Hòa thượng Minh Bửu: Kinh nghiệm trụ trì

Sáng ngày 22 tháng 4 năm Mậu Tuất, ngày thứ 5 khóa Bồi dưỡng trụ trì, HT. Minh Bửu – Ủy viên HĐTS, Phó Trưởng ban Tăng sự Trung ương, Phó ban Giáo phẩm kiêm Trưởng ban Tăng sự Hệ phái chia sẻ thời pháp thoại chủ đề “Kinh nghiệm trụ trì”.

Mở đầu pháp thoại, Hòa thượng nhắc lại những năm đầu thập niên 70 khi còn là tập sự rồi đến Sa-di, luôn sống khép mình trong oai nghi, hành theo giới luật của người mới tập tu, thể hiện qua cung cách đi, đứng, nằm, ngồi. Ngài luôn khắc tâm lời dạy của sư phụ “luôn luôn đôi mắt phải kềm, đừng hay dòm ngó kiếm tìm chi chi”, khi đi phải nhìn ngay trước mặt xa hai thước, tay không khua mạnh mà phải nắm giữ chéo áo… Lúc đó, kinh sách không có nhiều, Ngài được học Luật nghi và xem các sách như Pháp môn niệm Phật, Lịch sử Đức Phật, những câu kệ khuyến tu; không được đọc sách ngoài cho dù đó là quyển Đạo làm người, kiến thức trang bị không được như bây giờ. Tuy nhiên Ngài luôn giữ giới tu tập trang nghiêm, đơn thuần của một Sa-di, Phật tử nhìn thấy kính trọng xá bái.

Năm 1974, Ngài thọ tỳ kheo, thời điểm đó 3 hoặc 6 tháng đổi trụ xứ và được thỉnh về Tịnh xá Ngọc Minh, quận Thủ Đức trụ trì.

Hòa thượng nhấn mạnh 3 vấn đề chính mà người trụ trì phải có, đó là nhân cách đạo đức, năng lực kiến thức và tâm đức bao dung.

- Nhân cách đạo đức: Làm trụ trì mà không có nhân cách đạo đức làm sao có thể nhiếp phục chúng xuất gia, tại gia cùng với việc đối nội và đối ngoại…

- Thời đại xã hội phát triển văn minh, công nghệ, người trụ trì cần phải có kiến thức nhất định về nội điển và ngoại điển “Nhật nhật tân, hựu nhật tân” (ngày ngày đều luôn đổi, và lại tiếp tục đổi mới nữa). Việc này đòi hỏi, ngoài nhân cách đạo đức, chúng ta cần có kiến thức và kinh nghiệm chuyên môn để trao dồi sở học sở hành. Ngoài ra, vị Tăng sĩ trẻ có năng lực cần phải tham gia các hoạt động ở Giáo hội và xã hội như từ thiện, văn hóa v.v…

- Tâm đức bao dung: Người trụ trì không vì tư kỷ mà phải có tâm đức bao dung, tiếp nhận đồ chúng giáo dưỡng nên người; cho đi học các trường Phật học trong và ngoài nước để mở mang trí tuệ, tiếp nối trọng trách sứ mạng Tăng-già, xương minh Phật giáo, xứng với câu “Trụ pháp vương gia, trì Như Lai tạng”, đóng góp cho ngôi nhà chung của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trong đó có Hệ phái Khất sĩ, đền ơn tổ thầy.

Ngài còn giảng giải và dẫn chứng những câu thiền ngữ, những tích truyện về đạo nghĩa làm thầy đối với trò qua giai thoại thiền như Thầy của Thần Tán hay giai thoại về Hoằng Bá, Huệ Khả… làm cho hội chúng hiểu thêm về vai trò quan trọng có sức ảnh hưởng lớn thành tựu đạo nghiệp của người học trò với tâm đức bao dung, sự hy sinh thầm lặng vì đại chúng của vị trụ trì, “Không đợi mây tan trăng mới tỏ, mà vần trăng kia đã sáng tự bao giờ”. Thế nên, vì đạo nghiệp muôn đời, vì sứ mạng thiêng liêng “Kế vãng khai lai, báo Phật ân đức”, chúng con nguyện “Y giáo phụng hành”, thực tập 3 điều căn bản mà Hòa thượng đã truyền trao, để làm trọn trọng trách của người trụ trì, không phụ công lao của chư Tôn đức vì đàn hậu học.

Giảng đường Minh Đăng Quang

>> Nghe toàn bộ bài pháp tại đây