Hạnh phúc cao thượng

Hạnh phúc và khổ đau là hai phạm trù đối lập, luôn có mặt trong cuộc sống đời thường. Nếu khổ đau là điều ai nấy đều chối từ, sợ hãi, thì hạnh phúc là thứ mà tất cả mọi người thường ưa chuộng, ước mơ. Thật vậy, hạnh phúc là chất liệu ngọt ngào khiến cho người ta hân hoan, sung sướng, tươi mát tâm hồn. Thế nhưng, hạnh phúc lại rất mong manh, dễ vỡ như những chiếc bong bong nước nổi bập bềnh trên mặt ao hồ sau cơn mưa. Tuy nhiên, có một thứ hạnh phúc luôn bền bỉ, chỉ có được ở những tâm hồn cao quý, thanh khiết, đó là hạnh phúc cao thượng. Vậy, thế nào là hạnh phúc cao thượng?

ChoNhan

Có thể giải thích đơn giản rằng: hạnh phúc là điều đem đến cho ta sự thích ý vừa lòng, nó làm cho tâm hồn lâng lâng, tưởng chừng như bay bổng lên chín tầng mây. Và tất nhiên là trong giây phút thọ hưởng hạnh phúc, hoàn toàn không có bóng dáng của khổ đau. Nói cách khác, hạnh phúc là trạng thái tâm lý vui sướng khi thỏa mãn được nhu cầu mình mong ước, dù chỉ trong khoảng thời gian ngắn ngủi. Ví dụ như khi bụng đói cồn cào, được ai đó cho một bữa ăn ngon lành; hoặc như đang lúc đi trên đường dài nắng gắt, mệt mỏi, khát nước, gặp một bóng cây rợp mát nghỉ chân và được nước uống. Những lúc ấy, hạnh phúc đang có mặt. Và đó chỉ là những hạnh phúc nho nhỏ, còn có những thứ hạnh phúc lớn hơn, như: thành đạt công danh sự nghiệp; tình cảm được đáp ứng xuôi thuận như ý nguyện… Đối với thế gian, đa phần người ta thường chỉ mong cầu hạnh phúc cho bản thân mình, hay rộng hơn là những người thân của họ, ngoài ra không quan tâm gì đến kẻ khác. Đó chỉ là thứ hạnh phúc tầm thường, do vì nó phát xuất từ tâm niệm hẹp hòi, nhỏ nhen, ích kỷ của thế nhân và sau lưng của niềm hạnh phúc ấy, không sao tránh khỏi sự khổ đau. Bởi lẽ, với lòng mong ước cao độ được hạnh phúc, thì khi hạnh phúc đến, người ta cố hết sức để nắm bắt, ôm giữ, lo sợ nó mất đi. Mà vạn pháp trong vũ trụ, tất cả đều phải chịu sự chi phối của định luật vô thường, chuyển biến. Do đó, khi hạnh phúc vuột khỏi tầm tay, người ta sẽ hối tiếc, hụt hẫng, khổ đau! Muốn cho niềm hạnh phúc luôn hiện hữu trong ta, không gì hơn chúng ta phải sống và thực hiện hạnh phúc cao thượng.

Hạnh phúc cao thượng được phát khởi từ tâm niệm vô ngã vị tha của những con người luôn quên mình vì sự an vui, hạnh phúc của tha nhân. Với lòng từ bi rộng mở, các bậc ấy làm bất cứ việc gì cũng không ngoài mục đích ban vui, cứu khổ cho mọi người.

“Đem nụ cười thay tiếng khóc,

Đem niềm vui thế nỗi buồn”.

Thấy người khổ tựa như mình bị khổ; người được vui xem như chính mình vui. Trong ánh mắt, trong tâm tư các vị ấy thấy ai ai cũng là quyến thuộc của mình. Cho nên, gặp người lâm vào cảnh khổ, hết sức ra tay cứu giúp, khuyên lơn, chỉ bày phương hướng, làm sao cho họ thật sự hết khổ mới an lòng. Khi thấy người tạo phước lành, được quả báo hạnh phúc, an vui, lợi lạc, thì rất lấy làm hoan hỷ, vui mừng, tán thán và trân trọng. Vì tùy hỷ, sướng vui với sự thành tựu, lợi lạc của người mà không sanh tâm đố kỵ, ganh ghét, nên có bao nhiêu người hạnh phúc, thì các vị ấy cũng được bấy nhiêu hạnh phúc. Vì luôn quên mình nghĩ đến mọi người, nên dù bản thân có gặp phải trái ý, nghịch lòng, bức xúc, nhưng tâm tư vẫn không vướng bận, không hề bị tác động; chỉ cần lấy việc lợi ích tha nhân làm niềm vui cho chính mình. Người như thế, dù ở trong hoàn cảnh nào tâm hồn cũng được an vui, nhẹ nhàng, thảnh thơi, không vướng mắc, lụy phiền, ray rứt. Cái hạnh phúc hướng đến mọi người, mọi loài để san sẻ với tâm lượng rộng mở, bao dung, từ ái vô điều kiện như vậy chính là hạnh phúc cao thượng, vô cùng quý báu, có giá trị tồn tại lâu bền. Và hạnh phúc ấy luôn đặt trên nền tảng vô ngã vị tha, cùng với bốn tâm vô lượng: Từ - Bi - Hỷ - Xả.

Hình ảnh rõ nét nhất là cuộc đời của Đức Thế Tôn, suốt 49 năm hoằng hóa Ngài đã không nệ hà sự khó nhọc, đi khắp nơi để cứu khổ, đem an lạc hạnh phúc đến cho muôn loài “Nhọc nhằn một kẻ vẻ vang muôn người”. Đức Phật không màng đến thân mình (kể từ khi rời hoàng cung đi tầm đạo), luôn sống vì mọi người, Ngài hy sinh tất cả và đã được tất cả. Ngài quả thật xứng danh là bậc “Thiên nhơn chi Đạo sư, Tứ sanh chi từ phụ” và là người đã đạt đến đỉnh cao của hạnh phúc cao thượng.

Qua trên, chúng ta hiểu được rằng hạnh phúc là điều ai ai cũng mong mỏi, ham thích. Nhưng nếu đem tâm vị kỷ mưu cầu hạnh phúc cho riêng mình, để làm tổn hại tha nhân, thì hạnh phúc ấy sẽ sớm ra đi như kẻ vô nghĩa, phản bội rời bỏ ân nhân. Ngược lại, nếu biết vận dụng tâm từ bi và ý niệm vị tha vô ngã, luôn cứu nguy, giải khổ; đồng thời mang an vui, lợi lạc đến cho mọi người, thì chúng ta sẽ cảm nhận được niềm hỷ lạc vô biên, tràn đầy. Đó chính là Hạnh phúc cao thượng mà những ai muốn học hạnh cao quý của bậc Thánh nhân cần hướng đến.