Giải phương trình số phức... cuộc đời

 phep-toan-so-phuc2Cuối năm cũ, nhìn lại, suy tư về những gì đã làm, ngẫm nghĩ về cuộc đời… trong giây phút miên man theo dòng suy tưởng, bỗng dưng nó nhớ tới một phương trình toán đã được học và rồi chợt nhận ra đâu đó triết lý cuộc đời trong phương trình toán học này.

Phương trình số phức??? Cái tên làm cho người thoạt nghe qua có vẻ khó hiểu nhưng thật ra lại rất đơn giản! Tại sao nó chọn phương trình này làm nguồn cảm hứng mà không là loại phương trình khác như giải tích một biến, hai biến…? Vì nhiều lẽ…

Trước tiên xin được sơ lược về số phức. Số phức dạng đại số được viết là (a + ib) hoặc (x + iy). Và phương trình số phức được viết dưới dạng a + ib = 0 (hoặc x + iy = 0). Giải phương trình số phức là đi tìm nghiệm i. Phương trình số phức luôn luôn có nghiệm với bất cứ giá trị nào của a (không như những phương trình khác, đôi khi không thể tìm ra nghiệm). Vậy thì có gì liên quan giữa cái lý thuyết toán khô khan kia và triết lý về cuộc đời? Và nó giúp ích gì trên con đường tu tập của chúng ta?

Thứ nhất về tướng trạng, số phức gồm 2 thành phần là a và ib, cũng giống như mỗi người chúng ta được hình thành bởi thân và tâm; đời sống tâm thức của người thế gian bình thường được tạo bởi niềm vui và nỗi buồn; tất cả các pháp trên đời này không gì khác ngoài có và không; cái thiện và cái bất thiện trong tâm ý, lời nói, hành động của con người luôn đi đôi với nhau. Giá trị a có thể bằng không, khi ấy phương trình có dạng ib = 0; nhưng giá trị b phải khác không, vì nếu b = 0 và a = 0 phương trình không tồn tại, nếu a ¹ 0 thì phương trình trở nên bất hợp lý. Điều này giống như thế giới thành tạo hôm nay nhờ có con người.

Hai giá trị a và b phải thỏa điều kiện ban đầu, không khác gì điều kiện tồn tại của con người vậy. Trong đời sống thường ngày, khi ta vui dường như nỗi buồn biến mất và khi buồn, ta nào thấy được niềm vui. Nhưng thật ra niềm vui, nỗi buồn luôn tồn tại song đôi, thay phiên nhau ẩn hiện. Đang vui đó, nhưng thỉnh thoảng ta vẫn bắt gặp ánh mắt nhìn xa xăm của người ấy trong vài khoảnh khắc, hay ngược lại, trên gương mặt không vui của ai đó, đôi lúc ta lại cảm nhận đâu đó một niềm vui đang đến. Cũng thế, khi ta nhận biết được pháp là có thì cái không cũng đã có mặt, ngược lại ta cảm nhận được cái không của các pháp thì cái có cũng tồn tại song song. Tâm người vốn bất định, lúc đầu tự hứa với mình phải tu theo pháp A hay pháp B, sau đó buông ra là quên, tâm tán loạn, chạy theo trần, theo cảnh, buông lung việc tu hành ngay.

Bình thường ít khi nào ta để ý đến “cổ máy thân”, lo hướng tâm tìm kiếm cái gì đó để thỏa mãn tâm tham sân si, bắt thân này bôn ba đây đó đua chen với đời, với người, làm cả những điều tội lỗi không lường. Đến khi thân không còn sức chống chọi, ta mới chạy vạy khắp nơi chữa trị cho nó, hệt như đem xe cứu hỏa đến dập lửa, dù lửa được dập tắt thì căn nhà ít nhiều đã hư hoại rồi. Chưa kể đến tâm bị phiền não vì lo lắng, tiếc thương cho cái thân này và sợ chết. Khi đó cả thân lẫn tâm đều bất an hối hận, liệu còn kịp không? Còn sức lực để quay đầu không? Nếu giá trị của a và b tương ứng với nhau thi kết quả i đẹp; bằng không, gọi là không đẹp, không chẵn. Đành rằng xác thân là giả tạm, thân có để làm phương tiện trợ duyên cho tâm tu, nhưng nếu không có thân tốt thì tâm cũng ít nhiều bị ảnh hưởng. Thân bệnh, tâm sao tránh khỏi uể oải chán chường, sao có thể chuyên sâu tu tập?

Thứ hai về nội dung, bài toán nào cũng có ít nhất là một cách giải và cuối cùng cũng đưa đến một kết quả giống nhau nếu cách giải đúng và kết quả sai nếu cách giải sai, ví như ta khéo chèo lái cuộc đời đi đúng hướng thì nó đưa ta đến bến bờ bình an, còn không thì sẽ trôi dạt tới nơi nào không thể biết được. Ai cũng ít nhất một lần trong đời, dành cho mình khoảnh khắc nào đó để chiêm nghiệm những gì được mất trong những tháng năm đã qua, trong kiếp phù sinh này. Và nhận ra rằng mình cần phải nương tựa vào ai đó, vào cái gì đó, cho dù “con thuyền cứu cánh” ấy mong manh, tạm bợ, để không còn cảm thấy cô độc, lẻ loi. Thông thường, người già thì chỉ trông mong con cháu khỏe mạnh, bình yên, sống tốt, hiếu thảo, hủ hỉ bên mình trong những ngày cuối đời; người trẻ thì mong muốn cuộc sống lứa đôi hòa thuận êm ấm, đời sống vật chất sung mãn, tình bạn dài lâu… Nhưng không phải ai cũng được như ý. Có người khi hơi thở sắp tàn vẫn còn mang nặng nhiều nỗi lo toan: nào nhà cửa, con cái, gia đạo bất hòa, nợ nần chồng chất,… mọi thứ mông lung, mập mờ, rối ren, không biết đâu bờ bến, thấy cô độc, tủi thân và đôi khi cảm thấy tội lỗi, hối tiếc vì những lầm lỡ mình đã trót gây ra, lương tâm áy náy không nguôi… Đời người ta, niềm vui đến được bao lần? Để hưởng được những giây phút vui sướng ngắn ngủi, con người ta phải đánh đổi biết bao thời gian, trí óc, nước mắt và cả máu! Thật là đáng thương thay!

Ngược lại, với những ai vượt được trạm giam cơm áo gạo tiền và người thân, đã tìm ra cho mình một lối đi đầy hoa và nắng, vững tin nơi ấy là chốn bình an vĩnh hằng như nương tựa vào Tam bảo, làm thiện tránh ác, nguyện mong đến được bến bờ giải thoát giác ngộ, hay được đi trên con đường thanh cao nào khác, thì không còn gì phải băn khoăn, nhất định những nhân lành ấy sẽ mang đến quả tốt, quả ngon, quả đẹp. Chúng ta, những người con của Phật, con đường đến với thành tựu Thắng trí chắn chắc không dễ dàng, không bằng phẳng, song nếu chúng ta tấn tu thì kết quả là điều chắc chắn, không thể sai được. An lạc thân tâm chính là kết quả hiện tiền mà ai cũng nhận thấy được nếu hành trì Phật pháp một cách đúng đắn. Không giặc phiền não; giặc tham, sân, si nào có thể xâm nhập và sai sử chúng ta được.

Pháp Phật quả là nhiệm mầu, là món quà lớn nhất mà đức Từ Tôn đã tặng cho tất cả chúng sanh không phân biệt quốc độ, dân tộc hay màu da nào. Cớ sao ta lại không nhận? Dù đi đến đâu, tâm ta hướng về Tam bảo thì ta vẫn là con của Phật. Đó chính là lý do vì sao ngày càng có nhiều người trên thế giới tìm đến đạo Phật, tin tưởng và thực hành theo lời dạy của đức Phật. Còn chần chừ chi nữa? Hỡi người dân đất Việt nơi xứ xa! Mau về thôi, về với cha ông, Tổ thầy, về với mẹ dân tộc, mẹ Từ Bi, với anh em năm châu bốn bể nhân dịp mùa Xuân Di Lặc về mang bao an lành, hạnh phúc trên quê hương Việt Nam thân yêu!

Cám ơn đời, cám ơn người đã cho nó được sanh ra trên cõi đời này, đã ban tặng cho nó bao tình thương từ Mẹ Cha, từ anh em, bè bạn và hơn hết là cho nó được gặp Phật pháp, nương theo Thầy tổ, huynh đệ để sống, cũng như cho nó thấy được cuộc đời đau khổ ra sao để nó nhận ra đường đến chân hạnh phúc. Và xin cám ơn đất trời tạo hóa đã ban tặng cho nhân gian 4 mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông để ta thấy tươi đẹp hơn khi Xuân về, ấm áp hơn mỗi lúc Hạ đến, lặng lẽ hơn với Thu sang và chút khí lạnh giao hòa của gió tuyết Đông. Xuân nay sắp đến, ta lại sắp đón nhận chiếc áo mới rực rỡ, hãy vui cười lên nhé để Xuân có ý nghĩa hơn và thấy cuộc đời đẹp hơn!

Khe khẽ nó hát :

“Mừng Xuân này về trên quê ta, khắp đất trời biển rộng bao la. Cây xanh tươi hoa lá trổ hoa, chào mừng Xuân về với mọi nhà…”

Cuộc đời tuy phức mà không phức!