Đức Phật dạy con - Rahula

KhauNghiep-6

Ít ai biết rằng sau khi đạt được Chánh đẳng Chánh giác, đức Phật đã trở thành thầy dạy dỗ chính cho con trai xưa kia của mình trong hầu hết quãng đời niên thiếu của con Ngài, kể từ khi La-hầu-la lên 7 tuổi, và Ngài đã là một người cha rất mực mô phạm. La-hầu-la đạt được giác ngộ viên mãn khi mới 20 tuổi. Vậy, ta hãy tự hỏi, đức Phật là một người cha như thế nào? Phương pháp dạy con của Ngài ra sao? Làm thế nào một Bậc giác ngộ trao truyền những giá trị tâm linh của mình cho con cái? Bài kinh Giáo giới La-hầu-la (Trung Bộ Kinh, 61) kể rằng La-hầu-la xuất gia còn nhỏ khi mới 10 tuổi, La-hầu-la thường đùa nghịch, dối gạt người cho vui. Lúc ấy La-hầu-la ở rừng Ôn Tuyền ngoài thành Vương Xá, có nhiều quan đại thần trưởng giả, cư sĩ Phật tử đến hỏi thăm đức Phật hiện ở đâu? La-hầu-la thường tìm cách nói gạt để trêu ghẹo mọi người. Nếu đức Phật đang ở Tinh xá Trúc Lâm thì La-hầu-la lại nói ở ngoài ở núi Kỳ Xà Quật. Đức Phật ở tại Kỳ Xà Quật thì La-hầu-la lại nói gạt rằng Phật ở Tinh xá Trúc Lâm… Hai nơi ấy cách xa nhau mấy dặm, khiến thiên hạ cứ đi tới đi lui mệt lừ, mà rốt cuộc không gặp được Phật. Khi họ thất vọng quay về, La-hầu-la còn cười nhạo: “Các người không gặp được Phật sao?” Mọi người đáp: “Ngài còn cười nhạo tôi nữa sao?” La-hầu-la nói: “Ai trêu chọc các ông? Tôi lo cho các ông thôi chứ?” Sa-di La-hầu-la nghịch ngợm, không bao giờ biết lỗi của mình.

Lahaula

Đức Phật biết được, không hài lòng. Ngài đích thân đến rừng Ôn Tuyền, dáng đi hết sức oai nghiêm. La-hầu-la không ngờ, vội chỉnh y phục ra đón Phật. Đợi cho Phật an tọa, La-hầu-la đem nước đến cho Phật rửa chân. Đức Phật không nói một lời, rửa chân xong bèn chỉ nước dơ trong chậu bảo La-hầu-la: “Này La-hầu-la! Thứ nước dơ bẩn này có uống được không?” La-hầu-la thưa: “Bạch Thế Tôn! Nước rửa chân rất dơ không thể uống được”. Phật dạy: “Nước vốn trong sạch, rửa chân xong bèn trở nên cáu bẩn. Cũng như thế người mà thân tâm không thanh tịnh, không giữ miệng, cẩn thận lời nói, dối gạt chọc ghẹo người, cấu uế của tam độc đầy dẫy trong tâm, giống như nước trong sạch bị dơ bẩn một thứ”. Rồi đức Phật bảo đem nước đổ đi. Đổ xong, Phật lại hỏi: “La-hầu-la, con lấy cái chậu nầy đựng cơm được không?” La-hầu-la thưa: “Dạ, không được”. Phật dạy: “Con người cũng giống như cái chậu đó, nếu thân khẩu ý không thanh tịnh, chứa đầy cấu uế không chân thực, thức ăn đạo lý làm sao nhét vào tâm được”. Xong, đức Phật lật cái thau úp xuống và nói: “Đời của một người tu sẽ trở nên đảo lộn như vầy nếu như người đó cố tình nói dối”. Và, để nhấn mạnh thêm nữa, đức Phật lật ngửa cái thau trở lại và dạy con: “Đời của một người tu cũng trở nên trống rỗng như cái thau này nếu như người đó cố tình nói dối. Đối với một người cố tình nói dối, không có một tội lỗi xấu xa nào mà người đó không thể làm. Vì vậy, La-hầu-la, con hãy tập đừng bao giờ nói dối, cho dù đó là một lời nói đùa”. Phật nói xong, lấy chân hất nhẹ cái chậu lăn mấy vòng. La-hầu-la thấy vậy hoảng sợ, Phật lại hỏi La-hầu-la: “Con có sợ cái chậu nầy bị bể không?” La-hầu-la thưa: “Bạch Thế Tôn, không ạ? Chậu rửa chân là đồ vật dơ xấu, có bể cũng chẳng sao”. Phật dạy: “Cũng vậy, người không có oai nghi nói dối lường gạt, trêu ghẹo người khác, không ai thương, quí tiếc gì, nếu người đó chết đi mà không hối cải, lại càng chìm trong mê mờ”. Sau bài thuyết giảng ngắn mà rõ ràng về việc nói dối đó, La-hầu-la đã lắng nghe cha dạy mà thấm sâu đáy lòng. Sau đó, đức Phật chỉ dẫn con làm sao để suy xét mọi hành động của mình. Đức Phật lại hỏi La-hầu-la: “Cái gương dùng để làm gì?” La-hầu-la thưa: “Bạch đức Thế Tôn, gương dùng để soi”. Đức Phật lại dạy: “Trong khi chuẩn bị làm điều chi bằng thân, khẩu, ý, con phải quán chiếu xem hành động này có gây tổn hại cho mình hoặc cho kẻ khác không? Nếu, sau khi suy xét, con thấy rằng hành động đó sẽ có hại, thì con hãy đừng làm; còn nếu con thấy rằng hành động đó có ích lợi cho con và cho kẻ khác, thì con hãy làm. Con phải thiền định làm sao giống như đất vậy; đất không cảm thấy phiền vì bất cứ một thứ gì đổ lên đó. Vì vậy, nếu con tập thiền giống như đất, con sẽ không có cảm giác vui thích hay không vui thích về bất cứ một điều gì. Hãy tập thiền như nước, như lửa, như gió, và như không gian; tất cả đều không cảm thấy phiền bởi những cảm giác vui thích hay không vui thích. Thực tập được như nước, như lửa, như gió, như không gian, tâm của con sẽ không còn vướng bận gì cả”. La-hầu-la sợ sệt, xấu hổ muốn độn thổ, lạy Phật sám hối phát nguyện từ nay về sau cố gắng sửa đổi tâm tánh. Câu chuyện trên đây nhắc nhở chúng ta rằng những lời la mắng giận dữ với con cái thực ra chỉ có sức mạnh mà không có nội lực. Đức Phật đã rất bình tĩnh, chọn thời điểm đúng lúc để dạy con mà không trừng phạt hay nổi giận với con. Đức Phật răn dạy La-hầu-la xong, lại nói thêm một thí dụ cho La-hầu-la nghe: “Đời quá khứ có một vị vua nuôi hai con voi lớn dũng mãnh thiện chiến. Mỗi khi nhà vua cử binh ra trận lại trang bị áo giáp cho chúng. Ngà voi mang giáo nhọn sáng ngời, sau đuôi lại cột thêm gậy sắt. Tuy mang nhiều vũ khí như thế nhưng mỗi khi giao chiến, chúng đều cuống vòi dấu kín, vì đó là chỗ nhược; nếu để trúng tên liền chết ngay, vì muốn giữ gìn mạng sống phải giữ kỹ chiếc vòi. La-hầu-la con, cũng như voi kia giữ kỹ cái vòi, cẩn thận giữ gìn lời nói mỗi khi mở miệng nói đùa như voi bị thương, huệ mạng của con sẽ mất, không được mọi người thương mến, không được người trí ưa thích đến khi lâm chung sẽ bị rơi vào ba đường khổ”. Qua lời Phật dạy La-hầu-la, chúng ta nhận ra rằng thay vì dạy cho con mình nhận biết sự khác biệt tuyệt đối giữa đúng và sai, đức Phật đã dạy cho con mình suy gẫm về lợi ích và có hại. Điều này đòi hỏi cả sự Tự tri (self-awareness) lẫn lòng Bi mẫn. Đặt nền tảng của đạo đức dựa trên “có lợi” hay “có hại” giúp giải thoát đời sống đạo đức của ta khỏi những khái niệm trừu tượng và những ý niệm chẳng ăn nhập gì tới hậu quả của việc ta làm. “Có lợi” “có hại” cũng giúp cho con người nhận biết mục tiêu của mình. Những điều ta làm hoặc sẽ đối nghịch hoặc sẽ thuận chiều với con đường ta đang đi. Phương pháp giáo hóa của đức Phật khiến cho chúng ta càng tin tưởng thêm rằng chúng ta cần gieo xuống nơi tâm hồn con trẻ những hạt giống của tình thương, những hạt giống của ý thức về việc mỗi hành động của nó sẽ ảnh hưởng đến người khác như thế nào. Sức mạnh của sự quán chiếu và lòng từ bi sẽ không có được nếu đứa trẻ chỉ biết vâng theo lời của người lớn: “Con hãy biết quán chiếu, và hãy có lòng từ bi”. Những giá trị này chỉ có thể có được qua gương của người khác, nhất là của cha mẹ đứa trẻ. Đức Phật cũng dạy cho La-hầu-la hãy xem xét sau khi làm một việc gì đó, nó có gây tổn hại gì không; nếu có thì phải đến gặp một người có tuệ giác và sám hối để tránh lặp lại lỗi lầm trong tương lai. Chúng ta đã học được cách hướng dẫn con trẻ phát triển lòng chính trực bằng cách nhận ra lỗi lầm của mình. Và lòng chính trực đó tùy thuộc rất nhiều vào cách cha mẹ thấy lỗi lầm của con mình ra sao. Cách hành xử của cha mẹ ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển đạo đức của con trẻ; nếu cha mẹ cho con trẻ thấy được là nó có thể tin tưởng mình được, là mình chỉ muốn giúp cho con mình trưởng thành hơn là muốn trừng phạt con, thì con trẻ sẽ trở nên thành thật với cha mẹ của chúng hơn. Nói lời độc ác: Là dùng lời độc địa, vu oan, thô lỗ, cộc cằn, tục tĩu khó nghe, mắng người khác, như vậy gọi là ác khẩu. Nói lời độc ác (tức ác khẩu) là một phạm trù rất rộng bao gồm toàn bộ phần giao tiếp ngôn ngữ trong quan hệ xã hội về nhiều mặt. Nó thể hiện từ nhẹ đến nặng, từ lời nói không khéo, không nhẹ nhàng, thiếu lịch sự, thiếu suy nghĩ đến việc cố tình nói thô lỗ, nói đay nghiến, trách móc, cộc cằn, dữ dằn, châm chọc, ác độc v.v… Người nói lời hung ác không những chỉ gây ra khó chịu cho người nghe mà còn gây nhiều phiền toái cho chính bản thân mình và vì vậy có tác hại đến mọi công việc, mọi quan hệ trong xã hội, từ quan hệ cha con, anh em, vợ chồng trong gia đình, quan hệ bạn bè, thầy trò, chủ tớ, đến quan hệ với hàng xóm, láng giềng, tổ chức, đoàn thể, chính quyền và pháp luật, thậm chí ảnh hưởng đến cả quyền lợi của địa phương, của đất nước trong mối quan hệ giao tiếp, đối ngoại. Cho nên có thể nói: loại trừ những lời nói dối, lời nói lưỡi hai chiều, lời nói thêu dệt thì toàn bộ những khẩu nghiệp gây nên đều xuất phát từ những lời nói thô ác hay ác độc, mà ở phạm vi nhẹ hơn là những lời nói thiếu chính chắn, thiếu khôn khéo, thiếu suy nghĩ, thiếu lịch sự.