Góc nhìn từ một khóa tu

 Đuốc Sen: Hoà thượng Giác Dũng (Trưởng Giáo đoàn III) là một bậc chân tu, đạo hạnh trong hệ phái Khất Sĩ. Mặc dù, Hoà thượng chuyên tâm tu tập thiền định và hướng đến phát triển tuệ giác, tuỳ duyên hóa độ chúng sanh, nhưng Hòa thượng lại được sự tín cẩn của giới Phật giáo cũng như các cơ quan chức năng, nên Hòa thượng đã từng được cử làm Trưởng ban Trị sự Phật giáo tỉnh Đak Lak 2 nhiệm kỳ và hiện nay là Uỷ viên Hội đồng Trị sự Trung ương GHPGVN, Chứng minh Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Dak Lak. Hoà thượng đang trụ trì tại Tịnh xá Ngọc Quang, TP. Ban Mê Thuột, tỉnh Đak Lak.

Được biết Hoà thượng tham gia khoá tu lần 2 do Hệ phái tổ chức tại Tịnh xá Trúc Lâm - Tân Hà - Hàm Tân - Bình Thuận và đã bày tỏ niềm hoan hỷ khi chuyện vãn với Đại chúng. Đuốc Sen xin kính thỉnh cách nhìn của Hoà thượng về đường hướng tổ chức, pháp môn tu tập của Hệ phái và những thành tựu của tổ chức khoá tu này.

*********

Kính bạch Hoà thượng, Hoà thượng suy nghĩ như thế nào về đường hướng và mô hình khoá tu Giới Định Tuệ này? Nó có đi trái với đường hướng của Khất Sĩ không?

Thiết nghĩ rằng, chư Tôn đức Hệ phái thật sáng suốt hoạch định đường hướng tu tập theo mô hình GIỚI ĐỊNH TUỆ. Giả như đức Tổ sư Minh Đăng Quang còn tại thế, chắc chắn Ngài cũng tổ chức những khoá bồi dưỡng, tu tập rốt ráo cho chư Tăng. Ngay hồi sanh tiền, Ngài cùng với chư Tăng du phương sống đời sống viễn ly và thực hành rốt ráo Giới Định Tuệ mà chúng ta ngày nay đang cố gắng làm theo. Chủ trương và mô hình đó không có gì là lạ. Chư Tăng “tập sống chung tu học” là tôn ý của đức Tổ sư. Tôi được biết một số tổ chức Phật giáo thế giới đã và đang thực hiện những mô hình tương tự, có khác chăng là thời gian tịnh tu và pháp môn hành trì, còn về mục tiêu thì tổ chức nào cũng nhắm đến giải thoát, giác ngộ hoặc tái sanh về Tây phương Tịnh độ.

Tham dự khoá tu, Hoà thượng cảm thấy như thế nào?

Tôi thật sự hoan hỷ khi tham dự khoá tu. Vì chư Tăng rất hoà hợp, hoà hợp như nước với sữa, lấy tâm người làm tâm của mình, khác rất nhiều so với đời sống của một Tăng sĩ tại trụ xứ. Tôi nghĩ rằng, ai đã từng tham dự khoá tu đều đồng cảm nhận như tôi. Trong hội chúng, tuy có một số tân Tỳ-kheo, công phu tu tập chưa thật sự vững vàng, nhưng với sức tinh tấn hành trì và tinh thần cầu học là điều mà tôi vô cùng hoan hỷ. Vì chính sự tinh tấn và tinh thần cầu pháp đó chắc chắn sẽ giúp hành giả vượt qua yếu đuối của mình và có khả năng hoà nhập được với đại chúng. Đây là điều vô cùng quan trọng đối với hành giả trên đường tu tập. Nếu không có tinh thần cầu tiến và tinh thần cầu học, hành giả dễ dàng rơi vào tình trạng bằng lòng hoặc chai lì với những thành tựu nhỏ nhoi mà mình đã đạt được. Nên mỗi lần nhìn thấy đại chúng vân tập đúng giờ, lặng lẽ nghiêm trang thiền hành, thiền toạ hoặc nhiệt huyết khi chia sẻ đạo lý, kinh nghiệm hành trì, nhưng cũng rất trầm tĩnh trong cách nói, làm cho tôi khởi lên niềm hoan hỷ lớn.

Xin Hoà thượng cho biết thêm ý kiến về cách bố trí, cắt đặt công việc của tịnh xá Trúc Lâm đối với khoá tu.

Cách bố trí, cắt đặt công việc của TT. Giác Minh và ĐĐ. Giác Phước dưới sự chỉ đạo tổng quát của HT. Giác Thanh (Trưởng Giáo đoàn II) và chư Tôn đức trong giáo đoàn II như vậy, rất là tốt đẹp. Kẻng báo thức cho đại chúng thức dậy lúc 3.30, nhưng các chú tập sự, thị giả hầu như đều thức dậy trước giờ đó và đã làm những công tác như xách nước, châm thêm nước nóng, v.v… cho chư Tôn đức. Sau những giờ thiền hành là giờ thiền toạ, thiền đàm, sám hối, v.v… và do tính đặc thù của cơ sở hạ tầng, có khi tu cùng một địa điểm, có khi lại thay đổi, nhưng ai ai cũng thấy sự chu đáo trọn vẹn của chư vị trong Tịnh xá. Sự lo lắng và thành kính làm cho chư Tôn đức đều cảm động. Cảm động không phải vì các vị phục vụ cho mình hoặc phục vụ cho những vị đang tu, mà cảm động vì tuổi trẻ, tuổi ăn, tuổi ngủ, tuổi chơi, cái tuổi mà thế gian vẫn thường nói là “ăn chưa no lo chưa tới”, ấy thế mà các chú bỏ tục xuất gia, lo công việc được giao để lập công bồi đức, thân cận bậc hiền trí. Chúng tôi biết có những vị xuất gia vì thức khuya dậy sớm cực khổ như vậy mà bỏ cả tu, hoàn tục. Riêng đối với các vị Sa-di, tập sự có những nết hạnh và tinh tấn như vậy, không đáng khen sao được. Không phải riêng tôi, mà chư Tôn đức đều khen ngợi cả. Ngoài ra, những thời điểm tâm, độ ngọ, v.v… chư Tăng đều chuẩn bị thực phẩm đúng thời gian biểu. Mặc dù, đôi lúc địa điểm tu tập và thiền đường chỉ có một chỗ và được nghỉ chỉ trong 15 phút, ấy thế mà mọi việc đâu vào đấy cả. Tôi thật sự tán thán tấm lòng thành tín của cư sĩ và chư Tăng ngoại hộ. Các đạo tràng đều có chư Tăng, Phật tử thuần thành và nhiệt huyết như vậy, chắc chắn đạo tràng đó sẽ được hưng thịnh và đời sống sẽ được nhiều an lạc.

Với tư cách là Giám luật của khoá tu, Hoà thượng có nhận xét gì về đời sống phạm hạnh của chư Tăng tham dự?

Nhìn chung, chư Tăng về tham dự khoá tu đều đã có thái độ sẵn sàng, năng nỗ tu tập và đều thấy được tầm quan trọng của Giới luật. Chư Tôn đức trong Ban tổ chức đã xây dựng thời khoá biểu rất khoa học, rất đúng với tinh thần tu tập Giới Định Tuệ. Mỗi tối từ 8 – 9 giờ là giờ đối thú sám hối hoặc sám hối trước đại chúng về những oai nghi, hạnh kiểm còn bị sơ xuất trong ngày, hoặc những vọng động của thân khẩu ý, hoặc những điều có thể gây ảnh hưởng chung đến tinh thần tu học của một vài vị hoặc đại chúng, đều có thể phát lồ sám hối trước đại chúng. Việc sám hối như vậy giúp hành giả phát triển được tâm sợ người khác quở trách và ghê sợ tội lỗi, nhờ thế hành giả câu thúc lục căn hơn, đồng thời cũng phát triển chánh niệm hơn. Đặc biệt, vào những giờ phút thiêng liêng đó, Hoà thượng Thiền chủ đã từ bi khai thị, khích lệ làm cho những vị sơ xuất cảm thấy hoan hỷ và tâm được an tịnh sau khi nghe những lời khai thị hoặc khích lệ đó. Tôi nghĩ rằng, giả như tịnh xá nào, ngày nào cũng làm được điều này thì chắc chắn chư Tăng không có nội kết, não phiền mà ngược lại đời sống sẽ thảnh thơi, an vui hơn và Tăng già sẽ sống đúng tinh thần lục hoà cộng trụ hơn.

Bạch Hoà thượng, nếu Hoà thượng thấy lợi ích như vậy, sao lại không đề xuất cách phát lồ ấy mỗi ngày trong các tịnh xá?

Vẫn biết là vậy nhưng đâu phải dễ. Cách phát lồ ấy chỉ có thể áp dụng triệt để trong khoá tu, khi chư Tăng đều canh cánh bên lòng ý muốn giới được thanh tịnh, tâm được thanh tịnh. Còn đời sống tại các trú xứ, thực tế mà nói, làm sao bằng đời sống trong những ngày tịnh tu như vậy. Với lại, trong giới luật thiền môn, một khi chư Tăng vi phạm những lỗi dù nhỏ nhặt, cũng phải tác pháp sám hối với thầy hoặc với vị sư huynh đệ để tiêu trừ tội nghiệp trong thời gian sớm nhất, bất kể đó là ngày hay đêm. Tuy nhiên, truyền thống tốt đẹp đó không phải nơi nào cũng giữ được. Hiện nay, chỉ có một số tự viện, tịnh xá có vị Hoà thượng, Thượng toạ, Đại đức nào theo truyền thống xưa và rất tha thiết tu hành và dạy bảo Tăng chúng có phương pháp, mới có thể thực hiện được. Phần lớn còn lại, chư Tăng chỉ sám hối hoặc cầu sự chỉ dạy vào những ngày tụng giới, đôi chỗ chỉ tụng giới theo nghi thức, còn việc phát lồ sám hối thực sự không còn nữa. Chính vì lẽ đó mà hành giả tu tập tâm định càng ngày càng trở nên khó khăn hơn. Chúng ta thật hạnh phúc và hoan hỷ khi được dự trong hội chúng có tàm, có úy và biết phát lồ ăn năn. Sự thành khẩn chân thành phát lồ ấy được xây dựng trong tinh thần hoà hợp, thông cảm và tha thứ, giúp ích chúng ta thật nhiều, tạo dưỡng chất cho sinh mạng Tăng đoàn. Những trú xứ nào có điều kiện thực hiện được như vậy thì hãy cố gắng, chắc chắn đời sống phạm hạnh sẽ được củng cố, tâm thanh tịnh sẽ được thành tựu dễ dàng hơn. Được như vậy thì chúng ta thành tựu được phần đầu của lộ trình tu, đó là Giới thanh tịnh. Từ Giới thanh tịnh, chúng ta mới có thể tiến tới Tâm thanh tịnh và tiến tới Tri kiến thanh tịnh.

Vào những giờ chia sẻ kinh nghiệm tu tập trong ngày (thiền đàm) nhằm tháo gỡ những vướng mắc về nhận thức và hành trì trong khoá tu, Hoà thượng thấy giờ ấy như thế nào?

Rất đúng với tinh thần của Tổ sư: “Cái biết là phải học chung” và học cả cỏ cây, thú, người, trời, Phật nên không có gì lạ khi chư vị Hoà thượng, dẫu là những bậc đạo cao đức trọng đi chăng nữa cũng có thể ngồi lặng yên nghe chư thượng toạ, đại đức hoặc các sư trình bày đạo lý theo cách hiểu của các sư, thông qua đó mình có thể học hỏi điều chi đó. Với lại, nếu biết khéo lắng nghe các sư trình bày kinh nghiệm tu học của mình (dù là kinh nghiệm đúng lộ trình tu giải thoát hoặc là những kinh nghiệm có thể dẫn đến sai lạc), chúng ta có thể tu tập ngay vào thời điểm đó. Vì thông thường, khi nghe ai nói điều gì trái tai hoặc không hợp nhĩ căn, chúng ta liền phản ứng, chống đối. Trong trường hợp đang thực tập chánh niệm, đang tu tập, chúng ta có thể tập hạnh kiên nhẫn, khéo lắng nghe và canh chừng tâm của mình, không để tâm phản ứng của mình được biểu hiện thông qua lời nói hoặc những thái độ phản ứng thiếu tế nhị. Nếu tâm phản ứng chống lại hoặc không hoan hỷ với những lời chia sẻ đạo lý của người khác xuất hiện, chúng ta có thể nhận thức chúng và điều phục chúng ngay lúc bấy giờ. Đó là tập tu trong khi nghe. Huống chi, chư Tăng từ 6 giáo đoàn câu hội về tu học chung, nhiều vị có kiến giải và nhận thức rất quý về con đường mình đang đi, hoặc những kinh nghiệm tự thân đã hành trì, hoặc những lời dạy của các thiền sư ở nước ngoài về cách giải quyết vấn đề liên hệ đến thiền định, thiền tuệ. Do đó, việc chia sẻ kinh nghiệm tu tập vào những giờ thiền đàm là vô cùng hữu ích và cần kíp đối với tất cả hành giả, nên tôi thấy việc trao đổi và chia sẻ ấy là cần thiết, nên duy trì.

Khi tu tập tại Trúc Lâm, chư Tăng đoàn II đã chuẩn bị các mùng ngồi thiền mua từ Thái Lan về, Hoà thượng thấy như thế nào?

Tôi rất hoan hỷ và tán thán quý Hoà thượng, Thượng toạ đoàn II và đặc biệt là ĐĐ. Giác Phước đã chuẩn bị rất chu đáo cho khoá tu. Tịnh xá Trúc Lâm ở Tân Hà – Hàm Tân – Bình Thuận vào mùa thu là mùa ẩm thấp và tịnh xá có nhiều cây, nên muỗi hơi nhiều, nếu không chuẩn bị các phương tiện ấy để hành thiền thì việc tu tập chắc chắn không thể có kết quả tốt. Mùng được mua từ Thái Lan về, chúng tôi biết đó là sự cố gắng rất lớn của TT. Giác Minh và ĐĐ. Giác Phước, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tu tập. Một số hành giả cho rằng khi ngồi vào trong các mùng ấy thì các vị có cảm giác khó thở vì thiếu oxy hoặc là do mùi mới của mùng, nhưng đại đa số đều hoan hỷ, thích thú khi sử dụng phương tiện này khi thiền toạ vào những giờ buổi tối hoặc buổi sáng. Riêng bản thân tôi, việc ngồi trong mùng đó không trở ngại gì cho việc hành thiền. Nhân đây, tôi muốn chia sẻ thêm kinh nghiệm khi thiền tập gặp những chướng ngại về môi trường, thời tiết hoặc những vật dụng trong đời sống hàng ngày. Một số hành giả khi gặp những việc vừa nêu trên lập tức cảm thấy khó chịu, bởi vì hàng ngày sống theo thói quen thị hiếu của mình, đến khi gặp cảnh ngược lại với tập khí, thói quen mình đã làm, đã sống, liền cảm thấy khó chịu. Tôi nghĩ, đó là cơ hội tốt để mình quán sát tâm phản ứng của mình và cảm giác sinh khởi trên thân của ta ra sao để kinh nghiệm được cảm thọ đang sinh diệt ngay trên thân của chúng ta. Cho nên, là một hành giả tốt, không có môi trường nào là tu không được, chỉ có tâm chúng ta không chịu tu mà thôi.

Khi thiền hành trong lối đi dưới bóng những tàng cây xà cừ, cây tràm, Hoà thượng thấy như thế nào?

Đi trong lối thiền hành được quy hoạch ở Tịnh xá Trúc Lâm là điều khá đặc biệt. Trên 500 ngôi tịnh xá trong toàn quốc, nhưng mấy ngôi tịnh xá thiết kế con đường thiền hành dành cho chư Tăng. Dĩ nhiên, mỗi tịnh xá có những nét hay riêng và tuỳ thuộc vào diện tích của tịnh xá nữa. Con đường thiền hành ấy quả thật là đẹp và rất yên tĩnh, vì nó nằm lẫn khuất trong khu vực dành cho chư Tăng. Sau những giờ ngồi thiền, hành giả có thể thay đổi oai nghi để máu huyết lưu thông, cân bằng cơ năng sinh học. Trong kinh điển kể những câu chuyện như có hành giả không thiền toạ được vì tuổi già, xương cứng, nhưng cũng có thể đạt được tâm định, chứng đắc các tầng tuệ siêu cấp, để từ đó chứng đạt quả vị giải thoát rốt ráo. Nên việc tu thiền hoặc phát triển tâm định, không nhất thiết phải thiền toạ 100% mà có thể tu tập trong các oai nghi khác. Điều đó rất tương ưng với lời dạy của đức Phật là hãy tu tập, phát triển chánh niệm, tỉnh giác trong bốn oai nghi là đi, đứng, nằm, ngồi và trong các tiểu oai nghi như khi co tay, khi duỗi tay, khi mặc áo, ăn cơm, … khi bước tới, khi bước lui, v.v… Thông qua thời khoá biểu của khoá tu, chúng ta thấy Ban tổ chức đã phân bổ thời lượng rất phù hợp với thiền toạ, thiền hành cũng như các mục tiêu khác để làm cho tâm thanh tịnh, phát triển chánh niệm, tỉnh giác trong mọi oai nghi, trong mọi sinh hoạt trong đời sống hàng ngày.

Cách khất thực nhận cơm trong tịnh xá như vậy, Hoà thượng có nhận xét gì?

Khất thực như vậy cũng không có gì lạ. Thay vì Phật tử dọn cơm sẵn và chư Tăng sẽ lên trai đường chứng minh như thường thấy trong các đạo tràng, thì ở đây Ban tổ chức đã theo mô hình do Ban tổ chức khoá tu ở Tổ đình Ngọc Viên đề nghị, tức là một nửa dọn sẵn và một nửa sẽ được chư Tăng đích thân đi thọ nhận từ tay người cư sĩ. Cách thức này vừa lợi ích cho cư sĩ mà cũng lợi ích cho hàng xuất gia. Hàng cư sĩ sẽ được đích thân quan sát, chiêm ngưỡng, tác bạch và tự tay sớt cơm vào bát hay là dâng thực phẩm đến chư Tôn đức, và chắc chắn là Phật tử rất sung sướng và tín tâm càng thêm tăng trưởng khi làm việc ấy. Việc sớt bát đó kéo dài khoảng 30 phút cho mỗi bữa như vậy, khiến tâm hoan hỷ của Phật tử được kéo dài tương ứng với thời lượng đang làm thiện sự hoặc có thể còn hơn nữa. Theo lời Phật dạy, nếu người cúng thí mà mạng chung, Phật tử ấy với tâm hoan hỷ do công đức đã tạo được, ngay lúc ấy có thể tái sanh vào thiên giới. Còn chư Tăng được đi khất thực theo thứ lớp như vậy là một cơ hội để thực tập chánh niệm trong khi hoá duyên và ôn lại bài học Khất Sĩ của mình là “học trò khó xin ăn tu học”, nhờ thế mà ngã mạn, cống cao do thói quen hằng ngày cơm nước được cung phụng được giảm thiểu hoặc triệt tiêu. Đó cũng là cách chư Tăng sống với chánh mạng đã được đức Phật khuyến khích.

Hoà thượng có nghĩ rằng đây là mô hình đáng được khuyến khích đối với mọi hành giả không?

Sao lại không? Khoá tu như vậy chỉ là mô hình kiểu mẫu để cho những vị muốn tu tập và tổ chức khoá tu biết đường hướng và cách thức tổ chức để vừa làm lợi mình, vừa làm lợi người. Bảy ngày trôi qua nhanh quá. Nó không là gì đối với thời gian vô tận và cũng chẳng là gì đối với thời gian 70, 80 năm hoặc 100 năm. Chúng tôi tha thiết tất cả chư Tăng trong hệ phái Khất Sĩ hãy sắp xếp công việc trú xứ một lần để tham dự trọn vẹn khoá thiền, dầu chỉ là một khoá, cũng đủ để khêu lên nguồn cảm hứng đối với việc hành trì giáo pháp và cảm nhận sâu sắc tinh thần sống chung tu học của Tăng già, cũng như cảm nhận ân đức cao cả của đức Thế Tôn. Tôi thật sự cảm khái lời dạy của Đức Phật trong kinh Pháp Cú: Dầu sống một trăm năm / Ác giới không thiền định / Không bằng sống một ngày / Trì giới tu thiền định. Mong rằng chư Tôn đức Tăng Ni hãy vì sự xuất ly sanh tử, vì sự giải thoát khỏi phiền não, vì sự giác ngộ giải thoát tối thượng mà tu tập GIỚI ĐỊNH TUỆ để tự thân thành tựu được mục đích cứu cánh của mình.

Chúng con còn rất nhiều điều để kính thỉnh ý của Hoà thượng, nhưng chúng con xin phép tạm dừng nơi đây. Kính chúc Hoà thượng an khương, đạo thọ diên trường, tuệ đăng thường chiếu, phổ độ quần sanh.