Hòa thượng Giác Nhân hướng dẫn cho các khóa sinh về pháp môn hành trì qua chủ đề “Nội dung và ý nghĩa Cầu Nguyện Trai Tăng”

Sáng ngày mùng 4/07/Đinh Dậu (nhằm 25/08/2017), Hòa thượng Giác Nhân – Trưởng Ban hoằng pháp GHPGVN tỉnh Tiền Giang; Giáo phẩm Hệ phái – Trụ trì Tịnh xá Ngọc Lợi – Tiền Giang đã quang lâm Pháp viện Minh Đăng Quang hướng dẫn cho các khóa sinh về pháp môn hành trì qua chủ đề “Nội dung và ý nghĩa Cầu Nguyện Trai Tăng”.

HT Nhan2

Hòa thượng đã nói về niềm hạnh phúc, sự may mắn hy hữu khi chúng sanh có được bốn điều này:

“Hạnh phúc thay Đức Phật giáng sinh

Hạnh phúc thay giáo pháp cao minh

Hạnh phúc thay tăng già hòa hợp

Hạnh phúc thay tứ chúng đồng tu”.

Nhân khóa tu “Bồi Dưỡng Đạo Hạnh” lần 3 này, Hòa thượng nhấn mạnh đến điều hạnh phúc thứ tư là tứ chúng (hai chúng xuất gia: Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni; hai chúng tại gia: Ưu-bà tắc, Ưu-bà-di) cùng nhau tu học. Hai chúng xuất gia có trách nhiệm hoằng dương Phật pháp, còn hai chúng tại gia thì hộ trì Phật pháp. Và để chứng minh cho hàng Phật tử cận sự nhân lễ cúng dường trai Tăng, đúc Tổ sư Minh Đăng Quang đã trước tác bài Cầu Nguyện Trai Tăng. Bài này được soạn theo văn vần (song thất lục bát) có 108 câu, 794 chữ, chia ra 9 đoạn, mỗi đoạn có ý nghĩa riêng để người đọc dễ hiểu và dễ thuộc lòng.

Với vai trò là vị Giáo phẩm Hệ phái, vị Giáo thọ có nhiều kinh nghiệm trong giáo pháp Khất sĩ, vì lòng thương tưởng đến hàng hậu tấn nên Hòa thượng đã giảng giải bài Cầu nguyện trai Tăng nhằm trợ duyên cho chư hành giả hiểu một cách triệt để về lời dạy của đức Tổ sư. Và Hòa thượng đã lần lượt chia sẻ nội dung, ý nghĩa chính yếu của từng đoạn một cách rất cụ thể, rõ ràng.

Đoạn 1. Gồm 6 câu đầu: nói về lòng thành kính của tín chủ và cách cúng dường trai Tăng.

“Nay tín chủ lòng thành phát nguyện

Lễ cúng dường phụng hiến chư Tăng

Sắm sanh vật uống, thức ăn

Thuốc men, mùng chiếu, áo chăn cúng dường

Là tứ sự thông thường mọi việc

Sắp gom vào một việc trai Tăng”

Đoạn 2. Có 10 câu: Nói về ý nghĩa của việc cúng dường trai Tăng.

“Lễ này vốn lễ cầu an

Hiện tiền phụ mẫu được ban phước nhiều

Và cúng lễ cầu siêu báo bổ

Trong cửu huyền thất tổ từ xưa

Được nhờ ân đức móc mưa

Tiêu diêu khoái lạc phước thừa sanh Thiên

Cùng nội ngoại hai bên cật ruột

Tổ tông đồng quyến thuộc lục nhân

Kẻ xa cho chí người gần

Thảy đều thọ hưởng phước phần vẻ vang”

Đoạn 3. Có 6 câu: Nói về đức tin của Phật tử đối với sự chú nguyện của Tăng chúng

“Lòng tin tưởng trong hàng Tăng chúng

Bủa đức lành mưa phún phước rơi

Từ bi thương xót cứu đời

Ra ơn chú nguyện như lời cầu xin

Vậy gom cả tâm linh hòa nguyện

Phước lành này phổ biến thế gian”

Đoạn 4. Có 34 câu: Nói về ý nghĩa của sự chú nguyện.     

Chúng sanh khắp cõi các hàng

Siêu vòng nghiệp chướng thoát đàng trầm luân

Xứ xứ thảy thấm nhuần đạo đức

Người người đều ra sức cần tu

Mưa hòa gió thuận êm ru

Trăm nhà phước lạc muôn thu thái bình

Địa ngục bớt thảm hình thống khổ

Ngạ quỷ thường được chỗ siêu lên

Súc sanh vượt khỏi thấp hèn

Theo duyên tiến hóa đua chen lần lần

Đường thiện đạo chư thần cải dữ

Cõi nhơn người biết xử khoan dung

Nhịp nhàng theo lẽ sống chung

Chư Thiên hòa hiệp thảy đồng yên vui

Mớ vật chất lấp vùi hố thẳm

Nẻo tinh thần bước giẫm lên cao

Thánh vương phải mặt anh hào

Hiền thần đức hạnh thanh cao dạy đời

Dân lành biết giữ lời khuyến nhủ

Chỉ chuyên lo chăm chú tu hành

Không người giàu có ỷ mình

Không người nghèo khổ, ghét ganh, thích hiềm

Chốn tù tội ngày đêm trống vắng

Nạn điên khùng mất hẳn hôn trầm

Ăn xin, đui, điếc, què, câm

Bao nhiêu những cảnh thương tâm chẳng còn

Núi xương trắng mau mòn thán oán

Biển máu đào chóng cạn thù hằng

Bầu trời độc khí tiêu tan

Mùi hương bác ái thơm lan khắp vùng

Chúng sanh biết tôn sùng Phật pháp

Tiếng kệ kinh lấn áp lợi danh

Ai ai lánh dữ về lành

Bến mê Đông độ đổi thành Tây phương”

Đoạn 5. Có 12 câu: Nói về năng lực của sự chú nguyện và lòng qui hướng Tam bảo để tu tập.

“Không còn phải vấn vương tứ khổ

Nỗi khổ sanh đến độ khổ già

Khổ đau oằn oại rên la

Ngặt nghèo khổ chết, xót xa bi sầu

Kỉnh đức Phật nhiệm mầu đạo chánh

Trọng chư Tăng khổ hạnh công dày

Quý yêu Pháp bảo bực thầy

Biết cây đuốc sáng hiệp vầy nương theo

Kẻ sống chớ giàu nghèo xao xuyến

Người thác đừng lưu luyến tríu mê

Sanh giả không, tử giả không hề

Sống nương cõi tạm, thác về quê xưa”

Đoạn 6. Có 12 câu: Nói về lợi ích của vong linh mà tín chủ đã hồi hướng.

“Vong linh được cải chừa nghiệp dữ

Giữa ngày nay tứ sự cúng dâng

Là ngày tín chủ trai tăng

Cầu siêu tội nghiệp vong nhân bấy chầy

Được thọ hưởng đủ đầy phẩm thực

Lại chi dùng phước đức dồi dào

Thêm nhẹ nhạc pháp thanh tao

Vội vàng thức tỉnh xôn xao quy đầu

Lối tham chấp từ lâu được giải

Nợ buộc ràng oan trái dứt tiêu

Cất mình bay nhẹ cao siêu

Thung dung khoái lạc tiêu diêu thanh nhàn”

Đoạn 7. Có 12 câu: Nói về sự lợi ích của người hiện tại.

“Người hiện tại bình an thơ thới

Sức khỏe tăng, phấn khởi tinh thần

Sống lâu tuổi thọ thêm phần

Trí thông, huệ sáng, sắc thân tốt màu

Ý nghiệm mật giồi trau đức hạnh

Mắt tinh vi theo chánh bỏ tà

Đoan trang mặc áo nhu hòa

Ngồi tòa thanh tịnh, vào nhà từ bi

Học thấu suốt huyền vi phép nhiệm

Diệt tâm phàm vọng niệm chẳng sanh

Tập trung tư tưởng điển lành

Hào quang rạng chói chung quanh đỉnh đầu”

Đoạn 8. Có 12 câu: Nói về tinh thần tu tập Bồ-tát hạnh của người xuất gia, lúc nào cũng hướng về chúng sanh với hạnh nguyện tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn.

“Bồ đề nguyện đạo mầu chứng đắc

Bồ Tát thân dìu dắt thế trần

Trang nghiêm thị hiện oai thần

Độ trong sanh chúng tinh cần chuyên tu

Người người biết công phu thiền định

Dưỡng tinh thần thanh tịnh tự nhiên

Cõi đời biển ái lặng yên

Sông mê trong vắt não phiền còn đâu

Chúng sanh thảy quay đầu bến giác

Kẻ sống vui, người thác nhẹ nhàng

Đàn na tín thí công ơn

Phước điền rộng đức, huệ sơn cao tài”

Đoạn 9. Có 4 câu: Nói về sự chú nguyện hồi hướng của buổi lễ cúng dường trai Tăng.

“Hữu tình vốn nhơn loài động vật

Vô tình là cây đất bao đồng

Thảy đều đắc quả thành công

Cả nên Phật đạo hiện trong kiếp này.

Kính lạy cõi Tăng già Tây phương giải thoát. (1 lần)

Kính lạy cửa Khất sĩ đường Như Lai. (1 lần)      

Kính lạy chư Phật Pháp Tăng mười phương ba đời. (3 lần)

Cuối cùng, Hòa thượng đã trích lời Thế Tôn dạy trong kinh Tăng Chi để nói về phương thức tạo nên phước báu thù thắng, khi mà hàng Phật tử cận sự cúng dường tứ vật dụng và chúng Tăng thọ lãnh tứ sự ấy, như: “Thanh tịnh từ người cho và cũng thanh tịnh từ người nhận” là phước báu lớn nhất.

Qua buổi viếng thăm và sách tấn của Hòa thượng, chư hành giả thấy được giá trị của người xuất gia khi thọ nhận những phẩm vật mà hàng tín chủ phát tâm trong sạch cúng dường hộ trì chánh pháp. Vì vậy, chư hành giả phải luôn nỗ lực tu tập để làm tâm thanh tịnh và cũng phần nào báo đáp ân sâu nhiều đời kiếp của chúng sanh và hiện đời của Phật tử cư gia hộ đạo.

HT Nhan1

HT Nhan3

HT Nhan4

HT Nhan7

HT Nhan6