Giới Định Huệ của đức Tổ sư với lời dạy của Bậc Chánh Giác

Kính bạch đại chúng, hôm nay nhân khoá bồi dưỡng, trao đổi kinh nghiệm trụ trì, và được sự chỉ dạy của chư Tôn thiền đức lãnh đạo, con trò xin được trình bày một góc nhìn của mình về con đường của đức Tổ sư. Con đường ấy đa diện và rất nhiều khía cạnh nên con trò chỉ xin được nói lên một góc nhỏ của con đường mà thôi, để từ đó thấy được sự tương đồng giữa pháp môn tu tập của đức Tổ sư Minh Đăng Quang với lời dạy của đức Thế Tôn như thế nào. Con trò muốn trình bày góc nhìn này cũng bởi từng được nghe một vài đệ tử đi học về đã tâm sự và trình bày về cái nhìn của những vị Khất sĩ trẻ về giáo pháp của Tổ Thầy, đôi khi có vị nói Khất sĩ chẳng có pháp tu gì rõ ràng cả. Tăng Ni trẻ là thế hệ kế thừa, và giáo pháp Khất sĩ có được phát huy hay không đều do lớp kế thừa này, ấy vậy mà sự nhận định về con đường mà mình đang đi, đang hướng đến đã bị phai mờ và dần dần có thể sẽ đánh mất luôn những vết tích còn sót lại. Chính vì thế khi con trò nhận được chủ đề trao đổi trong khoá này liền nghĩ đến góc nhìn này.

Kính bạch đại chúng, trong Chơn lý Đạo Phật Khất Sĩ”, đức Tổ sư có nhấn mạnh: “Đạo Phật là sự thật hành để thành Phật, là sự tu giống y theo Phật. Con đường ấy là Khất sĩ, là Tăng, là đệ tử Phật sau này, là giới luật y bát chơn truyền vậy”. Điều đó có nghĩa là đức Tổ sư đã khẳng định con đường của Ngài là theo giống như Phật, cả về pháp học lẫn pháp hành để rồi tự thân người hành trì có thể đạt đến kết quả y như Phật cùng Thánh chúng, chứ đó không phải là một con đường mơ hồ và dẫn đến sự đau khổ, trái với phương châm cùng tâm nguyện giáo dưỡng và hoá độ nhân sinh của Ngài. Con đường ấy chính là Tăng, là Khất sĩ.

Vậy con đường Khất sĩ ấy được đức Tổ sư diễn bày ra sao? Điều này được Ngài chỉ rõ và nhấn mạnh trong Chơn lý Y bát chơn truyền rằng: “Người Khất sĩ chỉ có ba pháp tu học vắn tắt là Giới, Định, Huệ”. Một lời dạy quá ngắn gọn và xúc tích nhưng lại hàm chứa tinh thần chủ trương về pháp hành một cách rõ ràng và được diễn bày xuyên suốt trong 69 quyển Chơn lý. Pháp tu vắn tắt này đôi khi được đức Tổ sư nhấn mạnh dưới góc độ này nhưng đôi khi lại nhấn mạnh ở khía cạnh kia. Điều này đã được Ngài minh hoạ trong Chơn lý Nhập định: “Kẻ Khất sĩ mà không có Định là ra người khất cái. Chỉ có Định mới sanh huệ. Định Huệ song tu, do nơi giới luật Khất sĩ thì chơn như toàn giác mới sống đời, đúng theo chơn lý lẽ thật, tức là chánh đạo, đạo của võ trụ, của ta và của tất cả, hay là đạo của tâm mình”, hay như trong Chơn lý Y bát chơn truyền: “Nếu Khất sĩ không có tu về Định Huệ, dầu mà có trì Giới không đi nữa cũng chưa gọi được trọn là Khất sĩ,...”. Hình ảnh này có khác chi với lời dạy của bậc Toàn giác được truyền dạy trong phẩm Sa-môn thuộc Tăng Chi Bộ Kinh đâu: Này các Tỷ-kheo, có ba hạnh Sa-môn cần phải làm của Sa-môn. Thế nào là ba? Thọ trì tăng thượng Giới học, thọ trì tăng thượng Định học, thọ trì tăng thượng Tuệ học. Ðây là ba hạnh Sa-môn cần phải làm của Sa-môn”... Và ở trong đoạn kinh này đức Thế Tôn còn nhấn mạnh về hình ảnh vị Tỷ-kheo mà không phát triển và làm tăng thượng Ba môn học Vô lậu này thì cũng giống như con lừa đi theo đàn bò và nghĩ rằng mình cũng là bò nhưng bản thân lại chẳng có chi phần nào giống con bò cả. Hình ảnh này cũng đã được đức Tổ sư nhấn mạnh như đã đề cập ở trên, nếu Khất sĩ mà không có Giới Định Huệ bảo hộ và nuôi dưỡng, kẻ đó cũng chỉ là khất cái, chứ hình tướng Khất sĩ đó không đủ khả năng làm Chơn như Toàn giác sống đời được.

Qua đó chúng ta có thể thấy hình ảnh Sa-môn của đức Phật với hình ảnh Khất sĩ của đức Tổ sư là luôn có sự hiện hữu và làm tăng thượng Giới Định Tuệ, bằng không chẳng phải là Sa-môn Khất sĩ mà chỉ có hình tướng thôi, cũng giống như con lừa vậy. Và ở đây bậc Chánh giác cũng khẳng định rằng đây là ba hạnh cần phải làm của vị Tỷ-kheo, nghĩa là người xuất gia theo con đường của ngài là phải vun bồi đầy đủ cả ba hạnh này mà không thể thiếu một được. Hình ảnh ấy lại được đức Tổ sư minh hoạ bằng một ví dụ rất thân thuộc và gần gũi với thực tế như: “...Vả lại Giới Định Huệ là chân mình đầu của một thân hình cái sống, thiếu một là chưa đủ, nên dầu ai có chấp trước đoạn nào, chớ sau rồi cũng nhìn ra cả thể như nhau”. Thông qua đây chúng ta có thể nhận thấy tinh thần Giới Định Huệ của ngài luôn luôn song hành và hỗ tương cho nhau, thiếu một cũng không được. Cho nên Ngài thường dạy cho hàng đệ tử, dù gián tiếp qua các quyển Chơn lý như quyển sĩ chẳng hạn: “Bước chân vào cõi đời gian nguy, người cư sĩ phải cần đem theo Giới Định Huệ. Vì không thể nào với cái tham sân si mà được sống đời nên công kết quả cho được?” Và Ngài còn chỉ ra nguyên nhân dẫn đến những mối nguy hại, đau khổ do thiếu gia sản Tam vô lậu học này, đó chính là ba độc tố tham sân si. Vì thế Ngài nói: “Chính tham sân si là ác độc, là khổ hại. Đối trị nó có đạo đức, của Giới Định Huệ mà thôi. Vậy nên mỗi ai đều phải xuất gia Khất sĩ, để tu tập học hành pháp bảo ấy”.

Chính việc học và hành trì pháp bảo Giới Định Huệ ấy đã giúp cho người cư sĩ dần tránh xa được các điều ác, các bất thiện pháp để thuần hoá tâm tánh và tiến thêm một bước nữa trên con đường học đạo. Con đường ấy chính là xuất gia làm khất sĩ như lời khuyến tấn vừa được dẫn giải: mỗi ai đều phải xuất gia Khất sĩ, để tu tập học hành pháp bảo ấy. Và đặc biệt là tinh thần ấy luôn được đề cập, nhấn mạnh để minh thị cho tôn chỉ tu tập cùng lý tưởng độ sanh: Khất sĩ là pháp tu hành sau sự tập học của cư sĩ, chỉ là một lớp riêng rất ít của chúng sanh”.Chính vì thế người Khất sĩ đối với Ngài luôn là lớp trên, một lớp tiến hoá mới để bước đến sự hoàn thiện đời sống phạm hạnh và hoàn thành chí nguyện xuất gia. Cho nên vị Khất sĩ phải luôn hiện hữu và đầy đủ giới hạnh của vị Sa-môn. Chính vì vậy nên đức Tổ sư mới dạy trong quyển Y bát chơn truyền rằng: “Giá trị của người Khất sĩ là mắt tai mũi lưỡi miệng thân ý phải cho trọn lành trong sạch”. Mà để cho lục căn được trọn lành trong sạch, hay nói cách khác là không có lậu hoặc não phiền chi phối, vị Khất sĩ cần phải hành trì những học giới cùng với giới phòng hộ, và đặc biệt là pháp bảo Giới Định Huệ để đưa đến kết quả là sự thanh tịnh các căn. Và chính sự trọn lành trong sạch của các căn, mới làm nổi bật lên giá trị của vị Khất sĩ và mới trở thành vị Khất sĩ chân chánh. Điều này đã được đức Phật khẳng định trong Kinh Pháp Cú, câu 94 rằng:

Ai nhiếp phục các căn,

Như đánh xe điều ngự,

Mạn trừ, lậu hoặc dứt,

Người vậy, chư thiên mến.

Ở đây bậc Chánh giác đã diễn bày về sự nhiếp phục các căn. Sự nhiếp phục ấy chính là để đưa đến cái đích lậu hoặc dứt, có nghĩa là đã đến đích giải thoát và sống với sự thanh tịnh của các căn, mới trở thành bậc phạm hạnh vẹn toàn để trời người kính mến. Hay như trong phẩm Hộ Tâm của Kinh Tăng Nhất A Hàm có dạy: “Các hành tịch tĩnh, được quả Sa-môn, ̣đến Niết-bàn giới. Một pháp đó là gì? Đó là hành không phóng dật. Thế nào là hành không phóng dật? Là phòng hộ tâm. Thế nào là phòng hộ tâm? Ở đây, Tỳ-kheo thường thủ hộ tâm khỏi pháp hữu lậu”.

Đoạn kinh Tăng Nhất A Hàm này cũng đã dạy rất rõ, là hãy tinh tấn hành trì, và luôn luôn phòng hộ, giữ gìn để tâm không bị chi phối bởi các pháp hữu lậu hay các pháp đưa đến não phiền đau khổ và phải luân chuyển trong 3 cõi 6 đường. Được như vậy mới làm thanh tịnh các căn và mới có khả năng đạt đến quả vị giải thoát tối hậu của Sa-môn, mới xứng đáng là người xuất gia. Điều này được Ngài nhấn mạnh trong câu số 388 của Kinh Pháp Cú:

Dứt ác gọi phạm chí

Tịnh hạnh gọi Sa-môn

Tự mình xuất cấu uế

Nên gọi bậc xuất gia. 

Một định nghĩa về hình ảnh xuất gia rất rõ ràng, là phải lìa cấu uế, những lậu hoặc do căn bản phiền não tham sân si gây nên, để từ đó đạt đến sự trong sạch hoàn toàn của các căn, và để thân hành, khẩu hành cùng ý hành trong cuộc sống thường nhật luôn được thanh tịnh trong sạch, không có ác hành chi phối, hay nói cách khác là đạt đến sự tịnh hạnh. Điều này một lần nữa được đức Tổ sư triển khai và khẳng định qua hình ảnh khất sĩ rằng: “Ngoài khất sĩ ra không có pháp nào thứ hai để diệt tham sân si được. Mà nếu tham sân si không diệt thì người ta với cỏ cây thú có khác chi nhau”. Mà Khất sĩ của Ngài cũng đồng nghĩa với Giới Định Huệ, con đường để tự mình xuất ly mọi cấu uế phiền não, như trong Chơn lý Y bát chơn truyền đã khẳng định: “Như vậy là trong tiếng Khất sĩ đủ gồm cả Giới Định Huệ”. Đồng thời, ta cũng thấy Ngài đã khẳng định rất rõ rằng ngoài Khất sĩ hay pháp Giới Định Huệ ấy ra thì không có con đường nào khác để đoạn trừ tham sân si, cũng là cội nguồn của mọi đau khổ, não phiền. Nói như thế cũng có nghĩa đây là pháp độc nhất để dẫn đến đoạn tận tham sân si. Hình ảnh độc nhất ấy đã làm vang vọng lại lời dạy của đức Thế Tôn được truyền tải trong Kinh Niệm Xứ thuộc Trung BộTrường Bộ: “Đây là con đường độc nhất đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh, vượt khỏi sầu não, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh trí, chứng ngộ Niết-bàn. Đó là Bốn Niệm xứ”, hay đôi khi nói Bát chánh đạo là con đường độc nhất thay cho Tứ niệm xứ. Và qua đây chúng ta cũng có thể thấy tầm quan trọng của con đường này trong lộ trình rời xa mọi cấu uế nhiễm ô. Chính vì thế, khi đức Tổ sư đề cập đến một sự độc nhất khác, vậy thì hình ảnh độc nhất này có tương đồng với con đường độc nhất của đức Thế Tôn không?

Trong Chơn lý Đạo Phật Khất Sĩ, đức Tổ sư có dạy: “Đạo Phật thì không bao giờ mới hay cũ, chẳng bao giờ đổi thay được. Trong đời chỉ có một đạo Niết-bàn do nhờ pháp Khất sĩ ấy thôi. Pháp ấy sẽ giúp cho chúng sanh tiến tới mãi, không ta, không của ta; giải thoát được tham sân si, ác khổ ắt sẽ diệt trừ”. Như lời dạy này chúng ta có thể thấy điều Ngài muốn nói rất rõ ràng: Đạo phật xưa nay vốn thế, chẳng có mới hay cũ, Niết bàn thì chỉ có một, và con đường đưa đến Niết bàn, giải thoát mọi tham sân si, diệt trừ mọi khổ đau đều do chính việc hành trì pháp Khất sĩ hay Giới Định Huệ ấy mà ra. Như thế Niết-bàn của Ngài cũng đồng nghĩa với việc đoạn trừ mọi khổ đau cùng không còn tham sân si chi phối, và con đường đưa đến mục đích đó cũng chính là Giới Định Huệ. Điều này có khác chi lời dạy của bậc Toàn giác được truyền dạy trong phần “Một Tỷ-kheo khác” thuộc Tương Ưng Bộ Kinh: “Nhiếp phục tham, nhiếp phục sân, nhiếp phục si”, bạch Thế Tôn, được gọi là như vậy. Ðồng nghĩa với gì, bạch Thế Tôn, là nhiếp phục tham, nhiếp phục sân, nhiếp phục si?” Hay có thể nói vị Tỷ-kheo này đã hỏi đức Thế Tôn về kết quả của việc nhiếp phục tham sân si là gì? Lúc ấy đức Từ Phụ đáp lại rằng: “Ðồng nghĩa với Niết-bàn giới là nhiếp phục tham, nhiếp phục sân, nhiếp phục si, cũng được gọi là đoạn tận các lậu hoặc”. Như thế khi vị Tỷ-kheo nhiếp phục được tham sân si thì cũng có nghĩa là đã đoạn trừ được các lậu hoặc đau khổ, và đạt được Niết bàn. Cho nên Niết bàn là phải đoạn trừ các lậu hoặc do tham sân si chi phối. Đến đây ta có thể thấy đặc tính của Niết-bàn và Niết-bàn giữa đức Thế Tôn với đức Tổ sư đã có sự tương đồng, hay nói cách khác lời dạy của đức Tổ sư đã minh thị và khẳng định lại lời Phật. Đồng thời pháp Khất sĩ hay con đường Giới Định Huệ đưa đến đích Niết-bàn ấy cũng được bậc Toàn giác xác chứng trong phẩm A-la-hán thuộc Tương Ưng Bộ Kinh:

“Người có trí, trú giới, 

Tu tập tâm và tuệ,

Nhiệt tâm và thận trọng,

Tỷ-kheo ấy thoát triền.

Với ai đã từ bỏ,

Tham sân và vô minh,

Bậc Ứng cúng lậu tận,

Vị ấy thoát triền phược”.

Hay như trong đoạn hội thoại giữa đức Thế Tôn với du sĩ Nandiya trong Kinh Tương Ưng Bộ, khi du sĩ Nandiya bạch với đức Thế Tôn: “Thưa Tôn giả Gotama, có bao nhiêu pháp được tu tập, được làm cho viên mãn, đưa đến Niết-bàn, hướng đến đích Niết-bàn, đưa đến cứu cánh Niết-bàn? Khi đó đức Thế Tôn đáp lại rằng: “Có tám pháp này, này Nandiya, đưa đến Niết-bàn, hướng đến đích Niết-bàn, đưa đến cứu cánh Niết-bàn. Tức là chánh tri kiến... chánh định. Có tám pháp này, này Nandiya, được tu tập, được làm cho viên mãn, đưa đến Niết-bàn, hướng đến đích Niết-bàn, đưa đến cứu cánh Niết-bàn”.

Như thế ta thấy có lúc đức Thế Tôn nói về con đường đưa đến Niết-bàn bằng con đường Giới Định Tuệ, nhưng có lúc lại nói đến Bát chánh đạo. Hai con đường tuy khác nhau nhưng kỳ thực chúng lại mang trong mình nội hàm tương ứng với nhau, bởi chính Tam Vô lậu học - Giới Định Tuệ là kết quả của việc đúc kết và rút gọn lại của Bát chánh đạo mà thôi: 2 chi đầu thuộc về Tuệ, 3 chi giữa lại đại diện cho Giới, và 3 chi cuối tương ứng với Định. Cho nên trong giai đoạn đầu khi mới thành lập Tăng đoàn, đức Thế Tôn chỉ dạy Tứ đế, Bát chánh đạo…mà không chế giới là vậy. Vì thế con đường Bát chánh đạo hay Giới Định Tuệ chỉ là cách diễn bày khác nhau, nhưng chúng lại mang trong mình nội hàm và đích đến giống nhau, đó là nhiếp phục tham sân si và đạt đến cứu cánh Niết-bàn. Cho nên đức Tổ sư mới gọi con đường này là đạo Bát chánh Niết-bàn như lời khẳng định trong quyển Khất sĩ: “Đạo Khất Sĩ là chơn lý chánh pháp của trường võ trụ, là đạo Bát chánh Niết-bàn, không bậc Hiền Thánh nào dám khinh rẻ, không kẻ quỷ ma nào được thấu đạt, chánh giáo cao siêu hơn hết. Kẻ hành đúng sẽ thành Phật, người hành trật sẽ làm ma”.

Qua đó ta thấy đức Tổ sư đã khẳng định rất rõ ràng, đây là con đường đúng với chơn lý, đúng với lời dạy của đức Thế Tôn nên không bậc Hiền Thánh nào xem thường, và ai hành trì đúng, chắc chắn kết quả mang lại sẽ là sự thanh tịnh các căn cùng lậu hoặc được đoạn trừ, và biến tự thân thành tấm gương, thành chữ đạo ngay trong cuộc sống thường nhật để cho nhân sinh soi chiếu và nương theo, bằng đi sai lộ trình thì làm bạn với ma. Đó là một lời xác quyết và luôn mang trong mình dấu ấn của đấng Pháp vương, để từ đó thấy được con đường Khất sĩ hay pháp tu vắn tắt Giới Định Huệ chính là đạo Bát chánh Niết-bàn, và cũng chính là sự minh thị cho lời dạy của đức Thế Tôn. Đến đây chúng ta có thể thấy được phần nào một sự tương thông giữa lời dạy của đức Tổ sư với kim ngôn ngọc ngữ của đức Từ Phụ như thế nào rồi.

Kính bạch chư Tôn thiền đức lãnh đạo,

Kính bạch đại chúng,

Trên đây là sự trình bày của con trò về một góc giáo pháp của Tổ Thầy nhân khoá Bồi dưỡng, trao đổi kinh nghiệm trụ trì năm nay. Tuy vấn đề con trò trình bày chưa lột tả hết được nội hàm thâm sâu bên trong lời dạy của đức Tổ sư, và đặc biệt là sự tương thông với lời dạy của đức Thế Tôn, bởi khả năng hạn hẹp, cho nên con trò xin được đảnh lễ và xin được lắng nghe sự chỉ dạy của các Ngài và đại chúng, để nhận thức về con đường, về giáo pháp Tổ Thầy của con trò được đúng đắn hơn.