Hội thảo quốc tế về văn hóa và Phật giáo ở Đông Nam Á: Tương lai của Phật giáo Đông Nam Á ở thế kỷ 21

Hôm qua, 10-7, ngày thứ 2 của Hội thảo quốc tế “Vùng ASEAN và Nam Á: Nơi giao hòa của văn hóa và tôn giáo ở Đông Nam Á” diễn ra sôi nổi với nhiều chuyên đề mới, hấp dẫn, thu hút đông đảo sự tranh luận của các học giả lẫn khán giả.

GNgo 1
Không khí tại các diễn đàn của Hội thảo

Tâm điểm của ngày làm việc này là diễn đàn “Tương lai của tương lai” diễn ra buổi chiều, bàn về vấn đề tương lai của Phật giáo ở Đông Nam Á vào cuối thế kỷ XXI. Giáo sư Phramaha Phaengcharoen đến từ Thái Lan đặt vấn đề: “Có ý kiến cho rằng Phật giáo sẽ kết thúc sau 5.000 năm dựa vào những niềm tin của người Phật tử. Vậy thì tại sao một số Phật tử lại quan tâm đến tương lai? Tuy nhiên, tôi vẫn cho rằng thế kỷ 21 là thế kỷ của Phật giáo tại Đông Nam Á”.

Cùng lúc, những diễn đàn còn lại cũng tập trung vào giá trị hiện diện của Phật giáo ở Đông Nam Á qua các nội dung: Văn hoá và tôn giáo ở Đông Nam Á; những điểm tương đồng về văn hóa và tôn giáo giữa hai vùng Nam Á và Đông Nam Á; quá trình tiếp biến và bảo tồn văn hoá tại Đông Nam Á; tâm, thiền và sức khoẻ với tư tưởng thiền của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử…

GNgo 2
Không khí tại các diễn đàn của Hội thảo

Trước đó, vào buổi sáng cùng ngày, tại diễn đàn “Văn hoá và di sản ASEAN: Giữ gìn quá khứ cho tương lai”, các học giả dành nhiều thời gian giới thiệu một số tập tục và lễ hội độc đáo của người dân địa phương như: Điệu múa “Gebug ende” của người dân tại Bali, Phillipines, dùng để cầu mưa thuận gió hòa và công việc may mắn; Vai trò giữ gìn và bảo vệ văn hóa Taal của hơn 30 người dân bản địa người tại một thành phố tự trị thuộc Phillipines hay những cuộc hành hương đầy gian nan về vùng đất thiêng Tamil Nadu và Kerala của hàng trăm nghìn người theo Ấn Độ giáo.

“Phụ nữ và tôn giáo có thể coi là hỗn dược có tác dụng. Bản thân tôn giáo có tính công bằng, từ bi và khoan dung nhưng cùng lúc đó nó cũng có thể công nhận những luật lệ và các chính sách tạo nên giới hạn của người phụ nữ. Những chướng ngại vật, mặc cảm và tự ti của phụ nữ cần được giải quyết trong cuộc hội thảo” - Giáo sư Morny Joy đến từ Canada phát biểu mở màn hội thảo có chuyên đề “Phụ nữ và tôn giáo”. Cũng tại diễn đàn này, một số học giả đến từ Mỹ đã trình bày khảo sát về tỉ lệ tham gia chính trị của phụ nữ tại các nước Indonesia, Thái Lan và Việt Nam. Các học giả nhận định, dù đã có sự tiến bộ đáng kể trong sự tham gia hệ thống chính trị tại các nước này tuy nhiên nó vẫn còn ở mức trung bình so với mặt bằng chung của thế giới do những định kiến về tôn giáo và xã hội khác nhau.

GNgo 3

GNgo 4


Diễn giả trình bày tham luận

Với tư cách là nước chủ nhà, diễn đàn “Phật giáo, tôn giáo và văn hoá Việt Nam” nhận được sự quan tâm của đông đảo học giả và đại biểu trong nước. Bàn về vấn đề Phật giáo Việt Nam và các giá trị đạo đức trong văn hóa truyền thống, PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn cho rằng chính Phật giáo đã giúp hình thành những nhân cách sống giản dị, vị tha, hiền lành của người Việt Nam.

Chính chư Tăng Ni, Phật tử sống xả thân, hết lòng hết sức vì cộng đồng đã truyền vào xã hội một niềm tin yêu hướng thiện, tạo nên truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Tại diễn đàn này, nhiều đại biểu đã đưa ra các câu hỏi hay, chất vấn lại diễn giả. Một đại biểu thắc mắc: “Liệu Đức Phật có phải nhà tâm lý học không?”.

Trả lời câu hỏi này, ĐĐ. Thích Giác Chính, hiện tu học tại một sơ sở Phật giáo ở Mỹ nhận định Đức Phật là nhà giáo dục và tâm lý học vĩ đại. Phương pháp giáo dục của Ngài không chỉ khế cơ, khế lý mà còn khế thời, phù hợp và đáp ứng được những gì mà chúng sanh, hôm qua, hôm và ngày mai mong đợi.

GNgo 5

GNgo 6

GNgo 7

GNgo 8
Đại biểu trao đổi về các nội dung được trình bày

Hôm nay, 11-7, hội thảo sẽ tiếp túc với các thảo luận riêng biệt tại các diễn đàn và kết thúc vào trưa cùng ngày.Giác Ngộ sẽ tiếp tục cập nhận thông tin đến bạn đọc quan tâm.

Nguồn: giacngo.vn