Đường lối hành trì của Tổ sư Minh Đăng Quang

TSMDQ027I. DẪN NHẬP

Thuở xưa, khi Phật còn tại thế, Ngài đã chỉ dạy hàng đệ tử lẽ sống chung tu học, đưa đến giác ngộ và giải thoát. Kế thừa dòng Phật, bao thế hệ Tăng-già nối bước nhau đi, nhờ đó đạo Phật còn sống mãi tại nhân gian làm lợi ích cho bao lớp người. Thành quả tốt đẹp ấy có được là nhờ sự đóng góp của quá trình sống chung tu học. Kế thừa gia tài Pháp bảo đồ sộ đó, Đức Tổ sư Minh Đăng Quang xuất thế tại Việt Nam , khai mở lại hình ảnh xuất trần thoát tục ngày nào của Phật Tăng, Thánh chúng. Chỉ vỏn vẹn mười năm ẩn tu và hành đạo mà công hạnh của Tổ sư đã vực dậy tinh thần giác ngộ cho cả một thế hệ Khất sĩ, đồng chung lý tưởng dưới sự chở che của hồng ân Tam Bảo. Cho đến tận ngày nay, âm vang phạm hạnh và những lời dạy của Tổ sư vẫn còn ảnh hưởng sâu sắc trong tâm thức của hàng hậu học. Tổ sư đã cống hiến trọn vẹn cuộc đời của mình , góp phần to lớn trong công cuộc chấn hưng đạo pháp. Những cống hiến của Ngài làm cho Phật giáo tại Việt Nam được thêm dưỡng chất, thêm hòa hợp và sống mãi trong lòng dân tộc suốt từ nửa thế kỷ XX sang qua thế kỷ XXI này.

Ngày nay, Phật giáo tại nước ta đã thống nhất thành một tổ chức duy nhất mang tên Giáo hội Phật giáo Việt Nam (1981). Trong đó, Hệ phái Khất sĩ là một thành viên sáng lập quan trọng không thể thiếu. Có được vị thế đáng tự hào đó , chính là nhờ công ơn một đời hành đạo của Đức Tổ sư.

Chúng ta thấy rằng,t rên con đường giác ngộ, bao thế hệ Tăng Ni Khất sĩ hẳn đã ghi khắc trong tim mỗi người hình ảnh cao đẹp của Tổ sư qua chân dung một nhà sư đầu trần, chân đất, thân đắp y phấn tảo, tay ôm bình bát khất thực hóa duyên . Tổ sư đã đi khắp chốn từ thành thị đến thôn quê để gieo hạt giống Bồ-đề, đánh thức tâm giác ngộ nơi mỗi con người hữu duyên. Cuộc đời của Đức Phật và chư Tổ đều là những tấm gương sống động để chúng ta soi mình tu tập theo. Thế nên, khi nhớ về công ơn của các bậc Tổ khai sơn, không gì thiết thực hơn là thường tưởng nhớ cuộc đời hành đạo, tư duy lời các Ngài dạy và phải áp dụng hành trì một cách tinh tấn.

Đi giữa đường đời đầy hoa thơm cỏ lạ và cũng đầy sỏi đá chông gai, tấm gương sáng ngời đạo hạnh của Tổ sư đã dẫn bước soi đường cho chúng ta hướng về nguồn cội tâm hồn, tìm sự giải thoát trong ta, giải thoát ngay chính tự thân này. Để sống trọn vẹn theo lời Tổ dạy và để tưởng nhớ ơn đức của Tổ sư. Đề tài Đường lối hành trì của Tổ sư Minh Đăng Quang” sẽ được triển khai như là một hành trình nhỏ vào trong kho báu quý giá của tông phong Khất sĩ.

II. NỘI DUNG

1. Hành trì giới luật

Đời sống của Tăng sư, từ thể xác đến tinh thần đều được chỉ dẫn rất cặn kẽ trong Luật tạng. Chính Luật tạng là khuôn phép, là những điều quy định người xuất gia phải tuân thủ, hành trì. Nội dung Luật tạng bao hàm từ chuyện nhỏ nhặt như cách ăn uống, nằm ngồi, cho đến những điều hàm chứa lý lẽ cao siêu giúp người tu kiểm thúc được thân tâm, mau đạt đến giải thoát.

Giới bổn gồm chứa đầy đủ mọi đức lành. Người thế tục mà xem qua cũng có thể nhờ đó mà được sự giáo huấn lợi ích nhiều lắm, huống hồ là chư Tăng ngày ngày gìn giữ, noi theo thọ trì. Khi Phật vừa thành đạo, sáng lập Giáo hội Tăng-già, vì số Tăng sĩ còn ít và có Đức Phật bên cạnh để uốn nắn, chỉ bày, nên chưa cần đến giới luật. Những việc đúng sai, nên hoặc không nên, vị Tăng có thể trực tiếp thưa hỏi Phật. Nếu có ai không biết mà làm việc không phải, cũng đã có Phật cản ngăn, dạy dỗ. Nhưng về sau, người xuất gia càng ngày càng đông hơn, nên việc ban hành những khuôn mẫu, luật lệ trở nên rất cần thiết, vừa để hướng dẫn người tu đi đúng đường, vừa thiết lập được trật tự trong Tăng chúng để cùng nhau tu tập và đối đãi với nhau cho tốt. Ngoài ra cũng phải quy định mối quan hệ thế nào cho thích hợp, đúng đắn giữa người xuất gia với hàng cư sĩ tại gia, với các quan chức, và nói chung với cả xã hội. Và điều quan trọng nhất là nhằm bảo vệ sự tôn nghiêm, thanh khiết cho chúng hội cả ngàn người trong mỗi ngôi chùa. Với những sự cần thiết như vậy, Giới bổn đều đáp ứng được cả. Từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ, những quy định nào là cần thiết cho người xuất gia đều được ghi rõ trong đó cả. Người xuất gia cho dù tánh nết trước đây có như thế nào đi nữa, chỉ cần tuân thủ hoàn toàn đúng như Giới bổn là tất nhiên sẽ trở thành bậc chân tu đức hạnh. Và nhờ vào sự kiểm thúc thân tâm, nên dần dần sẽ được trí tuệ sáng suốt mà trở nên hàng thánh giả [1].

Trong Chơn lý “Tông giáo”, Tổ dạy: “Mỗi cư sĩ đều có phận sự phải xuất gia, mỗi Tăng sư đều có phận sự phải dung hòa giữ giới, người hành chưa đặng, thì phải biết kính trọng những kẻ đang hành, phải hộ pháp nâng cao tán thán, chớ đừng gièm pha ố chọi, hãy nghĩ đến đạo, đến Phật, đến chúng sanh, mà đừng kiêu sa um tỏi. Phải khuyến khích người tu, phải giúp đỡ người ta hơn mình, phải hợp tác với họ, phải sửa chữa điều kém thiếu, phải nâng cao giới luật, đó mới phải là phận sự của Tăng bảo, mới gọi là Tăng bảo không tạo tội, phải tạo nấc thang cho người lên, phải chỉ bờ mé cho người đến, phải sắm tàu ghe để vớt người nguy, mới là phận sự chánh của Tăng-già, đối với cõi đời tràng giang đại hải, của chúng sanh ngày nay đang lặn hụp. Thật vậy, chỉ có Tăng chúng mới lập đạo đặng, rồi thì các tông giáo sẽ tự nhiên thống nhất. Còn nếu đạo Phật bằng chẳng đặng chỉnh đốn y như vậy, thì âu là Tăng sư ai nấy hãy tách riêng ra, tu trì Độc giác, khắc nghiêm giới hạnh, ở ẩn rừng sâu, cũng còn khá hơn là sự xuất gia cẩu thả, ở nơi thành thị, chi cho phải bị cư gia hủy mạ. Có như thế thì cái nạn chiến tranh Tông giáo, từ nay mới đặng dứt hết” [2].

Đức Tổ sư luôn lấy giới luật làm đầu và luôn dạy dỗ các đệ tử phải hành trì giới luật. Thế nên, ngay phần đầu tiên Luật nghi Khất sĩ, Tổ đã ân cần dạy bảo: “Đạo Phật được bảo tồn lâu dài là nhờ giới luật; các sư được tôn trọng sùng bái là nhờ giới luật; bá tánh được an cư lạc nghiệp, vui hưởng mọi sự lành, cũng nhờ giới luật nữa! Ở xứ nào mà người ta có giữ hạnh, thì dân chúng được bình an, không có tai nạn phiền hà; dầu là nhà sư Đại thừa ở Tàu, ở Nhật; dầu là Tăng Lạt-ma giáo ở Tây Tạng; dầu là Tỳ-kheo Tiểu thừa ở miền Tích Lan hay Thiên Trước, mọi người đều phải trân trọng giữ giới, và nhờ sự bảo hộ bởi giới lành. Lại cư gia bá tánh cũng thế, không phân biệt là miền Đại thừa hay Tiểu thừa, ai nấy đều phải cần trì giới, giữ hạnh, để sống một cách phải thế, trong sạch và hiền hòa” [3].

Việc không hành trì đúng giới luật làm cho Phật giáo không giữ được giá trị trong sạch vốn có của mình. Đây là một pháp nạn chính từ trong nội bộ mà Phật giáo Việt Nam vấp phải. Tổ sư đề cao vai trò của giới luật, xác quyết lại nền tảng của Phật giáo là phải lấy giới luật làm lẽ sống. Có như vậy, Tăng đoàn mới vững chắc, các vị Tỳ-kheo mới có sự bảo hộ làm cho tam nghiệp thanh tịnh. Đây mới là con đường chấn hưng Phật giáo ổn định nhất.

2. Xây dựng lại hình ảnh Phật Tăng xưa

Với chí nguyện "Nối truyền Thích-ca Chánh pháp" , Tổ sư đã quyết chí đi theo con đường truyền thống mà Đức Thế Tôn đã vạch ra, noi gương Phật Tăng xưa sống đời phạm hạnh của một du phương Khất sĩ.

Trong quyển “Tông giáo”, Tổ dạy: “Đạo Phật ngày nay không còn cao quý, là bởi Tăng-già suy kém, vật chất thạnh hành. Đạo Phật rồi đây sẽ gia nhập bằng thẳng về theo thế sự vào các ngoại giáo khác; Phật Thích Ca sẽ không còn hình bóng tiếng tăm nữa. Xem ngó lại nơi giữa chánh điện của ngôi chùa ngày nay, ngôi chùa nguy nga lộng lẫy, mà chẳng có một pháp lý, ích lợi dạy đời vì tín đồ, vì Tông giáo, vì số đông thấp dưới, các sư làm người thủ tự cho tín đồ, đâu có rảnh rang dạy đạo, nói pháp; vì muốn cho đông người lui tới, nên phải bày ra sự thờ phượng tượng cốt đủ đầy; tiên Phật hội đồng, quỷ thần hỗ trợ đủ thứ; vì tín đồ bày ra sự tín ngưỡng, chớ ít kẻ lo tu học tìm đạo” [4].

Tuy nhiên, từ nguồn suối tâm linh này, Tổ sư tiếp tục khơi thông nguồn mạch, thuận duyên hành đạo trong cộng đồng dân tộc Việt, để khai sáng ra Hệ phái Khất sĩ Việt Nam. Nghĩa là mặc dù cách tu học theo lối Khất sĩ đã có từ thời Phật Thích-ca còn tại thế, nhưng trong cách tu học của Hệ phái do Tổ sư sáng lập vẫn có một sắc thái Phật giáo đặc thù, biệt truyền tại Việt Nam .

Về mục đích của sự tu tập theo lối Khất sĩ, Tổ sư giải thích đại ý: Sự xin ăn không phải là hèn kém, chẳng qua việc ấy nhắc nhở người tu hành phải biết nhẫn nhục và chịu đựng những thử thách, để lòng tự ái, dục vọng... chóng tiêu dần. Đồng thời qua đó, nó còn giúp người tu luyện trí, tạo cho mình những niềm lạc quan siêu thoát hơn. Về phần người bố thí, qua hình ảnh của người “Khất sĩ”, họ sẽ hiểu được phần nào là “an vui thanh sạch”, là “trầm luân khổ ải” để sớm thức tỉnh, tìm đến con đường giải thoát phiền muộn. Tóm lại, đối với người tu, nếu không làm “Khất sĩ” để vừa hóa trai, vừa tu học thì không dễ gì đạt được đạo quả vô thượng .

Ý nghĩa của Khất sĩ lại được lý giải như sau: Khất là xin, sĩ là học. Xin rồi lại cho, học rồi lại dạy. Xin phẩm thực để nuôi thân giả tạm, cho sự thiện lành phước đức để bảo giữ sự sống dài lâu. Học bằng cách thu thập ở khắp nơi, rút tỉa, rồi chỉ lại cho người. Cái xin, cái cho, cái học, cái dạy... tựa như các pháp nương sanh, mở ra con đường xán lạn cho tất cả về sau tiến bước. Con đường ấy kêu là Đạo” (Chơn lý “Khất sĩ”).

Cụ thể là dù ở nơi nào, trước đây mỗi sáng các đệ tử theo Hệ phái Khất sĩ đầu trần, chân đất khoác y ôm bát đi hóa duyên, đến giờ trưa Ngọ tìm nơi vắng vẻ thọ thực, và buổi chiều thuyết giảng tại các nơi đông dân cư... với phương châm hành đạo do Tổ sư đề ra :

Nên tập sống chung tu học

Cái sống là phải sống chung,

Cái biết là phải học chung,

Cái linh là phải tu chung”.

(Chơn lý Hòa bình”)

Sống chung tu học để nung đúc, rèn luyện, tăng trưởng cái sống, cái biết, cái linh. Đó chính là cụ thể hóa tinh thần tam tụ, lục hòa mà chư Phật đã dạy từ ngàn xưa. Đồng thời, Tổ sư cũng khuyến khích các cư sĩ tại gia tích cực gắn bó trong cuộc sống, cùng chung xây dựng một cõi đời đạo đức, một cuộc sống an vui hạnh phúc ngay tại thế gian này bằng cách:

“Mỗi người phải biết chữ,

Mỗi người phải thuộc giới,

Mỗi người phải tránh ác,

Mỗi người phải học đạo”.

(Chơn lý “Cư sĩ ”)

3. Xây dựng đời sống Tứ y pháp

Trong quyển Chơn lý “Chánh pháp”, Tổ sư đưa ra câu hỏi: “Cái gì là chánh pháp của chư Phật?” và Ngài trả lời: “Tứ y pháp là chánh pháp của chư Phật mười phương ba đời”. [5]

Chánh pháp không phải là sự tu chứng của phàm phu mà chỉ có hàng Phật Thánh mới có thể thấu đạt được. Pháp này không thể do sự học hành hay nghiên cứu mà phát sanh. Vì vậy, những người tuyên dương giáo pháp mà không có sở đắc thì không ai dám xác định đây là Chánh pháp thật sự.

Khi xưa, thái tử Tất-đạt-đa có trí tuệ hơn người, Ngài đã học tập hết tất cả các kiến thức tôn giáo thời bấy giờ và ứng dụng hành trì trong thời gian xuất gia. Vậy mà, bỏ 6 năm tu tập, nhưng vẫn không đạt kết quả, bởi vì các học thuyết đương thời không phải là chánh pháp đưa đến yểm ly, đoạn diệt, chứng đắc Niết-bàn. Cuối cùng, Ngài tự mình tìm ra con đường Trung đạo, chứng quả Toàn giác sau 49 ngày thiền định dưới cội Bồ-đề.

Trong lần chuyển pháp luân đầu tiên, Đức Thế Tôn đã dạy về lối tu này cho 5 anh em Kiều-trần-như và trở thành lời xác chứng cho nguồn Chánh pháp cao thượng phải đầy đủ hai góc độ pháp học và pháp hành. Đó là pháp tu Trung đạo trước khi Ngài dạy về Tứ diệu đế: “Hỡi này các Tỳ-kheo, có hai cực đoan không đưa đến đoạn tận khổ đau. Sự dể duôi trong dục lạc là thấp hèn, thô bỉ, phàm tục, không xứng phẩm hạnh của bậc Thánh nhơn, và vô ích. Sự thiết tha gắn bó trong lối tu khổ hạnh là đau khổ, không xứng phẩm hạnh của bậc Thánh nhơn, và vô ích. Từ bỏ cả hai cực đoan ấy, Như Lai đã chứng ngộ con đường Trung đạo, là con đường đem lại nhãn quan và tri kiến đưa đến an tịnh, trí tuệ cao siêu, giác ngộ và Niết-bàn” [6].

Trên bước đường tầm sư học đạo, Tổ sư Minh Đăng Quang đã học tập và thực hành lời dạy này. Sau khi thành Tổ khai sơn Hệ phái Khất sĩ, Ngài đã cụ thể hoá con đường Trung đạo bằng hạnh tu Tứ y pháp.

Tổ vạch rõ sự khổ hạnh ép xác của ngoại đạo dựa trên ý nghĩ muốn đoạn nghiệp quá khứ nên hy sinh đời sống bằng cách đọa đày cơ thể. Họ mong cầu đời sống tương lai hạnh phúc với phương pháp tự hành hạ xác thân bằng 4 cách:

1. Nhịn đói không ăn.

2. Lõa thể không mặc quần áo.

3. Phơi nắng dầm mưa giữa khoảng trống.

4. Đau liều mạng không uống thuốc[7].

Những người tu theo đường lối này tuy không tham đắm vật chất nhưng sự tu hành lại vô cùng lệch lạc. Dù cho họ có sanh lên cõi trời cũng sẽ có ngày sa đọa.

Ngược lại với lối khổ hạnh là 4 pháp dung dưỡng:

1. Ăn nhiều bữa, nhiều món, chấp vị ngon.

2. Mặc áo quần, chưng diện đủ thứ.

3. Ở nhà ngói, lầu đài, xe cộ sang trọng.

4. Không đau mà trữ thuốc uống, bổ dưỡng luôn luôn[8].

Hạng này thọ hưởng dục lạc một cách không điều độ làm cho cơ thể sung mãn sa vào khuynh hướng hưởng thụ dục lạc. Từ đó, họ không biết tiết chế trong tứ vật dụng, tâm tham sẽ dẫn dắt họ tạo nghiệp và đây là nhân của luân hồi sanh tử.

Sau khi phân định 4 pháp thái quá và 4 pháp bất cập, Tổ sư xác quyết con đường Tứ y pháp là lối Trung đạo đưa đến giải thoát.

a. Ăn:

“Người tu xuất gia: chỉ ăn đồ xin mà thôi, nhưng ngày hội, thuyết pháp, đọc giới bổn thì được ăn tại chùa”[9].

Sống trên đời, con người có thể thiếu đờn ca, hát xướng, các cách vui chơi tiêu khiển nhưng không thể thiếu cái ăn, sự mặc, chỗ ở và thuốc trị bệnh. Bốn món này là nhu yếu phẩm để con người tồn tại. Trong quyển Chơn lý “Ăn và sống”, Tổ sư nói về vấn đề này rất rõ ràng và chi tiết.

Ăn vừa là nhu cầu sống vừa là bản năng hưởng thụ. Cho nên, từ ăn người ta có thể gây ra biết bao tội lỗi và cũng từ ăn người ta có thể thực hành pháp tu rốt ráo. Ăn đúng pháp sẽ giúp người xuất gia thực hành Chánh hạnh đưa đến an tịnh thân tâm.

Duyên theo việc ăn uống, bất thiện pháp luôn có điều kiện sanh khởi. Chúng sanh khởi như thế nào? Khi chúng ta đói bụng cồn cào, ngồi bên bát cơm ta đưa vào miệng những muỗng cơm có đầy đủ mỹ vị, vị giác làm cho tâm ta thỏa thích, hoan lạc nên bị nô lệ trong sự thèm khát. Đây là lúc tâm tham sinh khởi. Nếu có miếng ăn cay, đắng… làm cho ta bực bội, khó chịu thì đây là tâm sân. Còn có những miếng ăn mà ta không phân định rõ ràng sự tiếp xúc với nó, nhai mà không ghi nhận được vị giác như thế nào thì đây là trạng thái của tâm si.

Người đời luôn ăn uống trong tham sân si, họ mưu cầu cho vấn đề này cũng bằng tam độc phiền não nên cả đời bị trói cột trong chúng. Người tu xuất gia, khi ăn phải duy trì chánh niệm. Phép ăn của người Khất sĩ là phép ăn hòa chúng. Tất cả phải ngồi ngay thẳng, chú ý theo dõi từng muỗng cơm đều đặn và ghi nhận tâm sinh khởi như thế nào. Nếu tâm ấy ưa thích hay bực bội phải nhiếp phục và xả ly chúng. Phải biết rằng thọ thực là duy trì mạng sống để hoàn thành phạm hạnh của bậc Thánh. Do thường suy niệm về mục đích này nên người xuất gia chánh niệm đoạn trừ tham sân si trong khi thọ thực.

b. Mặc:

“Người tu xuất gia chỉ lượm vải bỏ mà đâu lại thành áo nhưng có ai cúng vải, đồ cũ thì được mặc”[10].

Trong 13 hạnh đầu-đà có một hạnh là trọn đời mặc y vá chứ không nhận y may sẵn của thí chủ. Tinh thần xả ly của chúng ta là có người cúng thì nhận, không cúng thì thôi. Chúng ta không tìm cầu y áo nơi thí chủ. Chúng ta không nên sinh tâm ưa thích hay oán ghét duyên theo y tốt hay xấu do họ mang lại. Người đời dùng vải vóc cao sang tô điểm xác thân tứ đại. Người tu dùng vải đâu lại thành áo để tạm che thân, thể hiện sự an nhiên vượt thoát cuộc đời.

Một thuở nọ khi Phật còn tại thế, A-nan là thị giả hầu Phật. Có một thí chủ sinh niềm tin đối với A-nan nên dệt một chiếc y rất đẹp cúng dường Ngài. Ngài A-nan tưởng nhớ đến Tôn giả Đại Ca-diếp nên đem chiếc y cúng dường vị Đệ nhất hạnh Đầu-đà. Nhận y xong, Tôn giả Đại Ca-diếp tưởng nhớ Đức Thế Tôn nên dâng y cúng dường lên Phật. Đức Thế Tôn nhận y, bèn cởi y cũ đang mặc trao lại cho Tôn giả Ca-diếp và hỏi rằng: “Hàng Tỳ-kheo đắp y vì mục đích gì?”. Tôn giả bạch rằng: “Bạch Thế Tôn, vì hai mục đích: Thứ nhất là được hiện tại lạc trú, thứ hai vì lợi ích cho chúng sanh trong tương lai”.

Cuộc đời đau khổ vì ăn ngon mặc đẹp. Chiếc y phấn tảo nhà Phật tuy không đẹp đẽ nhưng lại không có tính chất đau khổ của cuộc đời. Mặc y ấy vào người, thân tâm người xuất gia hoàn toàn định tĩnh, gánh nặng của cải vật chất hoàn toàn trút bỏ. Hàng ngày không cần phải bận bịu mưu toan làm các việc để có miếng ăn, cái mặc nữa. Thân tâm được nhẹ nhàng đưa đến xuất ly thế gian và đắc an lạc trong hiện tại. Vấn đề khác nữa là khi mặc y, chúng ta phải nhớ tưởng đến chúng sanh. Hàng xuất gia là ruộng phước cho cuộc đời gieo trồng công đức. Mỗi miếng y vá có hình ảnh như là từng thửa ruộng trên cánh đồng. Chúng ta thọ nhận y này để người cúng thọ hưởng được phần nào phước báu tu hành của hàng Tăng bảo.

Thế nên, chiếc y chúng ta mặc phải thể hiện sự thanh bần, đơn giản chứ không phải bằng gấm vóc, lụa là, sang trọng. Một lần nọ, Đức Thế Tôn đến thọ trai ở nhà một thí chủ theo lời thỉnh cầu của họ. Gia chủ đem vải Kasi sang trọng trải dài từ sân nhà ông đến suốt con đường mà Phật và chư Tăng đi đến. Khi thấy gia chủ trải vải như vậy, Đức Thế Tôn đã dừng lại không đi. Tôn giả A-nan hiểu ý Phật nên bảo gia chủ dẹp cất những thước vải đó.

Chúng ta thấy rằng Đức Thế Tôn có đủ oai đức để đi trên những tấm vải Kasi êm dịu nhưng vì làm gương cho đại chúng và vì hạnh xả ly nên Ngài chỉ đi trên mặt đất. Khi đối trước vật dụng, tâm ta luôn dễ bị sa vào sự nguy hiểm của phiền não tham, sân, si. Nếu không khéo nắm giữ tâm, các phiền não này ràng buộc chúng ta, làm chướng ngại rất lớn cho con đường tu học.

c. Chỗ ở:

“Người tu xuất gia chỉ ngủ qua đêm dưới gốc cây nhưng có ai cúng lều, am nhỏ một cửa thì được ở”[11].

Kinh Venaga trong Tăng Chi Bộ Kinh chép sự việc liên quan về chỗ ở của người xuất gia như thế này: Có một Bà-la-môn đến gặp Phật và giới thiệu về chiếc giường rất giá trị của mình. Chân giường làm bằng vàng bạc. Nệm bằng gấm lụa, có màn che mượt mà và những chiếc gối lộng lẫy. Bà-la-môn hỏi Phật: “Sa-môn Go-ta-ma có được cái giường đẹp như vậy không?”. Phật đáp rằng: “Những chiếc giường như vậy quả thật quý giá và khó tìm trên đời. Nhưng dù chúng quý giá thế nào vẫn không phù hợp với đời sống phạm hạnh của Như Lai”.

Ngang qua đó, Ngài lại dạy có 3 loại giường cao quý nhất:

- Có những chiếc giường cao, giường lớn của hàng chư Thiên. Nếu ai thực hành và chứng đắc tứ thiền, khi vị ấy đứng, ngồi, nằm đều là đang ở cảnh giới chư Thiên.

- Có những chiếc giường cao, giường lớn của hàng Phạm Thiên. Nếu thực hành và chứng đạt tứ vô lượng tâm, thì nơi vị ấy đứng, ngồi, nằm đều là cảnh giới của Phạm Thiên.

- Có những chiếc giường cao, giường lớn của bậc Thánh. Đó là người tu tập đoạn diệt tham sân si, thì nơi vị ấy đứng, ngồi, nằm đều là cảnh giới của bậc Thánh.

Khi ở một trú xứ, chúng ta thường chấp trụ vào chỗ ở. Do đó, rất có thể ta xuất gia ra khỏi nhà thế tục này nhưng lại dính mắc vào nhà thế tục khác. Nếu gia đình là gánh nặng của người tu thì ngôi chùa hay một đạo tràng nào đó cũng là một gánh nặng không kém. Do vậy, Tổ sư dạy chúng ta chỉ nên nghỉ dưới gốc cây và không được ngủ hai lần để tránh sự mến tiếc. Ngày nay, chúng ta đều ngủ trên giường chõng kể đã hơn người xưa rất nhiều. Cần phải kiểm soát tâm đừng để say đắm về chỗ ở mà chuốc thêm gánh nặng trên con đường giác ngộ.

Kinh lại chép rằng: Một hôm, Thế Tôn trú ở một khu rừng vắng, có một đoàn hoàng tử du ngoạn vào nơi Thế Tôn đang thiền định. Họ đi ngang qua chỗ Thế Tôn ngồi. Nhận thấy Thế Tôn ngồi dưới gốc cây, mặc y phấn tảo, tài sản chỉ có một bình bát đất để một bên. Họ thấy thật là thương tâm, khổ não và than thở thay cho Phật. Cuộc đời của các hoàng tử này sống trên nhung lụa, giường mà họ ngủ rất cao sang và có những mỹ nữ hầu hạ, thế mà họ thấy còn chưa toại ý. Đức Thế Tôn dạy rằng: “Tuy các hoàng tử sống trên những chiếc giường quý giá nhưng tâm luôn lo sợ và bất an. Dù cuộc sống có đầy đủ ngũ dục vẫn không bao giờ được an lạc. Còn Như Lai dù ngồi dưới gốc cây, không hề có chút tài sản nào nhưng lại là người hạnh phúc nhất trên cuộc đời”.

Các dục khi chưa được đoạn trừ, chúng ta không thể có được sự an lạc của bậc Thánh. Sự an lạc này không thể dùng tiền bạc mua sắm hay dùng tri thức để tìm kiếm, chúng đến một cách tự nhiên qua sự hành trì Chánh pháp, đoạn diệt nhiễm ô phiền não nơi tam nghiệp thân khẩu ý.

Trong Kinh Pháp Cú, Đức Phật dạy:

Ái dục sinh ra sợ,

Ái dục sinh ra lo,

Người dứt sạch ái dục,

Không còn lo sợ gì.

d. Thuốc trị bệnh:

“Người tu xuất gia chỉ dùng phân uế của bò mà làm thuốc trong khi đau nhưng có ai cúng thuốc, đường, dầu thì được dùng”[12].

Thời Phật tại thế, thuốc trị bệnh chỉ là đường, sữa hay mật. Một số Tỳ-kheo để dành những món này lâu ngày bị hư nên Phật cấm cất chứa vật thực cách đêm. Ngày xưa, có những đàn bò lên núi Tuyết ăn cỏ. Món cỏ đó khi vào bụng bò qua đường tiêu hoá có tác dụng trị một số bệnh thông thường nên hàng xuất gia dùng làm thuốc trị bệnh. Ngày nay, liệu pháp này không còn sử dụng nữa. Với sự tiến bộ vượt bậc của y khoa hiện đại, tất cả các chứng bệnh đều có thuốc chữa theo Đông y và Tây y. Là người xuất gia, khi lâm bệnh chúng ta cần phải chữa trị phù hợp. Không nên chấp thân mà dùng thuốc quá cao sang hay sử dụng thuốc bổ làm cho cơ thể sung mãn. Việc dùng thuốc cũng như việc thọ trai, không nên tầm cầu dục lạc trong đó, mà phải tâm niệm dùng chúng để duy trì mạng sống, tu hành phạm hạnh.

Trong Kinh “Không Uế nhiễm” thuộc Trung Bộ kinh, Đức Phật dạy rằng: Có Tỳ-kheo sống trong rừng, chỉ đi khất thực, mặc y phấn tảo, ở dưới gốc cây, ăn đồ ăn trong bát nhưng nếu bất thiện pháp trong tâm chưa đoạn trừ thì vị Tỳ-kheo ấy không đáng được tôn kính. Vì như một cái bát bằng đồng, bên ngoài bóng loáng, đẹp đẽ nhưng bên trong đựng đầy thức ăn hôi thiu, nhơ uế. Đem cái bát này để giữa chợ, mọi người ai cũng thích thú vẻ ngoài của nó nên xúm lại chiêm ngưỡng. Nhưng khi giở bát ai cũng chán chê, dù cho người đói cũng không thèm ăn đồ ô uế đó. Ngược lại, có vị Tỳ-kheo sống ở trong làng, ăn thức ăn do thí chủ cúng, y áo do thí chủ dệt, am cốc do thí chủ xây cất nhưng trong tâm bất thiện pháp đã được đoạn diệt, vị này đáng được cung kính, gần gũi và học pháp. Cũng như một cái bát bằng đồng bên ngoài bóng loáng, bên trong đựng thức ăn thơm ngon, tinh sạch. Đem cái bát này để giữa chợ mọi người thích thú đến xem. Khi giở bát hương thơm đồ ăn bên trong tỏa ra ngào ngạt đến người đang no cũng muốn ăn thêm.

Như vậy, vấn đề thọ dụng vật chất dù từ miếng ăn cho đến thuốc trị bệnh, chúng ta đều phải quán chiếu và kiểm soát tâm. Phải biết sử dụng tứ vật dụng hỗ trợ cho sự tu tập, chứ đừng chìm đắm trong nó.

4. Dung hợp hài hòa Nam tông và Bắc tông

Việt Nam là một đất nước hữu duyên với Phật giáo. Phải nói rằng trên thế giới không có một đất nước nào Phật giáo đa dạng như ở Việt Nam. Trong khi ở những nước Đông Nam Á như Thái Lan, Lào, Campuchia, Miến Điện… chỉ có Phật giáo Nam tông, những nước như Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên, Hàn Quốc… có Phật giáo Bắc tông và ở Tây Tạng, Mông Cổ theo Phật giáo Mật tông thì ở Việt Nam có tất cả các hệ phái này.

Tuy nhiên, trong số các hệ phái lớn du nhập vào Việt Nam có thể chia ra 2 dòng là Bắc truyền và Nam truyền. Trong sự gặp gỡ này, Tổ sư Minh Đăng Quang đã dùng trí tuệ của mình dung hợp cả hai hệ phái để chắt lọc tinh hoa mà sáng lập ra Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam. Về hình thức, Tổ sư đắp y, mang bát giống Nam truyền. Về giới luật, Tổ sư thọ trì 250 giới thuộc Bắc truyền. Về quan điểm giáo lý, Ngài sử dụng cả hai nguồn Nam truyền và Bắc truyền. C ác bản kinh Đại thừa và kinh tạng Nikaya đều được Tổ sư vận dụng để đưa vào các bài giảng dạy trong Chơn lý .

Từ những nghĩa lý đó, chúng ta thấy rằng Tổ sư đã thấu tỏ sự giác ngộ nên Ngài có thể sử dụng mọi phương tiện để hành trì và truyền đạo. Mục đích là mang đến cho hành giả con đường tu hành đúng Chánh pháp. Như vậy, dù bất cứ hệ phái nào đi chăng nữa cũng có thể giúp cho chúng ta có cái biết chân chính. Cái biết này Tổ gọi là giác chơn, là mục tiêu tối hậu đi vào đạo quả. Tổ đã dạy: “Phật là giác chơn, là cái biết thật tự nhiên, là nghĩa lý của tiếng Phật, mục đích của cái biết nơi mình, chớ không phải mê tín mờ quáng, mà tự trói mình trong chữ Phật, tiếng đạo, hay tông giáo riêng biệt” [13].

Trong quyển Chơn lý “Khất sĩ”, Tổ sư chỉ dạy về giáo pháp Khất sĩ như sau: “Khất sĩ là học trò khó đi xin ăn để tu học. Khất sĩ là cái sống của chơn lý võ trụ mà tất cả chúng sanh đều là học trò cả thảy, bởi chúng sanh là cái biết, từ chưa biết đến đang biết, và cái biết sẽ hoàn toàn ngơi nghỉ. Các sự thấy nghe hiểu để đem lại cho cái biết, biết quí báu hơn không biết, có biết mới hết mê lầm chấp trật, khổ sở nạn tai. Từ nhỏ đến lớn từ thấp đến cao từ trước đến sau, từ chiều đến sáng, mỗi lúc cái biết càng phân biệt, làm việc tích trữ, lớn to và đi tới, làm cho chúng sanh càng ngày càng được thêm sự học hành. Chúng sanh đây là căn thân và chủ thức (là người nhận biết) cho nên cái biết chủ cần phải sống, lớn, ăn, vui, yên và còn mãi mãi. Chính biết là ta, là mục đích của chúng sanh, là chơn lý của cuộc đời, là tinh ba của võ trụ, chính chơn lý hay triết lý mới là môn học thực tế, lợi ích đi ngay đến Niết-bàn, kêu là đạo, là sự học không hai, là cái học của ta, nó ở với ta, nuôi sống cái ta, nó làm ta vậy” [14].

Đây là đoạn giới thiệu cho tinh thần Khất sĩ, là tu tập để đi vào tánh giác ngộ mà Tổ sư gọi là cái biết. Đức tánh giác ngộ này không nằm ở giáo nghĩa Tiểu thừa hay Đại thừa mà nằm ở chỗ tu tập để đạt ngộ, đắc Niết-bàn.

Giáo lý Khất sĩ là sự sống chung của nhân loại dựa trên tinh thần xin ăn tu học. Tinh thần xin đó Tổ sư dạy rằng: “Có hai thứ xin: Xin vật chất (vạn vật) để nuôi thân, xin tinh thần (các pháp) để nuôi trí” [15].

Đứng trên lập trường dung hợp hai trường phái Bắc tông và Nam tông để sáng lập ra Đạo Phật Khất Sĩ, Tổ sư đã nhấn mạnh trong quyển Chơn lý Cư sĩ như sau: “Chúng tôi du Tăng khất thực, sống với lẽ chung của tất cả chúng sanh, theo chơn lý võ trụ, không phân chia chủng tộc, màu da, phái môn, giai cấp, bần phú, sang hèn, cỏ, cây, thú, người, Tăng, Phật. Mục đích của Chánh đẳng Chánh giác quyết đến nẻo giải thoát hoàn toàn, không vì nhỏ hẹp mà đem mình vào sự trói buộc phiền não. Vậy nên, theo giới luật Phật xưa, nhà Tăng không ở một chỗ thâu nhận tín đồ bổn đạo riêng, mà phải vân du khắp nơi cùng xứ, vừa học với tất cả mọi người, vừa đem sự học của mình, giúp ích cho ai nấy trao đổi lẫn nhau, để cho sự học nhờ kinh nghiệm trong chỗ hành, mà chóng được đủ đầy toàn giác”.

III. KẾT LUẬN

Đạo Phật ra đời tại Ấn Độ cách nay 26 thế kỷ, được truyền thừa khắp nơi trên toàn thế giới cho đến tận ngày nay, đã đi vào lòng người một cách hài hòa bởi nét đẹp nhân bản của nó. Đ ạo Phật không những được xem là nơi nương tựa tâm linh cho những người hướng về đời sống xả ly, mà còn là một nếp sống đạo đức cho toàn xã hội loài người. Nếp sống đó là một mô hình gắn kết có tổ chức theo một hình mẫu đầy trí tuệ mà Đức Phật đã xây dựng ngay từ khi Tăng đoàn mới thành lập. Qua bao thế hệ Tăng-già, mô hình ấy vẫn được duy trì như một nét căn bản không thể thiếu của đời sống xuất gia , và đưa đến đoàn kết, hòa hợp, thanh tịnh , mang giá trị vượt không gian và thời gian. Dù Tăng đoàn trong thời đại nào, trú ngụ ở bất kỳ trú xứ nào cũng có thể áp dụng tu tập để cùng nhau đi đến giác ngộ , giải thoát.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam là kết tinh của Phật giáo từ khi du nhập cho đến ngày nay. Trải qua biết bao biến đổi thăng trầm theo thời cuộc, lịch sử Phật giáo Việt Nam vẫn tồn tại và phát triển. Trong đó, Đức Tổ sư Minh Đăng Quang đã đóng góp vô cùng to lớn trong công cuộc chấn hưng Phật giáo Việt Nam. Tổ sư đã nêu cao ngọn đèn chơn lý với chí nguyện nối truyền Thích-ca Chánh pháp .Ngài đã góp thêm một trang sử mới cho Phật giáo Việt Nam. H ình ảnh nhà sư đầu trần, chân không vào xóm khất thực đã làm sống lại hình ảnh của Đức Phật và Thánh chúng từ ngàn xưa.

Dù đã vắng bóng 60 năm, nhưng những đóng góp của Ngài cho Phật giáo Việt Nam nói chung và cho Hệ phái nói riêng vẫn giữ nguyên giá trị. Ngài đã khai mở đạo pháp, khuyên nhắc chúng ta phải biết phát tâm tu Phật để thành tựu quả vị Phật. Ngài dạy rằng: “Phật là chỗ đến của tất cả chúng sanh, cũng như toàn giác là chỗ đến của tất cả sự học: chơn như là chỗ đến của tất cả phước đức thiện lành, từ bi, trí huệ” (Chơn lý “Chư Phật”).

TT. Giác Nhuận
Giáo phẩm Hệ phái Khất sĩ
Tịnh xá Lộc Uyển, Q. 6, TP.HCM

***

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Tổ sư Minh Đăng Quang, Chơn lý, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2009.

2. H.W. Schumann(Trần Phương Lan dịch), Đức Phật lịch s , Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành, TP. Hồ Chí Minh, 1997.

3. Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sluận, Nxb. Văn học, Hà Nội, 2008.

4. Lê Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo Việt Nam , Nxb. Thuận Hóa, TP. Huế, 1999.

5. Thích Giác Duyên, Tìm hiểu về Hệ phái Khất sĩ, Nxb. Phương Đông, 2010.

6. Nguyễn Như Ý (chủ biên ), Đại t điển tiếng Việt , Nxb. Văn hóa Thông tin, TP. HCM, 1999.

7. Đoàn Trung Còn, Tăng đồ nhà Phật, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2004.

8. Các tài liệu từ sách báo và Internet.

 


[1]Đoàn Trung Còn, Tăng đồ nhà Phật, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2004.

[2]Tổ sư Minh Đăng Quang, Chơn lý tập II “Tông giáo”, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2009, tr.111-112.

[3]Tổ sư Minh Đăng Quang, Luật nghi Khất sĩ, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.

[4] Chơn lý, tập II “Tông giáo”, tr. 106 – 107.

[5]Chơn lý, tập II “Chánh Pháp”, tr. 7.

[6]Kinh Chuyển Pháp Luân, Tương Ưng Bộ Kinh.

[7]Chơn lý, tập II “Chánh pháp”, tr. 9.

[8]Sđd, tr. 10-11.

[9]Sđd, tr. 7.

[10]Sđd, tr. 7.

[11]Sđd, tr. 7.

[12]Sđd, tr. 7.

[13]Chơn lý, tập III “Đạo Phật Khất Sĩ”, tr. 427.

[14]Chơn lý, tập I “Khất sĩ”, tr. 259-260.

[15]Sđd, tr. 264.