Hòa thượng Minh Bửu thăm và sách tấn chư Ni nhân khóa tu Giới Định Huệ lần 16 của chư Ni phân đoàn 2 Giáo đoàn IV.

Vào lúc 9 giờ sáng ngày 24 tháng 10 năm 2017 (nhằm ngày 5 tháng 9 năm Đinh Dậu), Hòa Thượng Minh Bửu - Giáo phẩm GĐ IV, Trụ trì Tịnh xá Ngọc Thuận (Tây Ninh) đã viếng thăm và sách tấn chư Ni nhân khóa tu “Giới – Định- Huệ” lần thứ 16 do chư Ni phân đoàn 2, Giáo đoàn IV tổ chức tại Tịnh xá Ngọc Chung(Tân Xuân - Hóc Môn – TP Hồ Chí Minh).

Sau khi chư Ni đảnh lễ và vấn an sức khỏe, Hòa Thượng đã chia sẻ bài pháp với nội dung xoay quanh những vấn đề trong Chơn Lý của đức Tổ sư Minh Đăng Quang.

“Với bài pháp này, Hòa thượng chủ yếu đào sâu vào cách thực hành và tu tập để có chánh kiến, thấy rõ con đường mà đức Tổ sư đã từng đi và đã đến. Người xuất gia phải có đủ hai điều là Hạnh nhập và Lý nhập. Hạnh nhập là giữ giới, ăn chay, tu trì, tụng kinh, niệm Phật… còn Lý nhập là phải kiến giải một cách rõ ràng lời của chư Phật, chư Tổ đã dạy. Thấy và thực hành đúng hai điều này mới xứng đáng là người xuất gia chơn chánh. Nhưng quan trọng và khó thực hành hơn chính là “lý nhập”, vì để đạt được điểu đó thì chúng ta cần phải tu tập Chánh kiến, hay nói đúng hơn là thực hành “chánh tri kiến”.

Giáo lý của đức Phật bao gồm 12 bộ kinh, nhưng gom tụ lại gồm 4 pháp là quyền giáo, trực giáo, tiệm giáo, đốn giáo. Nói đến PG phải nói đến Ngũ thừa. khi tu tập chúng ta phải cần nên biết mình đang ở thừa nào mà cố gắng tinh tấn tu hành, một khi tâm thiện nổi lên thì tất cả tâm bất thiện hoàn toàn bị tiêu diệt. Đó cũng là một trong những cách tiến hóa mà đức Tổ sư đã từng đề cập xuyên suốt trong bộ Chơn Lý.

Có một Thiền sư đã từng nói “nếu biết buồn, vui, mừng, giận thương, ghét, muốn đều là tánh không thì khi ấy chúng ta sẽ thấy đạo”. Nghĩa là chúng ta phải hiểu và thấu rõ tánh không. Tông chỉ chung của Phật giáo chính là “cứu khổ ban vui” hay “chuyển mê khai ngộ”.

“Thế gian vốn vô sự, tới là ngẫu nhiên, đi là tất nhiên”. Vạn vật đều ảnh hưởng lẫn nhau, lòng bất biến, tất cả đều bất biến. Khi chúng ta có tâm chấp trước thì chắc chắn tưởng tri sẽ sanh khởi, mà tưởng tri sanh khởi thì khi đó phiền não làm sao tránh khỏi….

Chơn lý chính là cái lẽ thật, kiến tu, đưa con người đến lẽ chân thiện mỹ… Nếu còn dính mắt vào sự hệ lụy của sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp thì chính sự hệ lụy ấy sẽ làm cho con người đi đến chỗ khổ sở về thân và tâm, như thế thì làm sao có thể thấu hiểu pháp, làm sao rõ thông mọi việc. Tất cả chúng sanh đều có: Tưởng tri (perception) + thức tri (consciousness) và tuệ tri (wisdom, insight), nhiệm vụ của chúng ta là làm sao để cho tuệ tri được tăng trưởng và làm giảm đi những cái tưởng tri và thức tri của một chúng sanh thấp kém. Vì tuệ tri có mới thông hiểu và thấu rõ ý Pháp một cách đúng đắn.

Bên cạnh đó Hòa thượng còn giải thích rõ thêm ý nghĩa của “Tứ Y”

  1. Y pháp bất y nhân, nghĩa là y theo giáo pháp của chư Phật, chư Tổ, chẳng y theo theo người, vì là chúng sanh khó ai mà thoát được tham, sân, si thì làm sao giảng giải được nghĩa lý Phật pháp, vì thế không nên đối chiếu, tỵ hiềm nơi tư cách người nói pháp để rồi bỏ lỡ cơ hội nghe pháp, tự thân mất sự lợi lạc. Cho nên y theo giáo pháp của Phật mà tu hành, người nói ra giáo pháp ấy tốt hay xấu không quan trọng.
  2. Y nghĩa bất y sự, lý, tạm dịch là y theo nghĩa lý, không y theo ngôn ngữ văn tự. Phật thuyết pháp với ý nghĩa sâu xa nhằm biểu đạt và thể nhập chân lý. Ngôn ngữ, văn tự chỉ là công cụ diễn đạt Trung đạo đệ nhất nghĩa, giúp người tu nhận ra chân lý để hành trì và thân chứng, bởi thế không nên bám víu và quá cố chấp vào văn tự. Cũng có thể nói là như lý tác ý.
  3. Y trí bất y thức, nghĩa là y theo trí tuệ, không y theo vọng thức phân biệt. Chỉ có trí tuệ mới nhận chân được chân lý thực tại, còn vọng thức là thấy biết theo nghiệp, có tính tương đối và đa phần sai lầm. Chỉ có trí tuệ mới đầy đủ công năng quét sạch phiền não, thanh tịnh ba nghiệp, còn thức dẫu thông minh, nhạy bén và lanh lợi đến đâu đi nữa cũng là sanh diệt, hư vọng và không đủ sức giác quán để chuyển hóa, diệt trừ phiền não.
  4. Y nghĩa chân thật bất y nghĩa huyền tiệm (sử dụng phương tiện): có nghĩa là y theo các kinh điển liễu nghĩa, chẳng y theo các kinh điển chưa hiểu, chưa thông. Theo quan điểm của Phật giáo Bắc truyền, kinh điển được Phật tuyên thuyết tùy căn cơ chúng sanh nên có cao thấp, khác biệt, dù mục tiêu cứu cánh vẫn là giải thoát sanh tử, song trên tinh thần phương tiện thì những kinh điển thuyết minh về con đường thể nhập Nhân thừa, Thiên thừa v.v… được gọi là kinh bất liễu nghĩa (chưa nói hết ý nghĩa thâm diệu, toàn triệt của giáo pháp).

“Tại sao chúng ta phải giữ giới?”. Chắc rằng ai cũng sẽ rất bất ngờ với câu trả lời. Với
Ngài chúng ta giữ giới là vì chúng ta sợ rằng chúng ta sẽ không đạt được những điều chúng ta mong muốn như quả vị Phật, giới hạnh cao…Vậy nên giữ Giới cũng là có mục đích. Dẫu biết giới năng sanh định, định năng phát huệ, nhưng thấu hiểu và có chánh tri kiên cũng là một điều rất quan trọng, là căm xe đầu tiên trong 8 cây căm chuyển pháp luân, là đầu mối, là thuyền bè… để đến với Chánh Pháp.”

Cuối cùng Hòa thượng chúc phúc đến chư tôn đức Ni cùng thiền đường hội chúng được sức khỏe và đạt được nhiều thành tựu trên con đường tu tập. Buổi chia sẻ pháp được thành tựu trong niềm hoan hỷ vô biên.

                                                                                01

02

03

04