Giữ mãi tình người

Những hiện tượng sa đọa đạo đức vẫn xảy ra khắp nơi trên thế giới, nhất là trong thời đại ngày nay và Việt Nam cũng không tránh khỏi bị ảnh hưởng xu thế đó. Tình người lắm khi bị quên lãng: lừa dối, phản bội, mưu hại, bạo lực, giết chóc… ngay cả giữa những người có quan hệ mật thiết: cha mẹ, con cái, anh chị em, bè bạn, thầy trò… cũng không có ít người vì ích kỷ, nhỏ nhen, vì tư lợi, vì thù hận quá đáng…

Cái xấu ác thì nhiều nhưng vẫn không nhiều bằng sự hiền thiện. Nếu không thế thì sự hỗn loạn đã phá tan xã hội loài người! Điều quan trọng là chúng ta phải làm sao tăng cường, khích lệ sự hiền thiện để chống cái xấu ác. Được sinh làm người đã là kết quả của hiền thiện. Được sinh làm người và sống chung với nhau đã là kết quả của những nhân duyên từ bao đời. Đức Phật dạy rằng mọi người qua vô số đời sống đã từng là cha mẹ, vợ chồng, anh chị em, bè bạn của nhau. Do đó, lấy tình người làm gốc để giữ gìn, để đối đãi với nhau thì xã hội được an lạc, thế giới hòa bình, gia đình yên vui…

Trước thềm năm Ất Mùi, chúng tôi xin kể lại một truyện Tiền thân của Đức Phật trong Tiểu bộ kinh (Jataka Nikaya), số 206, kể về tình bạn, sự tận tụy vì bạn của một con linh dương (dê núi), một con chim gõ kiến và một con rùa. Truyện kể tình cảm gắn bó của ba con vật, hy sinh, tận tụy bên nhau để cứu nhau chống lại kẻ ác.

Nhân các Tỳ-kheo bàn về việc Đề-bà-đạt-đa âm mưu sát hại Ngài, Đức Phật kể lại câu chuyện thời quá khứ, lúc ấy tiền thân của Đề-bà-đạt-đa cũng đã tìm cách giết hại Ngài.

DeNui-1

Thuở xưa có ba con vật là bạn bè thân thiết của nhau là linh dương, chim gõ kiến và rùa như đã nói trên. Một hôm, có người thợ săn theo dấu linh dương, đặt bẫy thòng lọng bằng các sợi dây, các sợi dây đan kết thành cái lưới. Trời tối, linh dương đi uống nước thì bị mắc bẫy, bèn kêu cứu. Liền đó, chim gõ kiến từ trên cây leo xuống và rùa từ dưới nước bò lên, cả hai tìm cách cứu linh dương. Chim gõ kiến bảo rùa cố cắn đứt cái thòng lọng; còn chim gõ kiến thì lập kế trì hoãn bằng cách tìm đến nhà người thợ săn rình trước cửa. Sáng sớm, khi người thợ săn cầm dao ra khỏi nhà, chim liền kêu lên và lấy cánh vỗ vào miệng anh ta. Người này cho là điềm xấu nên vào nhà một lát rồi lại cầm dao và đi ra cửa sau. Chim đoán được ý định của anh ta nên lại chờ ở cửa sau, bay vào, đập đôi cánh vào miệng anh ta. Anh thợ săn lại cho là điềm xấu, vào nhà nằm chờ cho đến khi mặt trời lên cao mới cầm dao ra đi. Chim liền bay đến báo cho linh dương biết.

Bấy giờ, rùa đã cắn đứt hết các dây da ở túi bẫy, chỉ còn một sợi cuối cùng. Răng ê ẩm, miệng đổ máu. Khi thấy người thợ săn đến gần, linh dương liền giật đứt sợi dây ấy và chạy vào rừng. Chim gõ kiến bay lên đậu trên cây. Rùa quá yếu đành nằm tại chỗ. Người đi săn bắt lấy rùa, bỏ vào cái túi và treo lên một cành cây. Linh dương thấy bạn bị bắt liền giả bờ bị mệt nên dừng lại. Người thợ săn thấy vậy liền cầm dao chạy đến. Linh dương lại chạy tiếp một quãng đường khá xa, rồi theo đường tắt trở lại gỡ cái túi nhốt rùa, làm cho túi rơi xuống và phá bỏ nó cho rùa thoát ra.

Thế là ba bạn càng thương, càng hiểu nhau hơn. Ai cũng đã chứng tỏ mình đã cố gắng cứu bạn, biết hợp sức, biết hành động đúng đắn, dám hy sinh thân mình vì bạn. Tình bạn do đó càng thêm thắm thiết.

Đức Phật nhận diện bổn sanh: Trong một tiền kiếp chim gõ kiến là Tôn giả Xá-lợi-phất, rùa là Tôn giả Mục-kiền-liên, người thợ săn là Đề-bà-đạt-đa, còn linh dương chính là Ngài.

Do nhân duyên hội tụ, trong nhiều đời sống quá khứ và trong thời Đức Phật, Tôn giả Xá-lợi-phất và Tôn giả Mục-kiền-liên đã cùng gia nhập giáo đoàn của Đức Phật. Đề-bà-đạt-đa là em họ của Đức Phật, cũng gia nhập giáo đoàn, thông minh, có được một số thần thông, được nhiều Tỳ-kheo trọng vọng, nhưng sau đó lại ham danh lợi, muốn chiếm ngôi vị lãnh đạo của Đức Phật, cấu kết với vua A-xà-thế, vua nghe theo trong việc giết vua cha là Tần-bà-sa-la, tìm cách ám hại Phật. Đề-bà-đạt-đa xúi giục vua, cho các cung thủ bắn vào Đức Phật, cho voi dữ đến giày xéo Ngài. Đề-bà-đạt-đa lại còn tự tay lăn đá để giết Phật. Tất cả những âm mưu ấy đều thất bại do oai lực, từ bi của Đức Phật. Đề-bà-đạt-đa còn thuyết phục dẫn 500 Tỳ-kheo, tách giáo đoàn của Đức Phật để lập giáo đoàn riêng do ông ta lãnh đạo. Sự việc này cũng đưa đến thất bại vì hai vị Tôn giả Trưởng đệ tử của Đức Phật là Xá-lợi-phất và Đại Mục-kiền-liên tự thân đến thuyết phục các Tỳ-kheo lầm lỡ kia quay về với Đức Phật.

Tôn giả Xá-lợi-phất và Tôn giả Mục-kiền-liên là đôi bạn thân từ thuở nhỏ, hai gia đình gắn kết với nhau đã 30 thế hệ, đều là gia đình danh giá, giàu sang, nổi tiếng khắp vùng. Cả hai vị đều rất thông tuệ, đều muốn tìm thầy để tu học, tìm chân lý đưa đến bất tử. Sau khi gia nhập giáo đoàn của Đức Phật không lâu, hai vị đều đắc A-la-hán, và trở thành Trưởng đệ tử của Đức Phật. Ngài Xá-lợi-phất được Phật ban danh hiệu Chánh pháp tướng quân. Cả hai đều là giáo thọ, là ân nhân, là bạn của các Tỳ-kheo, giúp họ đạt Thánh quả. Kinh điển Phật giáo thường nhắc đến hai vị Đại đệ tử này, xem là gương mẫu cho các đệ tử của Đức Phật. Điều nổi rõ ở hai vị là trí tuệ, thần thông, tình cảm chân thật với mọi người, khiêm tốn, nhẫn nại, dũng cảm. Sinh cùng ngày, viên tịch cách nhau chỉ vài ngày, tình bè bạn giữa hai vị không ai sánh kịp, xá-lợi của hai vị được thờ chung ở các tháp. Trong mười ngôi linh tháp ở Sanchi - Ấn Độ, ngôi tháp thứ ba chứa xá-lợi của hai Tôn giả. Sau đó xá-lợi được chia cho Miến Điện, Tích Lan và được thờ trong linh tháp của hai quốc gia này.

Kinh điển (các bộ Nikaya, Luật tạng, Đại sử…) đều ghi chép rất nhiều về hai Tôn giả và cả Đề-bà-đạt-đa nữa. Trong truyện Tiền thân của Đức Phật (Jataka), Tôn giả Xá-lợi-phất, Tôn giả Mục-kiền-liên và Đề-bà-đạt-đa xuất hiện khá nhiều. Đặc biệt, hai vị Trưởng đệ tử của Đức Phật mỗi vị đã xuất hiện ở không dưới 20 truyện Tiền thân của Đức Phật. Đề-bà-đạt-đa vẫn xuất hiện như nhân vật xấu ác, hai vị Trưởng đệ tử xuất hiện như là biểu hiện của trí tuệ, hiền thiện.

Trở lại câu chuyện trên, Tiền thân Kurungamiga, số 206 trong truyện Tiền thân của Đức Phật hay còn gọi là kinh Bổn sanh (Jataka Nikaya), chúng ta thấy điểm nổi bật của truyện là tình bạn của ba nhân vật đã đề cập, ngoài ra truyện còn có những gợi ý quan trọng:

Linh dương, tiền thân của Bồ-tát (tức Đức Phật khi chưa thành đạo), do tiền nghiệp, làm thân linh dương, bị mắc bẫy những vẫn có trí tuệ, vẫn là nhân vật hiền thiện, can đảm, biết hy sinh vì bạn. Linh dương quay trở lại cứu bạn biểu hiện cho từ bi, cứu khổ; dẫn dụ người thợ săn đuổi theo, rồi quay về theo đường tắt để cứu bạn là biểu hiện của sự dũng lược và trí tuệ. Chim gõ kiến (tiền thân của Tôn giả Xá-lợi-phất) bày mưu với rùa để giải cứu linh dương, tìm cách hoãn người thợ săn ra khám bẫy cũng biểu hiện cho trí tuệ. Rùa (tiền thân của Tôn giả Mục-kiền-liên) cố gắng cắn đứt các dây của bẫy đến ê răng, miệng đổ máu rồi đuối sức là biểu hiện cho sự tinh tấn, nỗ lực và nhẫn nại. Người thợ săn (tiền thân của Đề-bà-đạt-đa) là đại diện của cái ác, quyết hại người vì mong đạt lợi cho mình; thủ đoạn giết hại linh dương vẫn đeo đuổi qua nhiều kiếp sống và vẫn tồn tại đến thời Đức Phật để tìm cách giết hại Ngài.

Từ ba nhân vật linh dương, chim gõ kiến và rùa, ta có thể từ tình bạn mà suy rộng ra tình người. Con người không chỉ là bè bạn, mà như lời Phật đã nêu trên, ai ai cũng từng có liên hệ mật thiết với nhau trong vô số tiền kiếp, nên cần thương yêu, giúp đỡ, tạo hạnh phúc cho nhau. Những nhân tố thiện biết kết hợp với nhau thì sẽ loại trừ được các nhân tố ác. Thiện bao giờ cũng thắng ác, nhưng cái thắng nhanh hay chậm, dễ hay khó thì tùy vào sự quyết tâm của chúng ta thực hiện lời Phật dạy, “Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành”.

Trăm năm được thọ thân người

Ngàn năm đẹp mãi nụ cười thân thương.