TP.HCM: Thượng tọa Giác Hoàng giảng về “Các pháp tác thành một vị Sa-môn” tại khóa ACKH PL.2569

Chiều 2/7/2025 (8/6/Ất Tỵ), Thượng tọa Thích Giác Hoàng – Ủy viên HĐTS GHPGVN, Phó Viện trưởng VNCPHVN, Phó Trưởng ban Văn hóa TƯGH, Chánh Thư ký Ban Thường trực Giáo phẩm Hệ phái PGKS, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Giáo dục Tăng Ni GĐ.III, đã quang lâm pháp tòa, tiếp tục chủ đề “Các pháp tác thành một vị Sa-môn” trong khuôn khổ Khóa ACKH PL.2569 – DL.2025 tại Trường hạ Pháp viện Minh Đăng Quang (TP.Thủ Đức, TP.HCM).

Tiếp nối nội dung buổi giảng trước – với lộ trình tu tập Sa-môn qua kinh Tứ Niệm Xứ (Trung Bộ Kinh) – trong buổi giảng lần này, Thượng tọa đã đi sâu trình bày lộ trình tu tập thứ hai được nêu rõ trong Kinh “Đại Kinh Xóm Ngựa” (Mahā-Assapura Sutta, Trung Bộ Kinh số 39), một bản kinh quan trọng nêu rõ từng bước hành trì để thành tựu phẩm hạnh Sa-môn theo giáo pháp nguyên thủy.

Mở đầu thời pháp, Thượng tọa giảng trạch hai thuật ngữ thường gặp trong kinh điển là Sa-môn và Bà-la-môn. Sa-môn (śramaṇa), Hán dịch là “Cần tu”, còn gọi là “Tịch giả” hay “Tịnh giả”, chỉ người chuyên tâm tu tập, dừng ác nghiệp, hướng đến đời sống tịch tĩnh, thanh tịnh. Bà-la-môn (brāhmaṇa), trong truyền thống Ấn Độ cổ đại, là giai cấp tu sĩ cao nhất trong bốn giai cấp Vệ-đà. Tuy nhiên, trong thời đức Phật, các vị Sa-môn là những người không đi theo khuôn mẫu giai cấp, không bị ràng buộc hệ thống xã hội, sống đời khất thực, hành trì các pháp ngoài Vệ-đà để cầu giải thoát. Thượng tọa nhấn mạnh rằng “Sa-môn” là một danh từ chung, không chỉ riêng Phật giáo, nhưng trong đạo Phật, Sa-môn là người hành trì lộ trình giải thoát bằng giới - định - tuệ.

Thượng tọa đã lần lượt giảng giải 8 bước tu tập được Đức Phật trình bày trong kinh Đại Kinh Xóm Ngựa:

1. Giới hạnh thanh tịnh

Lộ trình Sa-môn bắt đầu từ tâm tàm (xấu hổ với mình) và quý (xấu hổ với người) – nền tảng giới đức quan trọng nhất. Tỳ-kheo phải sống với ba nghiệp thanh tịnh: thân - khẩu - ý, và nuôi mạng chân chính thông qua hành trì khất thực, không sống theo nghề tà: “Này các Tỷ-kheo, thế nào là các pháp tác thành Sa-môn và các pháp tác thành Bà-la-môn? Chúng ta sẽ thành tựu tàm quý thân hành, khẩu hành, ý hành… sanh mạng chúng ta phải được thanh tịnh, minh chánh…”.

2. Hộ trì các căn

Tỳ-kheo cần giữ gìn sáu căn, không để tâm chạy theo các hình tướng bên ngoài khi tiếp xúc với trần cảnh: “Khi tai nghe tiếng... mũi ngửi hương... lưỡi nếm vị... thân cảm xúc... ý nhận thức các pháp, không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng”.

3. Tiết độ trong ăn uống

Việc thọ thực cần có chánh niệm và chánh tư duy, không nhằm thỏa mãn vị giác hay dục vọng: “Chúng ta phải biết tiết độ trong ăn uống, với chánh tư duy, chúng ta thọ thực, không phải để vui đùa, không phải để đam mê, không phải để trang sức, không phải để tự làm đẹp mình, mà chỉ để thân này được sống lâu và được bảo dưỡng”.

4. Chú tâm cảnh giác suốt ngày đêm

Hành giả phải biết tẩy trừ pháp chướng ngại trong mọi thời – đi, đứng, nằm, ngồi, đặc biệt trong ba canh đêm – và an trú trong tỉnh thức, phòng hộ nội tâm: “… ban ngày đi kinh hành hay ngồi, chúng ta phải tẩy sạch tâm khỏi các pháp chướng ngại…”.

5. Chánh niệm tỉnh giác trong mọi oai nghi

Tỳ-kheo phải tỉnh giác trong từng cử chỉ vi tế, kể cả lúc đi, lúc đứng, lúc ăn, lúc đại tiểu tiện: “Khi đi tới, khi đi lui, khi nhìn thẳng, khi nhìn quanh, khi co tay, duỗi tay, mang y, dùng bát, ăn uống, nhai, nuốt… đều tỉnh giác”.

6. Từ bỏ năm triền cái – tu tập thiền chỉ

Với tâm an trú chánh niệm, hành giả phải từ bỏ năm triền cái: tham dục, sân hận, hôn trầm, trạo cử và nghi: “Tỷ-kheo lựa một chỗ thanh vắng, tịch mịch, như khu rừng, gốc cây, khe núi, hang đá, bãi tha ma, lùm cây, ngoài trời, đống rơm. Sau khi đi khất thực về và ăn xong, vị ấy ngồi kiết già, lưng thẳng, và an trú chánh niệm trước mặt. Vị ấy từ bỏ tham ái, sân hận, hôn trầm thụy miên, trạo cử hối quá, nghi ngờ…”.

7. Chứng bốn tầng Thiền định (Tứ thiền)

Tâm đã lìa triền cái thì có thể chứng đắc bốn tầng Thiền, còn gọi là hiện tại lạc trú: Sơ thiền: ly dục sinh hỷ lạc, Nhị thiền: định sinh hỷ lạc, Tam thiền: ly hỷ trú xả, Tứ thiền: xả niệm thanh tịnh.

… Vị ấy ly dục, ly ác, bất thiện pháp chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh… thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh… thiền thứ ba, … thiền thứ tư…”.

8. Chứng ba minh – đạt quả A-la-hán

Lộ trình Sa-môn kết thúc bằng sự chứng đắc Tam minh: Túc mạng minh: biết rõ các đời sống quá khứ; Thiên nhãn minh: thấy rõ nghiệp báo và sinh tử của chúng sinh; Lậu tận minh: đoạn tận tham ái, sân hận, si mê – chứng quả A-la-hán.

Tâm định tĩnh, nhu nhuyến, thuần tịnh… vị ấy dẫn tâm đến Túc mạng trí… Thiên nhãn trí… và Lậu tận trí…”,

Kết thúc buổi giảng, Thượng tọa nhấn mạnh rằng, lộ trình tác thành một vị Sa-môn không phải chỉ là học lý thuyết suông, mà đó là một quá trình hành trì nghiêm túc, tuần tự, liên tục và tận tâm. Từ giới đức cho đến định - tuệ, từ hành vi nhỏ nhất cho đến trí tuệ giải thoát rốt ráo, tất cả đều cần thiết để hình thành một vị Sa-môn đúng nghĩa như lời Phật dạy.

 

Một số hình ảnh được ghi nhận: