Đường lối của Tổ sư trong Chơn lý và những giải pháp thực tiễn đối với thực trạng Tăng Ni Khất sĩ hiện nay

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Kính bạch chư Tôn Thiền đức Giáo phẩm Hệ phái,

Kính bạch chư Tôn Hòa thượng, chư Thượng tọa, Đại đức Tăng,

Kính bạch quý Ni trưởng, quý Ni sư, Sư cô,

Kính thưa toàn thể đại chúng,

Mỗi năm cứ sau mùa Phật đản, chúng con lại có phước duyên trở về Pháp viện tham dự Khóa Bồi dưỡng Trụ trì do chư Tôn đức Giáo phẩm Hệ phái tổ chức. Hòa trong không khí trang nghiêm, an tịnh và ấm tình đạo vị của khóa Bồi dưỡng Trụ trì năm Đinh Dậu – 2017, với chủ đề: Đường lối của Tổ sư Minh Đăng Quang và những giải pháp thực tiễn đối với thực trạng Tăng Ni Khất sĩ hiện nay”, chúng con thay lời Ni chúng Phân đoàn 1 - Ni giới Giáo đoàn IV, thành kính đảnh lễ chư Tôn đức Giáo phẩm Hệ phái, chư Tôn Hòa thượng, chư Thượng tọa, Đại đức Tăng; chúng con thành kính gởi đến quý Ngài, quý Ni trưởng, quý Ni sư, Sư cô, cùng toàn thể đạo tràng lời vấn an sức khỏe và những lời chúc mừng trân trọng, tốt đẹp nhất.

HTHueThong 5

Kính bạch chư Tôn Thiền đức Tăng Ni,

Kính thưa đại chúng,

Hơn 70 năm qua (1944-2017) hòa mình theo dòng chảy của Phật giáo Việt Nam, Hệ phái Khất sĩ đã đạt được những thành quả khả quan và có nhiều đóng góp đáng kể trong ngôi nhà chung của Phật giáo. Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đạt được, theo xu hướng chung của xã hội, Hệ phái vẫn có những khiếm khuyết nhất định khiến chư Tôn đức lãnh đạo Hệ phái ưu tư. Thế nên, khóa Bồi dưỡng Trụ trì năm nay, chủ đề liên quan đến thực trạng Tăng Ni Khất sĩ. Thật sự, không phải ngày nay chúng ta mới đối diện với những điều chưa được kiện toàn trong tông môn Hệ phái, mà ngay từ thời Tổ sư, những vấn đề này cũng đã xuất hiện. Thế nên, Tổ sư nói rằng: “Đạo Phật ngày nay đã không còn giống y như xưa nữa, ai cũng gọi là đệ tử Phật, niệm tên Phật mà không giữ giới luật. Tông giáo càng rộng, sự tín ngưỡng càng nhiều thì giới luật càng mất, triết lý càng lu mờ; Tăng đồ càng suy yếu, thì vật chất càng hưng thạnh”. [1] Có thể nói đây là vấn nạn chung của Hệ phái cũng như của Phật giáo Việt Nam. Vì vậy, việc tìm hiểu các nguyên nhân chủ quan và khách quan để đưa ra những giải pháp thích hợp theo lời dạy của Đức Phật và Tổ sư là việc nên làm.

I. Đường lối của Tổ sư

Với phương châm “Nối truyền Thích-Ca Chánh Pháp”, đức Tổ sư đã khai sáng Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam vào cuối thập niên 40 . Tăng đoàn Khất sĩ do Tổ sư hướng dẫn, sinh hoạt và tu học theo truyền thống của Phật Tăng xưa, nổi bật với các pháp hành như:Du phương giáo hóa, trì bình khất thực, và sống chung tu học . Ba chủ đề này đã được chư Tôn đức Hệ phái, các học giả, các nhà nghiên cứu... nói đến rất nhiều, và ba chủ đề này cũng không xa lạ gì đối với những người con Khất sĩ. Vì vậy, trong phạm vi tham luận này, người viết sẽ không đi sâu vào việc phân tích, giải thích, mà chỉ trình bày tóm tắt ba ý trên. Mục đích chính là liên hệ đến pháp hành căn bản của Tổ sư, từ đó đưa ra những giải pháp thực tiễn đối với thực trạng Tăng Ni Hệ phái Khất sĩ hiện nay.

1. Hạnh du phương giáo hóa

Sau mùa Hạ đầu tiên tại Lộc Uyển, đức Phật gọi 60 vị đệ tử đầu tiên đến và dạy rằng: Này các Tỷ-kheo, hãy du hành vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì an lạc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người”. [2] Thế rồi, đức Phật và chư Tăng đã vân du khắp xứ Ấn Độ, truyền bá giáo pháp đem lại sự an lạc, hạnh phúc cho muôn loài.

Hơn 2.500 năm sau, tại miền Nam nước Việt, Tổ sư đã kế thừa con đường của Phật Tăng xưa. Thực hành hạnh du phương giáo hóa, không chấp vào trú xứ, tài sản, giải thoát khỏi mọi buộc ràng của sự ăn, mặc, ở, bịnh. Trong Chơn lý “Khất sĩ”, đức Tổ sư dạy: “Chính sự ở một chỗ, giữ một bài, một lớp là khổ não, vô minh. Càng đứng ngồi nằm một chỗ, càng thấy nóng nảy sân hờn, bụi lấp xấu dơ, tham lam đen nặng”.[3] Theo lời dạy của Tổ sư, chính vì ở một chỗ mà phiền não sanh khởi. Trái lại, bậc du Tăng Khất sĩ hành đạo khắp xứ, sống đời đơn giản thanh bần, chỉ để tâm trí theo đuổi việc tu học và vì mục đích giáo hóa chúng sanh, nên cõi lòng mát dịu, mở rộng bao la, từ bi hỷ xả, bụi trần không nhiễm. Chính vì lợi ích cao cả này, nên kể từ ngày khai sơn Hệ phái, dù nắng mưa hay sương gió, nơi làng mạc hay thị thành, nơi đồi núi hay cao nguyên xa xôi, đều có dấu chân của Tổ sư cùng những vị Khất sĩ thuyết giảng về đạo lý cứu khổ và đời sống Thánh hạnh. Có thể xem đây là sự khởi đầu của Hệ phái Khất sĩ.

2. Hạnh trì bình khất thực

Trong Chơn lý “Đạo Phật Khất Sĩ”,[4] Tổ sư có nhắc đến câu chuyện: hai năm sau ngày thành đạo, đức Phật cùng 1.250 vị Tỳ-kheo về lại Ca-tỳ-la-vệ và đi khất thực ngay chính quê hương Ngài. Khi ấy, vua Tịnh-phạn quá bức xúc vì sĩ diện của một vị đế vương nên đến gặp Phật, đức Thế Tôn đáp lại lời vua Tịnh-phạn: “Như Lai không làm nhục phụ vương, Như Lai chỉ hành theo truyền thống của ba đời chư Phật”.[5]

Qua đây cho thấy, pháp khất thực không phải do Tổ sư tự sáng chế ra, mà là truyền thống của chư Phật ba đời. Tổ sư nói: “Chư Phật ba đời đều là Khất sĩ, nếu không làm du Tăng Khất sĩ để xin ăn tu học thì dễ gì đạt đến đạo quả Vô thượng sĩ ngày mai”.[6] Pháp hành này được chư Tăng các nước Phật giáo Nam Tông thực hành, tuy nhiên khi được Tổ sư áp dụng đã trở thành pháp hành nổi bật của Hệ phái. Đáng tiếc là những năm gần đây do một vài yếu tố khách quan, pháp hành truyền thống của Hệ phái đã không thể thực hiện rộng rãi như thời Tổ sư còn sanh tiền. Theo lời dạy của Tổ sư, khất thực không phải vì thiếu ăn, mục đích chính là nhằm tạo điều kiện cho mọi người có cơ hội gieo duyên lành với Tam bảo. Đức Tổ sư khẳng định: “Không phải vì đói khát sợ chết mà xin, người đi xin vật chất là làm cớ sự để bố thí tinh thần phước lạc, nhắc nhở độ khuyên người. Đi xin tức là bố thí pháp vậy. Mỗi ngày đi xin một lần, lập một công đức dẫn đạo ban hành, dìu dắt chúng sanh, đền ơn chư Phật lưu truyền Chánh pháp”.[7] Hành trì bình khất thực đem lại nhiều an lạc, lợi ích cho người cúng dường và người nhận vật cúng dường, vì “pháp khất thực dạy người bố thí, cùng dạy mình chân lý không tham”.[8]

3. Nên tập sống chung tu học

Phương châm “nên tập sống chung tu học” được xem như sợi chỉ xuyên suốt khắp các bài Chơn lý của Tổ sư, nhằm nêu cao tinh thần thống nhất và hòa hợp trong Tăng Ni Hệ phái nói riêng và Phật giáo nói chung. Đức Tổ sư không chỉ dạy mọi người nên sống chung, mà danh từ chung được Tổ sư lập lại trong ba mệnh đề liên kết nhau: Cái Sống là phải sống chung, cái Biết là phải học chung, và cái Linh là phải tu chung”. [9] Sống chung tu học để nung đúc, rèn luyện, tăng trưởng cái Sống, cái Biết, và cái Linh. Theo HT. Giác Toàn đây chính là cách cụ thể hóa tinh thần Tam tụ - Lục hòa mà chư Phật đã dạy từ ngàn xưa.[10]

Sống chung ở đây không những chỉ cho một hội chúng, mà chỉ cần có hai vị Khất sĩ trở lên cũng có thể gọi là chung. Chính vì có sống chung nên mới hiểu biết, có hiểu biết mới có cảm thông, có yêu thương và tha thứ. Tổ sư dạy: “Có thương yêu mới chung vui hòa hiệp làm một thể sống, sức mạnh bền lâu”.[11] Theo nguyên lý duyên khởi, nào ai có thể tự sống riêng biệt một mình mà không cần nhờ nơi tất cả. Chính cái thân danh-sắc này đã do biết bao nhân duyên hòa hợp mới có được. Vì vậy, muốn cho hội chúng phát triển thì cần phải bỏ cái ngã để sống chung, học chung và tu chung. Nguyên lý dây chuyền này như một định đề bất khả phân ly và do đây Hệ phái Khất sĩ dù trải qua bao thăng trầm vẫn có thể tồn tại và phát triển giữa hai tông phái lớn là Nam tông và Bắc tông.

II. Thực trạng Tăng Ni trẻ hiện nay

Ba pháp hành vừa nêu trên được xem như ba chân vạc giúp Hệ phái những ngày đầu mới thành lập tỏa sáng trong lòng người dân Nam Bộ, sau đó nhân rộng ra các tỉnh thành phía Đông và Trung nước Việt. Hình ảnh vị Khất sĩ đầu trần chân đất, dung dị trong chiếc y phấn tảo, ngày ôm bát hóa duyên, đêm nghỉ dưới cội cây hay căn nhà trống đã đánh động vào tín tâm của những người con Phật. Thời Tổ sư Hệ phái phát triển như vậy mà Ngài còn phải than rằng: “Chưa biết tới chừng nào, chúng ta mới gặp lại một căn nhà mát sơ sài, cây lá trống trải, có một vị Pháp sư dạy đạo như xưa”.[12] Cụm từ “chưa biết tới chừng nào” nghe xa vời vợi, đến ngày nay, thật khó mà thấy được những hình ảnh ấy. Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta phủ nhân sự tiến bộ của văn minh nhân loại và sự phát triển của khoa học kỹ thuật. Điều đáng nói là phải tùy duyên như thế nào để những pháp hành truyền thống của Hệ phái không bị mai một theo sự cải cách và tiến hóa của xã hội.

Hòa thượng Thích Đức Nghiệp, trong quyển Đạo đức Phật giáo, nhận định: “Phẩm hạnh và đạo đức của người tu sĩ trẻ nước ta hiện nay đang đứng trước bờ vực của sự suy thoái, lâm vào cảnh ‘tiến không đường, thoái chẳng nơi’, chơ vơ đơn chiếc, chẳng khác gì chiếc thuyền giữa biển không ai biết lái, như người đi bộ đứng giữa ngã ba, không biết đi đường nào cho phải”.[13] Tại sao những tu sĩ trẻ hiện nay bị mất phương hướng và điều gì đã khiến các bậc tiền bối đưa ra lời nhận xét như vậy?

1. Thực trạng

(a) Dùng những vật dụng không thích hợp

Khoa học kỹ thuật càng tiến bộ, nhu cầu vật chất của con người càng cao. Người tu, dù xuất gia nhưng nếu không biết áp dụng pháp hành, vẫn bị tác động và ảnh hưởng theo xu hướng chung của xã hội. Vẫn thích những vật chất thế gian như xe cộ, y áo, điện thoại…Thật sự, không ai phản đối việc Tăng Ni sử dụng các thiết bị tân tiến trong một xã hội hiện đại, vì tất cả chỉ là phương tiện: vật thực để duy trì mạng sống, y áo để ngăn ngừa nóng lạnh, xe cộ để đi lại, điện thoại để liên lạc, v.v... Tuy nhiên, việc người xuất gia dùng các vật dụng quá sang trọng là điều trái ngược với giáo lý của Tổ sư, vì tứ vật dụng hằng ngày một vị Khất sĩ có được là do nơi sự cúng dường của thập phương bá tánh, nếu vật chất hưng thì tinh thần phải suy. Tổ sư khẳng định: “Đạo Phật ngày nay không còn cao quý là bởi Tăng-già suy kém, vật chất thạnh hành”.[14] Trong Kinh Thừa Tự Pháp , đức Phật từng dạy: “Hãy là người thừa tự pháp của Như Lai, đừng là người thừa tự tài vật”.[15]

(b) Bị tác động bởi mạng Internet

Mọi sự việc trên thế gian này đều tương đối và có hai mặt, nếu nghiêng về một phía sẽ trở thành cực đoan. Đối với mạng internet cũng vậy, chính nhờ sự phát triển của khoa học kỹ thuật, nhờ giao diện facebook mà mọi người dù cách xa nửa vòng trái đất vẫn có thể thấy mặt và thăm hỏi lẫn nhau. Thầy đi hoằng pháp ở phương Tây, đệ tử ở nhà vẫn có thể thấy và nghe thầy giảng. Qua mạng internet, chúng ta có thể dễ dàng tra cứu các thông tin, tìm những quyển sách, những bài giảng chỉ trong vài giây, và cũng không khó để chia sẻ kiến thức của mình đến mọi người. Nếu đứng từ góc độ này mà nói internet hay facebook có hại hay không tốt thì không đúng hoàn toàn.

Tuy nhiên, nếu suốt ngày cứ lướt mạng, trò chuyện và không phân biệt được những trang mạng tốt xấu, sống đời sống ảo, như vậy sẽ rất uổng phí một đời xuất gia. Ở Miến Điện, hầu hết các chùa có truyền thống học và tu khá tốt, nhưng gần đây một vài chùa sau mỗi kỳ thi, số thí sinh thi đậu không được nhiều như trước. Vì sao? Vì những vị tu sĩ trẻ mất quá nhiều thời gian để lướt mạng nên không còn thời giờ học bài. Thật sự, chúng ta không thể nào buộc một tu sĩ sống thui thủi, cách biệt với nền văn minh thời đại, để rồi không giống ai, cuối cùng cảm thấy hoang mang và gần như bị cô lập với xã hội bên ngoài. Điều quan trọng là nên biết lúc nào cần và lúc nào không cần đến mạng internet.

(c) Xây thất ở riêng

Trong Luật nghi Khất sĩ, đức Tổ sư quy định rõ ràng một vị Khất sĩ trên 6 năm được thâu nhận một đệ tử và một tập sự; trên 12 năm được phép tách ra đi lập đạo tràng riêng, dạy số đông. Tuy nhiên, Tổ sư cũng dạy thêm rằng: hai bậc này phải có đủ đức hạnh và phải do Hệ phái chứng minh cho phép.[16] Theo lời Tổ sư dạy, Hệ phái không cấm việc tách thầy ra lập đạo tràng tịnh xá, tuy nhiên cần phải hội đủ điều kiện: trước nhất vị Khất sĩ đó phải có đủ giới hạnh, đủ khả năng ứng phó đạo tràng, dạy chúng tu học; thứ hai là phải được thầy và Hệ phái chứng minh cho phép. Ngoài hai yếu tố trên, nếu vị nào tự ý ra lập thất, xây cốc được xem như là lìa Tăng, ly chúng.

Dù Tổ sư nhiều lần nhắc nhở ‘nên tập sống chung tu học”, nhưng thực tế trong cuộc sống đôi khi có những bất đồng quan điểm về pháp môn tu, về cách sinh hoạt, cách hành trì trong tịnh xá, về cách tiếp Tăng độ chúng, bất mãn hoặc sự sụp đổ lý tưởng xuất gia, muốn sống tự do… Tất cả được xem là những nguyên nhân dẫn đến việc rời thầy ra riêng tự lập. Đây là vấn đề thời sự hiện nay, không chỉ với Hệ phái mà ngay cả Giáo hội cũng đã lên tiếng và cố gắng đưa ra những giải pháp thích hợp, nghĩa là không cấm việc xây thất nếu nơi đó cần có một cơ sở tôn giáo để cho Phật tử sinh hoạt tu học.

2. Nguyên nhân

Nói theo thế gian, có rất nhiều nguyên nhân, nào là chủ quan, nào là khách quan. Nhưng dựa trên quan điểm tu tập của người xuất gia, nguyên nhân chính là tự thân mỗi vị Khất sĩ không giữ gìn giới hạnh và không áp dụng lời Phật, lời Tổ dạy trong đời sống hằng ngày. Đơn cử một việc rất nhỏ trong cuộc sống, ai cũng biết mỗi ngày chúng ta cần phải dùng vật thực để giúp cơ thể có sức khỏe, tu học tốt, nhưng nếu bữa ăn thiếu một trái ớt, hoặc giả thức ăn quá lạt hay quá mặn, người không có Pháp hành sẽ có phản ứng ngay. Người càng phản ứng thì càng khổ đau và sẽ ảnh hưởng đến những người xung quanh, chỗ đứng của vị đó càng cao thì những người xung quanh bị ảnh hưởng càng nhiều. Những ai luôn sáng suốt, định tỉnh, trong lành, và sống tùy duyên thuận pháp sẽ ít hoặc sẽ không phản ứng với những việc trái ý nghịch lòng.

III. Những giải pháp thực tiễn

Mỗi người có mỗi căn tánh khác nhau, sách tâm lý học Phật giáo phân tích có 6 nhóm người dựa trên 6 đặc tính nổi bật nhất: dục tánh (tham), nộ tánh (sân), độn tánh (si), đãng tánh (bất định), mộ tánh (tín), và ngộ tánh (giác). Do vậy, muốn giải quyết vấn đề chúng ta cần có những giải pháp thích hợp, tương ứng với căn cơ trình độ của từng cá nhân. Trong thời gian cho phép của khóa học, người viết xin mạo muội trình bày ba giải pháp cơ bản dựa vào lời dạy của đức Phật và Tổ sư được trình bày trong Chơn lý.

1. Khép mình trong nếp sống thiền môn

Mở đầu “Luật Ngôn” trong Luật nghi Khất sĩ, Tổ sư nhấn mạnh:“Đạo Phật được bảo tồn lâu dài là nhờ giới luật, các Sư được tôn trọng sùng bái là nhờ giới luật; bá tánh được an cư lạc nghiệp, vui hưởng mọi sự lành cũng nhờ giới luật nữa”.[17] Trong phần “Kệ giới”, Tổ sư lại khẳng định: “Giới là nguồn cội của đạo Phật, giới còn thì đạo Phật còn, giới mất thì đạo Phật phải mất”.[18] Giới luật có công năng dứt trừ nghiệp nhân, nghiệp duyên trong đường sanh tử, qua giới luật có thể xác định được một người xuất gia thanh tịnh hay không thanh tịnh, và giới luật ảnh hưởng trực tiếp đến thọ mạng của Phật pháp. Nói cách khác, giới luật chính là nguồn sinh lực, là kim chỉ nam cho sự sinh hoạt Tăng đoàn. Cho nên với người xuất gia, giới luật rất cần thiết trong việc giữ gìn sự thanh tịnh cho mỗi cá nhân và sự hòa hợp trong Tăng đoàn, đồng thời tránh sự chê bai của người thế, làm mất niềm tin Tam bảo của tín thí.

Trong xã hội ngày nay, do hoàn cảnh xung quanh chi phối, chúng ta có quá ít môi trường tốt để trưởng dưỡng đời sống phạm hạnh và gìn giữ sơ tâm xuất gia nên Tăng Ni trẻ dường như không nhận được sự bảo hộ của Tăng đoàn. Nhưng dẫu thế nào đi nữa, tự thân mỗi cá nhân vẫn là yếu tố chính, quyết định sự thành bại trong đời sống tu học của chính mình. Cho nên, đối với người xuất gia, việc vâng giữ giới luật rất cần thiết, cần thiết cho bản thân, cần thiết cho Hệ phái, và cho Tăng đoàn, vì sự kiện toàn giới đức của mỗi cá nhân sẽ trang nghiêm cho đoàn thể. Mỗi cá nhân Tăng hay Ni sống đúng như Pháp, như Luật sẽ là nguồn năng lực vô biên cho sự lớn mạnh của Hệ phái. Và khi Hệ phái đã thực sự thanh tịnh hòa hợp thì không một thế lực nào có thể lấn áp hay phá hoại được. Hệ phái nói riêng và đạo Phật nói chung nhờ đó mà ngày càng vững mạnh và tỏa sáng. Cuộc sống xung quanh cũng nhờ đó mà được tốt đẹp. Chính vì tầm quan trọng của giới luật nên Tổ sư khuyên: “Muốn chấn hưng lại đạo Phật, phải nên bành trướng giới luật”.[19]

2. Dạy pháp hành ngay sau khi xuất gia

Theo Chơn lý, Tổ sư viết, một người khi xuất gia trở thành Khất sĩ sẽ được Thầy truyền trao giới pháp và các oai nghi tế hạnh, sau đó phải có một vị Đại đức, Thượng tọa hay Trưởng lão trực tiếp đứng ra nhận trách nhiệm dạy dỗ. Chính vì vậy mà chư Tôn đức Tăng Ni trong Hệ phái đều có được pháp hành căn bản và có khả năng đi hành đạo muôn phương. Tuy nhiên, Hệ phái thưở xưa chú trọng nhiều vào pháp hành hơn pháp học nên gần như không một vị Tôn đức nào trong Hệ phái viết lại kinh nghiệm tu tập của mình. Ngày nay xa Phật cách Tổ, một số vị có phước duyên sau khi xuất gia gặp được bậc Thầy có kinh nghiệm tu tập, một số vị căn tánh thông minh nên có thể tự học và hành theo pháp đếm hơi thở trong Chơn lý “Số tức quan”, một số tự tìm kiếm Minh sư, số còn lại như lời Hòa thượng Thích Đức Nghiệp nói: “Tiến không đường, thoái chẳng nơi, chơ vơ đơn chiếc, như người đứng giữa ngã ba, không biết đi đường nào cho phải”.

Những năm gần đây, Hệ phái cũng như các Phân đoàn có tổ chức khóa tu cho Sa-di và tập sự, nhưng chỉ là khóa tu ngắn ngày và phải lệ thuộc vào thời gian, vì vậy kết quả không được như ý. Thế nên, cách giúp cho Tăng Ni trẻ Hệ phái có được kinh nghiệm trong thiền tập để có thể vượt qua những vui buồn trong cuộc sống và trở thành một vị Khất sĩ vững chãi giữa đời thường, đòi hỏi các vị trụ trì phải dạy pháp hành cho đệ tử ngay từ những ngày đầu mới xuất gia. Công quả có thêm phước báo và vun bồi các Ba-la-mật, nhưng nếu làm việc quá nhiều và không có thời gian tu học, sẽ làm mất đi sơ tâm xuất gia của Tăng Ni trẻ. Theo quan điểm của ngài Mahasi, một vị thiền sư lỗi lạc tại Miến Điện, người xuất gia nên thực tập thiền ít nhất 3 tháng liên tục ngay sau khi trở thành tu sĩ, vì vừa trở thành tu sĩ còn trẻ khỏe, giới đức trọn vẹn và có đức tin mạnh vào pháp hành nên sẽ dễ dàng đạt được các tuệ giác. Đối với Ngài, dù pháp học và việc công quả rất quan trọng, nhưng pháp hành quan trọng hơn. Tổ sư cũng đã dạy rõ điều này, Ngài nói: “Đạo pháp khi xưa là dạy tu, ai nấy lo giải thoát tu tâm, chứ không có bận rộn sự ngoài, vì vậy mà có rất nhiều người đắc lục thông, trí tuệ, và không có học nơi văn tự nghề nghiệp. Các Sư ngoài giờ nghe pháp là lo học giới, tham thiền, nhập định; tuy chẳng phút nghỉ không thong thả trong tâm, mà bên ngoài thì thật như là rảnh rang vô sự”. [20]Khi đã có pháp hành thì mỗi Tăng Ni trẻ sẽ tự thu thúc lấy chính mình và như vậy sẽ ngăn chặn được các hành động sai lầm; mỗi thành viên là một ngọn đèn sáng góp phần tô điểm Hệ phái và Giáo hội.

3. Sự quan tâm của Thầy Tổ và huynh đệ

Đạo Phật lấy từ bi làm căn bản nên hầu hết mọi người khi phát tâm xuất gia, nếu không phạm pháp, đều được nhận vào Tăng hay Ni đoàn. Tuy nhiên, có một số đạo tràng, tịnh xá thâu nhận người xuất gia nhưng không ý thức đầy đủ trách nhiệm của một vị thầy , không dành đủ thời gian để gần gũi, tìm hiểu, hướng dẫn và giáo huấn đệ tử. Mặt khác, có những đạo tràng không đủ chúng chăm lo các công việc trong tự viện nên các vị trụ trì đã thâu nhận đệ tử một cách quá dễ dãi. Tổ sư nói: “Thầy đỡ đầu như mẹ, thầy tiếp dẫn là cha, Tăng chúng như quyến thuộc”. [21] Theo lời Tổ dạy, trách nhiệm của một người thầy rất nặng, giống như cha, như mẹ vậy; Thầy vừa phải chăm lo đời sống vật chất vừa phải tưới tẩm đời sống tinh thần cho Tăng Ni trẻ. Nói cách khác, thầy vừa là người dạy về kiến thức, về tu tập, về cách hành xử, cách ăn ở, oai nghi tế hạnh cho đệ tử, vừa là người bạn thân có thể chia sẻ tất cả mọi tâm tình với đệ tử và ngược lại. Thông thường, một người mới xuất gia luôn mong nhận được sự dạy dỗ, quan tâm, chăm sóc của Thầy và các huynh đệ, nếu không được vậy, bản thân vị Tăng Ni trẻ ấy sẽ cảm thấy rất hụt hẫng và đây là một trong những nguyên nhân đưa đến các vấn đề tiêu cực trong chốn già lam.

Dẫu biết rằng thầy trò là nhân duyên, đủ nhân đủ duyên nên vị Tăng Ni ấy mới đến xin xuất gia, vậy nên thầy cần phải trợ duyên cho hạt giống ấy được phát triển theo chiều hướng thiện và vị thầy cần phải hiểu rõ tâm tánh đệ tử, xuất gia vì nguyên nhân gì để có thể uốn nắn uyển chuyển học trò trở thành bậc rường cột của Hệ phái. Tổ sư dạy: “Thầy phải hiền lành và thương yêu đệ tử’, [22]“bước đầu bổn phận làm trò, cả thân tâm trí dâng cho người Thầy”.[23] Khi Tăng Ni trẻ cảm nhận được ân giáo dưỡng của Thầy, sự bao bọc chở che của huynh đệ, vị ấy sẽ trân quí đời sống phạm hạnh, sẽ không bao giờ nghĩ đến việc lìa chúng ly Tăng, và luôn nỗ lực tinh tấn “nội cần khắc niệm chi công, ngoại hoằng bất tranh chi đức”.

Lời kết

Bất kỳ một tổ chức nào dù lớn hay nhỏ, dù trong đạo hay ngoài đời, yếu tố con người vẫn là quan trọng nhất. Một đoàn thể muốn phát triển, tự thân mỗi thành viên trong đoàn thể đó phải tự hoàn thiện chính mình. Cũng vậy, để ngôi nhà chánh pháp mãi vững bền và phát triển, mỗi vị Khất sĩ phải tự trang nghiêm chính mình với hương Giới, hương Định và hương Tuệ, vì “hương các loại hoa thơm, không ngược bay chiều gió, nhưng hương người đức hạnh, ngược gió khắp tung bay”.[24]

Hầu hết mọi người khi xuất gia đều mang một hoài bão lớn lao, đó là “thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh”. Nhưng năm tháng dần trôi, có những Tăng Ni gặp các nội chướng ngoại duyên tác động nên sơ tâm xuất gia dần dần bị phai mờ, không còn mấy nhiệt tâm trên con đường đạo; có những vị huân tập các Ba-la-mật tròn đủ nên đi trên con đường đạo với niềm hỷ lạc vô biên; và cũng có những vị nửa đường bỏ cuộc. Thế nên, những Tăng Ni trẻ còn đủ phước duyên ở trong đạo là những mầm non đáng được trân quý. Trong Tương Ưng Bộ Kinh, đức Phật dạy có bốn thứ không nên xem thường, một trong bốn thứ đó là: “Không nên khinh thường vị tu sĩ trẻ”.[25] Trong Hệ phái cũng như trong Giáo hội, trên có chư Tôn đức lãnh đạo, dưới không thể thiếu hàng ngũ kế thừa, đó là Tăng Ni trẻ, những người có đầy đủ sức khỏe và nhiệt huyết để cống hiến cho đạo pháp và dân tộc. Vì vậy, Hệ phái cần trang bị cho Tăng Ni trẻ có đầy đủ Pháp học và Pháp hành để phát huy nội lực, đủ sức gánh vác các Phật sự của Hệ phái và Giáo hội. Tạo điều kiện giúp Tăng Ni trẻ có nhiều cơ hội hoạt động Phật sự, có khả năng thích ứng với đời sống, nhưng vẫn tràn đầy lý tưởng tu hành giải thoát, vô ngã vị tha.

Chúng con thành kính tri ân chư Tôn Thiền đức Tăng Ni, và chân thành cảm niệm công đức toàn thể đạo tràng đã lắng nghe. Kính chúc quý Ngài pháp thể khinh an, chúng sanh dị độ, Phật sự viên thành. Kính chúc toàn thể đại chúng vô lượng an lạc, các tường như ý.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Tổ sư Minh Đăng Quang, Chơn lý, tập I, II, III. NXB. Tôn giáo, Hà Nội, 2009.

Tổ sư Minh Đăng Quang, Luật Nghi Khất Sĩ, NXB. Tôn giáo, Hà Nội, 2004.

HT. Minh Châu dịch, Kinh Pháp Cú, Viện Nghiên cứu Phât học VN ấn hành, 1996.

HT. Minh Châu dịch, Trung Bộ Kinh, tập I, Thích Ca Thiền Viện, USA, hạ tải tại Buddhanet.net.

HT. Minh Châu dịch, Tương Ưng Bộ Kinh, tập I. Thích Ca Thiền Viện, USA, hạ tải tại Buddhanet.net.

HT. Thích Đức Nghiệp, Đạo đức Phật giáo, Nguồn: Phattuvietnam.net.

HT. Giác Toàn, Hội thảo khoa học 300 năm PG Gia Định - Sài Gòn, NXB. TP. Hồ Chí Minh, 2002.

Phạm Kim Khánh dịch, Đức Phật và Phật Pháp, Thành hội Phật giáo TP. HCM ấn hành, 1989.

 


Chú thích:

[1] Chơn Lý, tập II (NXB Tôn giáo, Hà Nội, 2009), tr. 111.

[2]HT. Minh Châu dịch, Tương Ưng Bộ Kinh, tập I (Thích Ca Thiền Viện, USA, hạ tải tại Buddhanet.net), tr. 164.

[3]Chơn Lý, tập I (NXB. Tôn giáo, Hà Nội, 2009), tr. 261.

[4]Chơn Lý, tập III (NXB. Tôn giáo, Hà Nội, 2009), tr. 406.

[5]Phạm Kim Khánh dịch, Đức Phật và Phật Pháp (Thành hội Phật giáo TP.HCM ấn hành, 1989), tr. 138.

[6]Chơn lý, tập III (NXB. Tôn giáo, Hà Nội, 2009), tr. 380.

[7]Chơn lý, tập I (NXB. Tôn giáo, Hà Nội, 2009), tr. 274.

[8]Chơn lý, tập III (NXB. Tôn giáo, Hà Nội, 2009), tr. 380.

[9]Nt, tr. 353.

[10]HT. Giác Toàn, Hội thảo khoa học 300 năm Phật giáo Gia Định - Sài Gòn (NXB. TP. HCM, 2002), tr. 44.

[11]Chơn lý, tập I (NXB. Tôn giáo, Hà Nội, 2009), tr. 181.

[12]Chơn lý, tập II (NXB. Tôn giáo, Hà Nội, 2009), tr. 107.

[13]HT. Thích Đức Nghiệp, Đạo đức Phật giáo (Nguồn: Phattuvietnam.net)

[14]Chơn lý, tập II (NXB. Tôn giáo, Hà Nội, 2009), tr. 106.

[15] HT. Minh Châu dịch, Trung Bộ Kinh, tập I (Thích Ca Thiền Viện, USA, hạ tải tại Buddhanet.net), tr. 22.

[16]Luật Nghi Khất Sĩ (NXB. Tôn giáo, Hà Nội, 2004), tr. 51.

[17]Sđd, tr. 12.

[18]Sđd, tr. 100.

[19]Chơn lý, tập II (NXB. Tôn giáo, Hà Nội, 2009), tr. 111.

[20]Sđd, tr. 104.

[21]Luật Nghi Khất Sĩ (NXB. Tôn giáo, Hà Nội, 2004), tr. 54.

[22]Chơn lý III (NXB. Tôn giáo, Hà Nội, 2004), tr. 461.

[23]Luật Nghi Khất Sĩ (NXB. Tôn giáo, Hà Nội, 2004), tr. 25

[24] HT. Minh Châu dịch, Kinh Pháp Cú (Viện Nghiên cứu Phât học VN ấn hành, 1996), kệ 54.

[25]HT. Minh Châu dịch, Tương Ưng Bộ Kinh, tập I (Thích Ca Thiền Viện, USA, hạ tải tại Buddhanet.net), tr. 112.