Hoằng pháp ở Tây Nguyên: Làm Phật sự trong tinh thần “được làm, được phụng sự”

ĐĐ.Thích Giác Nhường, Phó Thư ký BTS, Trưởng ban Văn hóa Phật giáo tỉnh Đắk Nông - nơi tổ chức Phật giáo có thể nói là còn non trẻ ở Tây Nguyên; Đại đức còn tham gia nhiều công tác khác trong Hệ phái Khất sĩ, Giáo đoàn III, nhưng đã nỗ lực để kiến tạo ngôi tịnh xá Ngọc Đạt tại TX.Gia Nghĩa do chính Đại đức khai sơn.

anh trang tre (2).jpg
Các cụm kiến trúc của tịnh xá Ngọc Đạt mang dáng dấp Tây Nguyên,
đây cũng là cách làm cho Phật giáo gần gũi hơn với đồng bào - Ảnh: Thành Toàn

Qua vài năm hoạt động, Đại đức đã biến vùng đất hoang sơ thành nơi tu tập thu hút người dân, bạn trẻ, gieo duyên với đồng bào dân tộc không chỉ tại Gia Nghĩa mà còn nhiều địa phương khác tại Đắk Nông. Ở Ngọc Đạt đã có những nhóm sinh hoạt chuyên môn dành cho người trẻ, những Phật tử trăn trở với người bệnh, người nghèo, tiếp sức học sinh đến trường… Nói về tâm nguyện của mình, ĐĐ.Giác Nhường chia sẻ:

- Tôi vốn đã xuất gia tu tập và lớn lên trên vùng đất Tây Nguyên, đó là tỉnh Gia Lai. Sau khi học xong chương trình tiến sĩ tại Trung Quốc về nước vào năm 2011, được sự quan tâm và tạo điều kiện của quý tôn đức, tôi tham gia giảng dạy tại Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM từ tháng 9 năm đó đến nay. Tuy rất yêu thích công tác giáo dục, nhưng cái duyên với mảnh đất Tây Nguyên vẫn không sao xa cách được, nên tôi xin phép thầy Bổn sư  - HT.Giác Thành thuyên chuyển về Đắk Nông để được vừa đóng góp Phật sự tại địa phương, lại được tiếp tục công tác giảng dạy tại Học viện. Bởi từ Đắk Nông về TP.HCM không xa lắm, chỉ cách khoảng 250km.

Về đó, Đại đức còn nhiều Phật sự ở các nơi, đi giảng, làm công tác nghiên cứu, dạy học, in ấn xuất bản ấn phẩm Phật giáo… Đại đức có gặp khó khăn và vượt qua như thế nào? Và sư đã sắp xếp thời gian cho nhiều Phật sự như vậy ra sao?

- Tôi nghĩ câu nói “thân khỏe, tâm an” là yếu tố quan trọng để phụng sự, để vươn lên, để vượt qua những khó khăn trong công việc và trong sinh hoạt hàng ngày. Nếu tâm bất an, sinh khởi phiền não thì dù việc nhỏ cũng khó thành, và nếu sức khỏe kém thì cũng hạn chế trong việc phụng sự, vì thế cần phải quan tâm đến sự cân đối của công việc và sức khỏe tinh thần.

Tôi có một vị thầy là sư huynh, cũng là người bạn đồng học, thầy ấy nói rằng khi làm Phật sự với tâm niệm là “được làm, được phụng sự” chứ không phải “bị làm, bị phân công làm”. Tôi rất hoan hỷ với tinh thần đó, vì thế, được sự cho phép của quý tôn đức Trưởng lão Hòa thượng, chư tôn đức tôn trưởng, tự thân được góp phần sức nho nhỏ trong Phật sự là điều vô cùng hạnh phúc - đây chính là động lực để cố gắng, nỗ lực phụng sự, đồng thời vượt qua một số khó khăn nhất định khi gặp phải.

Ngoài ra, việc sắp xếp các công việc gần nhau chung một cụm, như các việc thuyết giảng, dạy học, nghiên cứu thành những nội dung có liên quan; hoặc là hoằng pháp gắn liền với từ thiện xã hội chẳng hạn, như vậy sẽ đỡ hơn nhiều.

Tất nhiên, với khối lượng công việc quá nhiều, làm việc quá sức thì hiệu quả chắc chắn sẽ không cao, thậm chí dẫn đến hiệu quả rất kém, sẽ ảnh hưởng sức khỏe và ảnh hưởng đến tâm thái của mình không nhỏ, cho nên có những việc tự thân phải làm, nhưng có những việc cần sự cộng tác, cần sự hợp lực của nhiều người, ví dụ như công việc làm văn hóa, truyền thông thì tôi phải tìm và kết nối nhân sự để cùng thực hiện công tác.  

Đại đức ước nguyện về một ngôi tịnh xá mình xây dựng đầu tiên thế nào và đến nay Ngọc Đạt có phát triển đúng với nguyện ban đầu của mình?

- Về mặt công tác xã hội, Ngọc Đạt kêu gọi, kết nối những tấm lòng hảo tâm cùng thực hiện những chuyến từ thiện đến những hoàn cảnh khó khăn, nhất là với các đồng bào dân tộc tại các buôn làng; và trước đó, cũng đã thành lập quỹ khuyến học từ năm 2011 - để trợ duyên phần nào cho các em học sinh ở vùng  sâu vùng xa có điều kiện tốt hơn để đến lớp, đến trường.

Về tu học, Ngọc Đạt mở các khóa tu học cho Phật tử địa phương dù ban đầu số người tham gia rất khiêm tốn, phần lớn thì ở vùng sâu vùng xa người dân nghiêng về hoạt động tín ngưỡng nhiều hơn là học và thực tập để chuyển hóa, để nhận thức rõ ràng hơn về chánh kiến, chánh tín, nhưng dần dần Phật tử nơi đây cũng nhiều hơn, khóa tu học cũng được quan tâm hơn.

Trong các buổi thuyết giảng tại tịnh xá tôi đều chia sẻ những kiến thức cơ bản của Phật giáo để bà con Phật tử hiểu và tránh bớt đi phần nào những mê tín dị đoan.

anh trang tre (3).jpg
ĐĐ.Giác Nhường chia sẻ với đồng bào - Ảnh: Thành Toàn

Hoằng pháp tới đồng bào dân tộc là một Phật sự quan trọng, không ít khó khăn, thách thức, Đại đức đã làm việc đó như thế nào?

- Về vấn đề hoằng pháp tới đồng bào dân tộc là một mảng lớn mà chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội, chư tôn đức Ban Hoằng pháp và Ban Hướng dẫn Phật tử, các ban ngành liên quan đã tổ chức các hội thảo, tọa đàm để chia sẻ, phân tích những khó khăn, thách thức rất rõ ràng rồi. Riêng tôi chỉ là bước đầu tiếp cận và áp dụng những bài học từ kinh nghiệm của chư tôn đức mà thôi.

Đại đức vừa chia sẻ là thường xuyên cấp phát học bổng cho học sinh? Vì sao sư chọn đối tượng này trong công tác từ thiện-xã hội của mình?

- Tôi nghĩ, các em chịu học, nỗ lực học tức là các em đang phát triển theo chiều hướng tích cực: phát triển đạo đức trên sự cố gắng, nỗ lực đó của các em có hoàn cảnh khó khăn thì chúng ta quan tâm trợ duyên, trợ lực dù rất nhỏ nhưng các em sẽ tăng thêm động lực, niềm vui trong việc học hành. Đó có thể là chiếc xe đạp giúp các em đến trường nhanh hơn, khỏe hơn; hoặc chiếc áo ấm vào mùa đông giúp các em không bị run rẩy khi đến trường bởi cái lạnh Tây Nguyên; hoặc may bộ đồng phục đến trường khi cha mẹ đang túng thiếu…

anh trang tre (1).jpg
Tịnh xá Ngọc Đạt chăm lo chuyện học cho trẻ vùng cao - Ảnh: Thành Toàn

Đại đức còn chủ biên một ấn phẩm dành cho giới trẻ - Tuổi trẻ Phật Việt - Sư thực hiện ấn phẩm này với tâm nguyện gì? Và những tác động mang lại từ nội dung của nó?

- Khoảng trên mươi năm trở lại đây, các bạn trẻ tìm hiểu, nghiên cứu và thực nghiệm lời Phật dạy ngày càng nhiều. Ấn phẩm ra đời như góp thêm diễn đàn trao đổi kinh nghiệm cùng những bài học đạo đức, phương pháp rèn luyện và thực tập tinh thần từ những bài chia sẻ nhẹ nhàng, đến những thắc mắc thực tế được giải đáp gần gũi với các bạn.

Sắp tới, Ngọc Đạt sẽ chính thức được bổ nhiệm trụ trì, là người đứng đầu tịnh xá, việc “trụ Pháp Vương gia, trì Như Lai tạng” Đại đức sẽ uyển chuyển ra sao khi đảm đương nhiều nhiệm vụ và công việc mà việc nào cũng quan trọng?

- Người xuất gia luôn hướng về nương tựa ba ngôi Tam bảo. Tam bảo là ba bậc Thầy tôn quý trong đạo Phật, vì thế dù ở vai trò nào, vị trí nào, thời gian nào thì đều phải làm việc của ba bậc Thầy cao cả đã dạy, đó là Phật sự, là Pháp sự, là Tăng sự. Tự thân tu học phát triển hiểu biết, phát triển trí tuệ và giúp người khác tu học để phát triển như thế là Phật sự (tự giác và giác tha); phụng sự chúng sinh tức cúng dường chư Phật đây là Pháp sự; và hoàn thiện đời sống phạm hạnh, trang nghiêm thân, khẩu, ý của tự thân, cố gắng sống đúng tinh thần lục hòa cộng trụ của người người xuất gia, tức là thể hiện Tăng cách, đây là việc làm của chư Tăng, hay còn gọi là Tăng sự.

Tuy nhiên, tùy theo khả năng, phước báo của mỗi người mà tinh tấn thực hiện được bao nhiêu thì tốt bấy nhiêu. Riêng bản thân tôi, cũng chỉ là một vị học tăng trong hàng chục nghìn vị Tăng của Phật giáo VN, là một người xuất gia trẻ đang nương tựa oai đức Tam bảo, nhất là nương tựa Giáo hội, nương tựa chư tôn đức Ban Trị sự, nương Tăng đoàn để tu học và được phụng sự cũng như tinh thần Tổ sư Minh Đăng Quang dạy: “Nên tập sống chung tu học, phép Tăng chẳng lìa đoàn”.

Kính cảm ơn Đại đức!

ĐĐ.Giác Nhường xuất gia năm 1993 với HT.Giác Thành tại tịnh xá Ngọc Phúc (TP.Pleiku, Gia Lai), thọ Tỳ-kheo năm 1998, tốt nghiệp cử nhân Phật học năm 2005 tại Học viện Phật giáo VN - TP.HCM; tốt nghiệp thạc sĩ và tiến sĩ ngành Giáo dục học tại Trường Đại học Sư phạm Hoa Trung (Trung Quốc).

Hiện ĐĐ.Giác Nhường đảm nhiệm Phó Trưởng ban Thông tin-Truyền thông T.Ư GHPGVN; Giảng viên Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM và Trường Trung cấp Phật học Đồng Nai; Phó Chánh Văn phòng Viện Nghiên cứu Phật học VN; UV Ban Văn hóa T.Ư GHPGVN; Phó Chánh Thư ký BTS kiêm Trưởng ban Văn hóa Phật giáo tỉnh Đắk Nông; Trợ lý Ban Thường trực Giáo phẩm Hệ phái Khất sĩ; Phó Chánh Thư ký kiêm Trưởng ban Thông tin-Truyền thông Giáo đoàn III.

Đại đức cũng là chủ biên tập san Hương Từ Bi (Đắk Nông); chủ biên ấn phẩm Tuổi trẻ Phật Việt.

Nguồn: giacngo.vn