GHPGVN 35 năm một chặng đường phát triển

HTHa TTTay TTThong 1 Copy

Vào năm 1981, một sự kiện trọng đại chưa từng có tại Việt Nam đó là 9 tổ chức lớn ngồi lại bàn bạc để thành lập một tổ chức Phật giáo duy nhất. Dưới sự ủng hộ của cấp Nhà nước cao nhất đương thời, Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) ra đời trong niềm vui khôn xiết của Tăng Ni và đồng bào Phật tử cả nước. Đây là tổ chức quy tụ mọi hệ phái thống nhất ý chí và hành động thất quán theo phương châm: “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa Xã hội”. Đến nay nhìn lại Giáo hội đã đi suốt chặng đường kéo dài 35 năm. Trong suốt 35 năm đó, Hệ phái Khất sĩ đã có những đóng góp to lớn và tích cực trong mọi cấp lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương. Các bậc danh Tăng tài đức phục vụ vẫn được Giáo hội kính nhớ như: HT. Giác Nhu, NT. Huỳnh Liên, HT. Giác Tường, HT. Giác Toàn…

Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả to lớn mà Giáo hội đạt được, hiện nay đang xuất hiện một trào lưu hướng ngoại đáng báo động. Đó là trào lưu thỉnh rước các vị Tăng sĩ từ nước ngoài vào để làm nhiều cuộc lễ theo nghi thức và tập tục xa lạ như lễ Quán đảnh, các khóa thiền theo phong cách nước ngoài… Trên phương diện tu hành, tuy đây không phải là vấn đề sai trái vì mỗi người có quyền tự do tu tập riêng, nhưng trên niềm tự hào dân tộc, niềm tự tôn bổn phái và trên phương diện giữ gìn văn hóa nước nhà lại là ảnh hưởng cực kỳ nghiêm trọng. Bất kỳ việc thỉnh rước nào cũng vô cùng tốn kém về tiền của, sức lực và thời gian của Tăng Ni và Phật tử thuộc Ban tổ chức. Nhưng liệu tiền bạc, công sức và thời gian chúng ta bỏ ra có đánh đổi được điều tốt đẹp mà chúng ta mong muốn? Liệu các bậc chân sư thỉnh rước đó có thật sự là bậc chân sư hay chỉ là sự hào nhoáng bên ngoài mà chúng ta bị lầm tưởng? Đó là chưa nói đến việc hướng ngoại như vậy vô tình ta tự coi thường hàng danh Tăng, thạc đức đương đại vốn là tòng lâm thạch trụ của Phật giáo Việt Nam, được quốc tế xưng tôn và được nhiều khu vực trên thế giới thỉnh rước để giảng dạy đạo pháp. Đây là việc làm có thể nói làm cho nét văn hóa Phật giáo nước ta bị mai một, tổn thương đến đường lối tông môn mà các Tăng Ni đó đang thọ trì.

HTHa TTTay TTThong 3 Copy

Trong sự phát triển 35 năm của GHPGVN, tuy là một quãng thời gian ngắn so với 2.000 năm du nhập, nhưng lại là thời gian tương đối dài so với một đời người. Lịch sử phát triển đã ghi nhận rất nhiều tông phái không giữ gìn truyền thống của mình mà đan xen những tông phái ngoại lai cuối cùng bị đoạn diệt. Đây là một bài học xương máu mà thế hệ hôm nay rất đang lưu tâm nếu muốn tồn tại lâu dài trước sự xâm nhập ồ ạt của các dòng truyền thừa mới.

Chặng đường 35 năm của GHPGVN có 6 điểm tích cực như sau:

1. GHPGVN là kết tinh của trí tuệ xuất phát từ tâm nguyện của các bậc tiền bối thuộc các Hệ phái trong lòng Giáo hội. Đây là sự kết hợp đúng đắn mang tính vĩnh viễn trong sự giữ gìn truyền thống của Giáo hội nói chung và từng Hệ phái nói riêng. Từng thành viên trong GHPGVN, từng Tăng Ni và Phật tử nêu cao quyết tâm xây dựng Giáo hội, xây dựng hệ phái, xây dựng đất nước bằng chính truyền thống của hệ phái mình. GHPGVN là một quá trình tích lũy kinh nghiệm tri thức để đạt được thành công từng bước đi từ thấp lên cao qua từng thời kỳ và từng điều kiện khách quan.

2. Tất cả hệ phái nêu cao tinh thần hòa hợp, đoàn kết trong ngôi nhà chung. Vì Giáo hội vốn không của riêng ai nên mỗi thành viên đều có trách nhiệm và bổn phận giữ gìn. Muốn đoàn kết, mỗi hệ phái phải bỏ đi tư tưởng cục bộ phân biệt chia rẽ, xóa bỏ ranh giới của tư tưởng bất bình đẳng giữa mình và người.

3. GHPGVN là một tổ chức duy nhất có đầy đủ Tăng Ni Phật tử, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của mỗi thành viên. Điều này được cụ thể hóa trong Hiến chương của Giáo hội hiện nay đã qua 4 lần tu chỉnh nhưng nguyên tắc vẫn không thay đổi.

4. Sự phát triển của GHPGVN mang tính kế thừa truyền thống và không ngừng đổi mới, đáp ứng yêu cầu của từng thời kỳ khác nhau, nâng hoạt động của các cấp Giáo hội lên tầm cao hơn. Phương thức đổi mới này tiến hành một cách thận trọng từng bước, đồng bộ để đạt hiệu quả chắc chắn.

5. Từng nhiệm kỳ, từng giai đoạn của hệ thống GHPGVN quyết tâm tăng cường bào vệ sự thống nhất ý chí hành động để hoàn thành trọng trách của từng thành viên. Trọng trách này phải được hoàn thành trên nền tảng phụng hành giới luật và giáo pháp, qua đó củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của GHPGVN.

6. GHPGVN là sự tập hợp tài năng của Tăng Ni Phật từ trong từng hệ phái. Cần quan tâm nhiều hơn cho sự tập hợp này để Giáo hội và các hệ phái trong Giáo hội cùng nhau phát triển lâu dài. Muốn thực hiện vấn đề này, cần nâng cao ý thức giữ gìn truyền thống pháp môn, nâng cao ý thức lãnh đạo và ý thức thi hành của từng hệ phái.

Ngoài các thành quả mà GHPGVN đã đạt được trong chặng đường phát triển 35 năm, còn có 10 công đức mà mỗi Tăng Ni phải nỗ lực thi hành để làm chỗ cho Phật tử quy ngưỡng:

1. Xuất gia tu hành theo đúng tôn phong pháp phái, thực hiện đúng truyền thống và phải y cứ vào kinh luật Phật dạy. Từng cá nhân nỗ lực tu hành để hoàn thiện phạm hạnh.

2. Không sống vượt ngoài quy định của Hệ phái và Giáo hội vốn đã thiết lập từ ngàn xưa. Đây là giới luật tu hành và các nội quy theo từng môn phái.

3. Mọi việc làm của Tăng Ni phải do Giáo hội và Hệ phái phân công.

4. Ra sức hộ trì Chánh pháp bằng công hạnh tu tập của mình.

5. Muốn hộ trì Chánh pháp và làm cho Hệ phái phát triển từng cá nhân phải nỗ lực học tập và ứng dụng đúng đắn giáo pháp trong cuộc sống hàng ngày.

6. Giáo dục Tăng Ni, Phật tử quy hướng Phật Pháp Tăng và Thầy Tổ môn phái mình chứ đừng quy hướng ai khác.

7. Giáo dục công đức trùng tu và kiến tạo các đạo tràng Tam bảo.

8. Ý thức kiểm soát tâm ý tham đắm vật chất vốn đang thịnh hành.

9. Xóa bỏ sự ganh tỵ, hiềm khích khi hoạt động chung trong một tổ chức.

10. Luôn kính nể, tôn trọng các bậc Tôn đức không phân biệt hệ phái nào trong GHPGVN.