TP.HCM: Đại đức Minh Sơn giảng kinh Ambaṭṭha tại khóa ACKH PL.2569 Pháp viện Minh Đăng Quang

Chiều 15/7/2025 (21/6/Ất Tỵ), trong khuôn khổ khóa ACKH PL.2569, ĐĐ. Minh Sơn đã có buổi chia sẻ pháp thoại lần thứ 3 tại trường hạ Pháp viện Minh Đăng Quang (P.Bình Trưng, TP.HCM), với đề tài giảng giải Kinh Ambaṭṭha – bài kinh thứ ba trong Trường Bộ Kinh, một bản kinh tiêu biểu phê phán quan điểm sai lầm về đẳng cấp và khẳng định chân giá trị của một con người là nằm ở đức hạnh và tuệ giác, chứ không phải nơi dòng dõi hay địa vị xã hội.

Theo đó, ĐĐ. Minh Sơn đã đề cập đến bối cảnh kinh văn: “Đức Thế Tôn đang an trú trong khu rừng Icchānaṅgala, thì tại vùng Ukkaṭṭhā, vị đại Bà-la-môn Pokkharasāti dù đã nghe danh Đức Phật là bậc Giác ngộ, vẫn giữ lòng hoài nghi. Ông quyết định cử đệ tử ưu tú tên Ambaṭṭha đến diện kiến Đức Thế Tôn nhằm thẩm định tư cách và đạo hạnh của Ngài. Tuy trẻ tuổi nhưng sinh trong dòng Bà-la-môn và được tâng bốc là người học rộng tài cao, Ambaṭṭha mang trong mình sự kiêu mạn, ngã chấp, đến gặp Đức Phật với thái độ bất kính, không hành lễ, thậm chí còn buông lời xúc phạm đến hàng Sa-môn”.

Chính từ điểm khởi đầu ấy, một cuộc đối thoại mang tính thức tỉnh đã diễn ra. ĐĐ. Minh Sơn nhấn mạnh sự từ bi nhưng đầy trí tuệ của Đức Phật khi Ngài không giận dữ, hay phản bác theo cảm xúc, mà khéo léo dùng những câu hỏi truy vấn để làm lộ rõ sự vô minh, cố chấp và phi lễ độ của Ambaṭṭha. Qua đó, Đức Phật vạch trần gốc rễ huyết thống của Ambaṭṭha, xuất phát từ tổ tiên Kanha vốn là con của một tỳ nữ, để phá bỏ ảo tưởng thanh cao mà ông đang vin vào.

Sau khi làm rõ sự giả dối của tự ngã và niềm tin sai lệch vào dòng dõi, Đức Phật đã chuyển hướng cuộc đối thoại sang giáo lý căn bản: Con người cao quý không phải do đẳng cấp, địa vị hay tri thức thế tục, mà chính là do giới đức, sự học hỏi chân chánh, thực hành thiền định và tuệ giác. Đây là tiêu chuẩn mà chư Phật và bậc Thánh đều nêu cao, vượt thoát khỏi mọi giới hạn thế gian.

Khi trở về, Ambaṭṭha tường thuật lại toàn bộ sự việc cho thầy mình là Pokkharasāti, khiến vị đại Bà-la-môn này tỉnh ngộ trước sự cuồng vọng của học trò. Chính ông đã tự mình đến gặp Đức Phật, lần này với tâm thành kính. Sau khi lắng nghe giáo pháp, Pokkharasāti phát khởi tín tâm, hoan hỷ quy y Tam bảo – trở thành hình mẫu của người biết sửa mình, biết học hỏi và tiếp nhận chân lý bằng tâm không ngã mạn.

ĐĐ. Minh Sơn nhấn mạnh, hình ảnh Pokkharasāti đại diện cho người có trí, biết lắng nghe, biết sửa đổi, không chấp ngã mạn như Ambaṭṭha ban đầu. Nhờ biết lắng nghe với tâm thành, ông tiếp nhận được chánh kiến và bước vào con đường tu học chơn chánh.

Trong lời khai thị sâu sắc gửi đến đại chúng an cư, Đại đức khẳng định: “Tu tập không phải để giữ một danh xưng, một cấp bậc hay một truyền thống, mà là để thấy ra sự thật, sống đúng với sự thật, và buông bỏ mọi ngã mạn dù là vi tế nhất”.

Thông qua hình ảnh đối lập giữa Ambaṭṭha kiêu căng và Pokkharasāti khiêm cung, Đại đức giúp người nghe soi lại chính mình trên con đường tu học: Ai cũng có thể mắc sai lầm, nhưng điều quý báu là biết lắng nghe, sửa mình và tiến đạo, chứ không cố chấp bảo vệ bản ngã hư vọng.

Ngài nhắn gửi đến toàn thể đại chúng an cư: “Tu tập không phải để giữ một danh xưng, một cấp bậc hay truyền thống, mà là để thấy ra sự thật, sống đúng với sự thật ấy, và buông bỏ mọi ngã mạn – dù vi tế nhất.”

Khép lại thời pháp, ĐĐ. Minh Sơn cô đọng lại thông điệp cốt lõi từ Kinh Ambaṭṭha, chỉ khi nào buông bỏ danh vọng, hình thức, đẳng cấp và sự tô điểm bên ngoài, thì người tu mới có thể chạm đến giá trị chân thật của đời sống phạm hạnh. Đại đức nhấn mạnh: “Chính đức hạnh, khiêm hạ, và trí tuệ mới làm nên một con người cao quý trong ánh sáng của Chánh pháp, không phải học vị hay dòng tộc.”

Với tinh thần ấy, ĐĐ. Minh Sơn tha thiết nhắn gửi đến chư hành giả an cư: “Hãy quay về nuôi lớn nội lực đạo đức, khiêm cung học hỏi, và tinh tấn tu tập – vì đó mới là con đường phá vỡ tà kiến, thiết lập chánh kiến, và tiến vào lộ trình giải thoát mà Đức Phật đã mở ra từ hơn 2600 năm trước”.

 

Một số hình ảnh được ghi nhận: