TP.HCM: Hòa thượng Minh Ngạn nói về “Từ bi và Nhân cách” trong khóa ACKH PL.2569 tại Pháp viện Minh Đăng Quang

Sáng 20/6/2025 (25/5/Ất Tỵ), trong không khí trang nghiêm nơi trường hạ Pháp viện Minh Đăng Quang (TP.Thủ Đức, TP.HCM), HT. Minh Ngạn – Phó ban Tri sự kiêm Trưởng ban Kiểm soát Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Đồng Nai, Trưởng ban Hoằng pháp Hệ phái Khất sĩ, Trụ trì Tịnh xá Ngọc Hòa (Biên Hòa, Đồng Nai) – đã có buổi thuyết giảng đặc biệt với đề tài “Từ bi và Nhân cách”, được truyền tải qua góc nhìn từ tác phẩm “Compassion and Individual” của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14.

Mở đầu buổi giảng, HT. Minh Ngạn giới thiệu sơ lược về cuộc đời, sự nghiệp của Đức Đạt Lai Lạt Ma, vị được xem là hóa thân của đức Quan Thế Âm Bồ-tát, biểu trưng của tâm đại từ, đại bi cứu khổ cứu nạn. Hòa thượng nhấn mạnh: “Đạo Phật là đạo từ bi, nhưng ‘cửa từ bi’ là ‘cửa không’, cần trí tuệ bén nhạy, thấu rõ lẽ vô thường”. Khi tâm không còn dính mắc, người tu sẽ dễ buông xả, dễ thực hiện những việc lợi ích mà vẫn ung dung tự tại, như bàn tay trống không có thể cầm nắm vạn vật, còn nếu cứ khư khư nắm chặt một cái ly thì chẳng còn làm được gì khác, thậm chí còn tự làm đau chính mình.

Đi sâu vào vấn đề, Hòa thượng chia sẻ về hai trạng thái nhạy cảm trong tâm thức: “tâm lý nhạy cảm” và “tâm linh nhạy cảm”. Khi đối mặt với một sự việc, tâm lý nhạy cảm có thể giúp ta học được bài học, trưởng thành, vững chãi hơn. Nhưng cùng lúc đó, tâm linh nhạy cảm nếu không được chánh niệm quán chiếu có thể khiến ta sinh phiền não, nghi kỵ, tự tạo rối ren trong tâm, ảnh hưởng cả bản thân và người khác. Hòa thượng nhắn nhủ: “Những ai có tâm lý nhạy cảm như vậy thì nên thay đổi, quán xét, hành trì chánh niệm để thấy nhẹ nhàng hơn với cuộc sống, tâm bớt so đo, ít chao đảo với duyên bên ngoài. Mình tu rồi chẳng còn câu nệ cao thấp, chẳng còn để ý ai thế nào. Sáng thức dậy đón bình minh nơi cửa, thấy bạn bè khỏe mạnh là đủ an vui”.

Tiếp đó, trong phần chính của bài thuyết giảng, HT. Minh Ngạn trích lời Đức Đạt Lai Lạt Ma: “Mục đích của cuộc sống chính là đạt được hạnh phúc”. Hòa thượng chia sẻ rằng trong ba tháng an cư, mỗi hành giả không chỉ tích lũy niềm vui tâm linh cho chính mình, mà còn lan tỏa ân đức tu tập ra muôn nơi. Khi xác lập được mục tiêu tu tập rõ ràng, tâm sẽ ngày càng an vui, thảnh thơi, vững chãi, trở thành nguồn năng lượng tích cực giúp ích cho đời.

Hòa thượng còn giúp đại chúng nhận thức rõ về tính đối lập của hạnh phúc và khổ đau. Đây là cặp song sinh tồn tại trên cùng một nền tảng: có no mới có đói, có đói mới có thưởng thức. Cũng như lời khen lời chê, cả hai đều cần được đón nhận trong thế quân bình để tâm luôn an ổn. Khi đó, tâm ta mới vững vàng, không chao đảo trước sóng gió thế gian.

Hòa thượng nhấn mạnh thêm: “Hạnh phúc có hai phương diện: tinh thần và thể chất”. Vật chất cần thiết trong những hoàn cảnh nhất định như khi đói cần thức ăn, khi đau cần thuốc, khi mưa cần mái nhà… nhưng suy cho cùng, vật chất chỉ là thứ yếu, nên nếu chạy theo nó mà quên bồi dưỡng tâm hồn, ta dễ rơi vào trạng thái hụt hẫng, tự cao, đắm nhiễm. Con đường tu, như Hòa thượng chia sẻ, là con đường diệt ngã, giúp tâm ngày càng thuần khiết, nhờ đó tiến gần đến trạng thái vô ngã.

Khép lại buổi thuyết giảng, HT. Minh Ngạn nhắn nhủ đại chúng: “Cuộc đời vốn nhiều bất công, phiền não, nghịch cảnh như vị mặn của muối. Nhưng tâm người tu cần được mở rộng, cao thượng như dòng sông lớn. Khi đó, chút muối mặn thả vào lu nước vẫn có thể hòa tan, còn khi hòa vào dòng sông thì chẳng còn thấy vị mặn. Tâm ta càng rộng lớn thì mọi nghịch duyên đều trở thành dưỡng chất nuôi lớn tâm hồn, trợ duyên trên con đường tuệ giải thoát”.

 

Một số hình ảnh được ghi nhận: