Học bổng Quỹ Cổ ngữ Phật Việt

CoNguPhatViet Logo

THÔNG BÁO HỌC BỔNG QUỸ CỔ NGỮ PHẬT VIỆT 2017

Học bổng Quỹ Cổ ngữ Phật Việt được thành lập năm 2016 nhằm hỗ trợ và khuyến khích các Tăng Ni sinh đang học ở nước ngoài (chủ yếu ở Ấn Độ, Tích Lan và Thái Lan) học cổ ngữ Pali và Sanskrit. Đồng thời, Quỹ cũng khích lệ các Tăng Ni sinh học Tạng ngữ nhằm đáp ứng nhu cầu dịch thuật và biên tập kinh văn cho Phật giáo Việt Nam.

1. Đối tượng: Các Tăng Ni sinh đang học Pali, Sanskrit tại Ấn Độ, Tích Lan và Thái Lan đang học các chương trình: Certificate, Diplopma hoặc BA (Pali, Sanskrit) và chương trình học tiếng Tạng tại các College / University tại Dharamsala, Ấn Độ.

2. Điều kiện: Để được xét duyệt học bổng, các Tăng Ni sinh phải đạt kết quả loại khá trở lên (theo cách tính điểm của từng trường), không bị kỷ luật trong học kỳ xét học bổng.

3. Mức học bổng: Học phí hoặc sinh hoạt phí (tùy trường hợp) cho một học kỳ. Nếu có kế hoạch xin lâu dài, các đương đơn phải báo cáo 6 tháng một lần kết quả học tập với các chứng từ liên hệ đến điểm số.

4. Hồ sơ:

4.1. Đơn đề nghị cấp học bổng (với những thông tin cần thiết phía dưới, nêu rõ hoàn cảnh và nguyện vọng để Ban Chủ nhiệm dễ xét trong từng trường hợp)

4.2. Bảng điểm kết quả học tập và biên lai đóng học phí của học kỳ gần nhất.

4.3. CMND và Chứng nhận Tăng Ni (hoặc Chứng điệp thọ giới).

5. Thời gian nộp hồ sơ: Từ lúc ra thông báo.

6. Thời gian nhận học bổng: Sau khi nhận hồ sơ, Ban Chủ nhiệm sẽ tìm cách gởi qua trong thời gian sớm nhất (tối đa trong vòng một tháng).

7. Liên hệ: ĐĐ. Giác Hoàng (0937103910); Phi Khanh (0986539999); Mạnh Hùng (01213555999 ). Email: quyconguphatviet@gmail.com

8. Hồ sơ nộp bằng file dpf hoặc dạng hình để các ứng cử viên dễ chuyển và dễ lưu.

TP. Hồ Chí Minh, ngày 30 tháng 4 năm 2017

TM. BAN CHỦ NHIỆM

Chủ nhiệm

ĐĐ. Thích Giác Hoàng

THÔNG TIN CÁ NHÂN

(Cần có đối với người viết đơn đề nghị cấp Học bổng trong đơn tự viết)

1. Họ tên:

2. Pháp danh:

3. Ngày tháng năm sinh:

4. Nguyên quán (nơi sinh):

5. Đã tốt nghiệp (nơi học, năm học, cấp học):

6. Email:

7. Điện thoại:

8. Bổn sư / Y chỉ sư :

9. Địa chỉ Bổn sư:

10. Hiện đang học:

11. Nguyện vọng:

Lưu ý: Góc trái dán hình mới chụp trong vòng 6 tháng.

CoNguPhatViet

TÂM NGUYỆN THÀNH LẬP QUỸ CỔ NGỮ PHẬT VIỆT

Kính bạch chư Tôn đức Tăng Ni,

Thưa quý Phật tử,

Phật giáo đã du nhập Việt Nam trên 2.000 năm và đã cắm rễ sâu vào lòng đất Việt. Văn hóa và văn học Việt Nam đã gắn liền với Phật giáo như hơi thở với thân thể của con người. Một trong những điểm đặc biệt của Phật giáo Việt Nam là nơi hội tụ hai nguồn văn học Phật giáo tại Ấn Độ là Pali và Sanskrit, đã tạo nên sự hòa hợp diệu kỳ giữa các tông phái Phật giáo.

Từ thập niên 30-40 của những năm tháng chấn hưng Phật giáo thuộc thế kỷ trước, chư Tôn đức 3 miền Nam – Trung – Bắc đã mở các trường Phật học đào tạo Tăng tài. Đến thập niên 60 của thế kỷ XX, Hòa thượng Thích Minh Châu đã dựng lập Trường Đại học Vạn Hạnh Phật giáo tại Sài Gòn, từ đó tạo nên một phong trào học Phật trong khắp các giới. Đáng kể nhất, trong mấy mươi năm qua, chư Tôn đức đã dịch rất nhiều bộ kinh luật luận từ nguồn văn học Trung Quốc và Pali, đóng góp rất lớn cho kho tàng văn học Phật giáo Việt Nam.

Rồi duyên may lại đến, từ những năm đầu của thập niên 90, chư Tôn đức Phật giáo Việt Nam đã tạo duyên cho các Tăng Ni sinh khóa I – Trường Cao cấp Phật học VN (Cơ sở II) tại TP. HCM và Chùa Quán Sứ (Cơ sở I) bắt đầu xuất dương du học. Từ đó đến nay, trải qua hơn 30 năm, các Tăng Ni sinh các khóa đã du học ở Ấn Độ, Trung Quốc và nhiều nước khác, nay đã trở thành các vị Giáo phẩm lãnh đạo và giáo thọ rường cột của 3 Học viện Phật giáo Việt Nam, 8 trường Cao đẳng và trên 30 trường Trung cấp Phật học trên khắp Việt Nam.

Gần đây, Tăng Ni sinh Việt Nam cũng với tâm nguyện khát khao tầm cầu thọ học giáo pháp đã đi du học hai nước nêu trên, còn đi du học  ở Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan và một vài nước khác. Tuy vậy, các vị phần lớn đều lo học cho hết chương trình Thạc sĩ hoặc Tiến sĩ rồi về nước, chỉ có một vài vị có năng lực thực sự về hai cổ ngữ này để đọc hiểu trực tiếp từ các nguyên bản tiếng Pali và Sanskrit. Do đó, để đáp ứng nhu cầu phiên dịch các bộ kinh từ Pali và chứng nghĩa các tác phẩm bằng tiếng Pali đã dịch sang Việt ngữ, vẫn còn bỏ ngỏ và một số tác phẩm được dịch từ Hán văn sang Việt văn, nhưng chưa có những vị có đủ thẩm quyền đối chiếu với bản Sanskrit (nếu bản Sanskrit còn) để xác định chân nghĩa.

Trong khoảng 15 năm trở lại, một số Tăng Ni Việt Nam tiếp cận được nguồn văn học Tạng truyền và đã phát tâm học Tạng ngữ để đáp ứng nhu cầu học tập cá nhân, góp phần vào việc dịch thuật từ tiếng Tạng sang tiếng Việt, đặc biệt dịch trực tiếp trong các buổi pháp hội cho Phật tử Đông Nam Á, trong đó có cộng đồng Việt Nam.

Mùa thu năm 2016, Đạo tràng Liên Hoa Tuyết đã mời quý thầy đại diện chư Tôn đức Tăng Ni Phật giáo Việt Nam tham gia Pháp hội Đông Nam Á được tổ chức tại Dharamsala - Ấn Độ do đức Dalai Lama thứ XIV thuyết giảng. Được sự ủng hộ của quý Phật tử trí thức hữu tâm, Tỳ-kheo Giác Hoàng đã vận động các Phật tử lập Quỹ Cổ ngữ Phật Việt (Buddha-Vietnam Classical Language Foundation) , nhằm góp phần hỗ trợ Tăng Ni đang du học các nước bớt lo lắng về kinh tế, thêm phần an tâm chuyên lo học cổ ngữ, góp phần cho việc dịch thuật kho tàng kinh điển Pali, Sanskrit, Tạng truyền sang tiếng Việt trong tương lai.

Riêng phần Hán cổ, tại Việt Nam nhiều trường Phật học đã đào tạo được đội ngũ này và hiện nay cơ bản đã có nhiều vị dịch giả xuất sắc, đã góp phần rất lớn vào kho tàng văn học Phật giáo Việt Nam. Do đó rất mong quý vị học Hán cổ thông cảm cho sự giới hạn của chương trình cổ ngữ này.

Rất mong được sự liễu tri của chư Tôn đức Tăng Ni trong và ngoài nước, ủng hộ tinh thần hoặc tịnh tài để Quỹ cổ ngữ Phật Việt  này ngày một phát triển, góp phần hỗ trợ đào tạo Tăng tài cho Phật giáo Việt Nam.

Nam Mô Công Đức Lâm Bồ-tát Ma-ha-tát.

Dharamsala - Ấn Độ, 30/08/2016

TM. BAN CHỦ NHIỆM

ĐĐ. THÍCH GIÁC HOÀNG

 

 

QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG QUỸ CỔ NGỮ PHẬT VIỆT

I. CỐ VẤN, BAN ĐIỀU HÀNH & CHỨC NĂNG CỦA QUỸ

Cố vấn: TT. THÍCH TÂM ĐỨC

Chủ nhiệm: ĐĐ. THÍCH GIÁC HOÀNG 

Phó Chủ nhiệm: Cư sĩ BÍCH THỦY – PHÁP ĐĂNG (Sáng lập đạo tràng Liên Hoa Tuyết) đại diện miền Nam.

Phó Chủ nhiệm: Cư sĩ PHÚC MỸ (Sáng lập đạo tràng Cư sĩ Áo trắng Mangala) - đại diện miền Trung.

Phó Chủ nhiệm: Cư sĩ PHI KHANH - TOÀN THẮNG - đại diện miền Bắc.

Thư ký: THIỆN ÂM - CHIẾN THẮNG (tập hợp tất cả thông tin của Tăng Ni sinh xin học bổng và chi xuất để gởi đến quý Tăng Ni sinh như đơn đã duyệt). 

Kế toán: THÙY AN – CHÚC NHIÊN (tập hợp tất cả thông tin nhận cúng dường).

Các Ủy viên Thường trực (Ban Sáng lập viên): ĐĐ. THIỀN LÝ, THUẬN MINH (ĐINH MẠNH HÙNG), BÌNH, QUÂN, LỆ THUẬN, KIM ANH, THU HƯƠNG, HẠNH (LÀNH), VÂN, MỸ NGỌC (ÚC CHÂU), HIỀN, LỘC, BẢO HOÀNG, v.v...

Các vị đại diện Quỹ và Ủy viên Thường trực, có nhiệm vụ kết nối tất cả thành viên vận hành Quỹ và vận động các Phật tử hữu tâm khác trở thành thành viên để Quỹ càng ngày càng lớn mạnh. Trong trường hợp cần giải quyết những trường hợp ngoài Quy chế, Ban Điều hành có thể thống nhất ý kiến qua hệ thống điện thoại hoặc trên viber do nhóm lập.

Các thành viên khác có thể họp mặt nhau một năm một lần tại một Đạo tràng nào đó (Liên Hoa Tuyết, Mangala...) để chia sẻ kinh nghiệm tu học và khích lệ cho nhau những Phật sự đã làm được trong một năm và dự thảo kế hoạch cho năm tới. 

Với tinh thần đóng góp Ba-la-mật, người phát tâm cúng dường vào Quỹ nên hoàn toàn tịnh tín và tùy hỷ tuyệt đối. Nhờ đó, các phước vật (phước nhờ vật chất) kết hợp với phước đức (phước sanh từ chánh tâm) và phước trí (phước sanh do nhận thức đúng), làm nền tảng để viên mãn Bồ-tát hạnh, trở thành một trong những cánh tay nối dài của Bồ-tát Quán Thế Âm, góp phần ủng hộ cho một thế hệ Tăng Ni trí thức, hướng đến một tương lai rạng rỡ của Phật giáo Việt Nam. 

 II. MỤC ĐÍCH CỦA QUỸ 

Quỹ được thành lập dựa trên sự hảo tâm của các thành viên, do đó, Quỹ sẽ hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí cho Tăng Ni sinh đang du học các nước, nhưng tùy vào từng năm mà Quỹ đang có. Sau đây là các đối tượng theo thứ tự được ưu tiên: 

1. Đóng học phí toàn phần cho các Tăng Ni sinh tự túc đang học cổ ngữ Pali và Sanskrit (Certificate và Diploma) tại các nước Đông Nam Á.

2. Đóng học phí cho các Tăng Ni sinh có nguyện vọng học thêm Tạng ngữ để làm công tác phiên dịch kinh điển từ tiếng Tạng sang tiếng Việt tại Dharamsala. 

3. Hỗ trợ sinh hoạt phí cho các Tăng Ni sinh đang học thêm cổ ngữ và Tạng ngữ tùy theo từng khóa học dài ngắn và hoàn cảnh của từng Tăng Ni sinh. 

4. Mỗi năm trợ duyên cho một vài Tăng Ni sinh tốt nghiệp Cử nhân hoặc Thạc sĩ Phật học với hạng xuất sắc tại 3 Học viện PGVN (TP. HCM, Huế và Hà Nội) để đi du học. 

5. Đóng học phí cho các Tăng Ni sinh đang học cổ ngữ Pali và Sanskrit tại các Học viện PGVN (tại TP. Hồ Chí Minh, Huế và Hà Nội) đối với các trường hợp Tăng Ni sinh được yêu cầu đóng học phí.

III. SỐ TÀI KHOẢN 

Chuyển khoản trong nước: 

NGUYỄN VĂN PHỤNG (THÍCH GIÁC HOÀNG)

Tài khoản: 31510000988508.

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam

Chuyển khoản từ nước ngoài: 

NGUYỄN VĂN PHỤNG (THÍCH GIÁC HOÀNG)

A/C Number: 31510000988508.

Bank for Investment and Development of Vietnam 

Swift code: BIDVVNVX  

Ghi chú: Đối với tịnh tài gởi trong nước, sau khi gởi, ĐĐ. Giác Hoàng, Phi Khanh – Toàn Thắng và Thùy An – Chúc Nhiên sẽ nhận được thông tin ngay. Đối với tịnh tài gởi từ nước ngoài về, ngân hàng sẽ làm thủ tục chuyển từ ngoại tệ sang tiền Việt, và do đó, mất khoản một đến hai ngày, Quỹ sẽ nhận được tịnh tài.

IV. CÁCH NHẬN HỌC BỔNG 

1. Tăng Ni sinh điền thông tin đầy đủ vào mẫu đơn đề nghị cấp học bổng (đính kèm) với những nguyện vọng của một Tăng Ni sinh.

2. Gởi hóa đơn (receipt) học phí về địa chỉ email của Ban Điều hành Quỹ:quyconguphatviet@gmail.com hoặc qua fanpage: Quỹ cổ ngữ Phật Việt, đồng thời cc thichgiachoang@yahoo.com.

3. Sau khi kết quả học tập được công bố,  gởi bản điểm về Ban Điều hành Quỹ; theo đó, Ban Điều hành sẽ hỗ trợ sinh hoạt phí theo sự nỗ lực của mỗi cá nhân. 

4. Ban Điều hành sau khi nhận hóa đơn học phí và các thủ tục giấy tờ khác đầy đủ, sẽ liên hệ và gởi tịnh tài đến các Tăng Ni đã xin trong thời gian sớm nhất. 

5. Mỗi năm có hai thời điểm cấp phát học bổng cho Tăng Ni sinh (sẽ thông báo trên facebook) và một số trường hợp, có thể bị Ban Chủ nhiệm từ chối vì một lý do nào đó, mặc dù trước đây đã cho.

V. CÁCH QUẢN LÝ TÀI CHÍNH 

1. Tịnh tài được gởi thẳng vào Tài khoản do Nguyễn Văn Phụng (Thích Giác Hoàng) đứng tên. Trong trường hợp cúng tiền mặt, người nhận phải gởi vào tài khoản trong vòng 48 tiếng đồng hồ (ngoại trừ một số ngoại tệ và được sự đồng ý của Ban Chủ nhiệm).

2. Sau một tháng đáo hạn, Tài khoản sẽ được chuyển vào Sổ tiết kiệm do sư Hoàng đứng tên, nhưng được Phật tử Thắng (Thiện Âm) quản lý. 

3. Sự phát tâm cúng dường được minh bạch hóa ngang qua fanpage Quỹ cổ ngữ Phật Việt  hoặc viber do nhóm lập. 

4. Khi nhận được thông tin người cúng dường, Chủ nhiệm sẽ đại diện cho Quỹ và Tăng Ni có lời cảm ơn, tán thán để khích lệ tinh thần người cúng dường. 

5. Tịnh tài gởi đến Tăng Ni sinh do Chủ nhiệm và Thư ký đi rút sau khi thống nhất ngày giờ cấp phát học bổng. 

VI. NHÂN SỰ VÀ BỔ SUNG QUY ĐỊNH CỦA QUỸ 

1. Nhân sự trong Ban Điều hành có thể được bầu lại sau một năm hoạt động. 

2. Các vị có năng lực có thể được tái đắc cử và giữ chức vụ cho đến khi tuổi thọ trên 70. 

3. Có thể bổ sung nhân sự và các điều khoản trong Quy chế này vào ngày họp tổng kết một năm (có thể vào ngày 21/2 âm lịch – Kỷ niệm đức Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ-tát hoặc ngày 9/5 âm lịch – Kỷ niệm đức Văn-thù Sư-lợi Bồ-tát, hoặc ngày 19/9 – Kỷ niệm đức Quán Thế Âm Bồ-tát, tùy theo tình hình thực tế). 

4. Các Ủy viên Thường trực sẽ được giới thiệu vào danh sách của Quỹ sau 6 tháng đến với Quỹ và tất cả các vị phát tâm cúng dường đều trở thành thành viên của Quỹ. 

5. Trong trường hợp cần thiết, phiên họp có thể tổ chức bất kỳ nơi đâu, miễn là trên 75% Ủy viên thường trực đồng thuận. 

VII. CÁCH ĐƯA THÔNG TIN LÊN FACEBOOK QUỸ CỔ NGỮ PHẬT VIỆT

1. Chỉ đưa những thông tin do Ban Tổ chức đã duyệt. 

2. Các thông tin của Tăng Ni sinh và kết quả học tập có thể được lưu trữ và giới thiệu tại đây. 

3. Các thông tin và số liệu cúng dường của các Phật tử. 

4. Những lời tán thán, hoan hỷ, chia sẻ khi có người cúng dường và một vài bài thơ đạo có giá trị văn chương và sự chuyển hóa. 

5. Những lời chia buồn khi người trong Quỹ có vấn đề hoặc trong gia đình có thân nhân ra đi. 

Quy chế hoạt động này đã được các vị sáng lập thông qua và được chính thức hoạt động kể từ ngày 30/08/2016. 

Trân trọng,

Dharamsala – Ấn Độ, ngày 30 tháng 08 năm 2016

TM. Ban Chủ nhiệm

CHỦ NHIỆM

Đại đức Thích Giác Hoàng