Gửi em trước ngày thi đại học!

 6Em thân!

Mấy ngày này, sau một ngày hối hả nước rút với bài vở, sách đèn em lại về với Tịnh xá, lại đến trước Phật thành kính chắp tay nguyện cầu. Anh thấy vui vì thấy được quyết tâm rất cao của em và hạnh phúc vì lúc nào em đặt trọn niềm tin nơi Tam Bảo.

Em biết không, từ rất lâu cầu nguyện đã trở thành một hoạt động tinh thần của loài người. Hình ảnh một người cung kính chắp tay, chí thành gửi trọn những mong mỏi, ước ao đến với thượng đế hoặc những thần linh hay các vị giáo chủ của một tôn giáo nào đó đã trở nên vô cùng quen thuộc. Bởi lẽ, trong con người chúng ta luôn tồn tại nỗi lo lắng về những thứ không như ý sẽ diễn ra, sợ hãi những điều bất toại nguyện sẽ xảy đến. Để rồi chúng ta đánh mất niềm tin nơi tự thân và dần biến mình thành những sinh vật nhỏ bé phải đến bên nương tựa, van nài các đấng thần linh, những vị có năng lực siêu nhiên, nhũ lòng xót và giúp đỡ những khát khao của ta sẽ diễn ra đúng như ý muốn. Đó là lý do vì sao mà từ thời đức Phật chí cho đến ngày nay, giai cấp Bà-la-môn luôn là giai cấp đầu tiên trong bốn giai cấp của xã hội Ấn Độ; hay như ở Hy Lạp cách đây gần 27 thế kỷ, các chiến binh thuộc quân đội Sparta dù vô cùng tinh nhuệ, thiện chiến nhưng trước khi giao tranh với quân Ba-tư, vua Leonidas vẫn phải đến nhờ các nhà tiên tri chuyển lời ước nguyện khải hoàn của ông đến với thượng đế. Và vô cùng bất ngờ khi biết rằng, trong quân đội Mỹ, quốc gia hàng đầu về quân sự, lại có sự hiện diện của nhiều tu sĩ từ nhiều tôn giáo. Họ lãnh lương quân nhân không phải để cầm súng chiến đấu mà để phục vụ nhu cầu tâm linh, tư vấn tôn giáo, hướng dẫn nguyện cầu cho các binh sỹ trong suốt thời gian tập luyện và chiến đấu. Như vậy em thấy, từ cổ chí kim, từ đông sang tây, trong bất kỳ tôn giáo hay truyền thống tâm linh nào, hình thức nguyện cầu cũng luôn có mặt.

Đạo Phật của chúng ta cũng không khác, chúng ta cũng có cầu nguyện. Nhưng cầu nguyện trong Phật giáo khác lắm so với các tôn giáo khác, ý nghĩa cầu nguyện trong Phật giáo rất thiết thực, rất tích cực mà anh không dám chắc rằng em đã hiểu hết.

Cầu nguyện tiếng Pāli là “patthanā”, có nghĩa là nguyện ước, mong cầu, là một trạng thái tâm lý mong mỏi một điều gì đó sẽ được thực hiện, sẽ được thành tựu hay diễn ra theo chủ ý của người mong đợi. Nó phản ánh một thái độ mong chờ một sự kiện diễn ra theo chủ ý của người có ước mong. Tuy nhiên, ước mong của người cầu nguyện xuất phát từ tư lợi, tư hữu, hướng đến thỏa mãn cho cái ta và cái ta sở hữu thì hình thức cầu nguyện này không đúng với tinh thần cầu nguyện trong Phật giáo. Trong tinh thần cầu nguyện của nhà Phật không có sự hiện diện của tâm “tham”.

Với riêng anh, từ “cầu nguyện” là một từ ghép và ta nên hiểu cho thấu đáo thế nào là “cầu” và thế nào là “nguyện”.

Cầu được hiểu là ước muốn, mong cầu thành tựu một điều gì đó mà tự thân chúng ta chúng ta cảm giác không đủ khả năng hiện thực hóa ước mong ấy. Chúng ta cần một sự giúp đỡ, một sự trợ duyên từ bên ngoài để mong ước của ta thành hiện thực. Mà như em bây giờ là đang cầu mong chư Phật, chư Bồ-tát và gia hộ. Từ góc độ nhà Phật, hành động này được xem là hành động nương nhờ vào tha lực, nghĩa là nhờ các năng lực bên ngoài em trợ giúp cho em. Em cảm giác thiếu tự tin nơi chính mình, em lo sợ cho ước mong khó thành hiện thực. Em thành khẩn cầu xin chư Phật, chư Bồ-tát hiểu được tâm nguyện của em. Anh rất vui vì điều này, bởi chư Phật với lòng từ bi bao la sẵn sàng chứng tri cho lòng thành kính và những ước mơ tốt đẹp của em. Chư Bồ-tát chắc chắn sẽ trợ duyên cho em. Anh khẳng định điều ấy. Vì những Bồ-tát hướng đến Phật quả đang thực hành 10 pháp pāramitā gồm: bố thí, trì giới, xuất gia, trí tuệ, tinh tấn, nhẫn nại, chân thật, quyết định, tâm từ, tâm xả. Như vậy, xuất phát từ tâm từ và hạnh nguyện đầu tiên là bố thí, chư vị sẵn sàng giúp đỡ em, gia hộ em, bố thí cho các em sự vô úy. Nghĩa là sự không sợ hãi để em thêm định tĩnh, sáng suốt, thêm tự tin nơi tự thân của em hơn. Và em biết không, mỗi ngày em đến Tịnh xá, em thưa với các Sư những thắc mắc của mình, bày tỏ với các Sư những tâm tư cùng những lo lắng của em trước ngày vào phòng thi. Em được các Sư lắng nghe, được các Sư chia sẻ, giải bày. Bằng kinh nghiệm tu học theo lời Phật dạy, các Sư giảng giải cho em, tháo gỡ, khuyến khích cho em. Như vậy, việc các Sư giúp đỡ em cũng được xem là một tha lực đối với em nữa.

Nhưng em nên hiểu rằng, đức Phật không chỉ nói tha lực mà thôi. Tha lực không phải là duy nhất, không phải là tất cả. Anh nghĩ đây là điều làm Phật giáo khác với các tôn giáo khác và vượt xa hơn nhiều tôn giáo khác. Bởi vì em không làm gì, em không vun bồi cho ước mơ của em, em không thực hiện ước mơ của em mà chỉ cầu nguyện suông và mong mỏi vào tha lực nào đó giúp ước mơ sớm thành hiện thực thì điều này mâu thuẫn với lời dạy của đức Phật, đi ngược với giáo lý nhân quả nghiệp báo mà đức Phật từng tuyên thuyết.

Đức Phật dạy: “Con người là chủ nhân của nghiệp…”. Nghiệp là hành động có tác ý, là động cơ tạo nên tiến trình nhân quả. Em ước mơ thi đậu đại học đó là nhân. Tuy nhiên, em không học tập, không rèn luyện… mà chỉ có cầu nguyện suông và mong rằng mình sẽ đậu đại học thì chuyện đó không bao giờ xảy ra. Kết quả chắc chắn là em sẽ không bao giờ bước vào được giảng đường đại học. Một văn hào phương Tây từng nói rằng: “Mọi việc bắt đầu bằng ý tưởng và thành công bởi hành động”. Em có ước mơ nhưng em không biểu hiện bằng hành động để cụ thể hóa ước mơ đó thì làm sao ước mơ đó thành hiện thực. Chính em là người gieo hạt nhân, cũng là tác nhân chính làm nhân đó phát triển và trổ quả, và cũng chính em là người gặt hái quả đó. Từ đầu đến cuối của tiến trình nhân quả, đâu đâu cũng đòi hỏi sự có mặt của em, có hành động của em.

Chính vì vậy, sẽ thiếu sót khi em cầu nguyện mà chỉ mong các yếu tố bên ngoài hỗ trợ mà quên đi nhân tố quyết định vẫn là chính mình. Điều mà thuật ngữ nhà Phật gọi là tự lực. Yếu tố tự lực này chính là cốt lõi của phần “nguyện” còn lại trong “cầu nguyện”. Nguyện được hiểu là lời hứa, lời cam kết sẽ thực hiện ít nhất một hành động để ước mơ của mình thành hiện thực. Em mới vừa đậu kỳ thi tốt nghiệp, điều đó phản ánh trung thực quá trình học tập 12 năm trời của em. Là cánh cửa bắt buộc em phải vượt qua để khẳng định sự nỗ lực 12 năm đèn sách của mình. Còn kỳ thi đại học, một trong những cánh cửa bước vào tương lai, một cuộc thi cam go hơn, khắc nghiệt hơn. Những tính chất này của kỳ thi buộc em phải cam kết là nỗ lực hết sức, vận dụng tất cả kiến thức, phát huy triệt để các kỹ năng mà mình có được để hoàn thành tốt nhất kỳ thi. Anh nghĩ đó là điều mà em nên nguyện, bên phần em khẩn cầu. Vốn liếng kiến thức suốt 12 năm em có rồi đấy nhưng làm sao đảm bảo sẽ nỗ lực vận dụng, phát huy triệt để chúng đúng như lời nguyện. Anh nghĩ em cần có một động lực để lời nguyện cầu của em phát huy tất cả hiệu lực của nó.

Nói đến đây, anh nghĩ có lẽ em đang loay hoay tìm đâu đó cho mình một động lực. Em thân! Em không cần tìm ở đâu cả. Em chỉ ngồi xuống, bắt đầu thở thật nhẹ và quán chiếu thật sâu về bản thân mình. Em thử đặt câu hỏi, em đến với cuộc đời này như thế nào? Em khôn lớn cả về thể xác lẫn tâm hồn như ngày hôm nay là nhờ đâu? Em tự đặt cho mình những câu hỏi ấy và tự tìm cho mình những câu trả lời. Anh tin chắc rằng, nếu em biết nhìn lại, biết quán chiếu thì tự em sẽ tìm thấy động lực để em thêm dũng mãnh phát lời khấn nguyện.

Điều anh gợi nhắc cho em đó, không khác gì hơn đó chính là tri ân, đánh thức thái độ rung cảm của em trước tình cảm và sự hy sinh quá lớn mà suốt 18 năm qua em vẫn luôn từng giây, từng giờ thọ nhận.

Khối ân tình đầu tiên mà em cần nghĩ đến đó là ân của cha mẹ. Cha mẹ là người sinh em ra, là người cho em cơ hội hiện hữu nơi cõi đời này. Anh nhớ, trong kinh Bổn Sự, đức Phật từng dạy: Cha mẹ đối với con, ân đức cao nặng sâu dày. Ân đức sản sinh, cho con bú mớm, ẵm bồng; ân đức tắm giặt, dạy con đi đứng, nói năng; ân đức nuôi nấng cho con trưởng thành; ân đức cung cấp các món cần dùng cho con; ân đức chỉ dạy cho con cách sống ở đời. Cha mẹ luôn luôn muốn con được vui, không buồn không khổ, cha mẹ không bao giờ xao lãng nhớ con, con như ảnh theo hình”. Để em có được hình hài này, cha mẹ em đã chịu biết bao nhiêu là khó nhọc. Nắng sớm mưa chiều cha chẳng sờn, thức khuya dậy sớm mẹ nào ngại, cốt chỉ làm sao có đủ điều kiện kinh tế, đảm bảo đời sống hạnh phúc, để lúc nào em cũng được đủ đầy, làm sao khi ra đường cùng bạn cùng bè em không thấy mình thua thiệt. Em, cha mẹ mỗi người mỗi cách. Những lúc em sai lầm, em vấp ngã, mẹ hớt hãi ôm em vào lòng rồi nhẹ nhàng khuyên lơn dạy bảo. Cha thì khác, cái roi trên tay cùng nét mặt nghiêm nghị, cha cho em một trận ra trò nhưng trong lòng cha đau rát như xát muối. Cha mẹ là bến đỗ yêu thương, là những người cả cuộc đời vì ta hy sinh thầm lặng như thế thì cớ sao ta không một lần để cha mẹ ta được vỡ òa trong niềm vui hạnh phúc khi thấy con mình có được thành công đầu tiên tại ngưỡng cửa vào đời. Em thi đậu đại học, người đầu tiên, người hạnh phúc nhất chính là cha mẹ em. Nếu em hiểu được điều này, nếu em xem việc đậu đại học như là một cách để tri ân cha mẹ thì đó sẽ là một động lực để em dũng mãnh phát nguyện, là động lực để em thêm ý chí quyết tâm, thêm thành khẩn cầu chư Phật, chư Bồ-tát gia hộ.

2

Mẹ cha hy sinh lặng thầm

Ông bà ta vẫn nói: “Không thầy đố mày làm nên”. Và khối ân tình thứ hai mà em nợ đó chính là tình yêu, sự nâng đỡ, lòng tận tụy… của Thầy Cô. Những người đã truyền trao cho em kiến thức, cung cấp cho em những bản vẽ và cả vật liệu xây dựng những ước mơ. Truyền trao kiến thức cho các em, vượt ngoài cái động cơ tầm thường là để mưu sinh thì Thầy cô còn dạy dỗ các em bằng cả tình thương và trách nhiệm.

Giữa đêm vắng sau một ngày bề bộn

Bên đèn khuya hiu hắt, bóng dáng Thầy

Sợ mai đây bài học con dang dở

Nên tối nay, giấc Thầy con chẳng đầy...

Truyền trao kiến thức cho các em, là thầy cô gieo vào các em những hạt giống tri thức với sự ước mong một ngày không xa những hạt giống này sẽ nảy mầm và lớn lên thành những cây trí tuệ. Việc em đậu vào đại học chính là sự phá vỡ lớp vỏ của hạt giống đó. Điều mà thầy cô, những người gieo hạt giống mong mỏi biết bao. Nếu em thấy trong lòng mình gợi lên một niềm kính sâu xa đối với thầy cô thì anh nghĩ em hãy lấy đó làm động lực để em góp thêm phần sức mạnh, giúp em hoàn thành tốt nhất kỳ thi sắp tới.

3

 

Thầy cô gieo hạt giống tri thức

Một trong những ân lớn ở đời mà ta thọ nhận được đức Phật dạy đó là ân quốc gia, ân xã hội. Chúng ta sống bình yên dưới vòm trời này, hít thở bầu không khí trong lành chính là nhờ sự sáng suốt của những vị lãnh đạo quốc gia, sự quả cảm và lòng hy sinh của những chiến sĩ ngày đêm chắc tay súng bảo vệ lãnh thổ đất nước. Sau một ngày học tập, em lại cuộn tròn trong chăn ngủ ngon lành, thì ngoài kia, nơi đầu sóng ngọn gió các chiếc sĩ vẫn thức thâu đêm sưởi ấm lòng bằng tình yêu nước để hoàn thành nhiệm vụ trong sương lạnh. Để có sự bình an, để em vững tâm học tập, biết bao nhà lãnh đạo đã vắt óc nghĩ suy để tìm phương hướng ổn định và phát triển đất nước ngày càng vững mạnh. Em là một tế bào của xã hội, là một phần tử của quốc gia, em đã nhận rất nhiều từ mọi người để em lớn lên và trưởng thành. Anh nghĩ em thông minh, em sẽ hiểu được lời anh nói và chắc chắn em sẽ cũng xem đây là một động lực để em phấn đấu mở tung cánh cửa sáng lạn nhất để bước vào tương lai. Tương lai đất nước là tương lai của em. Trong em lúc này đang vang rền tiếng trống Mê Linh, đang hừng hực hào khí Đông Á mạnh mẽ thì em hãy cụ thể hóa nó bằng những hành động, mà hành động đầu tiên là đạt được kết quả cao trong kỳ thì đại học sắp tới.

Chiến sĩ chắc tay súng bảo vệ mảnh đất quê hương

Và cuối cùng, anh muốn em hãy quán chiếu thật sâu để cảm nhận rằng bên cạnh em lúc nào cũng có sự hiện diện của chư Phật, chư Bồ-tát. Những vị luôn lắng nghe những điều em ước mơ, những lời em nguyện cầu. Chư Bồ-tát là người luôn dõi theo từng suy nghĩ, từng hành động của em để thùy từ gia hộ. Em đến Tịnh xá từ bé, được quy y, được thọ trì ngũ giới. Em may mắn được tắm mình trong dòng suối mát mẻ, thanh lương của đạo Phật; được trưởng thành từng ngày bằng những bài học đạo đức và trí tuệ do các Sư truyền trao. Anh biết em là một người trẻ có lý tưởng, muốn sống một đời sống đạo đức, chuẩn mực, là một người con thảo, một người cháu hiền, một công dân tốt của xã hội. Cho nên anh nghĩ rằng, những lý tưởng cao đẹp này cùng lòng thành kính vô biên của em đối với Tam Bảo cũng có thể trở thành động lực để phát huy hiệu lực lời cầu nguyện đỗ đạt đại học của em.

5

 Đánh thức thái độ rung cảm trước tình cảm và sự hy sinh

của cha mẹ, thầy cô,... để biến chúng thành động lực làm gia tăng hiệu lực nguyện cầu

Em may mắn là một Phật tử, được lớn lên bằng sự hiểu biết và yêu thương. Trong em đầy ấp sự hồn nhiên và trong sáng cùng vô vàng ước mơ, hoài bảo, lý tưởng cao đẹp. Vì thế cho nên anh nghĩ em còn nhiều lắm những động lực để phát huy hiệu lực của lời em nguyện cầu với Phật mỗi chiều về Tịnh xá tụng kinh. Ngày mai em chính thức bước vào phòng thi, tối nay anh không mong em lại tất bật với bài vở để rồi cảm giác lo lắng, hồi hộp đầy ấp trong em. Anh muốn em dành buổi tối hôm nay, ngồi yên lặng, buông bỏ hết muôn duyên, thở thật nhẹ và quán chiếu thật sâu để thấy rằng thân tâm này lớn lên bằng những ân tình và em sẽ làm gì để hồi đáp lại những ân tình ấy.

Và điều cuối cùng anh nhắn nhủ, đậu đại học là mở ra một trong những cánh cửa bước vào tương lai nhưng không phải là duy nhất, là tất cả. Dĩ nhiên, đậu đại học sẽ là một món quà đáp ơn cha mẹ, thầy cô và muôn ngàn người mà em tri ân, nhưng điều họ mong mỏi lớn hơn, nhiều hơn nơi em vẫn là em có một tương lai tươi sáng, là một người trưởng thành thực thụ, một con người trọn vẹn cả đạo đức và tài năng. Chính vì vậy nên anh khuyên em đừng bao giờ để những động lực trở thành áp lực. Vì nếu như vậy thì vào phòng thi em vẫn mang bên mình một gánh nặng.

Chúc em có một mùa thi thành công mỹ mãn !