Quy Sơn Cảnh Sách do Tổ Quy Sơn biên soạn là một trong những nội dung quan trọng, có thể xem như là cuốn “Luật gối đầu giường” đối với Phật giáo Bắc tông, đồng thời được ví như kinh Pháp cú làm nền tảng tu tập của Phật giáo Nam tông. Vì vậy, nhân khóa “Sống chung tu học” lần thứ 29 do GĐ.VI PGKS tổ chức tại Tịnh xá Ngọc Chơn (thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước), chiều 23/5/2025 (25/4/Ất Tỵ), TT. Giác Nhuận – Ủy viên Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM, Phó Ban thường trực Ban Trị sự Phật giáo Q.6, Trị sự phó GĐ.VI PGKS, Trưởng ban Tổ chức khóa tu, cũng đã có thời pháp trao đổi cùng chư hành giả một vài điều học hỏi qua quyển Quy Sơn Cảnh Sách.
Mở đầu thời pháp, TT. Giác Nhuận cho biết, nội dung của quyển sách chứa đựng những lời hướng dẫn tha thiết và nhắc nhở cho người tu tập, đặc biệt trong thời kỳ mạt pháp. Theo đó, thời kỳ mạt pháp là thời kỳ mà giáo pháp vẫn còn về mặt học pháp, nhưng đời sống tu tập của người xuất gia chủ yếu chỉ còn nằm ở hình thức.
Vào thời kỳ này, Tăng đoàn tuy vẫn tồn tại, nhưng do nghiệp duyên của chúng sanh sâu dày hơn, nên khiến việc hành trì ngày càng mai một, dần xa rời chánh pháp. Bên cạnh đó, việc xuất hiện nhiều tông môn, hệ phái và quan điểm tu tập khác nhau, cũng làm cho người tu tập khó xác định phương hướng và dễ bị chi phối. Đây cũng chính là thực trạng của thời mạc pháp, khi nhiều vị dẫu có chí nguyện xuất gia để giải thoát, song lại thiếu định hướng và sự mạnh mẽ trong tu tập.
Nói về vấn đề này, TT. Giác Nhuận chỉ rõ: “Theo Tổ Quy Sơn nhận định, ở thời mạt pháp, mỗi vị Thiền sư, Giảng sư có cách giảng khác nhau, ai thấy pháp nào hợp thì xem đó là cứu cánh. Điều này khác hẳn thời Đức Phật. Khi ấy, Đức Phật quán căn cơ, thấy ai có nhân duyên thì mới độ. Ngày nay, mình học pháp, tu tập, nhưng không rõ mình hay người kia có nhân duyên với pháp ấy hay không. Ngay cả bản thân thực hành đến đâu, thành tựu thế nào cũng chưa biết, vậy mà lại đem pháp đó dạy cho người khác”.
Từ hiện thực này, Tổ Quy Sơn đã có những lời dạy tha thiết, vừa trách móc, quở trách, lại vừa khuyến tấn, khích lệ, nhằm để giúp người xuất gia thức tỉnh, ý thức rõ con đường và sự cần thiết của việc tu tập, nhận ra vị trí và trách nhiệm của mình khi trở thành một bậc Tỳ-kheo bước vào đạo lộ tầm cầu giác ngộ, giải thoát.
Trích trong chương 4 của Quy Sơn Cảnh Sách, với lời dạy của Tổ Quy Sơn rằng: “Tại sao vừa được giới phẩm lại tùy tiện cho mình là bậc Tỳ-kheo?”, TT. Giác Nhuận giảng giải: “Câu hỏi đó đặt lại vấn đề về chí nguyện của người xuất gia. Ai cũng mong được cạo tóc, xuất gia, đắp y, sống chung với Tăng đoàn. Trong tinh thần Phật giáo, người thọ giới Tỳ-kheo thì được gọi là bình đẳng tánh giới, nghĩa là tất cả đều bình đẳng về giới pháp. Tuy nhiên, sự bình đẳng này là bình đẳng về giới pháp tu tập, không phải bình đẳng về hạ lạp, hay công hạnh tu tập. Một số người mới thọ giới Tỳ-kheo có thể hiểu sai sự bình đẳng này và cho rằng mình ngang hàng với các bậc bề trên, từ đó sinh ra tự mãn”.
Theo đó, Thượng tọa chỉ rõ, Sa-di là người mới vào đạo, thọ 10 giới, đây mới là hình thức xuất gia, chưa bước vào hàng Tỳ-kheo với đầy đủ giới phẩm. Chữ “Tỳ-kheo” trong Luật và Kinh mang ba nghĩa: bố ma, phá ác và khất sĩ. Trong đó, “bố ma” và “phá ác” nghĩa là làm cho ma sợ, ma ở đây chính là phiền não trong tâm mình. Nghĩa này liên quan đến việc thọ trì và giữ giới pháp (như 250 giới). Giới pháp như một hàng rào thiện pháp ngăn chặn phiền não (tham - sân - si) thâm nhập vào tâm, làm cho chúng ma phiền não khiếp sợ. Nhờ giữ giới, tâm được định, từ đó phát sinh tuệ, như Phật dạy, giới năng sanh định, định năng phát huệ, giới - định - tuệ là ba yếu tố không thể tách rời. Mặt khác, “khất sĩ” theo ý pháp của Tổ, không chỉ là người ăn xin vật thực nuôi thân, mà người “khất sĩ” chân chính còn là vị đi xin giáo pháp, xin giới - định - tuệ để làm hành trang cho bước đường giác ngộ, giải thoát của mình.
Đối với vấn đề cúng dường và thọ nhận, TT. Giác Nhuận trích lời dạy của Tổ Quy Sơn rằng: “Dùng của thí chủ, ăn của thường trụ, không biết xét kỹ những thứ ấy từ đâu mà có, lại nói bừa rằng hiến cúng như vậy là lẽ tất nhiên đúng pháp”. Qua đó, Thượng tọa giảng, thí chủ là người phát tâm cúng dường, thường trụ là tài vật thuộc Tam Bảo, do hiện tiền Tăng đoàn giữ gìn. Nếu người xuất gia không biết quý trọng, không biết kiểm soát thân - khẩu - ý, mà lại cho rằng thí chủ có bổn phận cúng dường mình, thì đó là tâm lý sai lầm, không đúng tinh thần khất sĩ.
Thượng tọa nhấn mạnh, có sự phân biệt giữa của hiện tiền Tăng – tức vật phẩm cúng dường hiện tại, thập phương hiện tiền – tức vật phẩm cúng cho chư Tăng mười phương hiện tại, của thường trụ – tức tài sản cố định như chùa chiền, đất đai và thập phương thường trụ – tức tài sản cố định cho chư Tăng mười phương. Việc sử dụng không đúng pháp các loại tài sản này là sai lầm, đặc biệt với vị trụ trì. Thượng tọa khẳng định: “Khi thọ nhận vật phẩm cúng dường, đặc biệt là bát cơm tín chủ, người tu cần thực hành Tam đề Ngũ quán để xét nghĩ công lao của thí chủ và đức hạnh của bản thân xem có xứng đáng thọ hưởng hay không. Nếu không quán chiếu và tu tập xứng đáng, như Tổ dạy, việc thọ hưởng của thí chủ có thể dẫn đến quả báo xấu, phải mang lông đội sừng, để trả nợ áo cơm”.
Nhắc lại lời dạy của Tổ Quy Sơn về việc người xuất gia sau khi thọ trai rồi thì tụ tập nói chuyện tạp nham thế gian, cho thấy sự thiếu ý thức về trách nhiệm tu tập của bản thân, Thượng tọa cũng chỉ rõ, nhiều người, khi đã được xuất gia, đắp y trở thành Tỳ-kheo, lại sanh tâm tự mãn, xem đó là thành tựu, dẫn đến giải đãi, không còn tinh tấn tu hành. Trong khi đó, thân người vốn hư dối, tạm bợ, không bền chắc này, chỉ là phương tiện được mượn để tu tập. Nếu không nỗ lực hành trì, không tinh tấn tu học, thì chúng ta sẽ mãi trôi lăn trong sanh tử luân hồi, không có ngày ra khỏi.
Thông qua những lời dạy của Tổ Quy Sơn, cũng chính là sự nhắc nhở, cảnh tỉnh và sách tấn sâu sắc đối với hàng xuất gia, TT. Giác Nhuận khuyến tấn chư hành giả: “Mỗi người xuất gia cần luôn ý thức rõ về trách nhiệm và bổn phận của mình, phải tinh cần hành trì, sống đời phạm hạnh và lấy giải thoát làm mục tiêu tối thượng. Các huynh đệ trong Tăng đoàn cần nương tựa, sách tấn lẫn nhau trên bước đường tu tập, tuyệt đối không được tự mãn chỉ vì mình đã đắp y, thọ giới Tỳ-kheo”.
Khép lại thời pháp của ngày tu đầu tiên, Thượng tọa một lần nữa nhấn mạnh, mục đích của người xuất gia là tu tập để đạt được giải thoát giác ngộ, chấm dứt sanh tử luân hồi. Nếu không thực hiện đúng lý tưởng ấy, thì hình thức xuất gia chỉ còn là lớp vỏ bên ngoài, không mang lại lợi ích chân thật cho tự thân và chúng sanh.
Một số hình ảnh được ghi nhận: