Giới thiệu khóa tu "Bồi dưỡng đạo hạnh" lần 2 do Hệ phái tổ chức

Nhằm thúc đẩy tinh thần tu học và củng cố giới hạnh cho các Sa-di, Thức-xoa-ma-na, Sa-di-ni và tập sự trong Hệ phái, chư Tôn đức Giáo phẩm Hệ phái đã thống nhất mở khóa tu “Bồi dưỡng đạo hạnh” 7 ngày, mỗi năm 2 lần.

1 kmac12

Hình ảnh lưu niệm khóa "Bồi dưỡng đạo hạnh" lần 1

Khóa thứ nhất dự định là từ mùng 2 đến mùng 8 tháng 7 âm lịch năm ngoái - 2015, nhưng vì nhằm lễ tang của Đại lão Hòa thượng Pháp sư Giác Nhiên, nên khóa đầu này bị đình lại. Do đó, khóa thứ nhất được dời đến mùng 6 đến 13 tháng 10 năm Ất Mùi (17 đến 24 - 11 - 2015). Năm nay, như đúng kế hoạch, khóa tu lần 2 được bắt đầu vào tối mùng 1 và kết thúc vào tối mùng 8. Ngày mùng 9, các khóa sinh làm công quả, và chiều mùng 9 bế mạc trong chương trình Tạ pháp Giải hạ của Hạ trường Pháp viện Minh Đăng Quang.

Nội dung học 6 môn tương ứng với 6 ngày và mỗi ngày học hai buổi. Buổi sáng do một vị Hòa thượng hoặc Thượng tọa phụ trách, buổi chiều do một vị Đại đức phụ trách, đáp ứng tầm nhận thức mới xuất gia hoặc trong giai đoạn còn là sa-di:

1. Bài học Khất sĩ và kệ tụng (TT. Giác Nhân & ĐĐ. Minh Điệp phụ trách). Khóa 2 này bài “Kinh Phước thí” được chọn làm bài để triển khai.

2. Chơn lý (HT. Giác Toàn & ĐĐ. Minh Liên). Một số bài như Khất sĩ, Lễ giáo, Nghiệp, Đạo Phật, Khất sĩ, Sợ tội lỗi, và Đi tu. Trong khóa 2 này, Hòa thượng Giác Toàn chia sẻ một số quan điểm tinh yếu trong bộ Chơn lý, theo đó, khích lệ Đại chúng học thuộc lòng và nghiên cứu Chơn lý. Đại đức Minh Liên chia sẻ tổng quan bài “Lễ giáo”.

3. Luật Khất sĩ (HT. Giác Giới phụ trách). Trong khóa 2 này, Hòa thượng chia sẻ về 16 (thập lục) hạnh của một người xuất gia. Thời gian còn lại, quý Đại đức Minh Viên, Minh Khải chia sẻ về truyền thống “Bát đất” và “Y vá” của Hệ phái.

4. Bài học Sa-di (HT. Giác Pháp). Hòa thượng ôn lại bổn phận của một vị Sa-di ngang qua bài “Sa-di thờ thầy” đã học và triển khai bài “Theo thầy ra đi” và “Vào chúng” để khóa sinh am tường và tu học.

5. Từ Kệ giới đến Diệt lòng ham muốn (TT. Giác Minh – GĐ. III & ĐĐ. Giác Nhường). Trong khóa 2 này, TT. Giác Minh chia sẻ tổng quan về tầm quan trọng và nội dung của 2 giới: Cấm sát sanh và Cấm trộm cắp. Đại đức Giác Nhường cũng chia sẻ nội dung trên nhưng mang tính khoa bảng, tìm hiểu nguồn gốc bản văn này được tìm thấy ở đâu trong Hán tạng, để từ đó cho hành giả nhận định về sự dung hóa của Tổ sư về hai truyền thống Phật giáo Nguyên thủy và Đại thừa.

6. Lịch sử (ĐĐ. Giác Phổ & ĐĐ. Giác Phước). Quý Đại đức đã chọn cuộc đời và đạo nghiệp của chư vị đức Thầy và quý Ni trưởng chia sẻ, nhằm ôn lại những nét vàng son trong đạo nghiệp để khơi gợi lòng tôn kính và những tấm gương sáng ngời để Đại chúng noi theo và tu học.

7. ĐĐ. Giác Hoàng phụ trách ngày cuối, kiểm tra tất cả kiến thức đã học và giảng rộng câu hỏi và đáp án.

Một số vị phát tâm trong Ban Quản chúng. Giáo đoàn I: ĐĐ. Minh Viên, ĐĐ. Minh Khải, ĐĐ. Minh Phú. Giáo đoàn II: ĐĐ. Giác Phước. III: ĐĐ. Giác Phổ, ĐĐ. Giác Hoàng, ĐĐ. Giác Nhường. GĐ IV: ĐĐ. Minh Đạo, ĐĐ. Minh Duy, TK. Minh Thái, TK. Minh Thọ. GĐ V: ĐĐ. Giác Quý. GĐ VI: ĐĐ. Minh Điệp và TK. Minh Toàn. Ban Quản chúng Ni gồm: NS. Dũng Liên (Phân đoàn 1 Ni giới GĐ IV), SC. Hảo Liên (Phân đoàn 2 Ni giới GĐ IV), NS. Phấn Liên (Hội chúng cố Ni trưởng Ngân Liên); SC. Hiếu Liên & SC. Tuyền Liên (Ni giới GĐ III). SC. Phước Liên (Ni giới Giáo đoàn I).

Tinh thần tu học của lớp Sa-di và tập sự rất cao độ. Thức dậy từ lúc 3g30 và kết thúc khóa tu học một ngày lúc 21g30, tắt đèn chỉ tịnh lúc 22g00. Mỗi ngày có 2 thời nghe giảng, một thời dò bài hoặc trùng tụng Chơn lý, 2 thời tụng kinh, 2 thời ngồi thiền, một giờ thiền hành. Ấy thế mà khóa sinh của khóa trước lúc nào cũng hoan hỷ và khi kết thúc khóa tu, hầu hết đều hoan hỷ. Đặc biệt các khóa sinh bày tỏ lòng tôn kính đối với ân đức sâu dày của chư Tôn đức Giáo phẩm Hệ phái và các vị trong Ban Quản chúng, đã ngày đêm sát cánh, nâng đỡ từng bước chân của hành giả, nhắc nhở kịp thời những sơ thất.