Hòa thượng Giác Giới thăm và sách tấn Giới tử tại Phân đàn Tịnh xá Trung Tâm

Chiều ngày 02/12/2015 (nhằm 21 tháng 10 năm Ất Mùi), tại Tịnh xá Trung Tâm quận Bình Thạnh, Hòa thượng Giác Giới – Trưởng Ban thường trực Hệ phái Khất sĩ đã viếng thăm và sách tấn các Giới tử của GIỚI ĐÀN TRÍ ĐỨC – PHÂN ĐÀN HỆ PHÁI KHẤT SĨ.

4

Vào đầu buổi nói chuyện Hòa thượng đã khuyến tấn các giới tử nên ý thức về việc thọ giới để được đắc giới mới là mục đích chính chứ không phải thọ nhận thủ tục giấy tờ hay hình thức bên ngoài của một Sa-di hay Tỳ-kheo.

Đối với một Sa-di trong Hệ phái Khất sĩ phải làm tròn bổn phận của người xuất gia thì sẽ dễ dàng đắc giới hơn. Vì trong thời gian này, các vị Tập sự, Sa-di được rèn luyện trong môi trường đạo đức của Thầy và giúp cho nhân duyên học tu được kiên cố, vững chãi hơn.

1

Câu nói: “Nhân thân nan đắc (thân người khó được)”, thân người quý giá, được sanh ra đời với sự yêu thương của cha mẹ và người thân, nhưng người tu lại từ bỏ điều ấy để tìm con đường an vui giải thoát nên khi xuất gia thì phải biết tìm Thầy để dựa nương, bạn hiền trí để cùng tu học, như câu nói “chọn mặt gởi vàng”.

Xuất gia và sống với Thầy hiền bạn tốt sẽ dễ dàng giúp cho hành giả phát triển phẩm hạnh người tu. Điều quan trọng của người tầm đạo là phải có trí, ví như lưỡi với vị canh:

“Người trí dầu một khắc

Thân cận người có trí

Biết ngay chân diệu pháp

Như lưỡi với vị canh.” (Kinh Pháp Cú)

Còn ngược lại người ngu si trọn đời dầu có gần người trí thì cũng như muỗng với vị canh, chẳng nếm được hương vị ngọt ngào của pháp giải thoát. Cũng như đức Tổ sư Minh Đăng Quang có dạy: “Người lên bàn ăn khi ăn mà không biết được vị ngon của món ăn thì chỉ vài muỗng là bỏ rồi, còn đối với người tu đạo mà không nếm được vị giải thoát sẽ bỏ đạo nửa chừng”.Trường hợp thông minh, trí tuệ như Ngài Xá-lợi-phất thì chỉ trong khoảnh khắc khi tiếp xúc Ngài Asaji liền chức đắc pháp nhãn.

3

Như đức Tổ sư dạy trong “Diệt Lòng Ham Muốn”: “Lìa cha mẹ, bỏ nhà cửa đặng nhập đạo, một lòng quyết chí học hỏi cho rõ chơn tâm, bổn tánh, và hiểu thấu phép vô vi của Phật, tức là thành một vị Tu Đà Huờn”, còn đối với thiền Tông thì phải kiến tánh, Phật giáo Nguyên thủy thì phải thành tựu Chánh tri kiến. Ngài khẳng định việc tu tập thấy pháp là điều quan trọng đối với việc giải thoát, như ngài Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên thấy pháp mới đạt được mục đích phạm hạnh. Ngày xưa, Bồ-tát Tất-đạt-đa xuất gia vì lý tưởng giải thoát: “Ta xuất gia như vậy, một người đi tìm cái gìchí thiện, tìm cầu vô thượng tối thắng an tịnh đạo lộ. Và sau khi giác ngộ, Ngài tuyên thuyết giáo lý Tứ Diệu Đế cho 5 anh em Kiều Trần Như, để giúp cho họ mở con mắt huệ.

2

Đối với người tu phải biết rõ con đường thì mới mau chóng giác ngộ giải thoát còn không thì lặn hụp mãi trong biển luân hồi sanh tử. Và cuối cùng Hòa thượng sách tấn các Giới tử phải học tu theo lời Phật, lời Tổ sư là phải có Giới – Định – Tuệ, chúng chính là con đường đến Niết-bàn. Và đức Tổ sư Minh Đăng Quang cũng có dạy: “Người Khất sĩ có ba pháp tu học vắn tắt là Giới, Định, Tuệ”, và điều này Ngài cũng dạy cho hàng cư sĩ bạch y: “Người cư sĩ khi bước chân vào đời nhiều hiểm nguy phải có giới định huệ”. Giới là nền tảng để đạt định và huệ “giới năng sanh định, định năng phát huệ”. Và quan trọng hơn trong việc đăng đàn thọ giới là phải có niềm tin nơi Giới Định Tuệ, vì chình niềm tin này đưa đến mục đích phạm hạnh của người xuất gia giải thoát. Cho nên đức Tổ sư Minh Đăng Quang thực hành phương châm “Nối truyền Thích Ca chánh pháp” cũng là nối truyền Giới Định Tuệ này.