Hòa thượng Giác Toàn sách tấn hành giả an cư tại Hạ trường Tổ đình Ngọc Viên

Chiều ngày 24/05/Ất Mùi (nhằm 09/07/2015), sau khi hoàn thành công tác Phật sự tại hai tỉnh Sóc Trăng và Bạc Liêu, trên đường trở về Hòa thượng đã ghé thăm và tiếp tục sách tấn chư Tăng Ni hành giả an cư bài kinh Thủy Dụ (1) trong Trung A-hàm.

Ngocvien1

Nhân bài kinh này, Hòa thượng khuyên nhắc các hành giả nên tinh tấn tu tập cho thấu triệt Tứ đế để đạt đến mục tiêu an lạc giải thoát như “Hạng người ra khỏi nước rồi đứng, đứng rồi nhìn quanh, nhìn rồi đi qua, qua rồi đến bờ bên kia, đến bờ bên kia rồi được gọi là vị Phạm Chí đứng trên bờ”. Và kinh Thủy Dụ đề cập đến bảy hạng người mà chư hành giả cần quan tâm:

1/ Hạng người thứ nhất, do nghiệp bất thiện hay ác pháp nhiều đời nhiều kiếp chi phối thân khẩu ý nên hạng người này lãnh quả báo khổ đau mà không biết rõ nguyên nhân cùng con đường thoát khổ, như Phật dạy: Những người bị pháp bất thiện che lấp, bị nhiễm bởi nhiễm ô, thọ quả báo của ác pháp, tạo gốc rễ sanh tử. Đó là hạng người nằm mãi dưới nước”.

2/ Hạng người thứ hai, người này có nhân duyên lành gần gũi Tam bảo để học hỏi, tu tập những pháp lành như bố thí, cúng dường, trì giới, thiền định, trí tuệ nhưng một thời gian lại mất tín tâm và trở lại đời sống tầm thường khổ đau, như “Người đã làm trỗi lên tín tâm nơi thiện pháp, trì giới, bố thí, đa văn, trí tuệ, tu tập thiện pháp. Người ấy sau đó lại mất tín tâm, không kiên cố, mất sự trì giới, bố thí, đa văn, trí tuệ, không kiên cố. Đó là hạng người ra rồi chìm lại. Ở đây, Hòa thượng lấy ví dụ như người xuất gia hay tại gia đến chùa tu tập pháp giác ngộ nhưng sau đó lại thối thất đối với giáo pháp thì thật là uổng phí. Vì vậy, Ngài khuyên chư huynh đệ phải lưu tâm và ráng tu đừng để cho mất hạt giống lành mình đã có.

Ngocvien5

3/ Hạng người thứ ba, là người phải khéo tu tập và hoan hỷ trong thiện pháp để niềm tin được kiên cố và những pháp lành luôn tăng trưởng, như kinh dạy: “Người đó về sau tín tâm vẫn kiên cố, chắc chắn không mất, trì giới, bố thí đa văn, trí tuệ đều kiên cố, không mất. Đó là hạng người ra khỏi nước rồi đứng”.

4/ Hạng người thứ tư, Hòa thượng dạy trong việc tu tập phải luôn vui với việc ăn chay, trì giới, thiền định, … và phải học, thực hành cho thấu đạt Tứ đế. Sau đó Ngài cũng nhấn mạnh rằng: học Tứ đế thì dễ nhưng chứng ngộ lại rất khó, vì thế hành giả cần phải nhiệt tâm, tinh cần hành trì Bát thánh đạo để chuyển đổi cái xấu thành cái tốt, tức là bỏ đi 12 nhân duyên tập đời trước rồi huân tu cái mới, cái tốt đẹp trong đời này để thấy biết như thật và đoạn tận ba kiết sử nhằm chứng quả Tu-đà-hoàn như đức Thế tôn dạy: “Người đó về sau tín tâm kiên cố vẫn không mất, trì giới, bố thí đa văn, trí tuệ vẫn kiên cố không mất; trụ trong thiện pháp; biết như thật về Khổ, biết như thật về Khổ tập, Khổ diệt và Khổ diệt đạo. Người kia biết như vậy, thấy như vậy, ba kiết liền dứt sạch, đó là thân kiến, giới thủ và nghi. Ba kiết đã dứt sạch liền chứng Tu-đà-hoàn, không đọa ác pháp, quyết định thẳng đến chánh giác, đời sau thọ sanh tối đa bảy lần, qua lại bảy lần trong nhân gian, thiên thượng; rồi chứng đắc biên tế của sự khổ. Đó là hạng người ra rồi lại đứng, đứng rồi nhìn quanh”.

Ngocvien3

5/ Hạng người thứ năm, sau khi đoạn trừ ba kiết sử chứng Tu-đà-hoàn, người này tiếp tục nỗ lực tu tập để làm cho vơi mỏng dâm, nộ, si tức là chứng quả Tư-đà-hàm, còn tái sanh một lần nữa, như kinh đề cập: “Biết như thật về Khổ, về Khổ tập, về Khổ diệt, về Khổ diệt đạo. Biết như vậy, thấy như vậy, ba kiết liền dứt sạch. Đó là, thân kiến, giới thủ, nghi; ba kiết đã dứt sạch. Dâm, nộ, si vơi mỏng. Còn phải một lần vãng lai trong nhân gian, thiên thượng. Đó là người ra rồi đứng, đứng rồi nhìn quanh, nhìn rồi lội qua”.

6/ Hạng người thứ sáu, giai đoạn này nói đến cấp độ chứng đạt cao hơn, vị này đoạn tận năm hạ phần kiết sử chứng quả A-na-hàm, như lời dạy trong kinh: “Biết như thế, thấy như thế, năm hạ phần kiết dứt sạch. Đó là tham dục, sân nhuế, thân kiến, giới thủ, nghi. Năm hạ phần kiết dứt sạch rồi, sanh vào cõi ấy, rồi nhập Niết-bàn, chứng pháp bất thối, không trở lại thế gian này nữa. Đó là người ra rồi đứng; đứng rồi nhìn quanh; nhìn rồi lội qua; lội qua rồi đến bờ bên kia”.

Ngocvien4

7/ Hạng người thứ bảy, là nói đến vị chứng quả cuối cùng trong 4 quả thanh văn: “Biết như vậy, thấy như vậy. Tâm giải thoát khỏi dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu. Giải thoát rồi liền biết mình đã giải thoát và biết một cách như thật rằng: Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa. Đó là người ra khỏi nước rồi đứng, đứng rồi nhìn quanh, nhìn rồi đi qua, qua rồi đến bờ bên kia, đến bờ bên kia rồi được gọi là vị Phạm chí đứng trên bờ”.

Qua bài kinh, Hòa thượng đã dạy Tăng Ni cần phải noi gương những hạng người xứng đáng để đến bờ kia giải thoát. Và cuối buổi nói chuyện, Hòa thượng thương tưởng và khuyên nhắc chư huynh đệ hành giả không được lười mỏi mà phải nỗ lực tu tập đến ngày công viên quả mãn bằng hai câu thơ:

“Nghe chuông sớm tối tỉnh lòng

Thần lười dứt sạch thần thông hiển bày”.