TP.HCM: HT. Minh Thành thuyết giảng đề tài “Vô tránh phân biệt và hành trì” tại trường hạ Pháp Viện Minh Đăng Quang

Ngày 16/7/2025 (22/6/Ất Tỵ), chư hành giả an cư PL.2569 tại trường hạ Pháp viện Minh Đăng Quang (P.Bình Trưng, TP.HCM), đã cung thỉnh HT. Minh Thành – UVTT HĐTS GHPGVN, Phó Viện trưởng VNCPHVN, Phó ban Ban Thường trực Giáo phẩm Hệ phái, Trưởng Ban Giáo dục Tu thư PGKS, Tri sự Phó GĐ.IV PGKS, quang lâm và thuyết giảng đề tài “Vô tránh phân biệt và hành trì”.

Mở đầu bài giảng, Hòa thượng khai triển chiều sâu của khái niệm “quyền lực” từ góc nhìn Phật giáo. Hòa thượng nhấn mạnh, quyền lực chân thật không phải là sức mạnh của địa vị, hay ảnh hưởng bên ngoài, mà chính là nội lực phát xuất từ định và tuệ, là khả năng làm chủ thân tâm, vượt thoát khổ đau và dẫn đến cảnh giới an ổn, giải thoát, đúng như lời dạy của Đức Thế Tôn.

Hòa thượng cũng cảnh tỉnh về ma lực của thần thông khi cho rằng, dù thần thông là có thật, được ghi nhận trong kinh điển qua lục thông, nhưng nếu không đặt nền tảng trên giới - định - tuệ thì người tu dễ bị rơi vào “ma thông”, trở thành nạn nhân của chính ngã mạn và sở đắc. “Ma cũng có thần thông, nên nếu không có lậu tận thông, thì tất cả những thần thông còn lại đều có thể dẫn đến sai lạc”, Hòa thượng khẳng định.

HT. Minh Thành cảnh báo người tu không nên nhầm lẫn trí tuệ với sự ghi nhớ, học rộng hiểu nhiều. Hòa thượng khẳng định: “Trí tuệ trong đạo Phật là năng lực giúp giải thoát khổ đau. Nếu chỉ học để biết mà không hành trì, thể nhập thì chẳng thể chuyển hóa được tự thân”. Vì vậy, người tu học phải thấm nhuần, hành trì và thể nhập, không thể chỉ dừng ở lý thuyết.

Dẫn lại lời Tổ sư Minh Đăng Quang trong Chơn lý “Nhập định”: “Về phép tập nhập định, chúng ta có thể hiểu tóm tắt sơ lược bước đầu ấy. Muốn hiểu kỹ để thật hành thì mỗi đoạn ắt phải giảng giải ra thành nhiều quyển sách, quí giá vô cùng, và thật hành là phải có bậc cao niên chỉ dẫn mới được”, Hòa thượng triển khai ba pháp cốt lõi trong lộ trình tu học: Pháp học, Pháp hành và Pháp thành. Qua đó nhấn mạnh, ba yếu tố này phải vận hành đồng bộ, không nên rời rạc, tách rời nhau. “Học tới đâu, hành tới đó, hành tới đâu, thành tới đó”, như một bánh xe luân chuyển liên tục cho đến khi nào đưa hành giả đến mục đích cuối cùng là cứu cánh giải thoát.

Trích Kinh Vô tránh phân biệt thuộc Trung Bộ Kinh, HT. Minh Thành nhấn mạnh lời dạy bất hủ của Đức Phật: “Chớ có hành trì dục lạc, hạ liệt, đê tiện, phàm phu, không xứng bậc Thánh, không liên hệ mục đích. Và cũng không nên hành trì tự kỷ khổ hạnh, đau khổ, không xứng bậc Thánh, không liên hệ mục đích. Từ bỏ hai cực đoan ấy, có con đường Trung đạo đã được Như Lai giác ngộ, tác thành mắt, tác thành trí, đưa đến an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn”. Đây chính là Con đường mà Đức Như Lai khai thị là Trung đạo, đưa đến an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn.

Hòa thượng phân tích sâu sắc sự khác biệt giữa “ngoại lạc” – những khoái cảm đến từ năm dục: sắc, thanh, hương, vị, xúc và “nội lạc” – sự an vui nội tâm do định và tuệ phát sinh. Trong khi ngoại lạc luôn dẫn đến cạnh tranh, giới hạn và khổ não, thì nội lạc mới thật sự là niềm vui bất tận, không tranh chấp của bậc Thánh. Người tu, vì vậy, phải buông bỏ ngoại lạc để quay về nội tâm, nuôi dưỡng nội lạc, sống đời thanh tịnh, bình an. Hòa thượng khuyên hành giả nên quay về với nội tâm, nuôi dưỡng nội lạc, đoạn lìa ngoại lạc. Khi đó, ta sẽ không còn muốn tranh giành với cuộc đời, không bị cuốn vào những thứ phù du.

Dẫn từ Kinh CanKiTrung Bộ Kinh, HT. Minh Thành triển khai một lộ trình tu học rõ ràng với ba giai đoạn:

Đây là con đường từ văn - tư - tu, từ học hiểu đến hành trì và thể nhập, là tiến trình chuyển hóa từ tri thức đến sự giác ngộ chân thật. Hòa thượng trích lại đoạn kinh mang tính then chốt: “Sau khi xem xét vị ấy và thấy vị ấy trong sạch, … lòng tin … thân cận giao thiệp… nghe pháp, … tìm hiểu … hoan hỷ chấp nhận;… cân nhắc… tinh cần… tự thân chứng ngộ tối thượng chân lý, và khi thể nhập chân lý ấy với trí tuệ…  sự giác ngộ chân lý… chứng đạt chân lý”.

Cuối cùng, Hòa thượng gửi gắm: Người tu không chỉ học để biết, mà học để hành; không hành để cầu phước, mà hành để giác ngộ giải thoát. Chỉ khi miệng, thân và tâm cùng hướng về chân lý, khi ta giữ khẩu nghiệp, không còn sống trong thế giới của tán thán và chỉ trích, thì mới thật sự bước vào cảnh giới của bậc thánh.

Khép lại buổi giảng, HT. Minh Thành gửi đến toàn thể hành giả lời nhắn nhủ tha thiết: “Người tu không học để biết, không hành để cầu phước, mà học để hành, hành để giải thoát. Sự giải thoát ấy chỉ có được khi miệng, thân và tâm cùng hướng về chân lý, khi khẩu nghiệp được giữ gìn, không còn vướng mắc trong thế giới của tán thán và chỉ trích”.