Đây cũng là chủ đề buổi thuyết giảng mà HT. Minh Bửu – UVTT HĐTS, Phó Trưởng Ban Thường trực Giáo phẩm Hệ phái kiêm Trưởng ban Tăng sự Hệ phái, chuyển tải đến đại chúng tham dự khóa BDTT PL.22569 tại Pháp viện Minh Đăng Quang (P.Bình Trưng, TP.HCM), sáng 8/7/2025 (14/6/Ất Tỵ).
Ngay phần mở đầu, Hòa thượng đã xác lập quan điểm: giới luật là gốc rễ đạo nghiệp, là hành lang bảo hộ, là ánh sáng soi đường cho người trụ trì giữa xã hội hiện đại, đồng thời là chân lý bất biến, không bị chi phối bởi thời đại, không biến đổi bởi bối cảnh xã hội. Trong đó, Hòa thượng lưu ý, giới - định - tuệ là ba trụ cột đưa hành giả đến minh tâm kiến tánh.
“Trong bối cảnh thời đại 4.0, kinh tế thị trường và sự hội nhập nhanh chóng, giới luật trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Đó không chỉ là đạo lý nội tâm, mà còn là chuẩn mực điều chỉnh thân - khẩu - ý, là nền tảng vững chắc giúp vị trụ trì giữ gìn oai nghi, gìn giữ thanh tịnh cho Tịnh xá và Tăng đoàn”, Hòa thượng nhấn mạnh.
Dẫn lời kinh Di giáo: “Sau khi Như Lai diệt độ, giới luật là thầy của các Tỳ-kheo”, Hòa thượng cho thấy tầm quan trọng của giới pháp như kim chỉ nam trong đời sống xuất gia, đồng thời chỉ rõ, giới không chỉ là điều cấm, mà là cánh cửa mở vào định - tuệ. Bởi, giới sinh định, định sinh tuệ, đây là tiến trình từ thanh tịnh thân - khẩu đến khai mở trí tuệ. Trong đó, giới làm thanh tịnh thân - khẩu, định làm thanh tịnh ý, huệ làm thanh tịnh tri kiến. “Muốn thành tựu đạo quả vô thượng Bồ-đề, tất phải nghiêm trì giới; giới bất nghiêm thì Bồ-đề không thành tựu”, Hòa thượng khẳng định.
Giảng rõ về giới tướng (hình thức giới luật) và giới tánh (bản chất giới luật), giới trọng (giới nặng) và giới khinh (giới nhẹ), HT. Minh Bửu đã dẫn câu chuyện thiền sư cứu cô gái chết đuối. Trong hai vị Tăng, vị sư huynh nhảy xuống cứu cô gái, làm sống lại cô ấy, theo giới tướng, việc đụng chạm người nữ là phạm giới. Trong khi đó, vị sư đệ không trực tiếp đụng chạm nhưng lại khó chịu trong lòng, trách móc sư huynh. Vị sư huynh phạm giới tướng nhưng có tác ý cứu người, xem việc sanh tử là chuyện lớn, còn vị sư đệ tuy không phạm giới tướng nhưng lại giữ chấp niệm, phiền não trong tâm mình lâu hơn.
Từ đây Hòa thượng chỉ rõ: “Người xuất gia cần phải khéo léo uyển chuyển khai trì giá phạm, tức linh hoạt nới lỏng, giữ gìn, cấm và phạm trong 12 yếu tố nhân duyên của giới luật, người trì giới chân chánh là người biết diệu dụng giới luật trong mọi tình huống, không chấp tướng, không chấp tâm”.
Theo Hòa thượng, đối với người xuất gia, việc làm chủ thân tâm là vô cùng quan trọng, vì sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) là cửa ngõ dẫn đến sinh tử, hay giải thoát. Dựa trên lời dạy của Tổ sư Minh Đăng Quang: “Trảm lục căn, sát lục trần, diệt lục thức”, Hòa thượng giảng rõ, điều này không mang nghĩa đoạn diệt hay đối kháng, mà là biết sống với cái thấy biết chân thật, để không rơi vào ngã chấp, vọng tưởng, nói cách khác là Tổ sư dạy không phải là giết bỏ, đè nén, hay đối trị, mà là “sống diệu dụng trong cái biết”. Như vậy, người trụ trì cần làm chủ sáu căn, giữ tâm thanh tịnh, sống trong tỉnh thức để hướng dẫn đại chúng tu tập đúng đường lối chánh pháp.
Để làm được điều này, HT. Minh Bửu khẳng định, Tăng đoàn Khất sĩ phải nghiêm trì gìn giữ giới luật, đặc biệt là Giới luật Khất sĩ được Tổ sư Minh Đăng Quang thiết lập dựa trên giới bổn Tứ Phần của Đàm Vô Đức Bộ (250 giới Tỳ-kheo và 348 giới Tỳ-kheo-ni. Năm 1972, Hòa thượng Pháp Sư đã tập hợp lại thành quyển Luật Khất sĩ gồm 10 chương, trong đó có 8 chương chuyên sâu về giới luật. Điểm đặc thù quan trọng là 114 điều răn do Tổ sư Minh Đăng Quang chế định, rút ra từ kinh nghiệm tu tập và hoằng pháp để thích ứng với hoàn cảnh xã hội cận đại, khuyến khích sống đơn giản, thiểu dục tri túc.
Một số điều răn quan trọng được Hòa thượng đặc biệt nhấn mạnh:
Qua đó, Hòa thượng thẳng thắn nhìn nhận những lỗ hổng trong quá trình đào tạo Tăng Ni Khất sĩ hiện nay và nhấn mạnh vai trò của người trụ trì trong việc huấn luyện, giáo dưỡng đệ tử đúng giới pháp. “Một vị trụ trì không chỉ là người trông nom ngôi chùa, mà là người gìn giữ mạng mạch Phật pháp, là tấm gương đạo hạnh cho hàng hậu học. Do đó, tâm phải định, giới phải nghiêm, ngôn hạnh phải thanh tịnh thì mới có thể tiếp Tăng độ chúng, hoằng truyền Chánh pháp, lợi lạc quần sanh. Đó cũng là lý tưởng mà Tổ sư đã đặt để từ những ngày đầu sơ khai của Hệ phái”, Hòa thượng khẳng định.
Theo Hòa thượng, Trụ trì không chỉ đơn thuần là “giữ chùa” mà là vị giữ gìn pháp bảo, nuôi dưỡng tăng đoàn, và kế thừa mạng mạch Chánh pháp. Câu định nghĩa “Trụ pháp như vương, Trì Như Lai tạng” là kim chỉ nam cho người đứng đầu cơ sở tự viện. Trụ pháp là an trú trong giáo pháp, là sống với tuệ giác và ứng xử tỉnh thức.
Nhấn mạnh tinh thần “thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh”, Hòa thượng giảng rõ, đây chính là lý tưởng sống còn của người trụ trì. Với sự tỉnh thức vững vàng, trụ trì sẽ không mê mờ trước các hiện tượng đời thường. Từ đi, đứng, nằm, ngồi, cho đến giao tiếp, ứng xử, đều phải thể hiện được sự rốt ráo và vững chãi của người tu hành. Đặc biệt, người tu phải từ bi, hỷ xả, vô ngã, không bị chi phối bởi danh vọng, tài lợi, sắc dục. Tâm sáng là tâm không bị phiền não chi phối. Tu hành đúng là phải tỉnh thức trong mọi đối đãi, sống với bản giác sẵn có của mỗi người, đó là “thể vô sanh”.
Nói đến giới luật trong thời hiện đại, Hòa thượng thẳng thắn cho rằng, một số điều răn của Tổ sư Minh Đăng Quang cần được hiểu theo tinh thần “thời duyên, phản tướng, xử lý”. Ví dụ như điều cấm tham gia thương mại cần được hiểu đúng trong bối cảnh pháp lý hiện hành về đất đai, tài sản tôn giáo. Người trụ trì cần nắm rõ quy định của pháp luật để vừa bảo vệ tài sản Tam Bảo, vừa tránh vi phạm pháp lý. HT. Minh Bửu dẫn lại luật đất đai năm 2024 và nhấn mạnh, đất tôn giáo không được dùng sai mục đích, phải xin phép khi trùng tu, xây mới… Trụ trì cần hiểu 12 yếu tố khách quan để vận dụng giới luật phù hợp thời đại nhưng không buông lỏng đạo hạnh.
Cuối thời pháp, HT. Minh Bửu sách tấn: “Một vị trụ trì là hiện thân của giáo pháp trong cộng đồng Tăng-già, là người cầm đuốc dẫn đường cho chúng sanh và đệ tử. Vị ấy phải giữ mình thanh tịnh trong giới luật, hành xử trí tuệ trong pháp luật và sống từ bi trong mọi tiếp duyên đối đãi”.
Một số hình ảnh được ghi nhận: