Hòa thượng Thích Minh Thông: Luật học với vị trụ trì

Khởi đầu cho ngày thứ 6 khóa Bồi dưỡng trụ trì 2018, Hòa thượng Thích Minh Thông - UVTT HĐTS GHPGVN, Phó Ban Tăng sự TƯGH, Phó Ban Trị sự GHPGVN TP. HCM, Tuyên Luật Sư của nhiều nhiều Đại giới đàn trong cả nước, với thâm tình đối với Hệ phái đã quang lâm chia sẻ thời pháp “Luật học với vị trụ trì” vào sáng ngày 6-6.

Tất cả Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni theo lời Phật dạy trong 3 tháng mùa mưa đều cấm túc an cư với hai mục đích: nuôi dưỡng lòng từ bi đối với tất cả chúng sanh; có đủ điều kiện để sống trở lại với chính mình, nuôi dưỡng thiện căn, mở mang thêm về phẩm chất bên trong, tránh bớt duyên bên ngoài.

Có nhiều điểm khác nhau về thời gian tổ chức An cư dựa theo các truyền thống Phật giáo khác nhau, Phật giáo Nam truyền - Theravada tổ chức từ ngày Rằm tháng 6 đến Rằm tháng 9, Hệ phái Bắc tông và Khất sĩ an cư 90 ngày từ Rằm tháng 4 đến Rằm tháng 7 âm lịch. Hòa thượng chỉ rõ có sự khác đó là vì các truyền thống dựa trên các bộ luật khác nhau. Mặc dù cùng có chung một nguồn gốc là bộ luật Bát thập tụng Luật được kiết tập kinh điển lần thứ nhất, đến khi có sự phân chia bộ phái Phật giáo diễn ra sau 100 năm Phật nhập Niết-bàn hình thành hai bộ phái: Thượng tọa bộ với truyền thống áp dụng bộ luật Thiện Kiến (Tỳ-kheo giữ 217; Tỳ-kheo-ni giữ 311 giới) và Đại chúng bộ với truyền thống tu tập theo luật Đàm-vô-đức (Tỳ-kheo trì 250 giới, Tỳ-kheo-ni giữ 348 giới).

An cư của các Hệ phái áp dụng bộ luật Đàm-vô-đức (Bắc tông, Khất sĩ) là do ảnh hưởng theo truyền thống của Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ và một số bộ phái theo truyền thống An cư mùa Hạ. Còn Phật giáo Theravada áp dụng thời gian An cư theo truyền thống kinh điển Nikaya, bắt đầu và kết thúc sau 2 tháng. Tuy nhiên, dù có sự khác nhau về thời gian những vẫn không trái với lời Phật dạy, vì An cư là thời gian trưởng dưỡng lòng từ bi và nuôi dưỡng thiện căn của hành giả theo đúng lời dạy của đức Phật.

Qua ba tháng an cư thì Tăng Ni mới tăng thêm tuổi Hạ, tuy nhiên có những trường hợp một vị trụ trì vì nhân duyên chưa có đồ chúng nên phải ở lại trú xứ trông coi không tham dự An cư tập trung. Phật dạy có 3 pháp mà một vị Tỳ-kheo có thể áp dụng, đó là: Tâm niệm an cư (dành cho vị tâm niệm thưa với đức Phật để an cư ngay tại trú xứ của mình); Đối thú An cư (có hai hoặc ba vị Tỳ-kheo ở chung trú xứ); Tăng pháp An cư nơi an cư của 4 vị Tỳ-kheo (Ni) trở lên. Do vậy, tất cả Tăng Ni thọ Cụ túc giới đều phải An cư để tăng trưởng đạo lực, tấn tu tam vô lậu học, thành tựu cho được 4 pháp thanh tịnh: Giới thanh tịnh tức là trì giữ tất cả giới trọng và giới khinh; Căn thanh tịnh tức là lục căn không dính mắc lục trần; Chánh mạng thanh tịnh tức là luôn sống theo pháp Tứ thánh chủng.

Liên quan đến vấn đề dư luận hiện nay về việc việc nên giữ hay không giữ Bát kỉnh pháp đối với Tỳ-kheo-ni, Hòa thượng khẳng định sau khi nghiên cứu nhiều bộ luật “Tỳ-kheo-ni đắc giới, đắc bản thể Tỳ-kheo-ni là do Bát kỉnh pháp”, vậy nên nếu bỏ Bát kỉnh pháp thì chỉ có Pháp tánh chứ không đắc được pháp tướng Tỳ-kheo-ni.

Trên cương vị của một người nhiều năm nghiên tầm Luật tạng, Hòa thượng cũng nhắc nhở chư hành giả An cư những giới nên tránh để bảo vệ giới thể cho hành giả. Chúng ta cần hiểu được mục đích mà Phật chế giới luật đều không ngoài 3 phương diện: những gì trở ngăn trên quả chứng của một hành giả; những gì mất sự đoàn kết, hòa hợp của Tăng đoàn; tránh sự chê bai của người thế gian. Cho nên, người tu cần nên hiểu Luật và không nên chấp chặt luật, mà phải linh động trong việc ứng dụng giới luật, vì đức Phật cho phép: “những điều nào ta chế ra địa phương thấy không cần thiết thì có thể bỏ, nhưng gì ta chưa chế ra mà địa phương thấy cần thiết thì nên thi hành”.

Hành trì giới luật không có nghĩa chỉ khép chặt trong 250 giới hoặc 348 giới, vì có những điều giới không thể thực hiện trong hiện thực ngày nay, hoặc những điều tuy Phật không chế ra giới điều cụ thể, những có thế ảnh hưởng đến sự tu tập bản thân và sự vững mạnh của tăng đoàn thì phải nên cấm.

Đây là những Giới học của một vị trụ trì cần hiểu rõ. Một vị trụ trì muốn thành tựu được đạo quả thì rất cần chú trọng tăng trưởng giới luật, ứng dụng giới luật một cách diệu dụng để trưởng dưỡng đạo tâm, được rồi thì mới trang nghiêm Giáo hội, hóa độ chúng sanh.

Đại diện chư Tôn đức các Giáo đoàn đảnh lễ Hòa thượng chủ giảng

>> Nghe toàn bộ bài pháp tại đây