Đồng Nai: Thượng tọa Giác Điều giảng tại khóa tu Giới - Định - Tuệ của Giáo đoàn III PGKS

Trong ngày tu học thứ hai của khóa tu Giới - Định - Tuệ do Giáo đoàn III PGKS tổ chức tại Tịnh xá Ngọc Hưng (huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai), 29/5/2025 (3/5/Ất Tỵ), chư hành giả đã được lắng nghe những chia sẻ từ TT. Giác Điều – Tri sự Tịnh xá Ngọc Quang (Đắk Lắk), Giáo thọ khóa tu. Qua những kinh nghiệm tu học của mình, Thượng tọa đã truyền tải nhiều bài học lịch sử ấn tượng, giúp chư hành giả khai mở những nguyên lý nền tảng của đạo Phật.

Mở đầu pháp thoại, Thượng tọa kể lại câu chuyện cảm động về Ngài A Nan, vị thị giả thân cận Đức Phật trong suốt hơn hai mươi năm. Tuy ở gần Đức Phật, có trí nhớ siêu phàm và tiếp cận giáo pháp mỗi ngày, nhưng đến khi Đức Phật nhập Niết-bàn, Ngài A Nan mới nhận ra mình vẫn chưa đắc quả. Điều này khiến Ngài không đủ tư cách tham gia cuộc kết tập kinh điển lần thứ nhất, một việc tưởng chừng như đương nhiên dành cho vị thị giả lâu năm.

Chính từ sự thức tỉnh đó, Ngài A Nan đã nỗ lực tinh tấn tu hành. Ngay trong đêm, khi vừa ngả lưng xuống, Ngài liền chứng A-la-hán. Nhờ vậy, Ngài được phép tham dự cuộc kết tập kinh điển. Qua đó, Thượng tọa nhấn mạnh: “Không ai có thể tu thay ai được. Ngay như Ngài A Nan, một người có tuệ giác viên dung, cũng nhận ra rằng dù gần gũi Thế Tôn đến đâu mà chính mình không tự hành trì thì vẫn chưa đi đến đắc quả, giải thoát. Câu chuyện Ngài A Nan đắc quả ngay trong đêm trước khi cuộc kết tập diễn ra, vào khoảnh khắc vừa ngả lưng xuống mà chưa chạm gối, là minh chứng cho tinh thần không ỷ lại và tự thân nỗ lực tu tập ấy”.

Cùng vấn đề này, ở khía cạnh khác, Thượng tọa đã dẫn chứng về cuộc đối thoại giữa Ngài Thần Tú và Lục Tổ Huệ Năng, trong Pháp bảo đàn kinh, cho thấy hai quan điểm tu tập: tiệm tu và đốn ngộ. Trong đó, Ngài Thần Tú nói: “Thân như cây bồ đề, tâm như đài gương sáng, / Ngày ngày thường lau chùi, chớ để dính bụi trần”, mang tính rèn luyện từ từ, giữ gìn, gọt giũa dần dần; đối lại là bài kệ của Ngài Lục Tổ Huệ Năng rằng: “Bồ đề bổn vô thọ, minh cảnh diệc phi đài. / Bổn lai vô nhất vật, hà xứ nhá trần ai?”, phản ánh quan điểm đốn ngộ khi nói rằng tánh vốn rỗng rang, sáng suốt, không có gì để lau, không nơi nào dính bụi.

Thượng tọa chỉ rõ, câu của Ngài Thần Tú thể hiện tiệm tu, tức tu tập dần dần, trong khi câu của Lục Tổ Huệ Năng thể hiện sự đốn ngộ, tức giác ngộ đột ngột. Tuy nhiên, dù đốn ngộ, vẫn cần phải tiệm tu, bởi sự thấy đạo chỉ là khởi điểm, còn việc thành tựu cần cả quá trình công phu tu tập giới - định - tuệ để đạo lực vững bền, như “ngộ rồi thì phải tu tiếp, không phải ngộ rồi là xong”.

Dẫn lời kinh Trung Bộ: “Pháp còn phải bỏ, huống là phi pháp”, Thượng tọa khuyên đại chúng nên học cách tinh tấn tu tập và buông bỏ, tập bỏ cái phi pháp, và khi hoàn thành, mới lìa bỏ cả Pháp. Theo Thượng tọa, pháp học đúng đắn nên đặt trọng tâm vào Bát Chánh Đạo, con đường mà Đức Phật khẳng định là tiêu chuẩn duy nhất để trở thành một Sa-môn chân chính.

Chia sẻ về kinh nghiệm tu tập hơn 10 năm tại Ấn Độ của mình, TT. Giác Điều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nghiên cứu Phật học chính thống, không dựa vào những thuyết sai lệch: “Dù đã được học nhiều nơi ở Ấn Độ trong suốt mười mấy năm qua, nhưng điều tôi thấy chắc nhất vẫn là đọc lại các bài Chơn lý của Đức Tổ sư”.

Đặc biệt, Thượng tọa khẳng định, tu tập Bát Chánh Đạo (Ariyo aṭṭhaṅgiko maggo) chính là con đường dẫn đến giải thoát. Thượng tọa giảng giải, Bát Chánh Đạo – tám con đường dẫn đến thánh quả, còn gọi là “Tám cách hành đạo theo lẽ chánh”. Cụ thể, Ariyo nghĩa là cao thượng, thánh; Aṭṭhagiko là tám chi/góc; Maggo là đạo/con đường. Đức Phật khẳng định: “Chỗ nào có Bát Chánh Đạo, chỗ đó có Sa-môn đích thực” và chỗ nào có Sa-môn đích thực, bốn đôi tám vị thánh quả chắc chắn sẽ thành tựu.

Thượng tọa cũng giảng rõ: “Bát Chánh Đạo tóm gọn lại chính là Giới - Định - Tuệ. Trong đó, Giới là Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng; Định là Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, Chánh Định và Tuệ là Chánh Kiến, Chánh Tư Duy. Từ Chánh Kiến (thấy đúng như thật về Tứ Diệu Đế và các pháp), đến Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm và Chánh Định, đây chính là trung đạo, là con đường của chư Phật ba đời, là ngọn đèn soi sáng đời sống tu học của mỗi hành giả”.

Như trong Chơn lý “Bát Chánh Đạo”, Đức Tổ sư dạy, Bát Chánh Đạo được định nghĩa là tám con đường hành đạo chân chánh của bậc Thánh, còn gọi là Bát Thánh Đạo. Đây là con đường tự độ và độ tha, đưa chúng sanh đến bờ giải thoát Niết-bàn. Bát Chánh Đạo là chánh pháp, là trung đạo, bao hàm cả học lẫn hành. Đó là tám cửa ngõ, tám lối vui, tám pháp giải thoát, tám tia sáng, là con đường tiến hóa của chúng sanh, là chân lý vận hành của vũ trụ.

Trong muôn loại ánh sáng như mặt trời, mặt trăng, đốm lửa hay ngọn đèn, ánh sáng của trí tuệ là tối thượng. Chánh Kiến chính là tia sáng trí tuệ ấy. Bát Chánh Đạo thiết yếu như người mẹ, như hơi thở, như mặt đất và như căn nhà. Nó là tâm hồn của chúng sanh, là cội nguồn của giáo lý và văn minh nhân loại. Bát Chánh Đạo không thuộc riêng về một tôn giáo nào, mà là nấc thang chung của toàn thể chúng sanh tiến đến giải thoát.

Theo đó, Tám con đường chánh được định nghĩa như sau:

“Có thể hiểu đây là thấy con đường chánh, suy ngẫm con đường chánh, nói lời đúng, làm việc đúng, sống đúng, siêng năng đúng, nhớ đúng và an trú đúng. Trong đó, Chánh Kiến có đến 16 phần. Ví dụ, thấy rõ Tứ Diệu Đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo) là Chánh Kiến. Thấy rõ nguyên nhân và con đường đoạn diệt bốn loại thức ăn (đoàn thực, xúc thực, tư niệm thực, thức thực) vốn là động lực khiến chúng sanh luân hồi, cũng là Chánh Kiến. Đây là cái thấy đúng trước khi thấy, trong khi thấy và sau khi thấy, bằng mắt trí tuệ, sự nhận xét, lắng nghe, hiểu biết và nhận ra chân lý”, Thượng tọa nhấn mạnh.

Theo TT. Giác Điều, các chi phần còn lại cũng cần được thực hành với sự rõ biết, áp dụng trước, trong và sau khi hành động, như:

Dựa trên Chơn lý của Tổ sư, Thượng tọa chỉ rõ, nhân duyên của Bát Chánh Đạo là do nó sẵn có trong đời sống, chư Phật chỉ là người chỉ ra con đường ấy. Như sự hình thành quả địa cầu từ không gian, khí, nước, đất, lửa… đều biểu hiện tính sẵn có của vũ trụ. Về lý sanh tử, cái sống là sự hiện hữu, cái chết là sự ẩn tàng, luân chuyển không ngừng. Cái “không” chính là sự sống nguyên thủy, nảy nở thành khí, nước, đất, cây cỏ, cầm thú, loài người, chư thiên và đến bậc Phật. Đến Phật là hoàn mãn, trở lại “không”, tức là thể không hình, là sự giải thoát rốt ráo. Rồi từ cái “không” ấy lại sống lại, sanh sôi, rồi lại chết. Sống chết nối tiếp nhau, không đầu không cuối. Đây chính là vòng luân hồi vô thủy vô chung được nói đến trong thuyết 12 nhân duyên.

Sự diệt độ hay thành Phật ở đây không phải là một thân xác có hình tướng, mà là sự dứt sạch mọi sở chấp hữu vi. Ai đạt được điều này thì thành tựu quả vị Phật. Bậc Phật sau khi xả bỏ thân xác vẫn còn tâm linh, vẫn vận hành. Khi có (sống) thì hoạt động rõ rệt, khi không (chết) thì hoạt động âm thầm. Chúng sanh và vạn vật vẫn tồn tại, không thực sự chết, chỉ đổi hình đổi dạng, đổi phương vị. Sự lầm lẫn giữa có và không, sống và chết là do cái thấy sai lệch của chúng sanh. Chết trong cái này là sống trong cái kia. Vẫn có, vẫn sống, vẫn sinh nở, tiêu hủy, rồi thay lớp cũ bằng lớp mới, luân chuyển không dừng nghỉ, không đầu không đuôi.

Thượng tọa khẳng định: “Đó chính là bánh xe chân lý luân hồi của vạn hữu, nơi mà chúng sanh cứ chấp trước vào cái “ta” không định. Vì lầm chấp có – không, sống – chết, nên chúng ta không thể an nghỉ, không có được sự yên vui. Giống như cây từ đất nước mà mọc lên, rồi già chết, mục nát, mất hình, nhưng lại mọc lại thành cây khác. Sức sống của vũ trụ là bất biến, nhưng cái “ta” của từng thân cây đã mất. Con người cũng vậy – già chết, xác thân tiêu rã, hình thể tan biến – rồi thân khác lại hiện hình. Cái “ta” cũ không còn. Đó là chân lý của vạn hữu. Điều cần làm là giữ gìn mình sao cho cái “ta” (chân ngã) được bền vững, an lạc. Đó chính là giải thoát, là đạo. Con đường ấy sẵn có giữa trần gian, chỉ cần nhìn kỹ, quan tâm, sẽ nhận ra rõ ràng”.

Thượng tọa cũng chỉ ra sự liên hệ giữa Tám con đường chánh với các yếu tố hoặc trạng thái trong vũ trụ:

Qua đó, một lần nữa Thượng tọa khẳng định, Bát Chánh Đạo chính là con đường toàn diện từ đầu đến cuối mà chư Phật đã đi qua, đã thực hành và truyền dạy cho chúng sanh. Do đó, Thượng tọa khuyên nhắc hội chúng nên chú tâm, tinh tấn ôn học cho nhuần nhuyễn, cho sâu sắc về Bát Chánh Đạo, làm hành trang cho đạo lộ giác ngộ giải thoát của mình, cũng là làm lợi lạc cho vạn loài.

 

Một số hình ảnh được ghi nhận: