Giới bổn Ni

GIỚI BỔN NI

TỨ PHẦN LUẬT TỲ KHEO NI 348 GIỚI

Tỳ-kheo-ni, nữ Khất sĩ, trong ngày Rằm và 30 của mỗi tháng phải tựu họp lại đọc luật, không được vắng mặt. Mỗi lần đọc phải từ 4 vị sắp lên (một Tăng là 4 vị, một Giáo hội là 20 vị).

Sa-di, Tập sự phải đi ra.

Ai vắng mặt phải có người thay lời.

Chư Tỳ-kheo-ni phải tựu đủ.

Vị Thượng tọa nói:

Ngay hồi sanh tiền, đức Phật có dạy chư Tăng, Ni phải họp mặt nhau một tháng hai kỳ, để khuyên răn sám hối với nhau mà giữ gìn đạo hạnh. Chúng ta cúi đầu tôn trọng Phật, Pháp, Tăng. Nay chúng ta hội lại theo lệ cũ mà chúng ta khéo giữ gìn, để bảo tồn Chánh pháp luôn luôn.

Giới luật thật là mênh mông, mênh mông như biển cả, thật là quý giá, quý giá hơn vàng bạc, mà người ta hằng tầm tòi, chẳng biết mệt nhọc. Ấy vì muốn bảo tồn cái kho quý của giới luật Phật, nên chúng ta họp nhau tại đây. Vậy các Sư Ni hãy nghe đây, để khỏi phạm giới to hoặc nhỏ. Và các ngài, chư Phật: Tỳ-bà-thi, Thích-khí, Tỳ-xá, Ca-la-tôn-đại, Câu-na-hàm-mưu-ni, Ca-diếp, Thích-ca Mưu-ni, các Ngài đại từ đại bi và đáng cho chúng sanh sùng bái, xin các Ngài giúp cho tôi nói, tôi muốn nói những điều tôi phải nói. Và các Sư Ni hãy nghe những lời của người quá khứ ở nơi tôi: Thiếu chân không đi được, cũng như thế, thiếu luật không lên cõi thượng thiên được. Ai muốn sanh lên cõi trên, ngay kiếp này phải giữ giới luật cho kỹ, vì nó là chân của mình đưa mình đi.

Tên đánh xe, khi qua truông, thấy mất cái chốt ở bánh xe hay thấy cốt xe gãy thì nó rầu. Kẻ phạm giới luật cũng thế, đến giờ chết thì rầu lắm. Soi gương vui hay buồn là tùy mặt mình tốt hay xấu; đọc giới luật cũng như thế, người nghe vui hay buồn là do nơi mình có giữ giới hay phạm giới. Hai bên nghịch giao chiến, bên nhát thối lui; cũng như thế, ai trong sạch thì vững bụng, ai lầm lỗi phải sợ lo. Ông Vua hơn mọi người, biển cả hơn các thứ ngòi rạch, mặt trăng hơn các ngôi sao, Phật hơn các Thánh Hiền, cũng như thế, giới luật đọc hôm nay hơn các giới luật khác.

Vậy nên đức Phật của chúng ta có lập cái lệ này mà không ai được bỏ qua: Mỗi kỳ nửa tháng phải đọc Giới bổn một lần. Vậy thì bạch các Sư Ni, tôi xin đọc Giới bổn, hãy nghe cho kỹ, hãy xét cho kỹ. Ai thấy mình phạm hãy khai ra, còn ai biết rằng mình vô tội cứ lặng thinh. Các Sư Ni mà nín, tôi sẽ kết nhận rằng ai nấy đều trong sạch, dầu tôi có hỏi chung cũng cầm bằng hỏi riêng từng người. Ai có tội, khi nghe hỏi qua 3 lần mà không trả lời, người ấy sẽ phạm giới vọng ngữ. Phật có dạy rằng: Ai vọng ngữ mà chẳng khai ra, không thể nào tấn tới về đạo đức. Chúng ta nên tránh chỗ đại hại đó. Ai có phạm điều gì, và có muốn thanh tịnh lại, cứ khai ra rồi sẽ được an tâm và vui vẻ.

Vậy tôi xin đọc đoạn vô đầu…

TỨ Y PHÁP

1- Nhà Sư khất thực: Phải lượm những vải bỏ mà đâu lại thành áo, nhưng có ai cúng vải, đồ cũ thì được nhận.

2- Nhà Sư khất thực: Chỉ ăn đồ xin mà thôi, nhưng ngày hội, thuyết pháp, đọc Giới bổn, được ăn tại chùa.

3- Nhà Sư khất thực: Phải nghỉ dưới cội cây, nhưng có ai cúng lều, am nhỏ bằng lá, một cửa thì được ở.

4- Nhà Sư khất thực: Chỉ dùng phân uế của bò mà làm thuốc trong khi đau, nhưng có ai cúng thuốc, dầu, đường thì được dùng.

BÁT KÍNH PHÁP

1. Ni cô bao giờ cũng phải lễ bái chư Tăng (dầu cho lớn tuổi thế mấy cũng vậy).

2. Ni cô không được phép trách mắng, rầy rà, nói hành chư Tăng.

3. Ni cô không được phép xen vào việc ưng oan của chư Tăng.

4. Ni cô Tập sự hai năm, nếu muốn vào hàng xuất gia thiệt thọ phải có Giáo hội chư Tăng chứng nhận.

5. Ni cô nếu phạm giới phải sám hối giữa hai Giáo hội nữ và nam.

6. Ni cô phải nhờ Giáo hội chư Tăng chứng minh đọc Giới bổn mỗi kỳ nửa tháng.

7. Ni cô không được tựu hội nghỉ mùa mưa ở một xứ không có chư Tăng.

8. Ni cô phải nhờ chư Tăng sắp đặt chỗ nơi hành đạo khi dứt mùa mưa.

TỲ KHEO NI 348 GIỚI

A- 8 ĐẠI GIỚI (trục xuất)

1. Cấm dâm dục.

2. Cấm trộm cắp.

3. Cấm sát sanh.

4. Cấm nói láo.

5. Cấm rờ, đẩy, kéo một người đàn ông.

6. Cấm đến gần, hoặc hẹn hò với một người đàn ông.

7. Cấm giấu tội nặng của một Ni cô khác.

8. Cấm a tùng theo một Ni cô khác phạm Đại giới.

Bạch các Sư Ni, tôi vừa đọc xong 8 Đại giới, vậy chẳng hay trong các Sư Ni có ai phạm chăng? (Hỏi 3 lần)

B- 17 GIỚI TỔN HẠI TĂNG TÀN

(Giáng cấp)

1. Cấm làm mai cưới gả, sự hẹn hò.

2. Cấm cáo gian cô khác một tội gì mà không có.

3. Cấm nghi quấy cô khác một tội gì mà không có.

4. Cấm kiện thưa đến quan chức.

5. Cấm cho nhập đạo một người phạm tội đáng chết.

6. Cấm bênh vực một cô phạm Đại giới.

7. Cấm đi xa một mình.

8. Cấm vì ý riêng lãnh của đàn ông những thức cần dùng.

9. Cấm vì ý riêng mượn kẻ khác lãnh thế của đàn ông những thức cần dùng.

10. Cấm dùng cách này, thế kia mà phá sự hòa hiệp ở Giáo hội.

11. Cấm bênh vực kẻ phá sự hòa hiệp ở Giáo hội.

12. Cấm không nghiêm, làm quấy ác cho kẻ khác bắt chước.

13. Cấm cưỡng lý, khi làm quấy mà chẳng chịu nghe lời khuyên bảo.

14. Cấm giấu lỗi một cô khác vì tình thân.

15. Cấm đốc xúi những cô khác, bảo đừng nghe Giáo hội.

16. Cấm đốc xúi những cô khác hườn giới.

17. Cấm gây gổ và phiền trách Giáo hội.

Bạch các Sư Ni, tôi vừa đọc xong 17 Giới tổn hại, vậy chẳng hay trong các Sư Ni có ai phạm chăng? (Hỏi 3 lần)

C- 30 GIỚI PHÁ SỰ THANH BẦN

(Cấm phòng 6 bữa)

1. Cấm cất dư chăn áo quá mười ngày.

2. Cấm bỏ rơi chăn áo trong một đêm.

3. Cấm để dành vải quá một tháng.

4. Cấm hỏi xin áo nơi người thí chủ (trừ khi thắt ngặt).

5. Cấm nhận nhiều chăn áo quá bộ (trừ khi thắt ngặt).

6. Cấm tự ý muốn kiểu cắt may khi có một thí chủ định sắm cho.

7. Cấm tự ý muốn kiểu cắt may khi có nhiều thí chủ định sắm cho.

8. Cấm nhận tiền để may áo và hối thúc Giáo hội may liền.

9. Cấm nhận tiền, bạc, vàng hoặc bảo kẻ khác nhận thế.

10. Cấm buôn bán đồ quý báu.

11. Cấm buôn bán bất luận vật gì.

12. Cấm kiếm bát mới tốt, nếu cái cũ còn xài được.

13. Cấm đem chỉ cho thợ dệt xa lạ dệt áo cho mình.

14. Cấm ra kiểu ni cho thợ dệt khi thí chủ dệt áo cho mình.

15. Cấm giận hờn mà đòi áo lại, khi đã đổi cho người rồi.

16. Cấm để dành thuốc, dầu, đường quá bảy ngày (trừ khi đau có người cúng).

17. Cấm lãnh áo trước kỳ, khi đến lệ còn hỏi nữa.

18. Cấm lấy lén một món gì của Giáo hội.

19. Cấm mua sắm đồ cho một người đàn ông.

20. Cấm dùng làm của riêng mình, món đồ mà người ta cúng cho Giáo hội.

21. Cấm dùng làm của riêng mình, món đồ mà một cô khác trao ra để giao cho Giáo hội.

22. Cấm dùng đồ của thí chủ cho về việc khác (dùng sái luật đạo không theo ý thí chủ).

23. Cấm nhơn danh Giáo hội mà sắm đồ riêng cho mình.

24. Cấm có đến hai cái bát để thay đổi.

25. Cấm chứa nhiều đồ tốt đẹp, xuê lịch.

26. Cấm hứa cho một cô khác vải bó rịt trong cơn đau mà không cho.

27. Cấm đổi lấy áo của thí chủ cho, chớ không lấy áo của Giáo hội phát (vì áo cho đó tốt hơn).

28. Cấm bất bình mà đòi áo lại khi đã cho người rồi.

29. Cấm dùng may áo mùa Đông đến bốn xấp vải.

30. Cấm dùng may áo mùa Hè trên hai xấp rưỡi vải.

Bạch các Sư Ni, tôi vừa đọc xong 30 Giới phá sự thanh bần, vậy chẳng hay trong các Sư Ni có ai phạm chăng? (Hỏi 3 lần)

D- 178 GIỚI HÀNH PHẠT (quỳ hương)

1. Cấm cho rằng phải một việc sái.

2. Cấm chê đè làm cho người rủn chí.

3. Cấm nói hai lưỡi đâm thọc làm cho người giận nhau.

4. Cấm ở chung phòng với đàn ông trong một đêm.

5. Cấm ở chung cùng người chưa thọ Giới xuất gia.

6. Cấm tụng kinh chung cùng người chưa thọ Giới xuất gia.

7. Cấm học tội của một Ni cô cùng người chưa thọ Giới xuất gia.

8. Cấm khoe mình đắc đạo có phép thần thông cùng người chưa thọ Đại giới.

9. Cấm thuyết pháp với đàn ông năm, sáu câu mà không có đàn bà trí thức chứng dự.

10. Cấm đào đất giết thác côn trùng.

11. Cấm đốn cây phá chỗ thần ở.

12. Cấm cãi nhiều lời làm cho người phiền nghịch.

13. Cấm dùng lời chê ngạo và thề thốt.

14. Cấm dùng đồ của chùa mà bỏ hư bể.

15. Cấm dùng đồ của chùa mà không dẹp cất.

16. Cấm giành chỗ nằm của người khác, khi đi lữ hành.

17. Cấm đuổi hay sai đuổi khỏi phòng một Ni cô không hạp ý mình.

18. Cấm giăng mùng lót ván để cây rớt trúng người.

19. Cấm lấy nước dùng mà biết có côn trùng.

20. Cấm lợp tịnh thất dùng đồ nhiều quá (chất nặng sập).

21. Cấm ăn nhiều bữa cơm trong một ngày (trừ khi đau).

22. Cấm vắng mặt một bữa cơm kỳ hội (trừ cơn đau, đi xa, trai Tăng, tởi áo).

23.Cấm lãnh đồ ăn nhiều mà không chia sớt cho vị khác.

24. Cấm ăn sái giờ (từ quá ngọ đến ngọ mai).

25. Cấm để dành đồ ăn đặng khỏi đi xin.

26. Cấm dùng và để vào miệng món chẳng phải của cúng dường.

27. Cấm cố ý làm cho mấy vị khác trễ quá giờ ăn.

28. Cấm ăn rồi mà ngồi nán lâu nơi nhà có đàn ông.

29. Cấm lãnh đồ ăn rồi mà còn ngồi lại chỗ kín, nơi nhà có đàn ông.

30. Cấm ngồi gần đàn ông chỗ chán chường.

31. Cấm oán ghét kiếm cớ làm cho vị khác bơ vơ nhịn đói.

32. Cấm lãnh để dành nhiều thuốc.

33. Cấm xem diễn binh tập lính.

34. Cấm ở chung với quân binh hai ngày (trừ khi có lý cớ gì).

35. Cấm ưa thích sự tập tành ngựa voi, quân binh, đấu võ.

36. Cấm uống rượu men, các thứ rượu, á phiện, thuốc hút, trầu cau.

37. Cấm tắm rửa một cách quá tự do và giỡn cợt.

38. Cấm lấy tay chân đánh đá người.

39. Cấm bất tuân và khinh dể lời quở trách, can ngăn.

40. Cấm dọa nạt làm cho người kinh sợ.

41. Cấm tắm tới hai lần trong nửa tháng (trừ khi đau, dơ, nực).

42. Cấm vô cớ chụm lửa chỗ trống (trừ khi đau, lạnh, đêm tối).

43. Cấm giễu cợt mà giấu hoặc xúi giấu đồ của người.

44. Cấm lấy lén lại đồ đã cho người rồi.

45. Cấm mặc dùng áo chăn đồ vải trắng (chẳng nhuộm xấu).

46. Cấm uống nước có côn trùng.

47. Cấm cố ý giết thác mạng thú vật.

48. Cấm cố ý làm cho người buồn mà không khuyên giải.

49. Cấm giấu tội của một Ni cô khác.

50. Cấm khêu gợi sự rầy rà, sau khi đã êm thuận.

51. Cấm đi chung với gian nhơn (đầu làng này tới làng kia).

52. Cấm nói dâm dục không ngăn trở sự thành đạo đắc quả.

53. Cấm giao thiệp, đưa đồ, nói chuyện với kẻ nói sái quấy ấy.

54. Cấm giữ tại chùa và để hầu mình kẻ nói sái quấy ấy.

55. Cấm chối tội hay nói rằng chưa hay kẻ ấy sái quấy.

56. Cấm nói phá rằng đọc Giới bổn là phiền hà vô ích.

57. Cấm chối tội nói rằng tại mình không thuộc Giới bổn.

58. Cấm nói Giáo hội nghị xử chẳng công bình.

59. Cấm phá khuấy làm gián đoạn buổi hội nghị (đi vắng, đi ra ngoài).

60. Cấm cản không cho thi hành những điều Giáo hội đã quyết nghị.

61. Cấm học đi học lại chuyện cãi lẫy sau khi đã êm thuận.

62. Cấm giận đánh một Ni cô khác.

63. Cấm giận xô đẩy, vặn tay một cô khác.

64. Cấm giận cáo gian một cô khác phạm Giới tổn hại.

65. Cấm vào cung vua thình lình không chờ đợi nghinh tiếp.

66. Cấm lượm, sai lượm của quấy, vật bỏ rơi (trừ khi biết chủ mà giữ giùm).

67. Cấm vào làng sái giờ (trừ ra có việc của Giáo hội).

68. Cấm ngồi ghế cao, nằm giường rộng.

69. Cấm dồn ghế, nệm, gối bằng gòn tốt.

70. Cấm ăn tỏi, hành, hẹ, nén, kiệu.

71. Cấm bất tuân chẳng cạo chân mày.

72. Cấm cười bậy.

73. Cấm nói chuyện thế tục.

74. Cấm hai cô dùng tay bỡn cợt (trửng giỡn).

75. Cấm một Ni, một Sư uống nước chung và quạt cho nhau.

76. Cấm xin cơm mà để dành lại.

77. Cấm đại, tiểu làm dơ cây cối.

78. Cấm quăng ra ngoài rào đồ đại, tiểu khi đêm.

79. Cấm đi xem hát.

80. Cấm nói chuyện với đàn ông chỗ vắng vẻ.

81. Cấm nói chuyện với đàn ông chỗ chán chường.

82. Cấm nói bảo cô khác đi xa đặng nói chuyện với đàn ông.

83. Cấm ở nhà cư gia mà ra đi thình lình, không cho chủ nhà hay.

84. Cấm vào nhà cư gia mà chủ nhà chẳng hay biết rồi tự tiện ở đêm nơi đó.

85. Cấm vào nhà cư gia mà chủ nhà không hay biết rồi ngồi nằm nơi đó.

86. Cấm vô nhà người, vào phòng kín với đàn ông.

87. Cấm đọc bậy với kẻ khác, lời của bà Thầy dạy học.

88. Cấm thề oán tức tối.

89. Cấm tranh hơn thua, đấm ngực, kêu la.

90. Cấm hai cô nằm chung (trừ khi đau).

91. Cấm hai cô ngủ chung (trừ khi cần kíp).

92. Cấm làm phiền hoặc làm trễ mấy cô khác trong cuộc tụng kinh, hộ niệm, làm lễ, giảng đạo.

93. Cấm chẳng săn sóc người ở gần mình trong cơn đau.

94. Cấm trong mùa mưa đuổi một cô đi chỗ khác, sau khi mình đã tìm xong chỗ ngụ.

95. Cấm đi xa lúc mùa mưa (vì làm dơ đồ và giết sâu bọ).

96. Cấm đã hết mùa mưa mà chẳng đi.

97. Cấm đi quanh trong vùng nguy hiểm.

98. Cấm đi quanh trong xứ lộn xộn.

99.  Cấm thân cận và ở chung nhà với đàn ông.

100. Cấm đi xem đền đài cung điện của Vua.

101. Cấm tắm dưới nước mà chẳng có choàng tắm.

102. Cấm dùng choàng tắm rộng quá thước tấc.

103. Cấm may một cái áo để quá năm ngày.

104. Cấm may áo rồi mà chẳng mặc liền.

105. Cấm nhơn danh Giáo hội phát áo và vải rồi để dành một ít cho mình.

106. Cấm mặc đồ của một cô khác mà không hỏi trước.

107. Cấm lấy áo của một cô khác mà cho người.

108. Cấm có ý cản trở sự phát áo của Giáo hội.

109. Cấm dùng lời nói cản trở sự phát áo của Giáo hội.

110. Cấm làm cách thế cản trở sự phát áo của Giáo hội.

111. Cấm đã có người giải hòa mà không chịu hòa.

112. Cấm trao tay thí đồ ăn cho kẻ ngoại đạo.

113. Cấm ra tay làm việc nhà cho người cư gia.

114. Cấm tự tay mình kéo chỉ quay tơ.

115. Cấm nằm, ngồi trên giường ván của cư gia.

116. Cấm nghỉ đêm nơi nhà cư gia mà sáng sớm đi không cho chủ nhà hay.

117. Cấm đọc chú như mấy kẻ pháp phù.

118. Cấm dạy người ta đọc chú.

119. Cấm cho nhập đạo một cô có thai.

120. Cấm cho nhập đạo một cô còn có con nhỏ.

121. Cấm cho nhập hàng Ni cô một người chưa đúng 20 tuổi trọn.

122. Cấm cho nhập hàng Ni cô một người chưa Tập sự hai năm.

123. Cấm cho nhập hàng Ni cô một người phạm Đại giới (mặc dầu đúng tuổi và đã Tập sự).

124. Cấm không cho nhập hàng Ni cô một người đã đủ điều kiện.

125. Cấm cho nhập đạo sớm lắm và chẳng Tập sự.

126. Cấm cho nhập đạo mà chẳng có Giáo hội chư Tăng thị nhận.

127. Cấm giấu những sự sơ thất ấy.

128. Cấm đã thâu nhận học trò mà không lo dạy dỗ trong hai năm Tập sự.

129. Cấm mới nhập đạo chưa được hai năm mà thâu nhận học trò.

130. Cấm một cô thiếu sức mà truyền Giới Cụ túc cho người.

131. Cấm một cô thiếu tuổi mà truyền Giới Cụ túc cho người.

132. Cấm một cô thiếu phép mà truyền Giới Cụ túc cho người.

133. Cấm phiền trách khi Giáo hội chẳng cho phép truyền giới.

134. Cấm nhận một kẻ tập tu vào hàng Ni cô thiệt thọ, nếu người nhà kẻ ấy chẳng thuận.

135. Cấm làm cho một thiếu phụ buồn chán, sợ sệt, đặng bỏ gia đình nhập đạo.

136. Cấm hứa nếu ai dễ dạy thì cho nhập đạo, kế không giữ lời.

137. Cấm hứa nếu ai cúng áo thì cho nhập đạo, kế không giữ lời.

138. Cấm mới nhập đạo chưa được một năm mà thâu nhận người khác cho thọ Giới Cụ túc.

139. Cấm sau khi thâu nhận một Ni cô mà để qua đêm mới đi trình diện với Giáo hội chư Tăng.

140. Cấm vắng mặt ngày đọc Giới luật (trừ khi đau).

141. Cấm quên hỏi Giáo hội cầu Thầy thuyết pháp và đọc Giới bổn.

142. Cấm đến cuối mùa mưa quên đọc lại với Giáo hội chư Tăng những điều nghe thấy.

143. Cấm họp nhau trong mùa mưa ở một xứ không có chư Tăng.

144. Cấm vào tịnh xá chư Tăng mà không xin phép.

145. Cấm nhiếc mắng mấy Ni cô khác.

146. Cấm dùng lời thô bỉ khêu nên sự rầy rà ở Giáo hội.

147. Cấm khi bịnh, không có Giáo hội cho phép, mà để người khác cắt hoặc bó cho mình.

148. Cấm ăn no rồi mà còn ăn lại nữa.

149. Cấm ganh ghét các Ni cô khác.

150. Cấm dồi mài trang điểm thân mình.

151. Cấm dồi phấn xức dầu.

152. Cấm xúi một Ni cô dồi phấn xức dầu.

153. Cấm xúi một kẻ tập tu dồi phấn xức dầu.

154. Cấm xúi học trò dồi phấn xức dầu.

155. Cấm xúi người tại gia dồi phấn xức dầu.

156. Cấm bận áo mỏng thấy mình.

157. Cấm lấy y phục của người tại gia mặc vào.

158. Cấm mang giày, cầm dù đi ra đường.

159. Cấm đi kiệu (trừ khi đau).

160. Cấm vào làng mà chẳng mặc áo Ni cô.

161. Cấm khi đêm vào nhà cư sĩ (nếu không mời thỉnh).

162. Cấm vào buổi chiều, mở cổng chùa ra đi, không cho mấy cô khác hay.

163. Cấm sau khi mặt trời lặn, mở cổng chùa ra đi, không cho mấy cô khác hay.

164. Cấm vắng mặt ngày hội trong mùa mưa.

165. Cấm cho nhập đạo một cô bịnh khó.

166. Cấm cho nhập đạo một cô bán nam bán nữ.

167. Cấm cho nhập đạo một cô có bịnh khác thường.

168. Cấm cho nhập đạo một cô mắc nợ hoặc tàn tật.

169. Cấm học cách bói đoán vận mạng, sanh nhai theo người thế tục.

170. Cấm dạy người cách bói đoán vận mạng.

171. Cấm đã có ai bảo đi mà chẳng đi.

172. Cấm chẳng xin phép mà thình lình hỏi lý một vị Sư.

173. Cấm ngồi nằm chỗ đường đi làm khó và phiền kẻ khác.

174. Cấm cất tháp, xây mồ một Ni khác trong vòng chùa chư Tăng.

175. Cấm một Ni cô già gặp một vị Sư trẻ mà chẳng làm lễ theo luật.

176. Cấm vừa đi vừa uốn éo thân mình.

177. Cấm mặc đồ và trang điểm như mấy cô ở thế.

178. Cấm xúi một cô gái ngoại đạo dồi phấn xức dầu.

Bạch các Sư Ni, tôi vừa đọc xong 178 Giới linh tinh, vậy chẳng hay trong các Sư Ni có ai phạm chăng? (Hỏi 3 lần)

E- 8 GIỚI ĐẶC BIỆT (xưng tội xả đọa)

1. Cấm nếu không đau, không được xin sữa (đậu).

2. Cấm nếu không đau, không được xin dầu.

3. Cấm nếu không đau, không được xin mật (hoa).

4. Cấm nếu không đau, không được xin đường.

5. Cấm nếu không đau, không được xin bột.

6. Cấm nếu không đau, không được xin cháo.

7. Cấm nếu không đau, không được xin đồ ngon.

8. Cấm nếu không đau, không được xin đồ quý.

Bạch các Sư Ni, tôi vừa đọc xong 8 Giới đặc biệt, vậy chẳng hay trong các Sư Ni có ai phạm chăng? (Hỏi 3 lần)

F- 100 GIỚI NHỎ PHẢI HỌC (sám hối)

1. Chẳng nên vận chăn có lằn xếp.

2. Chẳng nên mặc áo không thứ lớp.

3. Chẳng nên đi vào nhà cư sĩ mà xăn áo lên.

4. Chẳng nên ngồi trong nhà cư sĩ mà xăn áo lên.

5. Chẳng nên đi vào nhà cư sĩ mà lật áo lên tới vai.

6. Chẳng nên ngồi trong nhà cư sĩ mà lật áo tới vai.

7. Chẳng nên đi vào nhà cư sĩ mà đội khăn, đội mũ.

8. Chẳng nên ngồi trong nhà cư sĩ mà đội khăn, đội mũ.

9. Chẳng nên đi vào nhà cư sĩ mà vừa đi, vừa chạy.

10. Chẳng nên ngồi trong nhà cư sĩ sau khi vừa đi, vừa chạy.

11. Chẳng nên đi vào nhà cư sĩ mà chắp tay sau lưng hoặc chống nạnh.

12. Chẳng nên ngồi trong nhà cư sĩ mà chắp tay sau lưng hoặc chống nạnh.

13. Chẳng nên đi vào nhà cư sĩ mà lay chuyển thân mình.

14. Chẳng nên ngồi trong nhà cư sĩ mà lay chuyển thân mình.

15. Chẳng nên đi vào nhà cư sĩ mà múa tay.

16. Chẳng nên ngồi trong nhà cư sĩ mà múa tay.

17. Chẳng nên đi vào nhà cư sĩ mà không mặc áo che mình.

18. Chẳng nên ngồi trong nhà cư sĩ mà không mặc áo che mình.

19. Chẳng nên đi vào nhà cư sĩ mà trông bên nây, bên kia.

20. Chẳng nên ngồi trong nhà cư sĩ mà trông bên nây, bên kia.

21. Chẳng nên xao động khi đi vào nhà cư sĩ.

22. Chẳng nên xao động khi ngồi trong nhà cư sĩ.

23. Chẳng nên cười cợt khi đi vào nhà cư sĩ.

24. Chẳng nên cười cợt khi ngồi trong nhà cư sĩ.

25. Chẳng nên ngồi chồm hổm trong nhà cư sĩ.

26. Chẳng nên nhìn liếc khi lãnh cơm.

27. Chẳng nên đưa bát nghiêng, để cơm phải đổ.

28. Chẳng nên đưa bát nghiêng, để canh phải đổ.

29. Chẳng nên phân biệt thức ăn.

30. Chẳng nên kén chọn món ăn.

31. Chẳng nên lựa bên này, bên kia hay giữa bát.

32. Chẳng nên hỏi canh ngon hoặc món lạ (trừ cơn đau).

33. Chẳng nên xới cơm lên che khuất đồ ăn (đặng lãnh thêm nữa).

34. Chẳng nên thấy vị khác lãnh đồ ăn mà sanh lòng ưa thích (thèm).

35. Chẳng nên thiếu sự trang nghiêm trong khi ăn.

36. Chẳng nên ăn lớn miếng.

37. Chẳng nên hả lớn miệng đút đồ ăn.

38. Chẳng nên nói chuyện khi ngậm một miệng đồ ăn.

39. Chẳng nên lấy cơm vò viên thảy vào miệng.

40. Chẳng nên ăn cho trám vàm đến đỗi rớt ra.

41. Chẳng nên đưa đồ ăn má bên nây qua má bên kia.

42. Chẳng nên nhai lớn tiếng.

43. Chẳng nên nút mạnh trong khi ăn.

44. Chẳng nên lấy lưỡi liếm.

45. Chẳng nên quơ tay khi ăn.

46. Chẳng nên lấy tay lượm cơm rớt bỏ vào miệng.

47. Chẳng nên cầm tới bình uống nước khi chưa rửa tay.

48. Chẳng nên tạt nước rửa bát ra sân thí chủ.

49. Chẳng nên đại, tiểu, khạc nhổ, hỷ mũi trên rau cỏ (trừ khi bịnh).

50. Chẳng nên đại, tiểu, khạc nhổ, hỷ mũi trên nước sạch (trừ khi bịnh).

51. Chẳng nên đứng mà đại, tiểu (trừ khi bịnh).

52. Chẳng nên ở và ngủ trong tháp thờ Phật (trừ khi canh giữ).

53. Chẳng nên cất đồ quý tại tháp thờ Phật (trừ khi bị cướp).

54. Chẳng nên mang dép vào tháp thờ Phật.

55. Chẳng nên xách dép vào tháp thờ Phật.

56. Chẳng nên mang dép đi chung quanh tháp thờ Phật.

57. Chẳng nên mang giày vào tháp thờ Phật.

58. Chẳng nên xách giày vào tháp thờ Phật.

59. Chẳng nên ngồi ăn dưới tháp thờ Phật mà bỏ đồ dơ thúi.

60. Chẳng nên khiêng xác chết đi dưới tháp thờ Phật.

61. Chẳng nên chôn xác chết tại tháp thờ Phật.

62. Chẳng nên thiêu xác chết tại tháp thờ Phật.

63. Chẳng nên thiêu xác chết ngay phía tháp thờ Phật.

64. Chẳng nên thiêu xác chết chỗ nào mùi hôi thúi bay tới tháp thờ Phật.

65. Chẳng nên mang đồ của người chết đi trước tháp thờ Phật.

66. Chẳng nên đại, tiểu tại tháp thờ Phật.

67. Chẳng nên đại, tiểu ngay phía tháp thờ Phật.

68. Chẳng nên đại, tiểu chỗ nào mùi hôi thúi bay tới tháp thờ Phật.

69. Chẳng nên đi nhà tiêu mang theo tượng Phật.

70. Chẳng nên ở tại tháp thờ Phật mà xỉa răng, súc miệng.

71. Chẳng nên đứng trước tháp thờ Phật mà xỉa răng, súc miệng.

72. Chẳng nên đứng bốn phía tháp thờ Phật mà xỉa răng, súc miệng.

73. Chẳng nên ở tại tháp thờ Phật mà hỷ mũi, khạc nhổ.

74. Chẳng nên đứng trước tháp thờ Phật mà hỷ mũi, khạc nhổ.

75. Chẳng nên đứng bốn phía tháp thờ Phật mà hỷ mũi, khạc nhổ.

76. Chẳng nên ngồi đưa chân ngay tháp thờ Phật.

77. Chẳng nên ở tầng trên cao hơn chỗ thờ Phật.

78. Chẳng nên nắm tay một người khác mà đi dạo.

79. Chẳng nên leo cây cao khỏi đầu (trừ khi có việc).

80. Chẳng nên quảy bát nơi đầu cây gậy.

81. Chẳng nên vị tình thuyết pháp cho kẻ vô lễ: Lật áo.

82. Chẳng nên vị tình thuyết pháp cho kẻ vô lễ: Quấn áo lên cổ.

83. Chẳng nên vị tình thuyết pháp cho kẻ vô lễ: Che đầu.

84. Chẳng nên vị tình thuyết pháp cho kẻ vô lễ: Khỏa đầu.

85. Chẳng nên vị tình thuyết pháp cho kẻ vô lễ: Chắp tay sau lưng hoặc chống nạnh.

86. Chẳng nên vị tình thuyết pháp cho kẻ vô lễ: Đi guốc.

87. Chẳng nên vị tình thuyết pháp cho kẻ vô lễ: Đi dép.

88. Chẳng nên vị tình thuyết pháp cho kẻ vô lễ: Cưỡi ngựa, đi kiệu.

89. Chẳng nên vị tình thuyết pháp cho kẻ vô lễ: Ngồi mà mình đứng.

90. Chẳng nên vị tình thuyết pháp cho kẻ vô lễ: Nằm mà mình ngồi.

91. Chẳng nên vị tình thuyết pháp cho kẻ vô lễ: Ngồi chỗ tốt mà mình ngồi chỗ xấu.

92. Chẳng nên vị tình thuyết pháp cho kẻ vô lễ: Ngồi cao mà mình ngồi thấp.

93. Chẳng nên vị tình thuyết pháp cho kẻ vô lễ: Đi trước mà mình đi sau.

94. Chẳng nên vị tình thuyết pháp cho kẻ vô lễ: Đi trên mà mình đi dưới.

95. Chẳng nên vị tình thuyết pháp cho kẻ vô lễ: Đứng giữa mà mình đứng bên.

96. Chẳng nên vị tình thuyết pháp cho kẻ vô lễ: Cầm gậy.

97. Chẳng nên vị tình thuyết pháp cho kẻ vô lễ: Cầm gươm.

98. Chẳng nên vị tình thuyết pháp cho kẻ vô lễ: Cầm giáo.

99. Chẳng nên vị tình thuyết pháp cho kẻ vô lễ: Cầm dao.

100. Chẳng nên vị tình thuyết pháp cho kẻ vô lễ: Cầm dù.

Bạch các Sư Ni, tôi vừa đọc xong 100 Giới nhỏ phải học, vậy chẳng hay trong các Sư Ni có ai phạm chăng? (Hỏi 3 lần)

G- 7 GIỚI GIẢI HÒA

(Khi có việc xảy ra xung đột, bất bình thì xử cho êm đi)

1. Dùng cách tự thuận.

2. Hoặc nói quyết rằng quên.

3. Hoặc mình không biết, không cố ý.

4. Hoặc xin lỗi thành thật mình đã lỡ phạm.

5. Hoặc chuyển lên Giáo hội xem xét cho.

6. Hoặc nhờ Thầy quảng đại quyết định cho.

7. Hoặc cùng nhau niệm Phật bỏ qua, khỏa lấp như cỏ mới mọc.

Bạch các Sư Ni, tôi đã đọc để quý Ngài nghe đoạn vô đầu:

A. Tám Đại giới

B. Mười bảy Giới tổn hại

C. Ba chục Giới phá sự thanh bần

D. Một trăm bảy mươi tám Giới linh tinh

E. Tám Giới đặc biệt

F. Một trăm Giới nhỏ phải học

G. Bảy Giới giải hòa

Cộng là ba trăm bốn mươi tám giới.

Tất cả bao nhiêu đó, mà đức Phật Tổ dạy chúng ta phải hội họp mỗi kỳ nửa tháng, đặng nghe đọc một lần. Vậy cuộc hội họp này đến đây thì bế mạc. Nhưng trước khi giải tán, tất cả Giáo hội đều đọc kệ chung với nhau, đại khái như dưới đây:

1- Đức Phật Tỳ-bà-thi có dạy rằng: “Bền chịu với các sự nhẫn nhục, ấy là giới hạnh đầu tiên, mà chư Phật hằng khuyên ta. Kẻ đã xuất gia bỏ thế, mà còn phiền giận, thật không đáng với tiếng người tu”.

2- Đức Phật Thích-khí có dạy rằng: “Người ta có mắt lanh, bao giờ cũng vượt qua khỏi hố sâu thẳm, cũng như thế, bậc Phật Thánh thoát khỏi các nạn khổ”.

3- Đức Phật Tỳ-xá có dạy rằng: “Tránh nói hành và tật đố, giữ giới hạnh, vừa lòng với sự đủ dùng về đồ ăn uống, bao giờ cũng thỏa thích trong tịnh thất thanh vắng của mình, bền chí về bổn nguyện và cố tiến thủ, ấy là các lý cốt yếu mà chư Phật đã ban truyền”.

4- Đức Phật Ca-la-tôn-đại có dạy rằng: “Quanh quẩn trên hoa, con ong chỉ lấy mật trong hoa mà thôi, chớ không phá màu hoa và mùi hoa. Cũng như thế, các Ni cô ở chung với Giáo hội, chớ nên làm nặng lòng ai hết, chớ xem coi họ có làm hoặc không làm, mà phải lo lấy mình, xét coi đạo hạnh của mình có vẹn toàn hay không”.

5- Đức Phật Câu-na-hàm Mưu-ni có dạy rằng: “Chớ để cái tâm lạc bậy, hãy siêng học các giới luật của Phật Thánh, như vậy người ta sẽ xa lánh mọi sự buồn, và tấn tới Niết-bàn”.

6- Đức Phật Ca-diếp có dạy rằng: “Chớ làm điều gì ác, phải làm các điều lành, cái sở ý của ngươi phải cho trong sạch luôn luôn, chư Phật đều dạy như vậy”.

7- Đức Phật Thích-ca Mưu-ni có dạy rằng: “Hãy giữ lời nói của ngươi, hãy làm cho tâm ý của ngươi trở nên thanh bạch, đừng làm một việc gì sái quấy, giữ ba điều ấy là theo chánh đạo, đạo của chư Phật đó”.

8- Các nhà hiền đức giữ giới có ba điều an lạc lợi ích: Một là danh tiếng thơm lành, hai là được cúng dường, ba là sanh lên cõi trên sau khi thác, nếu chưa đắc quả A-la-hán.

9- Hãy xem qua trong Giáo hội, coi mấy nhà hiền đức và thành tín, giữ giới luật thế nào? Giữ giới và sống trong sạch là sự phát sanh trí huệ, là nền tảng mọi việc hay khác.

10- Noi theo lời dạy của chư Phật, quá khứ, hiện tại và vị lai, người ta giải thoát khỏi mọi sự buồn thảm, mà chư Phật hằng khuyên người phải trân trọng giữ giới. Bảy đức Phật trên kia đều bảo rằng: Sự giữ giới gỡ cho mình ra khỏi các việc trói buộc, và đưa mình lên đến nơi cùng tột là Niết-bàn, bấy giờ sẽ dứt hết các cuộc phiền não.

11- Chúng ta phải noi theo lời dạy của chư Phật, chư Tiên, lời khuyên của Thánh Hiền, gương lành của mấy vị đệ tử đích đáng, để nong nả tới nơi an lạc của Niết-bàn.

12- Trước khi tịch khỏi cõi thế mà vào Niết-bàn, đức Phật Tổ có khuyến khích chư Tăng mấy lời này: “Khi ta từ giã, chư đệ tử chớ nói rằng ta nhập Niết-bàn là ta hết bảo hộ đâu. Không, ta để luật lại, nó sẽ ủng hộ cho. Hãy coi ta là Thầy mãi, bao giờ luật của ta còn trì giữ, thì đạo Phật vẫn còn tỏ rõ và thạnh hành. Nếu chư đệ tử giữ giới mà làm cho đạo sáng và thạnh, thì sẽ hưởng Niết-bàn; còn để cho đạo tắt mất, thì trần thế sẽ bị chôn trở vào nơi hắc ám, cũng như lúc mặt trời lặn buổi chiều. Hãy giữ giới cho kỹ, hãy hội họp lại mà đọc Giới bổn, theo như ta đã dạy, ráng bảo tồn nó, vì nó giúp ích cho chúng sanh, giúp cho tiến theo nẻo Phật”.

Kính lạy Ta-bà Thế giới Thích-ca Mưu -ni Phật (3 lạy).