Giá trị nhân văn trong pháp Quy y thọ giới của Tổ sư

1. Nền tảng quy y thọ giới của Đạo Phật Khất Sĩ

Ra đời tại miền Nam đất Việt, “Đạo Phật Khất Sĩ” như một luồng gió mới mẻ thổi sống dậy tinh thần Phật giáo nước nhà lúc bấy giờ. Hình ảnh Tăng đoàn thời Đức Phật được Tổ sư Minh Đăng Quang tái hiện với tôn chỉ tu tập: “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp”. Tổ sư đã thiết lập Tăng đoàn với đời sống trì bình khất thực “tam y nhứt bát” du phương khắp đó đây để hóa độ mọi người, rất thuần túy với phong thái Phật giáo thời nguyên thủy nhưng lại hết sức gần gũi, hòa nhập và phù hợp với mọi tầng lớp người dân Việt Nam. Người người đến với đạo được Đức Tổ sư khéo léo dẫn dắt, tùy duyên mà hóa độ như những gì Ngài được thọ nhận từ Chánh pháp của Đức Phật. Đặc biệt, Ngài rất coi trọng việc nghiêm trì giới luật và chuyên tâm thực hành lời Phật dạy trên lộ trình giải thoát. Không chỉ đối với người xuất gia học Phật, kể cả hàng Phật tử tại gia cũng được Tổ sư hướng dẫn trên nền tảng giới luật, bắt nguồn từ việc quy ythọ giới[1] cho những ai muốn đến với Phật pháp. Tổ sư giảng giải ý nghĩa quy y thọ giới một cách đơn giản và dễ hiểu như: “Phật là ông thầy giáo, Pháp là bài dạy học, Tăng là học trò hiền[2].

Ai ai tìm đến với Phật pháp cũng mong muốn mình được an lạc và hạnh phúc, để nếm được hương vị mà người ta vẫn gọi là “giải thoát chân thật”; nhưng muốn an vui thật sự, trước hết chính mình phải biết đâu là nguyên nhân khiến ta đau khổ. Chỉ khi nào nhận diện được nguồn gốc của khổ, người ta mới có cơ sở để đoạn trừ và chính lúcấy hạnh phúc sẽ có mặt. Đối với giáo lý căn bản này của Đức Phật, Tổ sư đã định hướng cho người bước vào cửa đạo một cách rất rõ ràng về con đường thoát khổ và tùy theo căn duyên hành trì mà họ tìm thấy sự an lạc nhiều hay ít. Tuy nhiên, dù có sai khác về con đường thực hành,nhưng tất cả những người được gọi là con Phật đều phải có nền tảng tu tập ban đầu bắt nguồn từ quy y và thọ trì ngũ giới. Do đó, Tổ dạy: “Kẻ mà quy y Tam Bảo là bởi đã quá lạc lầm, mê muội, lãng quên và quen tật, thế nên sự chứng tỏ cho kẻ quy y trở về giác ngộ ấy, là phải nghiêm trì giới luật, là phép ngừa răn cản ngăn tội lỗi. Tập giữ lần lần từ một giới, năm giới, tám giới, mười giới và đến 250 giới mới trở lại được như cũ ngày xưa, như trò hiền kia được. Thế nên, gọi một giới là một bước chân quay về, hay một nấc thang trèo lên, như giảm trừ một nết xấu, thói quen, vọng loạn, si mê sái quấy[3].

tsmdq050

2. Pháp quy y của Khất sĩ với tinh thần tùy duyên không nghi lễ giáo điều

Trên con đường hoằng pháp, Tổ sư đưa đạo vào đời một cách uyển chuyển, nhẹ nhàng và thanh cao, khiến người mới học không phải ngỡ ngàng; ngược lại còn cảm nhận được sự gần gũi của giáo pháp, như cách Đức Phật từng giáo hóa chúng sanh: “Sau mỗi khi Phật dạy, biết bao người chợt tỉnh thấy ra mục đích cõi đời, tự phát tâm thiện tín về theo chơn lý, quy y, tập theo pháp, mà trở nên Phật[4]. Noi theo hạnh từ bi của Đức Phật, hiểu được giá trị cao quý và hạnh phúc khi mỗi người tìm về Chánh pháp, nên Tổ sư luôn luôn tùy duyên mà độ người, nhận chúng, chứ không bao giờ câu nệ vào hình thức, nghi lễ cao xa nào cả. Tại mỗi nơi Tổ đến, Người đều giảng pháp, khuyến tu, rồi tạo duyên lành cho những ai muốn nhập đạo với nghi thứcquy y truyền giới, dù là nhiều người hay chỉ một người Tổ đều giúp họ thọ lãnh giới pháp. Đối với Tổsư: “Phật là thầy chung của tất cả chúng sanh, và tất cả chúng sanh rồi đây, ai ai cũng tự nhận mình thiện tín, tự mình quy y thọ giới, và sẽ là Tăng học trò, theo lẽ thật của tiếng Ấn Độ”. Buổi lễ quy y của Tổ sư diễn ra rất đơn giản tại một đạo tràng, hay một tịnh xá và có khi là dưới một cội cây tỏa mát nào đó. Chính sự hành đạo bình dị này của Tổ, đã khiến cho Đạo Phật Khất Sĩ dễ hòa nhập với người dân đất Việt và tạo cơ hội cho những ai vừa mới phát khởi Bồ-đề tâm. Tuy nhiên, nói vậy không có nghĩa là Đạo Phật Khất Sĩ không có một nghi lễ đặc thù nào. Các hình thức xướng tụng, dưới cái nhìn của Tổ đều mang sắc thái như Đức Phật ngày xưa từng làm, đó là những lời chúc phúc, cầu nguyện bằng chính công năng tu tập của tự thân Tăng chúng. Đối với một số truyền thống Phật giáo, việc quy y phải được tổ chức nơi đạo tràng tôn nghiêm, có đầy đủ nhạc lễ chuông mõ, người muốn quy y phải đăng ký trước v.v…; nhưng với Tổ lại hoàn toàn khác, sự phát khởi thiện tâm của người sơ cơ tùy theo duyên giảng giải rồi ân cần đưa họ vào đạo là đầy đủ ý nghĩa.

3. Tinh thần bình đẳng

Có thể nói, tinh thần bình đẳng là một trong những nét đặc trưng nhất của Phật giáo mà Tổ sư đã tiếp nối trong nghi thức quy y thọ giới. Tổ sư luôn giữ tâm hạnh bình đẳng giảng dạy cho tất cả những ai muốn học đạo và tôn trọng Phật tánh của họ, dù là người xuất gia hay tại gia. Đối với Tổ: “Chúng sanh là vị lai và đạo Phật là quá khứ: Bởi đạo Phật là đạo của quá khứ, đạo Phật có nơi chúng sanh, có từ vô thỉ, chớ nào phải đạo ấy của ai, hay đạo là tâm của mỗi người, ai ai cũng như nhau cả”[5]. Tổ sư dẫn dắt mọi người bước vào Chánh pháp trong tinh thần yêu thương; vì muốn độ những chúng sanh lạc lầm, nên Người rất chú trọng trách nhiệm khai ngộ chứ không đặt nặng hình thức. Tổ còn dạy người hành đạo không được chấp vào tiếng gọi “Thầy – trò”, có chăng “là bạn lữ chung đường, kẻ trước người sau, tiên sanh hậu sanh, là cũng vẫn như nhau, ngày mai sẽ là bình đẳng”. Đức Tổ sư dù tiếp độ người hậu học nhưng rất tôn trọng Phật tánh của mỗi chúng sanh như Phật đã từng dạy: “Ta là Phật đã thành và chúng sanh là Phật sẽ thành”. Trên tinh thần bình đẳng vô ngã như thế, người hành đạo mới có thể “an nhiên trong mọi ràng buộc” của thế gian. Nếu có tôn giáo khác luôn yêu cầu tín đồ phải tôn thờ đấng giáo chủ của riêng mình với niềm tin mù quáng,thì người học Phật phải sáng suốt chọn lựa người Thầy bằng kinh nghiệm thực tiễn. Trong Tăng Chi Bộ Kinh III, Đức Phật đã nói rằng: “Này quý vị Kalama, đừng tin vì nghe truyền khẩu, đừng tin vì đó là truyền thống, đừng tin vì nghe đồn đại, đừng tin vì được ghi trong kinh điển, đừng tin vì lý luận, đừng tin vì suy diễn, đừng tin vì đã tư duy trên mọi lý lẽ, đừng tin vì dựa theo ý kiến đã được cân nhắc, đừng tin vì vị ấy có vẻ có uy quyền, đừng tin vì nghĩ rằng vị ấy là thầy của mình. Nhưng này quý vị Kalama, khi nào quý vị tự mình biết rõ: ‘Các pháp này là bất thiện; các pháp này là đáng chê; các pháp này bị người trí chỉ trích; các pháp này nếu được thực hiện và chấp nhận, sẽ đưa đến bất hạnh khổ đau’, quý vị hãy từ bỏ chúng” [6]. Tổ hướng dẫn mọi người sống với nhau bằng lòng từ bi và đối đãi với nhau bằng tinh thần hòa hợp, đúng với pháp lục hòa mà Phật dạy. Khi một người học đạo đã đi trước rồi hoàn toàn có thể hướng dẫn lại cho người đi sau bằng những gì mình đã được học: “Như người cư sĩ giữ năm giới, nói chỉ giùm cho người giữ một hoặc ba giới được, tám giới dắt trau cho năm giới, mười giới truyền bảo cho tám giới, hoặc mười giới xin nghe chịu nơi bậc 250 giới trên hơn”. Chính tinh thần thiết thực bình đẳng, lợi hòa này của Tổ đã tô điểm thêm cho Đạo Phật Khất Sĩ với những tinh hoa rất riêng của nó. Đồng thời, luôn tạo cho người học hỏi Chánh pháp sống trong môi trường hòa bình, chia sẻ lẫn nhau, cùng nhau tiến bước trên con đường giải thoát: “Mục đích của tất cả chúng sanh là tu học, để cho đắc quả, chớ không phải lập bè kết bạn, mà cần phải tính cho nhiều[7].

4. Giá trị thực tiễn của quy y trong Chánh pháp

Với phương châm: “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp”, con đường hoằng hóa độ sanh của Tổ sư rất thiết thực với ý nghĩa “tự độ và lợi sanh”. Tổ từng bướcxây dựng ngôi nhà đạo pháp từ nền tảng quy y thọ giới, giúp cho mỗi cá nhân hiểu rõ “đời đẹp hơn nhờ có đạo”; rồi tiến dần đến hạnh phúc cao thượng nhất của đời người. Trong Kinh Pháp Cú, Đức Phật đã dạy: “Khó thay được làm người, khó thay nghe diệu pháp”[8] nên Tổ sư chủ trương không từ bỏ bất kỳ một người nào, nhưng cũng không thúc ép bất cứ ai; tùy theo nhân duyên vận hành mà tiếp độ người lên bờ giải thoát. “Quy y Tam Bảo là về theo Phật Pháp Tăng[9], đây là cách Tổ sư giúp người lần lần gội rửa bụi trần để từng bước sống an lạc trong Chánh pháp. Đối với Tổ sư, mỗi người đều có một nhân duyên riêng biệt, nên phải tận tâm tiếp độ để họ có cơ hội quay về con đường thiện lành, giải thoát khổ đau. Nếu chấp vào nghi thức, hình tướng quá nhiều đôi lúc sẽ khiến cho người học đạo bước đầu bỏ mất duyên lành.Khi một người thọ trì quy y, tức là đã đi được bước đầu tiên trên nấc thang giải thoát; vì nếu giữ được giới nào thì sẽ an lạc theo giới ấy. Hơn nữa, việc quy y sẽ giúp người ta tự ý thức vị trí của mình trong ngôi nhà đạo, để phát huy sự tu học, đem lại sự an lạc cho cá nhân và xã hội. Tổ sư đã không biến việc quy y chơn truyền thành một nghi lễ hay một phương pháp bí truyền, mà chủ yếu hướng dẫn để mọi người thọ pháp biết được ý nghĩa thiết thực của việc quy y, giúp họ lấy đó làm kim chỉ nam cho cuộc sống. Quy y thọ giới không phải để tôn thờ mà phải theo ý nghĩa: “Những kẻ ấy từ đó sẽ sửa chữa hành vi, việc làm, lời nói, ý niệm, trở lại y theo Phật Pháp Tăng, để lần lần trở nên Tăng, là học trò tốt đẹp, đặng học hành theo Pháp, mà thành như ông thầy Phật vậy, đó là sự quy y Tam Bảo vậy”[10]. Đây là ý nghĩa cao thượng của việc quy y thọ giới, nên Tổ sư dạy người hậu học: “Tự mỗi người hãy giác ngộ lấy, tự giữ giới quy y lấy”[11].


[1]Chơn lýIII “Đạo Phật Khất Sĩ” – Quy y thọ giới, tr. 415.

[2]Sđd, tr. 415.

[3]Sđd. tr. 417.

[4]Sđd, tr. 419.

[5]Sđd, tr. 418.

[6]Tăng Chi Bộ Kinh III,kinh Kalama.

[7]Chơn lý, III,“Đạo Phật Khất Sĩ” – Quy ythọ giới, tr. 420.

[8]Kinh Pháp Cú, phẩm Phật-đà, 182.

[9]Chơn lý“Đạo Phật Khất Sĩ”,tr. 415.

[10]Sđd, tr. 416.

[11]Sđd, tr. 417.