mạc Cao và trụ đá chính từ thế kỷ thứ 6 cũng sẽ được kiến thiết khiến khách tham quan tưởng chừng đang đặt chân đến quần thể hang động Đôn Hoàng.

 

Trụ đá chính của Hang động Mạc Cao (Mogao Cave) số 432, từ đời triều đại Tây Nguỵ, 535 - 556 AD

được triển lãm tại “Đôn Hoàng: Nghệ thuật Phật giáo tại Cửa ngõ con đường Tơ Lụa”

tại Học viện Trung Quốc, ở New York, thứ ba, ngày 24/04/2013.

 Gạch nền trang trí và “Âm nhạc Thiên giới” từ hang động Mạc Cao số 288 được triển lãm

tại “Đôn Hoàng: Nghệ thuật Phật giáo tại Cửa ngõ con đường Tơ Lụa” tại Học viện Trung Quốc,

ở New York, thứ ba, ngày 24/04/2013.

517ec36367ee3.preview-620

Toàn cảnh bản sao của một hang động từ thế kỷ thứ tám có tôn tượng Bồ tát của quần thể hang động

Mạc Caođược triển lãm tại “Đôn Hoàng: Nghệ thuật Phật giáo tại Cửa ngõ con đường Tơ Lụa”

tại Học viện Trung Quốc, ở New York, thứ ba, ngày 24/04/2013.

 Một phụ nữ đang ngắm bức tranh vẽ lại trên phạm vi rộng kín bức tường từ thế kỷ thứ 8.

Bức tranh minh họa Bồ tát như ở các hang động Mạc Cao tại

“Đôn Hoàng: Nghệ thuật Phật giáo tại Cửa ngõ con đường Tơ Lụa” tại Học viện Trung Quốc,

ở New York, thứ ba, ngày 24/04/2013.

Tàng Kinh Động (The Hidden Library Cave) là nơi lưu giữ nhiều bộ kinh điển Phật giáo quý hiếm cũng sẽ được giới thiệu trong câu chuyện khám phá lịch sử Đôn Hoàng, là điểm nổi bật của cuộc triển lãm. Tàng Kinh Động được các đạo sĩ Đạo giáo tìm ra vào năm 1900 trong khi dọn dẹp một hang động gần lối vào. Hang động này đã bị niêm phong từ thế kỷ 11. Bên trong chứa đựng một kho tàng đồ sộ thư tịch cổ quý báu gồm hơn 50.000 chủ đề, kinh văn Phật giáo, hoạ phẩm, pháp cụ tôn giáo. Sự phát hiện quá đặc biệt này đã khiến Đôn Hoàng lừng danh thế giới. Cô Fan Jinshi, Giám đốc Học viện Đôn Hoàng, trong bài tham luận có viết, “Khám phá này mang lại cho nhân loại một nguồn tài liệu đáng kể về lịch sử, địa lý, tôn giáo, kinh tế, chính trị, ngôn ngữ, văn học, nghệ thuật và khoa học của Trung Quốc và Tây Á. Các tài liệu này có ảnh hưởng lớn trong giới học thuật, còn gọi là “Tự điển bách khoa Trung Cổ” và là “Đại dương kiến thức cổ đại.”

Cuộc triển lãm “Đôn Hoàng: Công Trình Nghệ Thuật Phật Giáo Nơi Cửa Ngõ Con Đường Tơ Lụa” chắc chắn mang lại khách tham quan sự ngạc nhiên bất ngờ trước tài hoa của các hoạ sĩ ngày nay qua lối vẽ tranh tường sáng tạo độc đáo. Và cũng hết sức đặc biệt, đó là những viên gạch đời Đường có khắc chạm hình hoa sen biểu tượng của sự thanh khiết lót khắp nền hang động.

Sau đây là một số hình ảnh về quần thể nghệ thuật kiến trúc Đôn Hoàng:

Mogao-Caves1

 

1tBNR7.AuSt.74

913-16zYpZ.St.55

 attractions in dunhuangc4d028193bfc488ee7da

cave285b

cave332

dunhuang-grottoes

slide 294473 2389700 free