GĐ. VI báo cáo tình hình tu tập & sinh hoạt

BÁO CÁO TÌNH HÌNH TU TẬP & SINH HOẠT GIÁO ĐOÀN VI

NHÂN KỶ NIỆM 35 NĂM GHPGVN THÀNH LẬP

I. ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH CHUNG

Từ ngày đức Tổ sư Minh Đăng Quang đắp y, ôm bát vào đời hóa độ chúng sanh, dân tộc Việt Nam ta như được thổi vào suối nguồn tâm linh một làn gió mới. Đó là làn gió của sự an lạc đến từ một con người thoát tục. Trải qua nhiều thăng trầm của thời cuộc lịch sử, Hệ phái ngày càng vững mạnh với sắc thái của 6 Giáo đoàn Tăng và các Phân đoàn Ni. Đặc biệt, dù là ở Giáo đoàn nào đi chăng nữa, tất cả đều được kết nối dưới sự lãnh đạo của chư Tôn Giáo phẩm.

Giáo đoàn VI chính thức thành lập năm 1962 dưới sự chứng minh và đồng thuận của Hệ phái. Đoàn du Tăng do Hoà thượng Giác Huệ - Đệ nhất Trưởng giáo đoàn đã thành công rực rỡ trên mọi phương diện. Các tịnh xá được thành lập trên bước đường hành đạo và rất nhiều vị phát tâm xuất gia trở thành người Khất sĩ. Sau khi HT. Giác Huệ vắng bóng, HT. Giác Đức ra sức củng cố Giáo đoàn. Rồi đến HT. Giác Đức viên tịch, HT. Giác Tuấn tiếp tục con đường của nhị vị đức Thầy để lại, duy trì cho Giáo đoàn được phát triển đến ngày hôm nay.

Để thực hiện tốt công tác chỉ đạo của Hệ phái giao phó, Giáo đoàn VI có một số bước thực hiện như sau: Phân công tác hoạt động theo từng ban ngành, ra nội quy chung cho mỗi tịnh xá trong Giáo đoàn để có sự hoạt động hòa hợp và đoàn kết. Chư Tăng Ni trong Giáo đoàn một năm họp 2 lần (ngày 8 tháng 2 ÂL - Lễ Tưởng niệm Hòa thượng Đệ nhất Trưởng Giáo đoàn và ngày Lễ Tự tứ Tăng). Ngoài ra, còn có phiên họp đột xuất triển khai các thông báo của Hệ phái để các tịnh xá kịp thời nắm bắt thông tin.

txLocUyen

II. BAN TRỊ SỰ GIÁO ĐOÀN

1. Trưởng ban: HT. Giác Tuấn

2. Phó ban Thường trực: TT. Giác Nhuận

3. Phó ban: TT. Giác Điệp , TT. Giác Mỹ, TT. Minh Nhơn

4. Thư ký: ĐĐ. Minh Sĩ & ĐĐ. Minh Điệp

5. Tài chánh: ĐĐ. Giác Minh

Ngoài Ban Trị sự, chư Tôn đức còn thành lập các phân ban như: Ban Giám luật, Ban Tăng sự, Ban Hoằng pháp, Ban Nghi lễ, Ban Từ thiện, Ban Văn hóa, Ban Kiểm soát do chư Tôn đức lớn tuổi đạo trong Giáo đoàn tham gia điều hành như: ĐĐ. Giác Thiện, ĐĐ. Giác Nghiêm, ĐĐ. Minh Bửu, ĐĐ. Minh Đăng, ĐĐ. Minh Điền, ĐĐ. Minh Chính, ĐĐ. Giác Tân, ĐĐ. Minh Dẫn, ĐĐ. Minh Toàn…

III. TĂNG SỰ

1. Chư Tăng

a. Số lượng: Tổng cộng 64 vị. Trong đó, Tỳ-kheo: 40 vị, Sa-di: 14 vị, Tập sự: 10 vị. Số lượng tịnh xá gồm 19 ngôi.

b. Tham gia Giáo hội

- HT. Giác Tuấn: Chứng minh BTS GHPGVN Q.6 từ năm 2012 đến nay.

- TT. Giác Nhuận: Ủy viên Ban Nghi lễ GHPGVN TP. HCM (2012 – 2016), Thư ký BTS GHPGVN Q.6 (2007 – 2016), Phó ban Thường trực BTS GHPGVN Q.6 (2016 – 2021).

- TT. Minh Điển: Phó BTS GHPGVN huyện Châu Thành – Bà Rịa - Vũng Tàu.

- TT. Minh Nhơn: Ủy viên chuyên trách HPKS, Trưởng ban Pháp chế Phật giáo huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận, Phó ban Hoằng pháp tỉnh Bình Thuận.

- ĐĐ. Giác Minh: Ủy viên Ban Hoằng pháp GHPGVN TP. HCM.

- ĐĐ. Thích Giác Tân: Ủy viên Ban Trị sự kiêm Phó ban Hoằng pháp tỉnh Đồng Tháp, Phó Ban Trị sự GHPGVN huyện Châu Thành- Đồng Tháp.

- ĐĐ. Minh Bửu: Phó BTS.GHPGVN thị xã Tân Châu, Ủy viên dự khuyết BTS GHPGVN tỉnh An Giang.

- ĐĐ. Minh Sĩ: Phó Thư ký BTS GHPGVN Q.6 (2016 – 2020).

- ĐĐ. Minh Đăng: Phó Thư ký Ban Trị sự kiêm Trưởng ban Thông tin Truyền thông tỉnh Tây Ninh.

- ĐĐ. Minh Điền: Ủy viên Ban Hoằng pháp BTS GHPGVN tỉnh An Giang.

- ĐĐ. Minh Chính: Ủy viên Ban Từ thiện BTS GHPGVN huyện Thái Lai, Cần Thơ (2012 – 2016).

- ĐĐ. Minh Điệp: Ủy viên Phân ban Hoằng pháp Trung ương GHPGVN.

2. Chư Ni

a. Số lượng: Tổng cộng: 49 vị. Số lượng tịnh xá gồm 7 ngôi.

b. Tham gia Giáo hội

- Cố NT. Thắm Liên: Ủy viên BTS kiêm Phó ban Kinh tế Tài chánh GHPGVN tỉnh Đồng Nai, Phó BTS GHPG huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai.

- SC. Liên Phương: Ủy viên Thủ quỹ BTS GHPG huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai.

- SC. Sanh Liên: Ủy viên BTS GHPG huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận.

IV. GIÁO DỤC

1. Cao học Phật học: 1 vị (ĐĐ. Minh Sĩ).

2. Cử nhân Phật học: 7 vị (TT. Giác Điệp, ĐĐ. Minh Điền, ĐĐ. Minh Đăng, ĐĐ. Minh Điệp, TK. Minh Huệ, SC. Liên Huệ, SC. Liên Phương).

3. Cử nhân thế học: 3 vị (ĐĐ. Minh Sĩ, ĐĐ. Minh Đăng, TK. Minh Huệ)

4. Cao cấp Giảng sư: 2 vị (ĐĐ. Giác Minh, ĐĐ. Minh Tân).

5. Cao đẳng Phật học: 3 vị (ĐĐ. Giác Minh, ĐĐ. Giác Nghĩa, SC. Liên Hồng).

6. Trung cấp Phật học: 17 vị (TT. Giác Nhuận, ĐĐ. Minh Toàn, TK. Minh Tánh, TK. Minh Đạt, TK. Minh Đạo, TK. Minh Thành, SD. Minh Đắc, SD. Minh Phước, SD. Minh Trực, SD. Minh Viên, SD. Minh Hùng, SC. Hiền Liên, SC. Liên Chu, SC. Huệ Liên, SC. Liên Quý, SC. Liên Tín, SC. Liên Xuân).

7. Sơ cấp Phật học: 6 vị (TK. Minh Trung, SD. Minh Bình, SD. Minh Quảng, NC. Liên Thọ, NC. Pháp Hiền, NC. Pháp Thủy).

V. HOẰNG PHÁP

1. Cơ cấu nhân sự: TT. Giác Nhuận, ĐĐ. Giác Minh, ĐĐ. Minh Sĩ, ĐĐ. Minh Đăng, ĐĐ. Minh Điền, ĐĐ. Minh Điệp.

2. Hoạt động thuyết giảng

Nhân sự được cơ cấu trong Ban Hoằng pháp của Giáo đoàn VI giảng thuyết cố định tại các tịnh xá đã lập các đạo tràng Bát Quan trai, khóa tu An lạc và lớp Giáo lý theo lịch giảng soạn sẵn phân bố theo thời gian trọn một năm. Ngoài ra, các Giảng sư cũng thuyết pháp tại nhiều đạo tràng khác ngoài Giáo đoàn qua sự thỉnh mời của Ban Tổ chức trong và ngoài thành phố Hồ Chí Minh.

VI. HƯỚNG DẪN PHẬT TỬ

Trong hàng đệ tử Phật, Phật tử tại gia luôn luôn là bộ phận đông đảo trong “Tứ chúng đồng tu” của Phật giáo, đã có những cống hiến xứng đáng trong các Phật sự lợi đạo ích đời. Do vậy, tại Điều 25, Chương V - Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam quy định trong Hội đồng Trị sự có Ban Hướng dẫn Phật tử để chuyên trách hướng dẫn sinh hoạt tu học của hàng Phật tử tại gia. Ban Hướng dẫn Phật tử hoạt động trên cơ sở phụng hành giới luật Phật chế, hoằng dương giáo pháp, tuân thủ Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và pháp luật nhà nước hiện hành.

Dựa trên tinh thần phụng sự chúng sanh, Giáo đoàn VI tổ chức hướng dẫn Phật tử qua việc thành lập các đạo tràng để hướng dẫn việc tu hành và giảng dạy Phật pháp cho các Phật tử địa phương.

1. Đào tràng Thọ Bát

- Tịnh xá Lộc Uyển: Mỗi tháng 2 lần vào ngày Rằm và 29 hoặc 30, số lượng: 200 Phật tử.

- Tịnh xá Ngọc Chơn: Mỗi tháng 2 lần luân phiên trong 2 ngày Chủ Nhật trong tháng, số lượng 70 Phật tử.

- Tịnh xá Ngọc Châu: Mỗi tháng 2 lần vào ngày Rằm và 29 hoặc 30, số lượng: 100 Phật tử.

- Tịnh xá Ngọc Như: Mỗi tháng 1 lần vào ngày mùng 1, số lượng: 100 Phật tử.

- Tịnh xá Trúc Lâm: Mỗi tháng 1 lần vào ngày 28, số lượng: 100 Phật tử.

- Tịnh xá Ngọc Nhơn: Mỗi tháng 1 lần vào ngày Rằm, số lượng: 100 Phật tử.

- Tịnh xá Ngọc Thành: Mỗi tháng 1 lần vào Chủ Nhật, số lượng: 100 Phật tử.

- Tịnh xá Ngọc Ánh: Mỗi tháng 1 lần vào ngày 26, số lượng: 100 Phật tử.

- Tịnh xá Đại Quang: Mỗi tháng 1 lần vào Chủ Nhật, số lượng: 30 Phật tử.

- Tịnh xá Phước Hưng: Mỗi tháng 2 lần vào ngày vào ngày Chủ Nhật, khoảng: 70 Phật tử tham dự.

2. Khóa tu Một ngày

- Tịnh xá Trúc Lâm: Mỗi tháng 1 lần vào ngày 28, số lượng: 100 Phật tử.

- Tịnh xá Lộc Uyển: Mỗi tháng 2 lần vào ngày Rằm và 29 hoặc 30, số lượng: 200 Phật tử.

3. Lớp giáo lý: Tịnh xá Lộc Uyển: Mỗi tháng 4 lần vào các ngày Chủ Nhật, số lượng: 60 Phật tử.

VII. TỪ THIỆN XÃ HỘI

Nhìn chung, tất cả các tịnh xá trực thuộc trong Giáo đoàn đều tham gia công tác từ thiện xã hội qua các nội dung như: Phát quà cứu trợ tại địa phương và đồng bào có hoàn cảnh khó khăn hay gặp thiên tai bão lụt ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa, cao nguyên miền núi; xây nhà, xây cầu tình thương, trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó; khám chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho bệnh nhân nghèo…

Ước tính hàng năm tổng giá trị các chuyến cứu trợ của Giáo đoàn VI là 2 tỷ đồng.

VIII. KẾT LUẬN

Ai sinh ra và lớn lên cũng đều có một quê hương, xứ sở. Do đó, dù đi bất cứ phương trời nào, tiếng vọng xây đắp quê hương vẫn luôn dạt dào, tha thiết. Cũng vậy, chiếc nôi nuôi lớn giới thân huệ mạng của người Khất sĩ chính là tông phong Hệ phái. Chính ngọn đèn chơn lý được đức Tổ sư thắp lên, chư vị đức Thầy truyền lửa và Tăng chúng hậu học là người kế thừa ngọn lửa thiêng liêng ấy. Thế nên, dù tu học ở bất kỳ đạo tràng thuộc Giáo đoàn nào, người Khất sĩ chân chính cũng luôn lấy sự lãnh đạo của chư Tôn Giáo phẩm lãnh đạo 6 Giáo đoàn làm khuôn mẫu tu học. Và tất cả mọi Tăng chúng đều chung tay trên dưới một lòng tô đắp cho Hệ phái ngày càng vững mạnh và phát triển rộng khắp từ trong nước cho đến nước ngoài.

Cội nguồn Khất sĩ thơm hương ấy,

Ngàn năm xin nguyện bước chân sang,

Trên bước đường tu hành thiên lý,

Giữ mãi bát y, giữ đạo vàng…

Trong kinh Tăng Chi Bộ, phẩm Hội Chúng, đức Phật dạy rằng: Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hội chúng hòa hợp? Ở đây, này các Tỷ-kheo, tại hội chúng nào, các Tỷ-kheo hòa hợp, hòa kính, không có đấu tranh, hòa hợp như sữa với nước, sống nhìn nhau với cặp mắt từ ái, này các Tỷ-kheo, đây gọi là hội chúng hòa hợp. Qua lời Phật dạy trên tất cả chư Tăng Giáo đoàn VI luôn sống hoà hợp, đoàn kết và tôn kính hàng Giáo phẩm giữ đúng theo tất cả mọi sự lãnh đạo và kế hoạch mà Hệ phái đề ra làm tốt đời, đẹp đạo, hoàn thành sứ mệnh của người con Phật. Bên cạnh những thành tựu khả quan, chúng con biết rằng có thể còn những việc làm chưa hoàn thành tốt đẹp cúi xin chư Tôn đức trong Hệ phái từ bi hoan hỷ góp ý kiến để chúng con rút kinh nghiệm làm tốt hơn trong tương lai.

Chúng con xin chân thành khánh tuế cTôn Giáo phẩm, cTôn Hòa thượng, chư Thượng tọa, Đại đức Tăng pháp thể khinh an, chúng sanh dị độ, Phật sự viên thành.