Em tôi

Căn phòng trọ ngày một chất chồng những thứ đồ đạc, sách vở khiến khoảng không gian sinh hoạt của ba chị em tôi cứ dần dần thu hẹp lại. Trong cái diện tích 15 mét vuông chỉ còn đủ một chỗ trải chiếc chiếu tre làm chỗ ngủ và một khoảng trốngvới bề rộng chừng hai viên gạch 60 cm để đi lại và là nơi ngồi ăn uống. Đầu dưới của chiếc chiếu là chỗ kê tủ, va li đựng quần áo, đầu trên gần của số là chỗ để kệ sách của tôi và cậu em trai, góc còn lại gần cửa ra vào là chỗ kê kệ sách của em gái tôi.

Hôm nay, góc kệ sách của tôi xuất hiện thêm một “thành viên” mới – chiếc máy in màu.

Chiếc máy tôi mua cũng chỉ để in ấn một số tài liệu màu cần thiết và in để công tác từ thiện, nhưng chỉ để ở cơ quan, nhưng do Câu lạc bộ của tôi có thiện sự cần một số phong bì có in sẵn tên, logo nên tôi đành mang về để in cho kịp.

Tôi dự định, dù sao đêm nay có phải thức cũng ráng in cho xong. Những chiếc bao thư nền trắng chữ xanh, hình logo đỏ vàng đang được từ từ in ra. Tôi sốt ruột ngồi canh để không bị kẹt giấy hay lỗi in bị nghiêng xéo thì tiếng em gái tôi từ phía sau:

- Máy in không nên để trong phòng ngủ, không nên in trong khi đang ngủ vì mùi mực in bốc ra sẽ rất độc.

- Nói thế thì thế giới ngày nay họ chịu độc, họ bệnh hết vì máy in à? Ở cơ quan, bao nhiêu người ngày nào chẳng in mà có ai chết vì ngửi mực in chưa? Vô lý hết sức! – Tôi khó chịu đáp lại.

- Chính vì thế nên người ta luôn hạn chế in ấn, luôn để máy in càng xa càng tốt.

Tôi bắt đầu nóng mặt.Người ta còn đặt cả máy in, máy tính trong phòng ngủ để làm việc thì đã sao. Cuộc tranh luận cứ thế mỗi người một câu mà chẳng ai nhường ai. Em gái tôi kiên quyết bảo vệ ý kiến của mình và phản đối việc tôi đang làm. Mặt tôi mỗi lúc càng nóng bừng, cái căn phòng trọ này tôi cũng là người đóng tiền, so ra đồ đạc của tôi vẫn còn ít hơn, vậy mà chỉ chút phiền hà đến nó, nó cũng không thông cảm. Tôi bắt đầu dùng lý lẽ sâu xa:

- Sống thì mỗi người phải có sự thông cảm, thấu hiểu cho việc làm của người sống cùng mình. Nên biết tôn trọng hoạt động riêng tư cá nhân của mỗi người.

Em tôi lại càng cương quyết hơn:

- Nói người khác phải thông cảm mà mình lại mang đến độc hại thì có nên không?

- Đúng là cái đồ đã ngu lại tỏ ra nguy hiểm – Tôi hậm bực.

…..

Cuộc cãi vã chẳng thể phân định thắng thua. Tự ái tôi bắt đầu lên cao. Tôi đang làm công việc này để đóng góp cho tập thể. Vậy mà em tôi nó quá ích kỷ, nó nhìn cũng thừa hiểu những chiếc bì thư tôi đang in ra để làm thiện nguyện. Tôi mặt nóng bừng bừng vừa ức vừa bực, giọt nước mắt đã tự động rơi và chỉ biết tắt máy bỏ ra hành lang đứng hít thở thật sâu. Tôi khóc vì giận và tủi thân rằng chỉ vì nghèo chẳng có được chỗ ở cho thoải mái mà chị em lại cãi nhau!

Tôi đã được học về tình thương yêu, về sự nhường nhịn, thậm chí cả hi sinh cho người khác, nhưng quả thực lúc ấy mặt tôi tâm trạng tôi nổi sân như than hồng chẳng thể dập tắt. Nếu như là những chuyện khác, trong lúc thế này tôi sẽ lên Facebook trút những dòng thổ lộ, tôi sẽ gọi cho những người bạn mà kể lể về sự việc bực bội này và cơn giận sẽ nhanh chóng nguôi ngoai, thế nhưng đây là chuyện trong nhà, chuyện chị em tôi sao tôi có thể vạch áo cho người xem lưng!? Mà những chuyện thế này thì cũng chẳng thể nào gọi về cho mẹ, cho bà ngoại mà giãi bày, bởi nếu làm thế thì mẹ tôi lại lo lắng khi chị em tôi cãi vã, không hòa thuận, bà ngoại tôi chắc sẽ lại buồn. Chỉ còn cách cố gắng hít thở sâu và tìm nơi thoáng gió và quán lại những giáo lý tình thương mà ngày thường tôi có thể nói vanh vách để thể hiện mình là người học pháp từ bi. Quả thật là rất khó để vận dụng thuần thục nếu như sự thực tập, rèn giũa chưa thật nhiều. Trong lúc ấy, chỉ nhận ra những cục tức đang dồn dồn lên cổ họng, là cũng đã là vấn đề không dễ. Mặc cho tinh thần căng thẳng, tôi cứ nghĩ đến những lời cãi của em tôi, khiến nó cứ văng vẳng lặplại trong đầu. Tôi như người đau mà cứ thích chà xát thêm vào vết thương, thay vì chỉ nhìn và quan sát nó. Có lẽ, sân hận trong tôi thường chất đầy, như đống rơm giữa nắng hanh khô, chỉ cần một tàn đóm vô tình là nó sẽ bùng cháy và lan rất nhanh.

Hơn 30 phút sau, tôi bình tĩnh chút và nén giận trở về phòng. Khi mở cửa ra, tôi dừng lại không bước được, vì sát gần cửa em gái tôi đã co tròn ngủ trên tấm vải trải ở nền gạch, phía trên đầu nó là nơi tôi để chiếc máy in. Lúc này tôi mới sực nhớ ra là cả tháng nay, kể từ ngày em trai út của tôi phẫu thuật tim về, em gái tôi vì thương em trai, vì sợ cái tính ngủ hay mơ, la sảng của nó sẽ làm em trai giật mình, ảnh hưởng xấu đến tim nên đã trải tấm vải ra nền gạch để ngủ mỗi tối. Chiếc chiếu tre thời gian này chỉ còn tôi và em trai tôi ngủ. Tôi bắt đầu dịu lại và cảm giác nhoi nhói trong lòng. Quả thật, nếu tôi cứ ngồi đó mà in với những tiếng “cọc cạch” phát ra suốt đêm nay thì sao em gái mình ngủ được, chưa nói đến chuyện có độc hại gì không. Nhìn cái dáng nằm của nó, cổ họng tôi nghẹn, nghẹn không phải do tức mà vì lòng đau.

Tôi chợt nhớ đến câu chuyện bà ngoại và mẹ hay kể về những năm chúng tôi còn rất nhỏ tầm 4, 5 tuổi, ngày ấy tôi thì được ông bà ngoại nuôi còn em gái tôi ở với bố mẹ, vì nhà nghèo bố mẹ tôi chẳng thể nào nuôi hai đứa con sinh cách nhau chỉ hơn một năm. So với em gái mình, tôi được chăm bẵm, cưng chiều từ ông bà ngoại và các cậu, các dì. Còn em tôi ở với bố mẹ, cứ mỗi lần bố mẹ đi làm ở phần cây trồng mới trên lô cao su xa nhà lại bảo với em gái tôi: “Ở nhà ngoan, bố mẹ đi mài cuốc một tí sẽ về. Con cứ đi sang bên nhà bác Tám, chơi với anh Khánh và các anh chị nhé.” Đứa trẻ 4 tuổi nghe bố mẹ nói ngoan ngoãn làm theo, chân lẫm chẫm bước đi qua con đường mòn hai bên đầy cỏ tranh cao vút, sang nhà người bác ruột ở bên cạnh để chơi với các anh chị lớn hơn vài tuổi rồi lúc nào chơi chán lại về nhà lủi thủi một mình.

Bà ngoại cũng kể rằng có nhiều hôm ông bà đi làm ở phần cây cao su gần đấy vào thăm cháu, nhìn qua khe vách thấy cháu đang nằm ngủ trong chiếc nia dưới đất, bên cạnh là vài mẩu cơm cháy. Ông bà thấy thế gọi “Tí ơi, bố mẹ đâu rồi con?”. Em gái tôi giật mình dậy, trả lời hồn nhiên “Bố mẹ Tí đi mài cuốc rồi”. Nhìn cánh cửa khóa bên ngoài, chiếc vách lồ ô lại bị bẻ một lỗ nhỏ sát đất để một đứa trẻ chui qua vừa, ông bà ngoại đoán chắc bố mẹ tôi lại đi làm cỏ lúa trên rẫy để con ở nhà một mình. “Thôi chui ra đây ông bà đưa Tí đi lên nhà ngoại chơi. Khi nào bố mẹ đi mài cuốc về sẽ lên đón”. Thế rồi ông bế nó, bà sang nhà bác dặn nhờ nhắn lại với bố mẹ tôi rằng:“Ông bà ngoại đón Tí lên nhà, bố mẹ chiều về thì lên đón em…”

Cuộc sống bắt buộc, chẳng thể làm khác được, bố mẹ tôi vẫn cứ đánh liều mỗi ngày đi làm để con ở nhà, dù trong lòng chứa đựng đầy nỗi ray rứt xót xa vì con trẻ còn quá nhỏ, cần được chăm nom mà bao hiểm nguy xung quanh cứ sẵn sàng ập đến. Tuy nhiên, may thay em gái tôi vẫn bình an qua những lần bố mẹ tôi lên rẫy, lên rừng.

Giữa lúc kí ức tràn về, nước mắt tôi lại rơi. Quả thật, tôi quá chấp, quá ích kỷ khi luôn muốn mọi thứ của mình được suông sẻ, thành tựu. Em đã nhường cho tôi sự chăm sóc nâng niu để co tròn ngủ trong nia và gặm những miếng cháy cơm mỗi lúc đói lòng. Giờ đây, nó lại đang nhường cho em trai út tôi được an toàn. Vậy mà tôi chỉ vì cái lí do gấp gáp trong công việc, tôi đã vô tình vô tâm “lấn chiếm” ngay cả chỗ ngủ tạm bợ của em.

Tôi lại nhớ… Tôi nhớ đến những điều mà em tôi luôn là người thiệt thòi hơn tôi. Thời sinh viên em gái tôi học ở Thủ Đức, tôi học nội thành nên ở nhờ nhà cậu. Một hôm đi chơi về tối muộn, thấy trên bàn có ghi mảnh giấy: “Em hết tiền rồi, chị có còn thì mai cầm ra cho em mượn ít. Em chuyển nhà trọ mới nhưng vẫn gần chỗ cũ, chị đến nhà trọ cũ bảo mấy bạn em nó dẫn sang”. Tôi vội hỏi cậu mợ mới biết hôm nay em tôi vào từ trưa, đợi mãi không thấy tôi về nên đành quay lại trường vì trời tối sẽ không còn xe buýt. Mặc dù hết tiền phải vào tìm chị mượn lại không gặp được, nhưng em tôi không dám mở lời nói cho cậu mợ biết mà đành lẳng lặng đi về…

Đức Phật đã dạy rằng “Một ngọn lửa sân đốt cháy rừng công đức”. Và tôi, với bản tính nóng như lửa, mỗi lần giận lên là có khi thiêu rụi hết bao điều thân thương, tốt đẹp xung quanh mình.

Tôi chợt tỉnh, gạt nước mắt, vớ lấy chiếc điện thoại gọi liền cho Sư cô trong Câu lạc bộ: “Cô ơi, có một chút trục trặc, chắc trong tối nay con không in kịp bì thư cho Câu lạc bộ mình. Mình xài loại bì trắng đỡ được không cô?”. Nghe giọng tôi ngột ngạt, yếu ớt, cô có lẽ đoán được tôi có vấn đề không ổn. Cô hỏi “Thư có chuyện gì hả, sao nghe giọng khác vậy”. Tôi trả lời: “Con bình thường mà, nếu cô hoan hỷ cho thì con cảm ơn nhiều ạ”. Cô bảo tôi: “Không sao, tùy duyên vậy!”.

Vâng, tùy duyên vậy. Tùy duyên là lúc ta biết dung hòa, biết yêu thương và sẻ chia. Và tôi nhận ra, nóng giận mà trút vào người khác để vơi bớt cơn giận là điều quá dễ dàng, nhưng nóng giận mà kiềm chế, nhìn nhận nó đang sinh khởi mà quán chiếu mới thật khó vô cùng, nhưng chỉ với cách này ta mới không làm tổn thương người khác, không để sân giận dẫn dắt đi đến hành động sai lầm phải hối tiếc. “Chị ngã em nâng”, với tôi, dường như em gái tôi luôn là người “nâng”,và tôi luôn trong vai người “chị ngã”. Mùa Vu Lan đang về, mùa để người ta tri ân bao ân tình đã thọ nhận trong cuộc đời. Và tôi, Vu Lan này tôi muốn nói với em rằng: “Trên đường đời, sẽ có lúc chúng ta không còn đi cùng nhau, không còn ăn cùng mâm, ngủ cùng chỗ nhưng chị sẽ không quên bao hi sinh và gian khổ em đã chịu đựng để nhường chị những gì tốt đẹp. Cuộc đời này, chị đã thọ nhận bao ân đức, ân tình từ những người thân yêu trong đó có em, người luôn nhận lấy thua kém và kẻ luôn là chiếm được phần hơn. Cảm ơn em rất nhiều, đứa em tội nghiệp, đáng thương của chị!”