Tiếp nối buổi thuyết giảng trong khóa BDTT PL.2569 tại Pháp viện Minh Đăng Quang (P.Bình Trưng, TP.HCM) vào sáng nay 6/7/2025 (12/6/Ất Tỵ), chiều cùng ngày, Trưởng lão HT. Giác Giới – Phó Thư ký HĐCM GHPGVN, Giáo phẩm Chứng minh Hệ phái, Chứng minh GĐ.I PGKS, Trụ trì Tổ đình Minh Đăng Quang (tỉnh Vĩnh Long), tiếp tục chủ trì buổi pháp thoại thứ 2, nhấn mạnh về việc “Củng cố lý tưởng Phật giáo & Dấn thân phụng sự, an trú đạo nghiệp”.
Gợi lại hình ảnh Đức Phật sau khi thành đạo dưới cội Bồ-đề, khi ác ma đến thỉnh Ngài nhập Niết-bàn và Đức Phật đã khẳng khái từ chối, nguyện chỉ nhập diệt khi “chúng đệ tử của Ta đã vững vàng”. Trưởng lão HT. Giác Giới cho biết, theo lời Đức Phật, “chúng đệ tử” không chỉ giới hạn trong hàng Tăng-già xuất gia, mà bao gồm tứ chúng: Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, cho thấy hàng cư sĩ cũng đóng một vai trò rất quan trọng trong công cuộc hộ trì và hoằng truyền Phật pháp.
Trưởng lão Hòa thượng chỉ rõ, một đệ tử được xem là vững vàng, không chỉ cần có học rộng nghe nhiều, hay phạm hạnh thanh tịnh, mà quan trọng hơn là phải đủ năng lực bảo vệ chánh pháp trước sự xuất hiện của tà pháp, tà thuyết. Khi thấy được điều đó, ác ma mới đành lui bước và phải chờ đợi thời điểm khác.
Kể lại câu chuyện Quan Công bị trúng tên mà vẫn an nhiên trò chuyện khi vị bác sĩ mổ để tên ra, Trưởng lão Hòa thượng lấy đó minh họa cho đại chúng nhận thấy về sức mạnh định lực, thứ sức mạnh mà người xuất gia cần phát triển để vượt qua mọi thử thách đối với thân và tâm.
Trưởng lão HT. Giác Giới cũng dẫn lại giai thoại khi ác ma trở lại lần nữa để thỉnh Phật nhập Niết-bàn, Đức Phật đã nhận lời, hẹn sau ba tháng. Trong thời gian ấy, Ngài khẩn trương củng cố đạo lực cho đệ tử, giúp họ vững vàng hơn trên con đường tự thân tu chứng và hoằng pháp.
Liên hệ lịch sử, Trưởng lão nhắc lại cuộc kết tập kinh điển sau khi Đức Phật nhập diệt để bảo vệ chánh pháp. Tuy nhiên, khoảng 100 năm sau, Tăng đoàn bắt đầu có sự phân hóa do bất đồng về giới luật, dẫn đến sự hình thành của Thượng tọa bộ và Đại chúng bộ, rồi phân tán thành 20 bộ phái, trong đó Thượng tọa bộ, Nhất thiết hữu bộ và Đại chúng bộ là ba phái chính.
Theo đó, Trưởng lão Hòa thượng trình bày quan điểm trung hòa của Phật giáo Việt Nam hiện nay khi Thượng tọa bộ gắn liền với các bậc Trưởng lão như HT. Minh Châu; Đại chúng bộ tương ứng với Bắc truyền; còn Hệ phái PGKS, do Tổ Minh Đăng Quang khai sáng, được xem là gắn bó với Nhất thiết hữu bộ, hài hòa giữa Bắc và Nam truyền.
Qua đây, Trưởng lão Hòa thượng khuyến tấn đại chúng cần nghiên cứu rộng cả hai truyền thống Bắc và Nam truyền. Việc chỉ nương vào Pali tạng mà buông bỏ các kinh điển Bắc truyền là thiếu trọn vẹn, không phù hợp với tinh thần kế thừa Tổ Thầy. “Củng cố không chỉ là phát triển, mà còn là chấn chỉnh, phục hồi, gìn giữ những gì đã và đang mai một. Củng cố đạo pháp là bảo trì gia nghiệp của Pháp vương, là trì giữ Như Lai Tạng, không để chân lý bị lãng quên”, Trưởng lão Hòa thượng nhấn mạnh.
Mặt khác, đối với tinh thần dấn thân và phụng sự đạo pháp, Trưởng lão HT. Giác Giới nhắc lại hình ảnh của những bậc đại đệ tử Phật, tiêu biểu như Ngài Phú Lâu Na, với lòng nhẫn nhục, vị tha và vô ngã tuyệt đối. Khi được hỏi: “Nếu ông bị mắng nhiếc, đánh đập, hay giết hại, ông sẽ làm gì?”, Ngài Phú Lâu Na đều đáp với tâm từ bi và lòng biết ơn. Ngay cả khi bị sát hại, Ngài cũng cảm tạ vì “đã giúp tôi thoát khỏi cái thân ngã nặng nề này”. Đây chính là minh chứng sống động cho tinh thần vô ngã – vị tha mà người xuất gia cần noi theo.
Bên cạnh đó, hình ảnh Đức Phật đích thân chăm sóc một vị Tỳ-kheo bệnh ghẻ lở, hay đến cả sự xả thân hành đạo của các vị Tổ sư Việt Nam như Đức Tổ sư Minh Đăng Quang, Trưởng lão Giác Chánh… Trưởng lão HT. Giác Giới nhấn mạnh: “Tu không phải để an thân, mà là để phụng sự. Tu là để dìu dắt người khác đi tới bờ giác”.
Trưởng lão Hòa thượng cho biết: “Tổ sư Minh Đăng Quang từng bị hiểu lầm, từng đối mặt với gian nan, nhưng vẫn kiên định hoằng pháp. Trưởng lão Giác Chánh – người ‘không có vốt chữ’ nhưng ‘vốt đạo’ – từng nói: ‘Tôi thấy đạo Phật không có gì hết á, đơn giản quá’. Một cái thấy giản dị nhưng thâm sâu của Trưởng lão Giác Chánh, đó là tất cả đều do tham - sân - si chi phối. Tu giới để chế phục thân khẩu, tu định để điều phục ý và tu tuệ để nhổ tận gốc phiền não”.
Trưởng lão HT. Giác Giới cũng nhấn mạnh vai trò của việc tụ tập đàm luận Pháp như một phương tiện nuôi dưỡng đạo lực. Dẫn lời kinh, Hòa thượng kể lại buổi đàm luận giữa các vị Thánh Tăng như Ngài Xá-Lợi-Phất, A-Nan, Ca Diếp, Mục-Kiền-Liên, mỗi vị đưa ra một góc nhìn về sự tu tập “làm sáng chói khu vườn vô sanh”. Cuối cùng, chính Đức Phật kết luận, một Tỳ-kheo sáng chói là người vượt thoát sanh tử, sống đời độc cư, đoạn trừ khổ lậu.
Kết thúc bài giảng, Trưởng lão HT. Giác Giới để lại lời nhắn nhủ sâu sắc đến toàn thể đại chúng: “Trang nghiêm và củng cố năng lực đạo nghiệp chính là phần đóng góp thiết thực và bền vững nhất để chánh pháp trường tồn”.
Một số hình ảnh được ghi nhận: