“Học Chơn lý” từ bài giảng của TT. Minh Thành nhân ngày Tưởng niệm 62 năm Tổ sư vắng bóng

Tối ngày 30 tháng Giêng năm Bính Thân – 2016, Thượng tọa Minh Thành đã có thời giảng pháp tại Pháp viện Minh Đăng Quang – Q.2, TP.HCM. Nhân ngày Tưởng niệm 62 năm đức Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng (1954 - 2016), Thượng tọa đọc và giảng trạch bài “Học Chơn lý”, chia sẻ ý pháp của Tổ đến hàng Phật tử tại gia.

TTThanh62 1 Copy

Thượng tọa đã giảng trạch ý chỉ của Tổ sư để Phật tử hiểu và sống với sự nói, làm, suy nghĩ phù hợp với chơn lý, vì chơn lý là con đường chính giữa không lệch sang hai mé bờ thiện – ác, vì “Thiện và ác là sự phải và trái, hai bờ lề hai bên của sự thái quá và bất cập”. Cho rằng, chúng ta có thiên lệch về mé bờ của sự phải, cái thiện, thì đó cũng chưa phải là sống với chơn lý; mà đó là sống lệch tức là còn dốt: sống trong ác thì dốt cái thiện, sống trong thiện thì dốt chơn lý. Chỉ có chơn lý là hạnh phúc bền dài.

Muốn đến với chơn lý phải do hai cách:

1. Từ ác đến thiện và giác ngộ.

2. Nhờ sự dứt bỏ ác thiện bằng cách tĩnh tâm yên lặng, quán xét mà nhận thấy. Đây là cách đi tắt, khỏi dùng nấc thang thiện hay là ngón tay chỉ là sự thiện; vì hết làm thiện mệt mỏi đến nghỉ ngơi yên lặng, tự nhiên là chơn lý. Vậy nên gọi là chơn lý sau pháp thiện. Hay cũng nói: Chơn lý là lẽ thật yên lặng tự nhiên của buổi đầu, là nguồn gốc của sự phát sanh ra vạn vật chúng sanh và các pháp, lại cũng là chỗ đến của vạn vật chúng sanh và các pháp”.

"Chơn lý như mặt trời, pháp lý như đèn sao, thế sự như hang tối. Vậy nên cái học của chúng ta là học chơn lý, thấu chơn lý mới gọi là bậc thật học".

TTThanh62 2 Copy

Để tỏ lòng tri ân và cúng dường lên đức Tổ sư nhân ngày Tưởng niệm Ngài, chúng con trang nghiêm tự thân lắng nghe bài pháp, để rồi tâm niệm về bài học quý báu của Tổ cho chính mình: “Một kiếp lo tu, ngàn đời rảnh khổ. Một thời ngộ đạo, vạn thuở an vui”.

TTThanh 62a