Giáo dục và tình thương

Một em bé, khi mới sinh ra, chỉ là khối nguyên sinh đưa vào lòng xã hội. Em có thể phản ứng lại với những tác nhân bên ngoài mà không ý thức gì về sự phản ứng đó. Chỉ sau một vài tháng ý thức hoặc "nội tâm" của em mới hình thành và bắt đầu phát triển nhờ tình thương yêu của cha mẹ, gia đình thông qua một cái tên riêng được cha mẹ đặt cho.

Theo tài liệu nghiên cứu của các nhà tâm lý học, tiến trình phát triển nhân cách con người là tiến trình tương tác liên tục giữa nội tâm và ngoại cảnh. Đến tuổi thiếu niên thì ngoại cảnh tác động đến nội tâm nhiều hơn. Nội tâm tiếp nhận ngoại cảnh, lý giải và đáp ứng lại, rồi tự làm phong phú cho chính nó. Đây là lúc tâm lý con người trở nên chín chắn, nội tâm bắt đầu tác động lại ngoại cảnh một cách tương đồng, nếu không nói là nhiều hơn. Cho nên lứa tuổi thiếu niên là thời kỳ quan trọng nhất cho sự phát triên nội tâm. Ở lứa tuổi này các ham học hỏi, khám phá những điều mới lạ và hơn thế nữa là thích làm người lớn. Do đó tính tình các em thường mang tính hiếu động, tò mò, tinh nghịch và thích bắt chước. Để giáo dục trẻ nên người, thầy cô giáo, các bậc phụ huynh cần phải ý thức và cảnh giác trong mỗi hành vi cư xử của mình để trẻ noi theo. Đặc biệt thầy cô giáo là người không những truyền đạt kiến thức mà còn mang trách nhiệm giáo dục, uốn nắn trẻ trở nên người tốt.

Tuy nhiên, qua phản ảnh của báo chí, nhiều em học sinh thường tỏ ra ngỗ nghịch, ngang ngược và tính khí thay đổi bất thường, thầy cô giáo đã dùng nhiều biện pháp giáo dục và trừng phạt như khiển trách, cảnh cáo hoặc đuổi ra khỏi lớp, nhưng kết quả vẫn không mấy khả quan. Vậy thì làm thế nào để giáo dục cho trẻ biết nhận thức được lỗi lầm, cả sửa những thói hư tật xấu và trở thành người có nhân cách.

Thật tình mà xét thì chúng ta không mấy ai không trải qua giai đọan thiếu thời với nhiều trò nghịch ngợm. Tục ngữ có câu: "Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò," thật đúng lắm. Nhưng trẻ em dù tinh nghịch đến đâu đi nữa vẫn mang bản chất hồn nhiên, ngây thơ và dễ uốn nắn. Các em cần tình thương, cần những lời dịu ngọt khuyên răn hơn là mắng mỏ, dòn roi trừng phạt. Tôi nhớ như in thời mới bước vào trung học đệ nhất cấp, lớp 6A chúng tôi giỏi nhất khối lớp 6, nên thầy chủ nhiệm hãnh diện và cưng chúng tôi lắm. Được cưng, lũ nữ sinh chúng tôi quậy phá hết cỡ. Thầy dạy hóa trẻ trung hay mắc cỡ trước đám con gái, được chúng tôi đặt cho biệt danh là "Đệ nhất phu nhân thẹn thùng". Thầy dạy văn học cổ hiền lành, nhiệt tâm nhưng lúc nào cũng thao thao với những điển tích, ẩn dụ lấn cả sang giờ giải lao, cả lớp phải nhoi lên thầy mới nghỉ. Thế là thầy được chúng tôi tăng biệt hiệu "Đệ nhị phu nhân cần mẫn". Còn bà giáo già khó tánh dạy môn Anh văn, thường xệ cặp mắt kiến, chau mày, khiển trách và dọa cho điểm xấu, được gán cho danh hiệu "mụ phù thủy".

Một hôm chúng tôi được thông báo rằng cô giáo trẻ tên Hải mới ra trường sẽ về đảm nhận môn Anh Văn thay cho bà giáo già. Chúng tôi mừng rú bởi tin này. Ô, nàng phù thủy sắp sửa ra đi. Thế là thoát.

Giây phút chờ đợi của chúng tôi đã đến. Cô Hải bước vào lớp, xinh xắn trong chiếc áo dài màu thiên thanh. Cô nhoẻn miệng cười thật tươi chào chúng tôi khi được thầy chủ nhiệm giới thiệu. Khi thầy trở ra, tôi mừng thầm, khều con Hoa bên cạnh: "Cô giáo trông hiền và dễ thương quá, chúng mình tha hồ đùa nghịch".

Trên bục giảng cô Hải đang lật sổ diểm danh làm quen với lớp. Chợt cô hỏi:

- Có em nào không thích môn Anh văn không?

Cả lớp im lặng. Cô bắt đầu vào đề:

- Môn Anh văn không phải là tiếng mẹ đẻ, nên khó đọc. Khó nói và khó nhớ. Muốn viết thông, nói thạo, đòi hỏi các em phải có một tinh thần học thật nghiêm túc.

Cũng kiểu lên lớp giáo đầu cũ rích. Tôi nghĩ thầm và khều con Hoa, nhưng nó có vẻ lắng nghe chăm chú. Tôi bực bội đưa mắt thăm dò nhìn sang dãy bên kia. Lũ con Hòa, con Hương cũng không có phản ứng gì. Tôi lay hoay để tìm đồng minh và trở thành mục tiêu của cô.

- Hình như em muốn nói gì phải không? Em cứ tự do phát biểu. Đừng làm mất trật tự trong giờ học.

Tôi đỏ mặt tía tai, đứng lên ấp a ấp úng. Bọn con Hoa, con Thi có vẻ khoái lắm, cứ úp mặt xuống bàn cười. Tôi ức lắm, nhưng không biết làm gì hơn đành lặng lẽ ngồi xuống.

Cô Hải trông hiền lành, nhưng có lẽ đã được báo trước về đám nữ sinh quậy phá lớp chúng tôi, nên rất nền nếp và kỷ luật. Ngay cả một lỗi nhỏ nhất của chúng tôi cô cũng không bỏ qua. Cô đến lớp rất đúng giờ và giảng dạy rất nhiệt tâm. Thời còn bà giáo già, tiết học Anh văn trôi qua đơn điệu và buồn chán. Mặc dù bị bà giáo răn đe, chúng tôi cứ đùa nghịch cho đỡ buồn ngủ và mong cho hết giờ. Nhưng với sự linh hoạt của cô giáo Hải tiết học sinh động hẳn lên. Cứ sau mỗi bài văn phạm cô cho cả lớp làm bài tập áp dụng, và sau mỗi loạt từ ngữ mới, cô hướng dẫn cả lớp đọc đi, đọc lại nhiều lần, rồi cho từng cá nhân đọc qua cho thông thuộc. Một hôm cô gọi tôi, do nỗi mặc cảm trong tôi đối với cô chưa được giải tỏa, lưỡi tôi cứ líu lại nên tôi đọc sai hoài. Thế là thêm một trận cho tụi Hoa, con Thi che miệng cười. Nỗi bực trong tôi càng gia tăng và tôi bắt đầu tìm cách trả đũa.

Ngày hôm sau tôi đem theo một bọc me chua đến lớp, dấu kín trong ngăn cặp. Chờ đến lúc cô Hải gọi con Hoa ngồi bên phải tôi đứng lên tập đọc, là tôi rút trái me ra lột. Mùi me chua lan tỏa làm con Hoa cứ nuốt nưóc bọt và đọc líu ríu trong họng. Đến lượt tôi, tôi đã hả hê nên đứng lên đọc trôi chảy, rồi ngồi xuống tiếp tục tấn công con Thi ngồi bên trái tôi. Nhìn tôi bẻ một mắc me rồi che tay bỏ vào miệng nhai một cách khoái chí, con Thi cứ nuốt nưóc bọt ừng ực, không đọc được. Việc này không qua được mắt cô giáo, cô rời bục giảng. Tôi nhã vội miếng me vào bọc nilon và nhét ngay vào cặp dưới ngăn bàn. Cô Hải bước xuống dãy bàn chúng tôi và bảo tôi mở cặp. Thấy gói me chua, cô trở lại bục giảng và nghiêm nghị nói.

- Các em có thể đem quà bánh tới lớp, nhưng các em nên ăn vào giờ ra chơi. Trong giờ học không một em nào được ăn vặt. Vì điều đó bị coi là thiếu tôn trọng người khác. Lần đầu cô nhắc, mong các em ghi nhớ.

Tôi lại một phen ngượng chín cả người vì xấu hổ và quyết định tìm cách trả thù cô.

Tuần sau đến phiên tôi trực nhật. Tôi nhờ lũ mục đồng ở gần nhà ngoại tìm cho tôi một con rắn con đã chết. Tôi bọc con rắn chết gọn gàng vào búi giẻ lau bảng và chờ đợi. Cô Hải vào lớp như thường lệ, nhưng cô lại bước ra hiên, thản nhiên đứng nhìn sân cỏ. Con bé lớp trưởng vội bước ra.

- Thay mặt lớp, em xin lỗi cô. Rồi quay vào lớp – bạn nào trực nhật.

Tôi giật mình, tái mặt. Mãi lo tưởng tượng cô Hải sẽ vung tấm giẻ và hét lên khi nhìn thấy con rắn, tôi quên khấy việc lau bảng và bàn ghế. Nhưng tôi chưa kịp đứng lên, thi Hà ngồi ở đầu bàn đã lách ra. Hà là con dì tôi, nhỏ hơn tôi một tuổi, bị bệnh suyễn và thể chất yếu đuối nên tôi thường bảo bọc, chăm sóc. Nó cũng rất quý yêu tôi, nên đứng lên giúp tôi.

Sợ bé Hà sẽ rú lên ngất xỉu khi nhìn thấy con rắn, tôi lao ra khỏi chỗ ngồi và hét lên.

- Bé Hà! đừng đụng vào chiếc giẻ. . .

Cô giáo và cả lớp ngạc nhiên nhìn tôi. Cô bước đến chắn ngang trước mặt tôi và hỏi.

- Em giấu gì trong búi giẻ. Nói ngay đi.

Tôi ấp úng

- Con ... rắn ... chết.

Nói xong tôi chạy về chỗ ngồi, quơ vội chiếc cặp, rồi bước ra khỏi lớp. Tôi không về nhà mà chạy mãi, chạy mãi đến một ngôi chùa thật xa, thật vắng vẻ, nép vào một bên hiên, ngồi khóc tức tưởi. Khóc chán, tôi gục xuống mái hiên chùa thiếp đi. Trong mơ tôi thấy bé Hà sờ phải con rắn và ngã ra chết. Dì và mẹ tôi thét lên đau đớn. Tôi cũng khóc rưng rức đến nỗi hai vai tôi rung lên. Tôi lại thấy Đức Phật bà Quan Âm hiện xuống vuốt nhẹ vai tôi an ủi và cứu bé Hà sống lại. Mừng quá, tôi mở mắt.

Ơ kìa, gương mặt của cô Hải hiện ra trước mắt tôi. hiền hòa, phúc hậu như nét mặt Phật bà Quan Âm tôi vừa mơ thấy. Cô khoác lên người tôi chiếc áo khoác của cô và đưa tay vuốt nhẹ tóc tôi dịu dàng hỏi.

- Em có sao không? Bé Hà và cả lớp đang tìm em. Bé khóc sưng cả mắt rồi kìa.

Tôi quay sang, nhìn thấy các bạn đang tìm đến và bé Hà với cặp mắt dỏ hoe đứng nhìn tôi, nước mắt tôi chực ứa ra. Rồi nhớ đến gương mặt nghiêm nghị của ba, tôi ngồi bật dậy nắm lấy tay cô.

- Cô, em xin cô dừng đuổi học em.

Cô dặt tay lên vai tôi, ánh mắt chứa chan tình yêu thương.

- Nhìn thấy em ý thức lỗi lầm của mình là cô vui rồi. Thôi em về nhà kẻo ba má trông.

Không phải hình phạt mà là tình thương và lòng vị tha của cô giáo Hải đã biến tôi từ một cô bé bướng bỉnh thành một nữ sinh có ý thức trách nhiệm. Lớn lên tôi có duyên với ngành sư phạm, tôi càng hiểu vai trò và trọng trách lớn lao của người làm công tác giáo dục. Đến khi xuất gia, nghiên cứu sâu vào kinh điển, tôi càng nhận thức sâu sắc vai trò tối trọng của ngành giáo dục. Hình ảnh Đức Thế Tôn trong suốt 45 năm lặn lội khắp miền để giáo hóa chúng sanh hiện ra trong trí tôi. Đức phật thương yêu hết tất cả chúng sanh, thương yêu và hóa độ luôn cả tướng cướp giết người. Đề Bà Đạt Đa, kẻ đã xô đá, xua voi điên để hại Ngài, nhưng Ngài vẫn sẵn lòng tha thứ. Cảm động nhất là cảnh các vị Tỳ-kheo tranh cãi nhau không giải hòa được, Ngài phải bỏ vào rừng thiền định, nhờ voi và khỉ dâng trái cây cho Ngài dùng. Ngài thật là nhà giáo dục tuyệt vời. Trên con đường thực hiện hạnh nguyện trồng người, Đức phật không bao giờ có thái độ khắc khe hay trừng phạt nặng nề người phạm lỗi. Trái lại Ngài luôn nhẫn nại, nhiệt tâm và ban rải lòng từ để cải hóa con người. Đôi khi Ngài dùng đến biện pháp khiển trách, nhưng cũng trong tinh thần thương yêu, răn nhắc.

Người xưa có dạy rằng cha mẹ sanh ta ra, thầy dạy ta nên người. Con người chúng ta ít hay nhiều ai cũng có tính xấu. Nếu không được uốn nắn, thì các tính xấu ấy phát triển ngày càng mạnh và nhiều thêm. Do đó vai trò của người thầy không phải chỉ để truyền đạt những thông tin sách vở, mà chính là để giúp các em cải sửa tính tình, từng bước dìu dắt các em nên người hữu dụng. Thiết nghĩ để giúp trẻ phát triển nhân cách, và có tinh thần ý thức trách nhiêm, đòi hỏi người làm công tác giáo dục phải hiểu biết tâm lý trẻ, có đức tánh nhẫn nại, lòng nhiệt tâm và dặc biệt lòng vị tha, thương yêu chân thật đối với trẻ.

Vâng, chỉ có lòng vị tha và tình thương yêu chân thật mới có thể cải hóa con người. Đã hơn ba mươi năm trôi qua, nhưng hình ảnh và tình thương yêu của cô giáo Hải vẫn còn in đậm nét trong tôi.