Hạnh Phổ Hiền trong Kinh Pháp Hoa với sứ mạng của vị trụ trì

httriquang

 Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN

Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP. HCM

 

(Bài giảng trong khóa bồi dưỡng trụ trì tại Trường hạ Tịnh xá Trung Tâm năm 2014.)

Tinh thần Phật giáo phát triển, tức là từ Phật giáo Nguyên thủy phát triển lên tới đỉnh cao của nó, đó là Kinh Pháp Hoa. Chúng ta học Kinh Pháp Hoa mà nghĩ rằng đây là một bộ kinh riêng biệt là không đúng. Nếu từ kinh Nguyên thủy phát triển lên thành Kinh Pháp Hoa, tức là sự nhận thức của chúng ta theo tinh thần phát triển. Sự nhận thức của mỗi người có nhiều mức độ khác nhau từ thấp đến cao, tất cả đều hiểu giáo lý của Đức Phật theo trình độ của mình. Tinh thần “Phật thuyết nhất ngôn chúng sanh tùy loại giải” (Phật nói một lời, nhưng trình độ khác nhau cho nên có sự hiểu và giải thích giáo lý của Đức Phật cũng khác nhau và thực hành lại càng khác nhau hơn). Tùy trình độ thấp cao khác nhau mà khả năng hiểu và tu chứng quả vị của mỗi người sẽ thấp cao tương ứng. Cũng có người vì hiểu sai nên tu suốt đời mà không đạt kết quả gì cả, bởi họ đã rơi vào tà giáo, ngoại đạo, tức là “vườn hoa vô quả”. Do đó, phải cố gắng hiểu cho chính xác giáo lý của Phật.

Nếu chỉ hiểu trên căn bản và hành y những lời dạy của Đức Phật theo nguyên gốc Nikaya – tạng Kinh Nguyên thủy nói về Tứ Thánh Đế và Thập Nhị Nhân Duyên, quả tu chứng chỉ có thể là Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm. Nhưng nếu hiểu mà không hành thì còn tệ hơn, sẽ không chứng đạt gì cả. Huyền Giác Đại sư trách những người này là: “Đếm tiền cho người khác, còn mình chẳng được gì”. Đại thừa gọi họ là: “Văn tự Pháp sư”. Đây là điều mà chúng ta nên tránh. Vì thế, Đức Phật dạy chúng ta nghe rồi phải suy nghĩ để hiểu mà ứng dụng vào trong đời sống thì mới đạt kết quả.

Nhận thức chính xác trong cuộc sống đây là khổ, thấy nguyên nhân dẫn đến khổ để đoạn; không tạo nhân khổ thì quả khổ lần lần mất đi; tạo nhân Niết-bàn thì quả Niết-bàn sẽ xuất hiện. Dự Lưu quả (Tu-đà-hoàn), ai ai cũng có thể đạt được. Nếu không Nhập Lưu được thì dẫu có tu hay làm gì đi nữa, cuối đời cũng rớt ra ngoài đạo, tà giáo, đi vào con đường ma.

Quả Dự Lưu hiểu đơn giản là tu sống trên cuộc đời này nhưng không bị cuộc đời này chi phối. Đó là sự chi phối về ăn, mặc, ở, bệnh. Nếu chúng ta lệ thuộc trong ăn, mặc, ở rồi lại kẹt trong địa vị như người thế tục thì sẽ dẫn đến khổ. Có những người mặc áo đạo mà tâm chưa vào đạo, điều này thật nguy hiểm. Bước chân vào cửa chùa, cửa đạo, phải rèn luyện để đưa tâm vào đạo, không còn vướng vô danh xưng hay địa vị, buông bỏ tất cả chuyện thế gian để nhập vào dòng Thánh (Dự Lưu). Còn như vào cửa Không mà tâm lại chấp nhứt thì chẳng khác nào vào “chợ đời”, hay nói cách khác là “đem đời vào đạo”, làm ô nhiễm đạo, hư đạo; như vậy là đã đồng hóa thế tục với tu hành. Đây là một bước đường quan trọng trên đường tu của chúng ta.

Tuy nhiên, nếu nói tất cả mọi việc trên cuộc đời đều không phải của ta, rồi buông bỏ không làm gì hết thì không đúng, khi đó chúng ta sẽ trở thành “con nợ của xã hội”. Vậy thì phải có cái nhìn thấu đáo trong xã hội để buông bỏ cái ta, những cái của ta như lời Đức Phật dạy là phải bỏ cái ngã và sở hữu của ngã. “Nhiều sãi không ai đóng cửa chùa”, câu nói này là lời nhắc nhở chúng ta tránh tranh chấp, phải biết gìn giữ của Tam Bảo, đừng cho rằng của chùa rồi sử dụng phung phí. Khi sanh ra trong cuộc đời, chúng ta đến bằng chân tâm hay thần thức nên khi ra đi thì cũng với thần thức và chân tâm ấy. Khi còn tồn tại, chúng ta nên giữ lấy lập trường này để tu và không tạo nghiệp ác mà hãy tạo thiện nghiệp. Làm được chút gì, chúng ta hãy dâng cúng lên chư Phật, để lại cho đời.

Tổ sư Minh Đăng Quang thật sáng suốt với phương châm “sống chung tu học”. Nhờ sống chung, học chung, tu chung, chúng ta mới phát hiện những cái tốt cái xấu của nhau để cùng nhau học và sửa đổi. Qua đó, chúng ta cũng gắn kết được mối thâm giao với nhau để cùng chia sẻ Phật sự, cùng làm tốt việc thiện lành.

Thực hiện theo tinh thần Pháp Hoa, tức là thống nhất hết lại. Từ Phật giáo Nguyên thủy lên đến đỉnh cao, là gom hết tất cả các pháp môn tu khác nhau lại để có cái nhìn thật sáng. Kinh Pháp Hoa rất đơn giản, một đời thuyết pháp của Đức Phật được rút lại bằng bài Kinh Vô Lượng Nghĩa. Tuy hình thức tu và hành trì khác nhau nhưng lộ trình tu lại giống nhau, đều hướng đến con đường giải thoát, đó là cốt lõi của Kinh Pháp Hoa. “Nhứt thiết thế gian tư sanh sự nghiệp” là tinh thần Pháp Hoa. Tất cả mọi việc trên thế gian, Phật giáo chúng ta đều có mặt để mang an vui, hạnh phúc đến cho mọi người, Kinh Pháp Hoa gọi đó là “vô lượng nghĩa”. Trong cuộc sống nơi đâu cũng vậy, mình làm việc này thì người khác sẽ làm việc kia, tất cả cùng làm việc với tâm cởi mở thì sẽ thành tựu kết quả. Trong Kinh Hoa Nghiêm, Bồ-tát Phổ Hiền dạy: “Tùy hỷ công đức”. Chư Phật, Bồ-tát, Thanh Văn, tất cả chúng sanh dầu có công đức lớn nhỏ đều tùy hỷ hết. Sở dĩ bên cạnh Bồ-tát Phổ Hiền có nhiều Bồ-tát theo trợ giúp vì Ngài có tâm tùy hỷ với tất cả mọi người nên được mọi người kính quý theo hỗ trợ, và làm được việc lớn. Tâm càng rộng mở thì Bồ-đề quyến thuộc càng đông. Trong “vô lượng nghĩa”, tất cả giáo pháp của Đức Phật tuyên thuyết, chúng ta đều phải học và phổ biến khắp nơi.

Thứ nữa, trong Kinh Pháp Hoa, lịch sử Đức Phật thì như thế và tất cả các pháp môn này, chúng ta phải học cho thông đạt hết và thực hành trong cuộc sống của mình, chỗ này gọi là “Định vô lượng nghĩa”. Định vô lượng nghĩa tức là thực tập ý nghĩa “vô lượng” của lời Đức Phật dạy, và phải thực tập thì mới có kết quả, mà kết quả đầu tiên chúng ta đạt được là tâm an lạc. Tâm chúng ta được an lạc thì bạn bè dễ gần gũi hơn mà trong Kinh Pháp Hoa gọi là “hoa Mạn-đà-la ”, hay còn gọi “Hỷ lạc hoa”. Trên bước đường tu, chúng ta không hái được hoa Mạn-đà-la hay không làm cho tâm mình an lạc được thì tu vô ích.

Tu bất kỳ pháp môn nào nếu tâm được an lạc đều tốt, lấy an lạc giải thoát làm chính. Thấy được hoa Mạn-đà-la là bước thứ nhất trên lộ trình tu. Bước thứ hai, chúng ta thực tập như vậy thì sẽ nhìn đời chính xác hơn, hiểu rõ hơn về cuộc sống của con người, hiểu về nỗi khổ của con người, và sự an lạc Niết-bàn của chư Phật, Bồ-tát.

Nhờ thực tập mà chúng ta mới hiểu rõ cuộc đời và khi hành đạo chúng ta sẽ thấy an lạc, mọi việc tốt lành sẽ chào đón mình. Còn như chưa hiểu rõ cuộc đời mà đi vào, thì đôi khi sẽ rơi vào tình trạng làm điều không nên làm, và luôn luôn gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm. Do đó, chúng ta khi có tầm nhìn đúng đắn và chính xác mà Đức Phật gọi là “quán nhân duyên”, nghĩa là phải thấy nhân duyên giữa mình với nơi đó, người đó, thì khi mình đến làm sẽ được, đó gọi là “Mạn-thù-sa hoa”.

Định vô lượng nghĩa làm chúng ta có tâm an lạc và trí sáng suốt. Đem thành quả tu này giáo hóa chúng sanh chắc chắn thành công. Đức Phật khi nhập định ở Bồ-đề đạo tràng, nhập Vô lượng nghĩa định, quán sát tất cả nhân duyên của mọi người trên cuộc đời này để mà hóa độ. Như trường hợp ông Kiều Trần Như nhiều đời trước là một ông vua ác độc, từng xử lăng trì Ngài khi Ngài còn hành Bồ-tát đạo trên núi, và Ngài đã phát nguyện rằng: “Khi tôi thành Phật, tôi sẽ tới độ ông đầu tiên”. Cho nên, nhờ ở trong Vô lượng nghĩa xứ định này, Đức Phật mới nhớ trở lại, thấy được vô số kiếp trước và Ngài đã đến độ cho ông Kiều Trần Như đắc Thánh quả đầu tiên. Ngài Xá-lợi-phất đã tu 60 tiền kiếp nhưng vì một nhân duyên nào đó mà thối chuyển xuống làm Thanh Văn, nên khi gặp Đức Phật mới nhớ lại tiền kiếp mà hết lòng theo Phật. Chúng ta tuy chưa đạt được trí tuệ như chư Phật, Bồ-tát nhưng nếu khi chúng ta đi đến chỗ nào mà thấy tâm an, gặp một người nào đó mà sẻ chia được thì nơi đó, người đó là nhà, là bạn của chúng ta ở tiền kiếp. Do đó, chúng ta tu, nhập vào Vô lượng nghĩa xứ thì chúng ta sẽ biết được túc mạng của mình và mối liên hệ với tất cả mọi người, và theo đó mà hành đạo chắc chắn đạt kết quả tốt.

Tôi mong tất cả chúng ta cố gắng thực tập theo Kinh Vô Lượng Nghĩa của Đức Phật, vào trong Định vô lượng nghĩa xứ tam muội của Đức Phật, để rồi chúng ta thấy được tất cả những việc nên làm, chỗ nên tới, người nên tiếp xúc, mà việc hành đạo không bị trở ngại, khó khăn.