HPKS: 35 năm hội nhập và phát triển

Đạo Phật Khất Sĩ Việt nam do Tổ sư Minh Đăng Quang sáng lập vào thập niên 40, thế kỷ XX tại miền Nam nước Việt.

Tổ sư sinh trưởng ở huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Xuất thân từ con nhà Nho giáo, Ngài xuất gia tầm chơn học đạo khi còn rất trẻ. Sau nhiều năm học đạo, Ngài thấu triệt chơn lý, giác ngộ tại Mũi Nai (Hà Tiên).

Ngài đem giáo pháp của hai hệ Nam truyền và Bắc truyền dung hòa lập thành giáo pháp Khất sĩ với phương châm “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp - Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam” để hành đạo truyền bá đạo nhiệm mầu cho những ai hữu duyên. Buổi sơ khởi một thân, một mình lẻ loi hành đạo ở miền Nam, lần lượt thu nhận đệ tử xuất gia (Tăng, Ni) và nam nữ cư sĩ tại gia. Dần dần bá tánh biết đến tông phái Phật giáo mới và hiến cúng ruộng đất để xây dựng đạo tràng tịnh xá truyền bá giáo pháp.

Sau 9 năm hành đạo, Ngài thọ nạn vắng bóng vào ngày mùng 1 tháng 2 năm Giáp Ngọ (1954). Tổ sư vắng bóng nhưng giáo pháp của Ngài để lại là bộ Chơn lý gồm 69 bài làm tiêu chuẩn tu học cho các thế hệ sau. Hệ phái Khất sĩ vẫn được hàng đệ tử Tăng, Ni tiếp tục làm cho sáng và phát triển thêm lên. Hệ phái Khất sĩ được truyền bá ra miền Trung duyên hải, vùng Cao nguyên, và cho đến tận vĩ tuyến 17 tỉnh Quảng Trị. Chư Tăng Ni Hệ phái truyền đạo đến nơi nào cũng đều được mọi giới tiếp nhận, phát tâm xuất gia và cư sĩ tại gia thực hành giáo pháp và sinh hoạt theo Hệ phái rất tinh cần.

35 hp 5

Đến năm 1975, đất nước thống nhất, Tăng, Ni và Phật tử vẫn sinh hoạt bình thường theo tiêu chí lãnh đạo của Hệ phái. Năm 1981, Phật giáo hai miền Nam, Bắc kết hợp lập thành GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM, thống nhất ý chí, hành động theo sự lãnh đạo chung, tạo nên sức mạnh (trong đó Hệ phái Khất sĩ là một thành viên trong lòng Giáo hội).

Qua 35 năm thành lập GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM, Tăng, Ni Hệ phái Khất sĩ đã tham gia trong Ban Trị sự các cấp từ Trung ương đến địa phương. Các cơ sở tịnh xá được thành lập và phát triển với phương châm “Đoàn kết hòa hợp, trưởng dưỡng đạo tâm, trang nghiêm Giáo hội”. Hệ phái từng bước vững chãi trong lòng Giáo hội. Cơ sở vật chất dần dần được hoàn thiện khang trang hơn, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tu học của từng tịnh xá tại địa phương, trong đó Pháp viện Minh Đăng Quang mang tầm vóc của Hệ phái. Trên phương diện thờ phượng và xây dựng, dù cho nền văn minh khoa học phát triển, một số ít đạo tràng tịnh xá vì nhu cầu tâm linh và sinh hoạt của tín đồ hoặc vì không gian không đủ rộng, mô hình bát giác truyền thống đã được cải tiến nhưng cách thờ phượng vẫn mang tính chất truyền thống, như chính giữa thờ Phật, phía sau thờ Tổ và các đức Trưởng lão - đệ tử của Tổ sư cùng chư đức Thầy - Trưởng các Giáo đoàn.

Với những nỗ lực của chư Tôn đức lãnh đạo, Hệ phái đã thành lập trường Sơ cấp tại Tịnh xá Trung Tâm, Bình Thạnh và cũng có giới đàn riêng trực thuộc Giới đàn của Giáo hội.

Về tu học, sau nhiều năm trăn trở trước sự tiến bộ của nền văn minh, khoa học giáo dục và vật chất phát triển, chí nguyện của người xuất gia có thể bị mai một, chư Tôn đức lãnh đạo Hệ phái và các Giáo đoàn đồng thuận tổ chức “Khóa tu truyền thống” 7 ngày cho chư Tăng Hệ phái sống chung tu học. Khóa tu này được các Giáo đoàn luân phiên tổ chức, mỗi năm tu 3 khóa. Khóa tu đầu tiên được tổ chức tại Tịnh xá Ngọc Viên, tỉnh Vĩnh Long vào mùa xuân năm 2010, đây là nơi in đậm dấu tích, kỷ niệm Tổ sư lưu lại, với 37 hành giả. Sự tu học theo phương châm Tổ dạy “Nên tập sống chung tu học” cùng với lời dạy “Người Khất Sĩ chỉ có ba pháp tu vắn tắt, là Giới Định Tuệ” làm sống dậy cuộc đời hành đạo của Tổ. Bằng cách tu học chung, ăn chung đi đứng oai nghi tề chỉnh, tọa thiền, thiền hành chung, kiến thức đồng chỉ giải cho nhau, mọi việc đều cùng chung, tạo nên một định lực, an trú cho tất cả hành giả trên con đường tu học, cảm nhận được sự an lạc trong pháp học và hành, trí tuệ phát sinh, phẩm hạnh cao quý của bậc Sa-môn đủ đầy. Khóa tu nhận được sự ủng hộ, tán thán của chư Tôn Thiền đức Tăng, Ni Hệ phái và trong Giáo hội. Từ đó, khóa tu được tiếp nối đến tận miền Trung duyên hải, vùng Đông Nam bộ đến Cao nguyên, đến nay được 7 năm (2016). Hành giả tham dự khóa tu tăng dần từ 100 vị đến 200 vị, đồng thời đã tạo thêm niềm tin vững chắc vào sự lãnh đạo sáng suốt của chư Tôn đức trong Hệ phái. Chư Tôn đức Ni cũng đã tổ chức những khóa tu cho Ni giới trải dài từ miền Nam, Cao nguyên và miền Trung. Số lượng chư Tăng, Ni có học, có tu trong Hệ phái gia tăng càng làm cho hàng cư sĩ tại gia thêm tín ngưỡng.

Khóa An cư hằng năm được tổ chức tại Tịnh xá Trung Tâm, sau được đưa về Pháp viện Minh Đăng Quang. Tại địa phương mỗi đạo tràng thường xuyên tổ chức tu học cho cư sĩ, như thọ Bát Quan trai, Niệm Phật hoặc tu Một ngày an lạc. Chư Tăng cũng được thỉnh làm Giáo thọ cho các trường Trung cấp Phật học.

Về Từ thiện hầu như mỗi đạo tràng đều có tham gia, như phát cơm cháo và ủng hộ cho thí sinh trong kỳ thi đại học hằng năm, cùng góp phần ủng hộ thực phẩm cho các nơi nghèo, vùng sâu vùng xa.

Về Văn hóa, Hệ phái cho ra đời tập san “Đuốc Sen”, đó là tiếng nói của Hệ phái, với những nội dung phong phú, trong đó có đề cấp đến sự sinh hoạt tu học của Hệ phái, đem nhiều lợi ích về tri thức cho cư sĩ.

Với 35 năm hòa nhập trong lòng Giáo hội, Hệ phái đã từng bước phát triển vững chắc. Tăng, Ni trau giồi hạnh đức, phẩm chất tôn quý, hoàn thiện pháp học và hành cho tự thân, đáp ứng nhu cầu của xã hội ngày càng phát triển, làm gương sáng mô phạm cho cư sĩ tại gia tu học. Song hành về mặt đã làm được còn có một số điều chưa làm được, như Hệ phái chưa gom kết được chư Tăng có pháp học cống hiến tài năng và trí tuệ để xây dựng và phát triển cho Hệ phái.