Giới bổn Tăng

GIỚI BỔN TĂNG

TỨ PHẦN LUẬT TỲ KHEO 250 GIỚI

Tỳ kheo Tăng Khất sĩ, trong ngày Rằm và 30 của mỗi tháng, phải tựu họp lại đọc luật, không được vắng mặt. Mỗi lần đọc phải từ 4 vị sắp lên (một Tăng là 4 vị, một Giáo hội là 20 vị).

Sa di, tập sự phải đi ra.

Ai vắng mặt phải có người thay lời.

Giáo hội Tỳ kheo ni có xin thỉnh Tăng qua thuyết pháp, phải sắp đi cho rồi.

Chư Tỳ kheo phải tựu đủ rồi.

Đại đức nói:

Ngay hồi sanh tiền, đức Phật có dạy chư Tăng phải họp mặt nhau một tháng 2 kỳ, để khuyên răn sám hối với nhau mà giữ gìn đạo hạnh, chúng ta cúi đầu, tôn trọng Phật Pháp Tăng. Nay chúng ta hội tụ lại theo lệ cũ, mà chúng ta khéo giữ gìn, để bảo tồn chánh pháp luôn luôn.

Giới luật thật là mênh mông, mênh mông như biển cả, thật là quý giá, quý giá hơn vàng bạc, mà người ta hằng tầm tòi, chẳng biết mệt nhọc. Ấy vì muốn bảo tồn cái kho quý của giới luật Phật, nên chúng ta họp nhau tại đây, vậy chư Đại đức hãy nghe tôi, để khỏi phạm giới to hoặc nhỏ, và các ngài: chư Phật Tỳ Bà Thi, Thích Khí, Tỳ Xá, Ca La Tôn Đại, Câu Na Hàm Mưu Ni, Ca Diếp, Thích Ca Mâu Ni, và các Ngài đại từ đại bi, đáng cho chúng sanh sùng bái, xin các Ngài giúp cho tôi nói, tôi muốn nói những điều tôi phải nói, và chư Thinh Văn Đại đức hãy nghe tôi. Một người thiếu chơn không đi được; cũng như thế, một người sống đời, mà thiếu luật, không lên cõi thượng thiên được. Ai muốn sanh lên cõi trên ngay kiếp này, phải giữ giới luật cho chín chắn kỹ càng, vì nó là chơn của mình, mà mình không được khinh thường.

Một người đánh xe, lúc qua truông hiểm, thấy mất cái chốt ở bánh xe, hay thấy cốt xe gãy, nó có rầu hay không? Kẻ phạm giới cũng thế, đến giờ chết thì rầu lắm.

Một người khác, soi gương vui hay buồn, là do ở mặt mình tốt hay xấu, sạch hay dơ, giới luật mà đọc ra đây cũng có cái kết quả y như vậy đó. Chư Thinh Văn sẽ được vui hay buồn, là do nơi mình có trì giới hay phạm giới.

Hai bên nghịch giao chiến, bên nhát thối lui; cũng như thế, ai trong sạch thì vững bụng, ai lầm lỗi phải sợ lo. Ông vua hơn mọi người; biển cả hơn các thứ ngòi, rạch; mặt trăng hơn các ngôi sao; Phật hơn các thánh hiền; cũng như thế, giới luật đọc hôm nay hơn các giới luật khác.

Vậy nên đức Phật của chúng ta có lập ra cái lệ này mà không ai được bỏ qua, mỗi kỳ nữa tháng phải đọc giới bổn một lần. Vậy thì bạch chư Đại đức, tôi xin đọc giới bổn, hãy nghe cho kỹ, hãy xét cho kỹ, ai thấy mình phạm hãy khai ra, còn ai biết mình vô tội cứ lặng thinh. Các Ngài mà nín, tôi sẽ kết nhận rằng: các Ngài trong sạch! Dầu tôi có hỏi chung, cũng cầm bằng hỏi riêng từng người; ai có tội, để tôi hỏi qua 3 lần mà không trả lời, người ấy sẽ phạm giới vọng ngữ.

Phật có dạy rằng: Ai vọng ngữ mà không khai ra, không thể nào tấn tới về đạo đức, các Ngài khá tránh chỗ đại hại đó. Ai phạm điều gì, và muốn thanh tịnh lại, cứ khai ra rồi sẽ được an tâm và vui vẻ.

Vậy, tôi xin đọc đoạn vô đầu.

A. 4 ĐẠI GIỚI (TRỤC XUẤT)

1. Đại dâm giới - Cấm dâm dục

2. Đại đạo giới - Cấm trộm cắp

3. Đại sát giới - Cấm sát sanh

4. Đại vọng ngữ giới - Cấm nói dối (hỏi 3 lần).

B. 13 GIỚI TỔN HẠI TĂNG TÀN (GIÁNG CẤP)

1. Cấm lấy tay tự làm sự dâm

2. Cấm rờ mình đàn bà

3. Cấm chọc ghẹo, dụ dỗ đàn bà

4. Cấm làm mai, cưới gã, sự hẹn hò

5. Cấm khoe phép tinh tấn với đàn bà

6. Cấm tự ý cất phòng sái luật, và không trình chỗ cất

7. Cấm không trình chỗ cất, mặc dầu tự ý thí chủ cất cho

8. Cấm cáo gian một vị Tỳ kheo khác một tội gì mà không có

9. Cấm dùng cách thế này thế kia, mà phá sự hòa hiệp ở Giáo hội

10. Cấm nghĩ quấy một vị Tỳ kheo khác một tội gì mà không có

11. Cấm binh vực kẻ phá sự hòa hiệp ở Giáo hội

12. Cấm không nghiêm làm quấy ác cho kẻ khác bắt chước

13. Cấm cưỡng lý khi làm quấy mà chẳng chịu nghe lời khuyên giải (hỏi 3 lần)

C. 2 GIỚI KHÔNG ĐỊNH

1. Cấm ngồi nói chuyện với đàn bà chỗ vắng vẻ, đáng nghi ngờ

2. Cấm ngồi nói chuyện với đàn bà, tự do chỗ chán chường (hỏi 3 lần)

D. 30 GIỚI PHÁ SỰ THANH BẦN

     (Cấm phòng 6 bữa)

1. Cấm cất giữ dư chăn, áo quá mười ngày

2. Cấm bỏ chăn, áo ở một nơi khác, trong một đêm

3. Cấm để dành vải quá một tháng, khi rách mất có người cúng

4. Cấm nhận áo của một Tỳ kheo xa lạ (trừ sự đổi áo mới)

5. Cấm để Tỳ kheo ni xa lạ, giặt nhuộm, cất giữ áo cho mình

6. Cấm hỏi xin áo với nam nữ thí chủ (trừ khi thắt ngặt)

7. Cấm nhận nhiều chăn áo quá bộ (trừ khi thắt ngặt)

8. Cấm tự ý muốn kiểu cắt may (khi có một thí chủ định sắm cho)

9. Cấm tự ý muốn kiểu cắt may (khi có nhiều thí chủ định sắm cho)

10. Cấm nhận tiền để may áo, và hối thúc Giáo hội may liền

11. Cấm dùng chăn áo bằng tơ, lụa, hàng (mặc dầu có pha lộn vải)

12. Cấm dùng ngọa cụ màu đen rặt không có pha lộn màu khác

13. Cấm dùng ngọa cụ màu trắng rặt không có pha lộn màu khác

14. Cấm chưa đúng sáu năm, mà sắm thêm ngọa cụ khác

15. Cấm lấy ngọa cụ mới, che cho cái cũ làm mau hư

16. Cấm khi viễn hành có ai cúng vái, mà ôm đi xa quá ba ngàn thước

17. Cấm biểu Tỳ kheo ni xa lạ, giặt nhuộm, cất giữ vải cho mình

18. Cấm nhận tiền bạc vàng, gởi hoặc bảo kẻ khác nhận thế

19. Cấm buôn bán đồ quý báu

20. Cấm buôn bán bất luận vật gì

21. Cấm giữ thêm một cái bát, cất quá mười ngày

22. Cấm kiếm bát mới, tốt, mặc dầu đúng năm, mà cái cũ còn xài được

23. Cấm đem chỉ cho thợ dệt xa lạ, dệt áo cho mình khi có kẻ cúng

24. Cấm ra kiểu ni cho thợ dệt, khi thí chủ dệt áo cho mình

25. Cấm giận hờn đòi áo lại, khi đã cho người rồi

26. Cấm để dành thuốc, đường, dầu quá bảy ngày (trừ khi đau có người cúng)

27. Cấm xin vải choàng tắm mùa mưa, trước một tháng, dùng trước mười lăm ngày

28. Cấm lãnh áo trước kỳ, khi đến lệ còn hỏi nữa

29. Cấm gởi áo nhà quen quá sáu ngày, sư ẩn cư khi về Giáo hội

30. Cấm lấy lén một món đồ gì của Giáo hội (hỏi 3 lần).

E. 90 GIỚI HÀNH PHẠT (QUỲ HƯƠNG)

1. Cấm cho rằng phải một việc sái

2. Cấm chê đè làm cho người ta rún chí

3. Cấm nói hai lưỡi đâm thọc, làm cho người ta giận nhau

4. Cấm ở chung nhà với đàn bà, trong một đêm

5. Cấm ở quá hai đêm, chung với người chưa thọ giới nhà sư

6. Cấm tụng kinh chung và một lượt với người chưa thọ đại giới

7. Cấm học tội một vị Tỳ kheo khác, với người chưa thọ giới nhà sư

8. Cấm khoe mình đắc đạo có phép thần thông, với người chưa thọ đại giới

9. Cấm một mình thuyết pháp với đàn bà năm sáu câu, mà không có đàn ông thí thức chứng dự

10. Cấm đào đất, cuốc đất

11. Cấm đốn cây phá chỗ thần ở

12. Cấm cãi nhiều lời làm cho người ta phiền nghịch

13. Cấm chê bai, nói ác, xúc phạm đến vị sư trị sự trong Giáo hội

14. Cấm dùng đồ của chùa mà bỏ ở ngoài, làm cho hư bể

15. Cấm dùng đồ của chùa, khi đi không dẹp cất

16. Cấm khi đi lữ hành, giành chỗ nằm của một người khác

17. Cấm đuổi hay sai đuổi ra khỏi phòng, một Tỳ kheo không hạp ý mình

18. Cấm giăng mùng lót ván, để cây rớt trúng người ta

19. Cấm lấy nước dùng, mà trong ấy mình biết là có côn trùng

20. Cấm dùng đồ nhiều quá, mà lợp tịnh thất, chất nặng bậy làm sập

21. Cấm dạy đạo, đọc giới bổn với Tỳ kheo ni, không có lệnh Giáo hội sai đi.

22. Cấm thuyết pháp với Tỳ kheo ni, buổi chiều, tối tới sáng, mặc dầu có lịnh.

23. Cấm nói giễu vị sư đi thuyết pháp cho Tỳ kheo ni là cốt để ăn uống no say

24. Cấm tặng áo cho Tỳ kheo ni xa lạ (trừ khi mua giùm hoặc đổi áo mới)

25. Cấm may áo cho Tỳ kheo ni xa lạ

26. Cấm ngồi chung với Tỳ kheo ni ở một chỗ che khuất

27. Cấm đi chung với Tỳ kheo ni (dầu làng này hay làng kia)

28. Cấm hẹn nhau đi chung một thuyền (trừ khi qua đò)

29. Cấm ăn cơm của thí chủ đãi, mà nhờ có Tỳ kheo ni nói vào

30. Cấm đi chung với đàn bà (dầu làng này tới đầu làng kia cũng vậy)

31. Cấm ăn đến hai buổi cơm một ngày, hai buổi hai ngày trong một nhà

32. Cấm ăn nhiều buổi cơm, ở nhiều chỗ trong một ngày (trừ cơn đau)

33. Cấm vắng mặt buổi cơm kỳ hội (trừ cơn đau, đi xa, trai tăng tởi áo)

34. Cấm ăn no rồi mà ăn lại nữa (nhưng còn đói có thể hỏi thêm)

35. Cấm lãnh đồ ăn nhiều quá, mà không chia sớt lại cho vị khác

36. Cấm ép vị sư khác ăn no rồi, mà ăn lại nữa

37. Cấm ăn sái giờ từ quá ngọ tới ngọ mai

38. Cấm dùng và để đồ ăn vào miệng, món chẳng phải của cúng dường

39. Cấm để dành đồ ăn cách đêm đặng khỏi đi xin

40. Cấm hỏi đồ ăn mỹ vị (trừ cơm đau tùy món cần dùng)

41. Cấm cố ý làm cho mấy Tỳ kheo khác trễ quá giờ ăn

42. Cấm trao tay thí đồ ăn, cho kẻ nam nữ phái ngoại đạo

43. Cấm ăn rồi mà ngồi nán lại lâu trong nhà có đàn bà đẹp

44. Cấm lãnh đồ ăn rồi, mà ngồi lại chỗ kín, nhà có đàn bà đẹp

45. Cấm ngồi gần đàn bà chỗ chán chường

46. Cấm oán ghét, kiếm cớ làm cho một vị sư khác bơ vơ, nhịn đói

47. Cấm lãnh để dành nhiều thuốc

48. Cấm xem diễn binh tập lính

49. Cấm ở chung với quân binh hai ngày (trong khi có lý cớ gì)

50. Cấm ưa thích sự tập tành ngựa voi, quân binh đấu võ

51. Cấm uống rượu men, các thứ rượu, thuốc hút, á phiện, trầu cau

52. Cấm tắm rửa một cách quá tự do và giỡn cợt

53. Cấm lấy tay chân mà đánh đá người ta

54. Cấm bất tuân và khinh để lời quở trách cản ngăn

55. Cấm dọa nạt làm cho một vị Tỳ kheo khác kinh sợ

56. Cấm tắm tới hai lần trong nữa tháng (trừ khi đau, dơ, nực)

57. Cấm vô cớ chụm lửa chỗ trống (trừ khi đau, lạnh, đêm tối)

58. Cấm giễu cợt mà giấu, hoặc xúi giấu đồ của người khác

59. Cấm lấy lén lại đồ, áo đã cho người ta rồi

60. Cấm mặc dùng áo chăn màu vải trắng (phải nhuộm cho xấu)

61. Cấm cố ý giết thác mạng thú vật

62. Cấm uống nước mà mình biết là có côn trùng

63. Cấm cố ý làm cho người ta buồn mà không khuyên giải

64. Cấm giấu tội thô tục, chọc ghẹo, gian dâm của một Tỳ kheo khác

65. Cấm nhận vào hàng Tỳ kheo, kẻ nào chưa đúng 20 tuổi trọn

66. Cấm khêu gợi sự rầy rà, sau khi đã êm thuận rồi

67. Cấm đi chung với gian nhơn (dầu làng này tới làng kia cũng vậy)

68. Cấm nói dâm dục không ngăn trở sự thành đạo đắc quả

69. Cấm giữ tại chùa và để hầu mình, kẻ Sa di nói sái quấy ấy

70. Cấm giao thiệp đưa đồ, nói chuyện với vị sư nói sái quấy ấy

71. Cấm chối tội nói rằng không biết để đi hỏi lại

72. Cấm nói phá rằng đọc giới bổn là phiền hà vô ích

73. Cấm chối tội nói rằng tại mình không thuộc giới bổn

74. Cấm nói chư Tăng nghị xử chẳng công bình

75. Cấm phá khuấy làm gián đoạn buổi hội nghị (đi vắng, đi ra ngoài)

76. Cấm cản không cho thi hành, điều mà Giáo hội đã quyết nghị

77. Cấm học đi học lại, chuyện cãi lẫy gây gỗ, sau khi đã êm thuận rồi

78. Cấm giận mà đánh một vị Tỳ kheo khác

79. Cấm giận mà vả, vặn tay một Tỳ kheo khác

80. Cấm cáo gian rằng: Vị Tỳ kheo khác phạm giới Tăng tàn

81. Cấm vào cung vua thình lình, không đợi nghinh tiếp

82. Cấm lượm, sai lượm của quấy, vật bỏ rơi (trừ khi biết chủ giữ giùm)

83. Cấm vào làng sái giờ (trừ ra có việc của Giáo hội đúng giờ từ sáng tới ngọ)

84. Cấm ngồi ghế cao, nằm giường rộng, chiếu lớn xinh đẹp

85. Cấm dồn ghế, nệm, gối bằng gòn tốt

86. Cấm dùng ống đựng kim bằng xương, sừng, ngà

87. Cấm trãi ngọa cụ choán chỗ rộng quá

88. Cấm dùng vải giẻ nhiếu quá mà bó chỗ đau

89. Cấm dùng chăn tấm lớn quá

90. Cấm mặc áo rộng dài như áo của Phật (hỏi 3 lần)

F. 4 GIỚI ĐẶC BIỆT (XƯNG TỘI XẢ ĐỌA)

1. Cấm chẳng đau, mà ăn nhờ đồ ăn của Tỳ kheo ni xa lạ

2. Cấm chẳng từ chối, Tỳ kheo ni nói với thí chủ đãi cơm mình trước

3. Cấm xin mãi một nhà, làm cho người ta nghèo túng

4. Cấm sự ẩn cư chỗ nguy hiểm, để có sự hại cho thí chủ đem cơm tới cho mình (hỏi 3 lần)

G. 100 GIỚI NHỎ PHẢI HỌC (SÁM HỐI)

1. Cái chăn phải vặn từ nịt lưng tới nửa ống chân, đừng có xăn

2. Bộ áo ba cái phải mặc cho có thứ lớp

3. Chẳng nên đi vào nhà cư sĩ mà xăn áo lên

4. Chẳng nên ngồi trong nhà cư sĩ mà xăn áo lên

5. Chẳng nên đi vào nhà cư sĩ mà lật áo lên tới vai

6. Chẳng nên ngồi trong nhà cư sĩ mà lật áo lên tới vai

7. Chẳng nên đi vào nhà cư sĩ mà đội khăn, đội mũ

8. Chẳng nên ngồi trong nhà cư sĩ mà đội khăn, đội mũ

9. Chẳng nên đi vào nhà cư sĩ mà vừa đi vừa chạy

10. Chẳng nên ngồi trong nhà cư sĩ sau khi vừa đi vừa chạy

11. Chẳng nên đi vào nhà cư sĩ mà chấp tay sau lưng, chống nạnh

12. Chẳng nên ngồi trong nhà cư sĩ mà chấp tay sau lưng chống nạnh

13. Chẳng nên đi vào nhà cư sĩ mà lay chuyển thân mình

14. Chẳng nên ngồi trong nhà cư sĩ mà lay chuyển thân mình

15. Chẳng nên đi vào nhà cư sĩ mà múa tay

16. Chẳng nên ngồi trong nhà cư sĩ mà múa tay

17. Chẳng nên đi vào nhà cư sĩ mà không mặc áo che mình

18. Chẳng nên ngồi trong nhà cư sĩ mà không mặc áo che mình

19. Chẳng nên đi vào nhà cư sĩ mà trông bên này, bên kia

20. Chẳng nên ngồi trong nhà cư sĩ mà trông bên này, bên kia

21. Chẳng nên ngồi chồm hổm trong nhà cư sĩ

22. Hãy điềm tĩnh khi đi vào nhà cư sĩ

23. Hãy điềm tĩnh khi ngồi trong nhà cư sĩ

24. Chẳng nên cười cợt khi đi vào nhà cư sĩ

25. Chẳng nên cười cợt khi ngồi trong nhà cư sĩ

26. Phải để ý khi lãnh cơm

27. Khi lãnh cơm, đưa bát ra cho ngay thẳng, đừng để đỗ

28. Khi lãnh canh, đưa bát cho ngay thẳng, đừng để đỗ

29. Phải trộn cơm với đồ ăn đã lãnh

30. Món nào xúc trước thì ăn trước

31. Chẳng nên lựa bên này bên kia, hay giữa bát

32. Chẳng nên hỏi canh ngon hoặc món lạ (trừ khi đau tùy món cần dùng)

33. Chẳng nên xới cơm lên che khuất đồ ăn đặng lãnh thêm nữa

34. Chẳng nên thấy vị khác lãnh đồ ăn mà sanh lòng thèm

35. Lãnh cơm, đồ ăn đủ rồi, phủ cái bát lại, vừa ăn vừa suy nghĩ

36. Chẳng nên ăn lớn miếng

37. Chẳng nên há miệng lớn mà đút đồ ăn

38. Chẳng nên nói chuyện khi ngậm một miếng đồ ăn

39. Chẳng nên lấy cơm vò viên mà thảy vào miệng

40. Chẳng nên ăn trám vàm đến đỗi rớt ra

41. Chẳng nên đưa đồ ăn từ má bên này qua má bên kia

42. Chẳng nên nhai lớn tiếng

43. Chẳng nên nút mạnh trong khi ăn

44. Chẳng nên lấy lưỡi liếm

45. Chẳng nên quơ tay trong khi ăn

46. Chẳng nên lấy tay lượm cơm rớt mà bỏ vào miệng

47. Chẳng nên cầm đến bình uống nước mà chẳng rửa tay

48. Chẳng nên tạt nước rửa bát ra sân của thí chủ

49. Chẳng nên đại, tiểu, hỉ mũi, khạc nhổ trên rau cỏ (trừ khi bịnh)

50. Chẳng nên đại, tiểu, hỉ mũi, khạc nhổ trên nước (trừ khi bịnh)

51. Chẳng nên đứng mà đại tiểu (trừ khi bịnh)

52. Chẳng nên ở và ngủ trong chỗ thờ Phật (trừ khi canh giữ)

53. Chẳng nên cất đồ vật tại chỗ thờ Phật (trừ khi bị cướp)

54. Chẳng nên mang dép vào chỗ thờ Phật

55. Chẳng nên xách dép vào chỗ thờ Phật

56. Chẳng nên mang dép đi chung quanh chỗ thờ Phật

57. Chẳng nên mang giày vào chỗ thờ Phật

58. Chẳng nên xách giày vào chỗ thờ Phật

59. Chẳng nên ngồi ăn dưới chỗ thờ Phật (mà bỏ đồ dơ thúi)

60. Chẳng nên khiêng xác chết đi dưới chỗ thờ Phật

61. Chẳng nên chôn xác chết tại chỗ thờ Phật

62. Chẳng nên thiêu xác chết ngay chỗ thờ Phật

63. Chẳng nên thiêu xác chết chỗ nào mùi hôi thối bay tới chỗ thờ Phật

64. Chẳng nên thiêu xác chết tại chỗ thờ Phật

65. Chẳng nên đi dưới chỗ thờ Phật, mang đồ của người chết

66. Chẳng nên đại, tiểu tại chỗ thờ Phật

67. Chẳng nên đi nhà tiêu mang theo tượng Phật

68. Chẳng nên đại, tiểu chỗ nào mùi hôi thúi bay tới chỗ thờ Phật

69. Chẳng nên đại, tiểu ngay phía chỗ thờ Phật

70. Chẳng nên xỉa răng, súc miệng dưới chỗ thờ Phật

71. Chẳng nên tới trước chỗ thờ Phật mà xỉa răng, súc miệng

72. Chẳng nên đứng bốn phía chỗ thờ Phật mà xỉa răng, súc miệng

73. Chẳng nên ở tại chỗ thờ Phật mà hỉ mũi, khạc nhổ

74. Chẳng nên đứng trước chỗ thờ Phật mà hỉ mũi, khạc nhổ

75. Chẳng nên đứng bốn phía chỗ thờ Phật mà hỉ mũi, khạc nhổ

76. Chẳng nên ngồi đưa chơn ngay chỗ thờ Phật

77. Chẳng nên ở, đứng trên cao hơn chỗ thờ Phật

78. Chẳng nên nắm tay một người khác mà đi dạo

79. Chẳng nên leo cây cao khỏi đầu (trừ khi có việc)

80. Chẳng nên bỏ bát vào bao mà quảy lên vai: chỗ đầu cây gậy

81. Chẳng nên vị tình thuyết pháp cho kẻ vô lễ: lật áo

82. Chẳng nên vị tình thuyết pháp cho kẻ vô lễ: quần áo lên cổ

83. Chẳng nên vị tình thuyết pháp cho kẻ vô lễ: khỏa đầu

84. Chẳng nên vị tình thuyết pháp cho kẻ vô lễ: che đầu

85. Chẳng nên vị tình thuyết pháp cho kẻ vô lễ: chấp tay sau lưng, chống nạnh

86. Chẳng nên vị tình thuyết pháp cho kẻ vô lễ: đi guốc

87. Chẳng nên vị tình thuyết pháp cho kẻ vô lễ: đi dép

88. Chẳng nên vị tình thuyết pháp cho kẻ vô lễ: cưỡi ngựa, đi kiệu

89. Chẳng nên vị tình thuyết pháp cho kẻ vô lễ: ngồi mà mình đứng

90. Chẳng nên vị tình thuyết pháp cho kẻ vô lễ: nằm mà mình ngồi

91. Chẳng nên vị tình thuyết pháp cho kẻ vô lễ: ngồi chỗ tốt mà mình ngồi chỗ xấu

92. Chẳng nên vị tình thuyết pháp cho kẻ vô lễ: ngồi chỗ cao mà mình ngồi chỗ thấp

93. Chẳng nên vị tình thuyết pháp cho kẻ vô lễ: đi trước mà mình đi sau

94. Chẳng nên vị tình thuyết pháp cho kẻ vô lễ: đi trên mà mình đi dưới

95. Chẳng nên vị tình thuyết pháp cho kẻ vô lễ: đứng giữa mà mình đứng bên

96. Chẳng nên vị tình thuyết pháp cho kẻ vô lễ: cầm gậy

97. Chẳng nên vị tình thuyết pháp cho kẻ vô lễ: cầm gươm

98. Chẳng nên vị tình thuyết pháp cho kẻ vô lễ: cầm giáo

99. Chẳng nên vị tình thuyết pháp cho kẻ vô lễ: cầm dao

100. Chẳng nên vị tình thuyết pháp cho kẻ vô lễ: cầm dù (hỏi 3 lần)

H. BẢY GIỚI GIẢI HÒA DIỆT TRÁNH

(Khi có việc xảy ra xung đột, bất bình thì xử cho êm đi)

1. Dùng cách tự thuận

2. Hoặc nói quyết rằng quên

3. Hoặc mình không biết, không cố ý

4. Hoặc xin lỗi thành thật mình đã lỡ phạm

5. Hoặc chuyển lên Giáo hội xem xét cho

6. Hoặc nhờ thầy quảng đại quyết định cho

7. Hoặc cùng nhau niệm Phật bỏ qua, khóa lấp như cỏ mới mọc

HAI TRĂM NĂM CHỤC GIỚI

Bạch chư Đại đức! Tôi đã đọc để quý Ngài nghe, đoạn vô đầu:

A- Bốn đại giới

4giới

B- Mười ba giới tổn hại Tăng tàn

13 giới

C- Hai giới không định

2 giới

D- Ba chục giới phá sự thanh bần

30 giới

E- Chín chục giới hành phạt

90 giới

F- Bốn giới đặc biệt

4 giới

G- Một trăm giới nhỏ phải học

100 giới

H- Bảy giới giải hòa

7 giới

Cộng là: Hai trăm năm chục giới

250 giới

 

Tất cả bao nhiêu đó, mà đức Phật Tổ dạy chúng ta, phải hội họp mỗi kỳ nửa tháng, đặng nghe đọc một lần. Vậy, cuộc hội họp này đến đây thì bế mạc.

(Nhưng trước khi giải tán, tất cả Giáo hội đều đọc kệ chung với nhau, đại khái như dưới đây).

1- ĐỨC PHẬT TỲ BÀ THI CÓ DẠY RẰNG: Bền chịu với các sự nhẫn nhục, ấy là giới hạnh đầu tiên, mà chư Phật hằng khuyên ta, kẻ đã xuất gia bỏ thế, mà còn phiền giận, thật không đáng với tiếng Tỳ kheo.

2- ĐỨC PHẬT THÍCH KHÍ CÓ DẠY RẰNG: Người ta có mắt lanh, bao giờ cũng vượt qua khỏi hố sâu thẳm, cũng như thế, bậc Phật Thánh thoát khỏi các nạn khổ.

3- ĐỨC PHẬT TỲ XÁ CÓ DẠY RẰNG: Tránh nói hành và tật đố, giữ giới hạnh, vừa lòng với sự đủ dùng về đồ ăn uống, bao giờ cũng thỏa thích trong tịnh thất thanh vắng của mình, bền chí về bổn nguyện và cố tiến thủ, ấy là các lý cốt yếu mà chư Phật đã ban truyền.

4. ĐỨC PHẬT CA LA TÔN ĐẠI CÓ DẠY RẰNG: Quanh quẩn trên hoa, con ong chỉ lấy mật trong hoa mà thôi, chớ không phá màu hoa và mùi hoa, cũng như thế, chư Tỳ kheo ở chung với Giáo hội, chớ nên làm nặng lòng ai hết, chớ xem coi họ có làm, hoặc không làm, mà phải lo lấy mình, xét coi đạo hạnh của mình, có vẹn toàn hay không.

5- ĐỨC PHẬT CÂU NA HÀM MƯU NI CÓ DẠY RẰNG: Chớ để cái tâm lạc bậy, hãy siêng học các giới luật của Phật Thánh, như vậy người ta sẽ xa lánh mọi sự buồn, và tấn tới Niết bàn.

6- ĐỨC PHẬT CA DIẾP CÓ DẠY RẰNG: Chớ làm điều gì ác, phải làm các điều lành, cái sở ý của ngươi phải cho trong sạch luôn luôn, chư Phật đều dạy như vậy.

7- ĐỨC PHẬT THÍCH CA MƯU NI CÓ DẠY RẰNG: Hãy giữ lời nói của ngươi, hãy làm cho tâm ý của ngươi trở nên thanh bạch, đừng làm một việc gì sái quấy, giữ ba điều ấy là theo chánh đạo, đạo của chư Phật đó.

8- CÁC NHÀ HIỀN ĐỨC GIỮ GIỚI, có ba điều an lạc lợi ích: một là danh tiếng thơm lành, hai là được cúng dường, ba là sanh lên cõi trên sau khi thác, nếu chưa đắc quả A-la-hán.

9- HÃY XEM QUA TRONG GIÁO HỘI, coi mấy nhà hiền đức, và thành tín, giữ giới luật thế nào? Giữ giới và sống trong sạch, là sự phát sanh trí huệ, là nền tảng mọi việc hay khác.

10- NOI THEO LỜI DẠY CỦA CHƯ PHẬT quá khứ, hiện tại và vị lai, người ta giải thoát khỏi mọi sự buồn thảm, mà chư Phật hằng khuyên người phải trân trọng giữ giới. Bảy đức Phật trên kia đều bảo rằng: Sự giữ giới gỡ cho mình ra khỏi các việc trói buộc, và đưa mình lên đến nơi cùng tột là Niết bàn, bây giờ sẽ dứt hết các cuộc phiền não.

11- CHÚNG TA PHẢI NOI THEO LỜI DẠY CỦA CHƯ PHẬT, chư Tiên, lời khuyên của thánh hiền, gương lành của mấy vị đệ tử đích đáng, để nong nả tới nơi an lạc của Niết bàn.

12- TRƯỚC KHI TỊCH KHỎI CÕI THẾ MÀ VÀO NIẾT BÀN, đức Phật Tổ có khuyến khích chư Tăng mấy lời này: “Khi ta từ giã, chư đệ tử chớ nói rằng ta nhập Niết bàn là ta hết bảo hộ đâu; không, ta để luật lại, nó sẽ ủng hộ cho, hãy coi ta là thầy mãi, bao giờ luật của ta còn trì giữ, thì đạo Phật vẫn còn tỏ rõ và thạnh hành, nếu chư đệ tử giữ giới mà làm cho đạo sáng và thạnh, thì sẽ hưởng Niết bàn, còn để cho đạo tắt mất, thì trần thế sẽ bị chôn trở vào nơi hắc ám, cũng như lúc mặt trời lặn buổi chiều, hãy giữ giới cho kỹ, hãy hội họp lại mà đọc giới bổn, theo như ta đã dạy, ráng bảo tồn nó, vì nó giúp ích cho chúng sanh, giúp cho tiến theo nẻo Phật”.

Kính lạy Ta bà thế giới THÍCH CA MƯU NI PHẬT (3 lạy)

(Giới bổn này tất cả Khất sĩ đều dùng được hết)

Luật Tăng đồ nhà Phật này của phái Đàm Vô Đức bộ, do Đại sư Đàm Đế dịch năm 254 sau Dương lịch.