Quảng Nam: “Cách tiếp cận Chơn lý – Võ trụ quan của Tổ sư” được thảo luận sôi nổi trong khóa tu Giới - Định - Tuệ lần thứ 34

Ngày 14/04/2024 (nhằm ngày 06/03 Giáp Thìn), chư hành giả tham dự khóa tu truyền thống Giới - Định - Tuệ lần thứ 34 tại Tịnh xá Ngọc Cẩm (TP.Hội An, tỉnh Quảng Nam), đã có thời vấn đáp sôi nổi nhân buổi pháp thoại của HT. Giác Pháp - Ủy viên HĐTS GHPGVN, Phó Trưởng ban Thường trực GPHP, Tri sự Trưởng GĐ.V, Đệ nhất giám luật khóa tu.

Thời pháp buổi sáng

Theo đó, trong ngày thứ 4 của khóa tu truyền thống Giới - Định - Tuệ lần thứ 34, HT. Giác Pháp đã có thời pháp thoại chủ đề “Cách tiếp cận Chơn lý – Võ trụ quan của Tổ sư Minh Đăng Quang”.

Hòa thượng nhấn mạnh, khi tìm hiểu về Bộ Chơn lý, hành giả Khất sĩ cần lưu ý đến những yếu tố sau:

Theo Hòa thượng, từ tất cả những yếu tố trên có thể thấy, sự xuất hiện của Tổ sư Minh Đăng Quang tại vùng Cửu Long, trong giai đoạn lịch sử ấy, như một điểm sáng bù vào điểm khuyết của xã hội nói chung và Phật giáo đương thời nói riêng.

“Mang chí nguyện xuất gia tầm cầu đạo giải thoát, lại thấu rõ tình hình chung đầy gian nguy của xã hội bấy giờ, Tổ sư không từ gian nan, càng thêm phần quyết chí mà nguyện theo con đường Phật xưa, cầu thành tựu sự giác chơn của Đức Phật. Tổ tự mình hành trì, tầm cầu đạo pháp, đi đến sự thấu đạt và dung hợp hài hòa triết lý hai tông phái lớn của Phật giáo. Từ đó, Tổ sư lấy mình làm gương, nghiêm trì oai nghi đạo hạnh, miên mật giới luật, khiến người người tin tưởng noi theo, khởi tâm kính tin Tam bảo. Cũng nhờ đó, Tăng đoàn Khất sĩ đi đến Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam dần được hình thành, trở thành một tông phái phù hợp với thời đại”, HT. Giác Pháp chia sẻ.

Qua quá trình ấy, Bộ Chơn lý cũng bắt đầu ra đời, như HT. Giác Pháp khẳng định, là kết tinh từ chặng đường hoằng pháp của Tổ sư Minh Đăng Quang, tạo nên một nét đặc thù cho Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam. Sở dĩ có thể khẳng định như vậy là bởi, thời gian nghiên cứu dẫu không nhiều, chỉ trong khoàng 10 năm, nhưng với tư duy sâu rộng, vừa đi thuyết giảng vừa nghiên cứu, cùng sự chứng đạt của mình, Tổ sư đã đúc kết và viết nên được bộ Chơn lý với 69 quyển, mang giáo lý sâu xa nhưng gần gũi, dễ tiếp cận.

Song, theo HT. Giác Pháp, để tiếp cận Chơn lý của Tổ sư Minh Đăng Quang, người học không nên bám từng chữ trong đó mà diễn nghĩa, bởi ngôn ngữ của Tổ đa dạng, phần lớn là phương ngữ bình dân Nam bộ. Do đó, cần có cách tiếp cận từ tổng quát, mới dần đi vào chuyên sâu.

Đối với Chơn lý, HT. Giác Pháp đặc biệt nhấn mạnh về Võ trụ quan – bài đầu tiên của Bộ Chơn lý: “Tổ sư mượn đề tài võ trụ, hay vũ trụ, để giới thiệu với đại chúng, trình bày về con đường tiến hóa của chúng sanh, bao gồm tứ đại: cỏ cây, thú, người, Trời Phật, đi từ thấp đến cao. Với 1 người tìm hiểu võ trụ sẽ thất vọng nếu đi tìm những gì sâu xa bên trong”.

“Trở về bối cảnh của Tổ sư thời trước sẽ thấy, vùng Phú Mỹ, Mỹ Tho, thị xã Mộc Chơn, là một vùng quê, xa xôi hẻo lánh, không điện, không nước, không có tiện nghi hiện đại. Người dân thời bấy giờ nghe pháp không bàn ghế, không loa âm thanh, chỉ là những chiếc đệm được trải dưới mặt đất, ngồi nghe, với những đối tượng Phật tử là nông thôn bình dân. Tổ sư đã chỉ bày cho dân chúng về sự khổ cực, đau đớn kéo dài khi hôm nay mình bị làm cỏ làm cây, làm thú vật, hay thậm chí là làm người. Thế nên, nếu mỗi người muốn thoát ly khỏi khổ đau, ngay bây giờ phải tập làm Trời, làm hiện thân của sướng vui mãi mãi”, Hòa thượng nói.

Có thể thấy, vào thời đại ấy, Tổ sư đã nghiên cứu trong Chơn lý - Võ trụ quan chia thành 10 đoạn: “Tổng thể võ trụ quan, Nhơn duyên sinh hóa, Hình thể quả địa cầu, Ánh sáng của quả địa cầu, Miếng đất đầu tiên, Con đường tiến hóa của chúng sinh, Sau khi quả địa cầu tan hoại, Chúng sanh trong võ trụ, Cái ta trong võ trụ, Chơn lý trong võ trụ”. Thông qua đó, Tổ sư chỉ ra cho chúng sinh con đường tiến hóa đi tới chỗ an vui đời đời.

 

Thời vấn đáp buổi chiều

Tiếp nối thời pháp buổi sáng, chiều cùng ngày, HT. Giác Pháp tiếp tục diễn giải đến đại chúng về sự tiến hóa của nhân loại trong quả địa cầu, qua Chơn lý - Võ trụ quan của Tổ sư Minh Đăng Quang.

Theo đó, mỗi quả địa cầu đều có sự tiến hóa như nhau. Sự tiến hóa của chúng sanh đi từ cỏ cây, thú, đến Người, Trời, Phật. Phật là người sáng suốt hoàn toàn, vĩnh viễn không thối lui, siêu nhân loại. Trời ở đây Hòa thượng giải thích cũng là người, một dạng con người (vd: người là có lòng nhơn, có tâm lành với tất cả chúng sanh...) mà tâm của mình khi phát ra rộng hơn, lên cho tới tâm của Phật, nhưng chưa đạt đến Phật, đó là Trời theo nghĩa này. Tức là ngay trong kiếp sống này nếu biết tiến hóa sẽ đạt đến sự thành tựu như vậy.

Hòa thượng dạy: “Tổ sư Minh Đăng Quang coi vũ trụ là đề tài, chỉ cho chúng sanh theo đó mà tiến hóa. Tuy nhiên, nếu không khéo tiếp cận, có những đoạn sẽ rơi vào sự hiểu lầm. Ví như đoạn Tổ viết: “trẻ em sanh sau ngu hơn…”, tức chỉ những cây cỏ được sanh lên làm thú. Mình là con người đối với muôn vật như là đàn em dại khờ cần phải thương hơn. Nếu ta giết hại tức là giết sợi dây liên kết với chúng ta. Tổ dùng hình ảnh võ trụ này vận động con người, kết nối mối tương quan giữa người và vạn vật xung quanh. Hãy sống với võ trụ, ta sẽ thấy cái ta không có sự sai biệt với võ trụ, từ đó ta sẽ được an vui.

Như vậy, Tổ mượn hình ảnh võ trụ này để chỉ cho chúng ta biết cội nguồn của cả chúng sanh. Trong đó loài người chúng ta xuất hiện là do sự tiến hóa từ đất - nước - gió - lửa. Sau thời gian vận động chuyển biến, võ trụ sanh ra cỏ cây, thú, Người, Trời, Phật. Đây là con đường từ thấp tới cao, chúng sanh thuận theo con đường này là sống đúng chơn lý võ trụ, sẽ được an vui tốt đẹp. Đồng thời cũng cho thấy mối quan hệ của ta và tất cả chúng sanh, không phân biệt chủng loại nào, tất cả là con chung của võ trụ”.

Thông qua đó, Hòa thượng nhận định, từ sự thấu đạt về vũ trụ như vậy, Tổ sư đã kêu gọi chúng ta nên tập sống chung tu học, nhằm mong muốn đại chúng nhận rõ sự tương quan lẫn nhau trong sự sống này và biết cách trân trọng mối liên hệ ấy.

Cũng trong thời pháp thoại, TT. Giác Hoàng - UV. HĐTS, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Phó Trưởng ban Văn hóa Trung ương GHPGVN, Chánh Thư ký Ban Thường trực Giáo phẩm Hệ phái, Phó trưởng ban Thường trực Ban Giáo dục Tăng Ni GĐ.III, Trụ trì Tịnh xá Linh Sơn (Thanh Hóa), cũng đã trình bạch trước đại chúng nghi vấn: “Học thuyết tiến hóa của Tổ gần giống với học thuyết Darwin, nói về thủy tổ loài người. Trong Nikaya kinh Khởi thế nhân bổn trong Trường bộ cũng có sự tương đồng nhau. Như vậy, liệu có mối tương quan nào giữa Tổ và trong kinh này?”

Theo đó, HT. Giác Pháp diễn giải: “Có hay không sựu tương đồng ở đây đều không phải là điều quan trọng. Cần hiểu rằng, Tổ đưa ra học thuyết nhằm chỉ cho chúng sanh nhận thấy một cách đơn giản và gần gủi nhất quá trình tiến hóa, nhờ đó mà có nhiều lợi ích thiết thực trong hiện tại. Tổ sư có cách truyền bá tư tưởng giáo lý theo ý riêng của mình. Đó là sự khẳng định rằng, sự tiến hóa ấy phụ thuộc theo sự biến chuyển của nhân duyên khởi tác, biến hóa mà thành”.

Cùng giải đáp câu hỏi này, HT. Giác Viễn nhận định: “Học thuyết của Darwin cho rằng từ vượn khỉ tiến hóa thành người. Trong kinh cho rằng từ chư Thiên nếm vị mà dính mắc thành Người. Tất cả quan điểm chỉ là phương tiện thấy rõ sự hình thành của vũ trụ. Đừng dính mắc, tranh luận đấu tranh không lợi ích gì, chỉ có chơn lý là sự thực hiển bày ko khổ đau. Trích Kinh Bách Dụ, con người từ đâu sinh? Các pháp do duyên sinh, chưa có trí tuệ như thực thì không thấy cái chơn như của nó, dẫn đến tranh chấp hý luận, kiến trù lâm kiến hoang vu”.

Thới vấn đáp xoay quanh chủ đề “Cách tiếp cận Chơn lý – Võ trụ quan của Tổ sư Minh Đăng Quang” đã nhận được sự thảo luận sôi nổi từ chư Tôn đức chứng minh cũng như hành giả tham dự khóa tu. Qua đó giúp chư hành giả hiểu sâu rộng hơn cách tiếp cận khi nghiên cứu Bộ Chơn lý nói chung và phẩm Võ trụ quan nói riêng. Thời khóa khép lại trong sự hoan hỷ của toàn thể đại chúng tại khóa tu.

 

Một số hình ảnh tại khóa tu ngày 4: