Giới luật của Hệ phái Khất sĩ Việt Nam

Hệ phái Khất sĩ ra đời từ năm 1944, do Tổ sư Minh Đăng Quang khai sáng. Ngài hoằng hoá đúng  mười năm thì vắng bóng. Trong thời gian ấy Ngài vừa giảng thuyết vừa biên tập thành một bộ sách, gồm có 69 bài, lấy tên là Chơn lý, làm nền tảng tu học và hành đạo cho Hệ phái Khất sĩ. Trong đó có phần Luật nghi. Từ ngày thành lập đến nay (2006) đã trải qua 62 năm, hệ phái này không ngừng trưởng thành và phát triển, đã đóng góp rất nhiều vào việc hoằng dương Chánh pháp. Do đó nói đến việc xiển dương giới luật ở Việt Nam không thể không đề cập đến giới luật của hệ phái Khất sĩ.

Phần luật nghi này đầu tiên do Tổ sư biên soạn, dựa vào các bộ Việt luật như Tăng đồ nhà Phật của học giả Đoàn Trung Còn, in năm 1934... Về sau Hoà thượng Pháp sư Giác Nhiên có soạn lại và tái bản nhiều lần, in chung trong bộ Chơn lý. Năm Nhâm Tý – PL. 2516, Hoà thượng sửa sai và in kỹ lưỡng kết tập lại thành một cuốn lấy tựa là Luật nghi Khất sĩ.

Trong quyển Luật nghi này, ngoài phần Luật học thuộc về hệ Bắc truyền, Tổ sư có soạn thêm một số bài dành riêng cho Hệ phái Khất sĩ hành trì như  Bài học Khất sĩ, Giáo hội Tăng-già Khất sĩ, Pháp học sa-di II (định), Pháp học sa-di III (tuệ) và 114 điều luật nghi. Phần trọng tâm của quyển luật này vẫn dựa trên luật học thuộc hệ Bắc tông mà soạn ra, nhưng không ghi chú soạn từ bản dịch nào. Như Luật nghi Khất sĩ, Bài học sa-di (gồm Uy nghi, Tỳ-ni nhựt dụng, Mười giới sa-di, không có Văn Cảnh sách). Còn Giới bổn TăngGiới bổn Ni, khi đối chiếu với Tứ phần luật tỳ-kheo-ni trong Tăng đồ nhà Phật thì thấy phần lớn được trích ra từ tác phẩm này. Phần Giới Phật tử, chính là Giới bổn Bồ-tát trong kinh Phạm võng, nhưng cũng không thấy ghi xuất xứ soạn từ bản dịch nào. Như thế Luật nghi Khất sĩ gồm có hai phần: Một phần biên soạn dành riêng cho hệ phái, một phần trích soạn từ các bản giới luật của Bắc tông đã được dịch ra tiếng Việt. Nay xin giới thiệu sơ lược như sau:

A. Luật nghi hành trì riêng của hệ phái

1. Bài học Khất sĩ

Đây là nghi thức cúng dương trong lễ trai Tăng, hay thọ trai mỗi ngày. Sau phần thọ trai và chú nguyện, có một số bài pháp được soạn theo thể văn vần để đọc thêm hay thuyết pháp khi cần.

2. Giáo hội Tăng-già Khất sĩ

Đây là nói về cách thức tổ chức, sinh hoạt và hành trì của hệ phái. Như tổ chức Giáo hội Tăng-già: Một Tiểu Giáo hội Tăng-già là 20 vị sư, một Trung Giáo hội Tăng-già là 100 vị sư, một Đại Giáo hộ Tăng-già là 500 vị sư. Cách thức thâu nhận đệ tử, phép đi khất thực, cách đến nhà cư sĩ, ăn mặc, uy nghi, phòng hộ các giác quan...

3. Các Pháp học sa-di

- Pháp học sa-di I (giới): Nói về giới, còn gọi là Kệ giới. Phần đầu thuyết minh về giới. Phần hai là Mười giới sa-di, được soạn theo nội dung bản biên tập của Luật sư Châu Hoằng. Phần ba lược nêu một số bài pháp, như Tứ y pháp trung đạo, Diệt lòng ham muốn

- Pháp học sa-di II (định): Liệt kê nhiều đề mục thiền định, như 40 đề mục thiền định, chia ra 7 phần:

(1) Mười đề trước mặt: Như dùng đất, nước, gió, lửa… để làm đề mục.

(2) Mười đề tử thi: Như quán tử thi sình lên, rồi chảy mủ, rồi đứt nửa thân mình…

(3) Mười đề niệm niệm: Như tưởng nhớ luôn luôn đến Phật, Pháp, Tăng…

(4) Bốn đề vô lượng tâm: Đó là rải tâm từ, bi, hỷ, xả đến tất cả chúng sanh.

(5) Bốn đề mục Vô sắc: Tức lấy Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ và Phi phi tưởng xứ làm đề mục thiền định.

(6) Một đề mục bất động: Chăm chú suy xét tứ đại trong thân thể.

(7) Một đề tưởng: Tưởng vật thực mình dùng là không sạch.

Thực ra những đề mục ở đây thuộc về tu thiền định, chứ không phải giới luật.

- Pháp học sa-di III (tuệ): Gồm có hai phần: Niết-bàn và Pháp vi tế. Ở đây lược nêu giáo pháp, như tam tụ, lục hoà, tứ diệu đế, mười hai nhân duyên, bát chánh đạo… cũng không phải phần giới luật.

4. 114 Điều luật của Hệ phái khất sĩ

Những  giới cấm này do Tổ sư thiết lập có tính khế cơ khế thời để hành trì trong hệ phái của mình. Nam Khất sĩ và nữ Khất sĩ đều phải học thuộc lòng để hành trì. Khi vi phạm cách trị phạt và sám hối như thế nào không thấy nói rõ, chỉ có điều thứ 1 ghi chú là bị giáng cấp: 1. Cấm tất cả Tăng sư cùng tập sự lớn nhỏ chưa xin phép Giáo hội, không có việ gì khẩn cấp, tự ý ra đi, lén trốn mà đi (phạm bị giáng cấp).

B.Phần chung với giới luật Bắc tông

1. Luật Khất sĩ

Trong đây có hai phần: 1) Nói về luật có bát đất, y vá và cách sử dụng. Nhà sư khất sĩ dựa vào bốn pháp sở y để sinh hoạt. 2) Liệt kê 10 giới sa-di, 8 pháp thuộc Giới bổn tỳ-kheo và 7 phần bồ-đề. Trong đó 7 pháp đầu của Giới bổn tỳ-kheo gọi là bảy lớp lan can báu, bảy cách Diệt trừ tranh chấp gọi là bảy lớp lưới báu và bảy Giác ý gọi là bảy hàng cây báu (Gọi chung là cõi Niết-bàn, được mô tả trong thế giới Cực Lạc của Đức Phật Di-Đà). Cuối cùng là Niết-bàn thời khắc biểu, tức là trú dạ lục thời.

2. Bài học sa-di

Có ba phần:

(1)Mười giới tập sự sa-di

(2) Môn oai nghi

Biên soạn theo nội dung bản của Luật sư Châu Hoằng. Tất cả có 18 bài và cuối cùng là lời kết. So với bản của Ngài Châu Hoằng ít hơn 6 bài, tức bớt 7 bài (1. Kính Đại sa-môn, 2. Nghe pháp và Học kinh điển dồn lại thành một bài Nghe pháp học kinh thứ sáu, 3. Vào tự viện, 4. Vào thiền đường theo chúng, 5. Vây quanh lò bếp, 6. Mua đồ, 7. Danh tướng của y bát. Thêm một bài Tiếp chuyện cùng người thế).

(3) Những câu chú nguyện

Soạn theo Tỳ-ni nhựt dụng thiết yếu, nhưng chỉ giữ lại 19 bài thi kệ trong 45 bài của Luật sư Độc Thể.

3. Giới bổn Tăng

Giới bổn Tăng cũng như Giới bổn Ni được lược trích trong Tăng đồ nhà Phật do Đoàn Trung Còn dịch từ nghi thức tụng giới của Đại đức Đàm-đế (Dharmasatya) soạn năm 254 TL.

Ở đây hầu như chỉ trích tên giới mà không có nội dung của giới thiệu chi tiết. Do đó khi vi phạm đưa ra luận tội phải căn cứ vào các bản luật khác mới xác định được tên tội, loại tội và tuỳ theo mức độ nặng hay nhẹ mà trị phạt và sám hối một cách thích đáng. Sau đây chỉ nêu mỗi pháp một giới để đại biểu:

1) Bốn đại giới “trục xuất

Nếu không tìm hiểu những bộ quảng luật hay những bản sớ giải giới luật thì sẽ không biết khi phạm loại giới này tuỳ trường hợp nặng, nhẹ mà có những hình thức xử phạt khác nhau, từ tội bị trục xuất đến tội đột-cát-la và cho học pháp Ba-la-di (xem Chương II: Sám hối và trị phạt trang 461).

2) Mười ba giới tổn hại Tăng tàn “giáng cấp

Khi phạm giới này thì có hai hình thức trị phạt đều gọi là giáng cấp: 1) Sau khi xem xét thấy mức độ vi phạm đúng là Tăng tàn thì người phạm tội bị giáng cấp từ tỳ-kheo xuống sa-di, hay từ tỳ-kheo-ni xuống thức-xoa. Về sau người phạm tội biết ăn năn hối cải, không vi phạm giới pháp, Tăng sẽ cho thọ đại giới lại hay thông qua yết-ma tuyên bố người phạm tội được phục hồi bản thể tỳ-kheo hay tỳ-kheo-ni. 2) Nếu mức độ vi phạm dưới Tăng tàn thì giáng cấp bằng cách cắt bớt tuổi đạo. Ví dụ người phạm tội đã được mười hạ, bây giờ theo phán quyết của Tăng  chỉ còn năm hạ.

Ví dụ giới thứ 1: Cấm lấy tay làm sự dâm.

3) Hai giới không định

Không ghi cách trị phạt, nhưng người phạm giới này ra giữa Tăng bày tỏ, sau đó Tăng xem xét và có hình thức xử phạt thích đáng tuỳ theo mức độ vi phạm.

Như chúng ta biết trong luật cách định tội của hai giới này, trước tiên phải do vị ưu-bà-di trụ tín nêu lên, rồi được người phạm tội thừa nhận mới xác định được.

Ví dụ giới thứ 1: Cấm ngồi nói chuyện với đàn bà chỗ vắng vẻ đáng nghi ngờ.

4) Ba mươi giới phá sự thanh bần (cấm phòng 6 bữa)

Người vi phạm bị “giam” ở phòng riêng  nhưng có chư Tăng giám sát, để ăn năn sám hối lỗi lầm trong 6 ngày. Trong thời gian ấy không làm việc chấp tác và không được tiếp xúc với người khác. Sau khi mãn hạn người phạm lỗi sẽ ra trình cho Tăng biết là mình đã chấp hành đúng theo luật định.

Ví dụ giới thứ 1: Cấm cất giữ dư chăn áo quá 10 ngày.

Biệt trú và cấm phòng là hình phạt trong nhóm giới Tăng tàn. Tăng đồ nhà Phật  trang 83 giải thích: “Về sự phạm giới mà bị cấm phòng, dù nặng dù nhẹ, cũng là 6 ngày. Nếu phạm mà đi xưng liền, đừng để lâu, thì bị cấm 6 bữa thôi. Còn phạm mà ém lâu ngày, hễ ém mấy ngày thì trước phải bị biệt trú mấy ngày, rồi đến phải bị cấm phòng 6 ngày theo lệ”. Và chú thích: “Cấm phòng là giam cầm ở nơi riêng”. Như vậy ở đây hiểu cấm phòng là bị “giam” còn biệt trú là ở riêng.

Thực ra người phạm loại giới xả đoạ (phá sự thanh bần) phải xả vật chứa dư ra trước Tăng rồi sám hối với một người. Còn phàm tội Tăng tàn thì sau khi hành biệt trú - tức ở phòng riêng nhưng sinh hoạt với chúng Tăng, sau đó hành sáu đêm ma-na-đoả, dịch là ý hỷ hay duyệt ý. Tức trong sáu ngày này tỳ-kheo phạm tội phải hạ mình phục vụ chúng Tăng như một sa-di để cho Tăng chúng được vui và mình được chuộc những lỗi lầm đã phạm khiến được an lạc. Như vậy cấm phòng sáu bữa là cách trị phạt riêng của Hệ phái Khất sĩ đối với người tội phạm xả đoạ.

5) Chín nươi giới hành phạt “quỳ hương”

Người phạm giới này sau khi được cử tội giữa chúng Tăng, tuỳ theo mức độ nặng nhẹ sẽ được Tăng cho quỳ hương nhiều hay ít.

Ví dụ giới thứ 1: Cấm cho rằng phải một việc sái.

Thực ra giới này là “cố ý vọng ngữ”. Về “quỳ hương” là cách phạt riêng của Hệ phái khất sĩ. Trong luật Tứ phần dạy người phạm loại giới này phải sám hối với một tỳ-kheo thanh tịnh.

6) Bốn giới đặc biệt – Xưng tội xả đoạ

Người phạm giới này phải bày tỏ lỗi lầm của mình trước Tăng và xin sám hối thì tội đoạ được tiêu diệt.

Đây là 4 pháp Hối quá, theo luật cổ truyền khi phạm vào một trong bốn giới này thì sám hối với một tỳ-kheo thanh tịnh.

Ví dụ giới thứ 1: Cấm chẳng đau mà ăn đồ ăn của tỳ-kheo xa lạ.

7) Một trăm giới nhỏ phải học “sám hối”

Cách sám hối của một tỳ-kheo hay tỳ-kheo-ni khi phạm giới theo Hệ phái Khất sĩ không có trường hợp sám hối với một tỳ-kheo, một tỳ-kheo-ni hay tự trách tâm, mà phải sám hối với 4 vị trở lên. Trong ngày tụng giới, người phạm giới dù là lỗi nhỏ nhặt cũng phải tỏ bày trước đại chúng và xin sám hối giữa đại chúng, để mọi người cùng biết, cùng học hỏi và rút kinh nghiệm, chứ không được sám hối với một người.

Ví dụ giới thứ 1: Cái chăn phải vận từ nịt lưng tới nửa ống chân, đừng có xăn.

8) Bảy giới hoà giải diệt tránh

Sự thực đây không phải là giới điều mà chỉ là bảy phương pháp diệt trừ tranh chấp xảy ra trong Tăng. Khi có sự bất bình xung đột xảy ra, Tăng phải tìm hiểu nguyên nhân, rồi sử dụng một trong bảy cách để giải quyết tuỳ trường hợp mà có cách sám hối khác nhau chứ không cố định. Thông thường hai bên đương sự đối với nhau mà hối lỗi.

Bảy Giới hoà giải diệt tránh ở đây rất khác với bản trong luật Tứ phần do Phật-đà  Da-xá và Trúc Phật Niệm dịch, nên chép đủ ra đây để tham khảo:

1. Dùng cách tự thuận.

2. Hoặc nói quyết rằng quên.

3. Hoặc mình không biết, không cố ý.

4. Hoặc xin lỗi thành thật mình đã lỡ phạm.

5. Hoặc chuyển lên Giáo hội xem xét cho.

6. Hoặc nhờ thầy quảng đại quyết định cho.

7. Hoặc cùng nhau niệm Phật bỏ qua, khoả lấp như cỏ mới mọc.

4. Giới bổn Ni

Cách biên tập cũng như Giới bổn Tăng, nhưng có thêm phần Tứ y pháp và Bát kính pháp ở trước.

5. Sơ lược về sự hành trì giới luật của Hệ phái khất sĩ

Hệ phái Khất sĩ được thành lập do sự kết hợp hai truyền thống Phật giáo: 1) Hành trì y bát và khất thực thuộc hệ Phật giáo Nam truyền. 2) Ăn chay, học tập và hành trì giới luật theo hệ Phật giáo Bắc truyền. Ngoài phần giới luật chung với Phật giáo Bắc tông còn có phần riêng của hệ phái. Do đó cách thức hành đạo và thực thi giới pháp tất yếu phải có. những nét riêng.

Một người được nhận vào tập sự xuất gia từ hai năm trở lên không có sai phạm và học thuộc Bài học sa-di, gồm có: 1) Môn oai nghi, 2) Mười giới tập sự sa-di, 3) Những câu chú nguyện, thì Bổn sư trình lên Giáo đoàn xin được thọ giới sa-di, thường vào ngày huý kỵ của vị Trưởng đoàn. Sau đó chư Tăng xem xét phẩm hạnh của vị tập sự ấy, nếu thấy được thì chấp thuận, bằng không thì có quyền phủ quyết. Người được chúng Tăng chấp thuận sẽ dự buổi khảo hạch do Giáo đoàn tổ chức, đậu mới được thọ giới sa-di. Khi đã đắp y sa-di thì người tập sự liền được người gọi là sư. Nhưng bên Phật giáo Bắc tông gọi là chú thôi.

Sa-di muốn được thọ giới tỳ-kheo, trước tiên phải do Bổn sư xem xét và trình lên Giáo đoàn. Giáo đoàn lập danh sách trình lên Hệ phái. Sau đó giới tử phải tập trung về Tịnh xá Trung Tâm của hệ phái để an cư mới tiến hành các thủ tục cần thiết để truyền đại giới.

Khi được hai tuổi đạo thì vị tỳ-kheo được phép thâu nhận đệ tử. Đây là luật riêng của hệ phái, và có lẽ chỉ nên áp dụng trong giai đoạn đầu mới mở đạo, vì lúc bấy giờ cần nhân sự để truyền bá giáo pháp của mình. Thực ra một tỳ-kheo mới trải qua hai mùa an cư còn rất non nớt và được gọi là tân tỳ-kheo thì chưa đủ khả năng để tiếp Tăng độ chúng.

Đối với bên Ni thì quá trình học luật và thọ giới cũng tương tự, trước khi thọ giới tỳ-kheo-ni, phải thọ thức-xoa-ma-na được hai năm, nhưng trong Luật nghi Khất sĩ thì không thấy đề cập đến giới pháp của cấp này.

Giới Phật tử, tức giới Bồ-tát, từ buổi đầu hành trì đến nay, không theo một nghi thức trao truyền giới pháp nào, chỉ có cá nhân phát nguyện tự thọ với sự chứng minh của Bổn sư. Và cách thọ này cũng chưa phổ biến và thống nhất. Theo thiển ý đây là điều nên xem xét và bổ sung.

Thông thường lễ thuyết giới - Bồ-tát được cử hành 4 ngày trong tháng vào buổi sáng: Ngày Rằm và 30, tỳ-kheo và tỳ-kheo-ni tụng giới bổn của mình, đôi khi tụng thêm 114 điều luật nghi. Ngày mùng 8 và 23 tụng giới Bồ-tát. Trong 4 ngày này người cư sĩ cũng tập hợp về tịnh xá để trưởng tịnh (bố-tát), tu bát quan trai, cúng dường vật thực cho chúng Tăng và nghe thuyết pháp. Trong 4 ngày này chư Tăng không đi khất thực mà sinh hoạt ở tịnh xá với Phật tử, được gọi là ngày cúng hội (Phật tử tụ hội về tịnh xá tu học và cúng dường Tam bảo). Trong những ngày ấy thức-xoa, sa-di và sa-di-ni cũng tụng giới luật của mình đã thọ.

Sau mùa an cư là ngày tự tứ. Tất cả tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, thức-xoa, sa-di và sa-di-ni trước lễ tự tứ một ngày phải tập trung về tịnh xá trung tâm của giáo đoàn mình để tham dự lễ này. Việc tập trung làm lễ như thế khiến cho mọi thành viên trong giáo đoàn có dịp thân cận nhau, gắn kết với nhau, nhờ đó tổ chức của giáo đoàn được chặt chẽ hơn.

Giới luật của Hệ phái khất sĩ được biên soạn rất giản lược, để dễ học thuộc lòng và hành trì. Mỗi khi đi hành đạo, người Khất sĩ luôn mang theo bên mình quyển Luật nghi để tụng đọc. Xin nhắc lại rằng khi có người phạm giới dù nặng hay nhẹ cũng đều do Tăng xem xét rồi đưa ra hình thức xử phạt, dù sám hối tội đoạ (hành phạt quỳ hương) hay tội đột-cát-la (sám hối), tỳ-kheo hay tỳ-kheo-ni cũng phải sám hối trước Tăng chứ  không sám hối với tỳ-kheo hay tỳ-kheo-ni. Ở đây cho rằng đã là tỳ-kheo hay tỳ-kheo-ni thì bình đẳng theo cấp của mình, nên cá nhân có tội không sám với cá nhân, mà chỉ sám hối với chúng Tăng. Riêng cấp thức-xoa, sa-di và sa-di-ni được cử tội giữa chúng, sau đó về sám hối với bổn sư của mình để được chỉ dạy thêm.

Dù học và hành trì Giới bổn Tứ phần của Đàm-vô-đức bộ, nhưng cách sám hối và trị phạt của Hệ phái khất sĩ có phần khác với Phật giáo Bắc tông, như đã trình bày ở trên.

Tóm lại giới pháp của Hệ phái khất sĩ có hai phần: Phần chung với Bắc tông và phần riêng của hệ phái, được biên soạn rất ngắn gọn có ưu điểm là dễ nhớ dễ học, nhưng khi vi phạm thì rất khó định tội chính xác. Muốn làm tốt việc này, các Luật sư phải tham khảo quảng luật hay các bộ sớ thích giới luật. Do đó mà nhu cầu biên soạn, giải thích Luật nghi Khất sĩ trở nên cần thiết.

Việc kết hợp hai truyền thống Phật giáo để thành lập một Hệ phái là sáng kiến rất độc đáo của Tổ sư. Khi Hệ phái Khất sĩ ra đời được Phật tử và dân chúng đón tiếp một cách nồng nhiệt, bằng chứng hùng hồn nhất là tốc độ phát triển rất nhanh và đến nay vẫn không ngừng lớn mạnh. Nhưng tôn chỉ và mục đích hành đạo buổi đầu chuyên tu để chứng ngộ, không chấp nhận hình thức “học Phật mà hành Nho” để chểnh mảng và theo thời, cũng như việc hành đạo và thực thi giới luật không còn giữ vững tuyên ngôn “Nối truyền Thích-ca chánh pháp” khiến nếp sống thanh bần giải thoát mà Tổ sư đã đề xướng tiếp tục bị xói mòn. Ngài mới 22 tuổi mà sáng lập một Hệ phái, kết hợp được những ưu điểm của hai truyền thống Phật giáo, tổ chức được một Giáo hội vững mạnh, xác lập một hệ thống giới luật, trong đó có tính khế cơ, khế thời, khế lý là một hiện tượng rất kỳ đặc. Thật đáng trân trọng thay!

Trích “Giới luật thiết yếu hội tập” (tập 7), từ trang 82 – 95.