Hiểu về đức Phật nhân ngày thành đạo

Ngày Phật thành đạo luôn đem lại cho những người con Phật khắp nơi niềm hân hoan, sự ca tụng, tán thán đức Thế Tôn với nhiều hình thức trang nghiêm trọng thể, như tổ chức các khóa lễ, khóa tu, niệm Phật, … để dâng lên cúng dường đấng Từ Phụ. Nhân ngày này, người viết xin dâng lên những dòng suy niệm về bậc Thầy vĩ đại thông qua cuộc đối đáp giữa đức Phật và Bà-la-môn Dona trong kinh“Tùy Thuộc Thế Giới”[1], để những người theo Ngài hiểu biết thêm về bậc Thầy vĩ đại một cách chân chánh hơn, và để việc đón mừng ngày thành đạo của Ngài mang đến nhiều lợi ích, thiết thực hơn.

dauchanphat“Thế Tôn đang đi trên con đường giữa Ukkatthà, Setabbya. Bà-la-môn Dona cũng đang đi trên con đường này và thấy trên những dấu chân của Thế Tôn có dấu bánh xe một ngàn cọng, với vành xe, trục xe và đầy đủ tất cả các tướng khác. Thấy vậy, vị ấy suy nghĩ như sau: “Thật vi diệu thay! Những dấu chân này không phải là của loài Người!

Rồi Thế Tôn từ trên đường bước xuống, đến ngồi dưới một gốc cây, ngồi kiết-già, thân thẳng, đặt niệm trước mặt. Bà-la-môn Dona theo dấu chân của Thế Tôn, thấy Thế Tôn đang ngồi dưới một gốc cây đẹp đẽ, khởi lên tịnh tín, các căn tịch tịnh, tâm ý tịch tịnh, đạt được tịnh chỉ do điều phục tối thượng, giống như một con voi được điều phục, được phòng hộ với căn tịch tịnh, thấy vậy Bà-la-môn Dona liền đi đến Thế Tôn; sau khi đến, thưa với Thế Tôn:

Hỏi “Ngài có phải sẽ là tiên không?”, Ngài trả lời: “Này Bà-la-môn, Ta sẽ không phải là tiên”. Hỏi “Ngài có phải sẽ là Càn-thát-bà không?”, Ngài trả lời: “Này Bà-la-môn, Ta sẽ không phải là Càn-thát-bà”. Hỏi “Ngài có phải sẽ là Dạ-xoa không?” Ngài trả lời: “Này Bà-la-môn, Ta sẽ không phải là Dạ-xoa”. Hỏi “Ngài có phải sẽ là loài Người không?”, Ngài trả lời: “Ta sẽ không phải loài Người”. Vậy sở hành của Ngài là gì, và Tôn giả sẽ là gì?

Này Bà-la-môn, đối với những người chưa đoạn tận các lậu hoặc, Ta có thể là chư Thiên, Ta có thể là Càn-thát-bà, Ta có thể là Dạ-xoa, Ta có thể là Người, với các lậu hoặc đã đoạn tận, được chặt đứt từ gốc rễ, được làm thành như thân cây ta-la, được làm cho không thể hiện hữu, được làm cho không thể sanh khởi trong tương lai. Ví như, này Bà-la-môn, bông sen xanh, hay bông sen hồng, hay bông sen trắng, sanh ra trong nước, lớn lên trong nước, vươn lên khỏi nước, và đứng thẳng không bị nước thấm ướt. Cũng vậy, này Bà-la-môn sanh ra trong đời, lớn lên trong đời, Ta sống chinh phục đời, không bị đời thấm ướt. Này Bà-la-môn, Ta là Phật, hãy như vậy thọ trì.”

Qua bài kinh, chúng ta nhận ra được điều rất quan trọng nơi đức Thế Tôn: Ngài không phải là chư Thiên, không phải là Càn-thát-bà, không phải là Dạ-xoa….., mà Ngài là con người nhưng đã chinh phục và chiến thắng được tất cả. Vì Ngài không bị vô minh, mê mờ làm bít lối, Ngài đã hoàn toàn chiến thắng bọn ma quân phiền não nên xưng Ngài là Phật là vậy.

chienthangmabatuan

“Vị chiến thắng không bại, 
Vị bước đi trên đời, 
Không dấu tích chiến thắng, 
Phật giới rộng mênh mông, 
Ai dùng chân theo dõi 
Bậc không để dấu tích?”[2]

Đức Phật với tâm giác ngộ viên mãn nên Ngài cũng sống ở đời như bao người nhưng không bị đời chi phối: “Này Bà-la-môn sanh ra trong đời, lớn lên trong đời, Ta sống chinh phục đời, không bị đời thấm ướt.”[3], hay như kinh Thế Giới đã nói đức Thế Tôn không bị đời chi phối mặc dù đang sống giữa thế gian này: Này các Tỷ kheo, thế giới được Như Lai chánh đẳng giác, Như Lai không hệ lụy với đời.[4] và bài kinh Sợ Hãi và Khiếp Đảm cũng cho chúng ta thấy khi muốn hiểu biết thật sự về đức Phật mà mình tôn thờ phải hiểu như sau: “Này Bà-la-môn, ai nói một cách chơn chánh về Ta, sẽ nói như sau: Là vị hữu tình không có si ám, sinh ra ở đời vì hạnh phúc cho muôn loài, vì an lạc cho muôn loài, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho loài Trời và loài người.”[5]

Với giới thanh tịnh, tâm kiên định, tuệ viên mãn, Ngài đã đoạn tận phiền não, lậu hoặc, vô minh, ưu bi, sầu khổ nên Ngài nói, làm hay suy tư đều mang đến niềm an vui cho mọi loài. Còn chúng sanh bị vô minh, mê mờ ngăn lối nên nói, làm hay suy tư mang đến kết quả khổ đau, buồn tủi như kinh Pháp Cú đã dạy:

“Ý dẫn đầu các pháp, 
Ý làm chủ, ý tạo; 
Nếu với ý ô nhiễm, 
Nói lên hay hành động, 
Khổ não bước theo sau, 
Như xe, chân vật kéo.”[6]

Và sự khổ não do vô minh, ngu si tạo nên cũng được nói đến trong kinh Đa Giới: “Phàm có những sợ hãi gì sanh khởi, này các Tỷ-kheo, tất cả những sợ hãi ấy sanh khởi cho người ngu, không phải cho người hiền trí. Phàm có những thất vọng gì sanh khởi, này các Tỷ-kheo, tất cả thất vọng ấy sanh khởi cho người ngu, không phải cho người hiền trí. Phàm có những hoạn nạn gì sanh khởi, này các Tỷ-kheo, tất cả hoạn nạn ấy sanh khởi cho người ngu, không phải cho người hiền trí.”[7]

Vì vậy, sự xuất hiện của đức Phật trên đời mang đến hạnh phúc, an lạc cho vạn dân bá tánh. Ngài xuất hiện như vầng thái dương xua đi bóng đêm mờ tối đang phủ trùm cõi đời u ám, như ánh đuốc quang minh soi đường dẫn lối cho những chúng sanh đang lầm lũi trong màn đêm đầy gian nguy, hiểm trở và sợ hãi, lo lắng và bất an. Và sự xuất hiện này đã làm cho mọi người hân hoan, reo hò, vì cơ duyên giác ngộ giác thoát sẽ được thành tựu do nghe được diệu pháp. Niềm hân hoan này được cảm thán qua kinh Pháp Cú:

“Vui thay, Phật ra đời!

Vui thay, pháp được giảng …”[8]

Và sự xuất hiện của đức Phật, bậc A-la-hán, vị Chánh Đẳng Giác được xác quyết trong kinh Tăng Chi: “Một người, này các Tỷ-kheo, khi xuất hiện ở đời, sự xuất hiện đem lại hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người. Một người ấy là ai? Chính là Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác. Chính một người này, này các Tỷ-kheo, khi xuất hiện ở đời, sự xuất hiện đem lại hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người.”[9]

Như vậy, sự xuất hiện và thành đạo của Ngài đã khẳng định cho chúng sanh vạn loại hiểu rằng, muốn giác ngộ giải thoát phải đi đúng con đường mà Ngài đã hướng dẫn: “Này các Tỳ kheo, xưa cũng như nay Ta chỉ nói lên sự khổ và sự diệt khổ”[10]. Ngài không nói gì khác hơn giáo lý Tứ đế, chỉ rõ hai cặp nhân quả đang vận hành; một là cặp nhân quả (Khổ đế là kết quả, Tập đế là nguyên nhân) đưa đến sanh tử luân hồi; hai là nhân quả (Diệt đế là kết quả, Đạo đến là nguyên nhân) đưa đến Niết-bàn, tịch diệt. Và Ngài lại khẳng định trong kinh Pháp Cú để nhân sanh thấy được rằng không có con đường nào khác làm mờ mắt ác ma, thoát khỏi vòng kiềm tỏa của ác ma để đạt được an lạc, hạnh phúc thật sự như con đường đưa đến sự thanh tịnh của Thánh đạo tám ngành:

“Tám chánh, đường thù thắng,

Bốn cậu, lý thù thắng.

Ly tham, pháp thù thắng,

Giữa các loài hai chân,

Pháp nhãn, người thù thắng.

Đường này, không đường khác

Đưa đến kiến thanh tịnh.

Nếu ngươi theo đường này,

Ma quân sẽ mê loạn.

Nếu ngươi theo đường này,

Đau khổ được đoạn tận.

Ta dạy ngươi con đường.

Với trí, gai chướng diệt.

Ngươi hãy nhiệt tình làm,

Như Lai chỉ thuyết dạy.

Người hành trì thiền định

Thoát trói buộc Ác ma.”[11]

Chỉ có sự nhiệt tâm, tinh cần, tinh tấn, chánh niệm tỉnh giác thực hành pháp Phật để tuệ giác được phát sanh mới thấy rõ những phiền não khổ đau mà khỏi chấp thủ, bám víu, lệ thuộc như trong kinh Ví Dụ Con Rắn có dạy: “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi, cần phải như thật quán với chánh trí tuệ.”[12]

Tóm lại, đối với người đệ tử Phật hướng về ngày thành đạo của Ngài cho thật xứng đáng và thật ý nghĩa thì phải vâng hành lời dạy của Ngài, và nỗ lực hành thiện tích phước, tụng niệm, bái sám, tu tập tinh chuyên chớ đừng tin tưởng lệch lạc, không đưa đến lợi ích lớn, quả báo lớn như kinh Pháp Cú dạy:

“Loài người sợ hoảng hốt,

Tìm nhiều chỗ quy y,

Hoặc rừng rậm, núi non,

Hoặc vườn cây, đền tháp.

Quy y ấy không ổn,

Không quy y tối thượng.

Quy y các chỗ ấy,

Không thoát mọi khổ đau?”[13]

Bằng niềm tin chân chánh và sự thấy biết thù thắng, đi trên lộ trình đúng đắn mới đến được bến bờ giải thoát trọn vẹn, Niết-bàn an lạc.

“Ai quy y Đức Phật,

Chánh pháp và chư tăng,

Ai dùng chánh tri kiến,

Thấy được bốn Thánh đế."

Thấy khổ và khổ tập,

Thấy sự khổ vượt qua,

Thấy đường Thánh tám ngành,

Đưa đến khổ não tận.”[14]

Người Phật tử làm được trọn vẹn mới đền đáp được công dày mà đức Thế Tôn đã xuất hiện, thành đạo và tuyên thuyết pháp mầu cho chúng sanh được an lạc, hạnh phúc. Chúng ta phải ghi lòng tạc dạ về ngày thành đạo của đức Phật để sống cho xứng đáng là người con của Ngài, là đệ tử của bậc Chánh Biến Tri .

“Ôi! Thật đáng cho đời kính ngưỡng

Công đức Ngài vô lượng vô biên

Hỡi chư Phật tử hữu duyên

Nhớ ơn Từ phụ cần chuyên tu hành.”[15]


[1] Kinh Tăng Chi Bộ tập 1, HT. Thích Minh Châu dịch, Kinh Tùy Thuộc Thế Giới, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam ấn hành, TP. Hồ Chí Minh, năm 1996, trang 620.

[2] Kinh Pháp Cú, HT. Thích Minh Châu dịch, Phẩm Phật Đà, câu 179, Nxb. Tôn giáo – Hà Nội, năm 2000, trang 53.

[3] Nt. trang 621.

[4] Kinh Tăng Chi Bộ tập 1, HT. Thích Minh Châu dịch, Phẩm Uruvelà, Kinh Thế Giới số 21, Nxb. Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, năm 1996, trang 592.

[5] Kinh Trung Bộ tập 1, HT. Thích Minh Châu dịch, Kinh Sợ Hãi Và Khiếp Đảm, số 4, Nxb. Tôn Giáo – Hà Nội, năm 2012, trang 43.

[6] Kinh Pháp Cú, HT. Thích Minh Châu dịch, Phẩm Song Yếu, câu 1, Nxb. Tôn giáo – Hà Nội, năm 2000, trang 7.

[7] Kinh Trung Bộ tập 2, HT. Thích Minh Châu dịch, Kinh Đa Giới, số 115, Nxb. Tôn Giáo – Hà Nội, năm 2012, trang 387.

[8] Kinh Pháp Cú, HT. Thích Minh Châu dịch, Phẩm Phật Đà, câu 194, Nxb. Tôn giáo – Hà Nội, năm 2000, trang 56.

[9] Kinh Tăng Chi Bộ tập1, HT. Thích Minh Châu dịch, Chương I Một Pháp XIII. Phẩm Một Người, Nxb. Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, năm 1996, trang 46.

[10] Kinh Trung Bộ tập 1, Ht. Thích Minh Châu dịch, Kinh Ví Dụ Con Rắn, số 22, Nxb. Tôn giáo – Hà Nội, năm 2012, trang 140.

[11] Kinh Pháp Cú, HT. Thích Minh Châu dịch, Phẩm Đạo, câu 273 – 276, Nxb. Tôn giáo – Hà Nội, năm 2000, trang 76.

[12] Kinh Trung Bộ tập 1, HT. Thích Minh Châu dịch, Kinh Ví Dụ Con Rắn, số 22, Nxb. Tôn Giáo - Hà Nội, năm 2012, trang 183.

[13] Kinh Pháp Cú, HT. Thích Minh Châu dịch, Phẩm Phật Đà, câu 188 – 189, Nxb. Tôn giáo – Hà Nội, năm 2000, trang 55.

[14] Nt. câu 190 – 191.

[15] Hệ phái Khất sĩ, Ngi Thức Tụng Niệm, Nhớ Ơn Phật, Nxb. Tôn giáo – Hà Nội, năm 2000, trang 161.