HPKS 35 năm trưởng thành cùng GHPGVN

35 gh 5

Phật giáo Khất sĩ là một trong ba hệ phái Phật giáo ở Việt Nam (Phật giáo Bắc tông, Phật giáo Nam tông, Phật giáo Khất sĩ). Năm 1981, Phật giáo Khất sĩ là một trong 9 tổ chức thành viên thông nhất thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Phật giáo Khất sĩ được Tổ sư Minh Đăng Quang sáng lập từ năm 1944 với chí nguyện: “Nối truyền Thích Ca chánh pháp”. Xuất hiện hơn 70 năm, nhưng nhờ dung hòa hai nền giáo lý Nam tông và Bắc tông và trang nghiêm thực hành Tứ Y Pháp Trung Đạo nên Hệ phái Khất sĩ đã tạo dựng được đặc trưng riêng của một hệ phái Phật giáo mới ở Việt Nam. Trang phục và giới luật trong đời sống tu hành của tu sĩ Phật giáo thể hiện nét đặc trưng, sự gần gũi, trang nghiêm gần với hình ảnh của vị sư Phật giáo Nam tông. Giáo lý tu học của Hệ phái Khất sĩ uyển chuyển nên tránh được sự cứng nhắc hoặc dễ dãi. Sự năng động chuyển hóa ấy đã tạo được sự đồng cảm và mến mộ của khá đông quần chúng, tín đồ Phật tử, bởi chính sự giản dị, mộc mạc, thanh thoát, cao thượng trong pháp tu, trong pháp hành, trong cách giảng dạy cho hàng đệ tử, nên chỉ trong một thời gian ngắn, Hệ phái Phật giáo Khất sĩ có được sự phát triển khá nhanh trong đời sống xã hội.

Hơn 70 năm qua, Hệ phái Khất sĩ phát triển về nhiều mặt từ số lượng Tăng Ni tu học tới cơ sở thờ tự. Năm 1981, khi tham gia ngôi nhà chung của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN), Hệ phái Khất sĩ chỉ có trên 1.600 vị Tăng Ni, gần 250 ngôi tịnh xá. Sau 35 năm, tới nay, Hệ phái Khất sĩ có 3.200 vị Tăng Ni, trên 500 ngôi tịnh xá. Về học tập để nâng cao trình độ Phật học và thế học, Hệ phái Khất sĩ cũng có nhiều quan tâm và đầu tư cho Tăng Ni của hệ phái tu học trong và ngoài nước. Qua thống kê của GHPGVN, hiện tại, cả nước có trên 1.000 Tăng Ni du học ở nước ngoài theo trình độ sau đại học, trong đó GHPGVN cả nước đã có trên 100 vị tốt nghiệp tiến sĩ, gần 100 vị tốt nghiệp thạc sĩ về nước để phục vụ Giáo hội vã xã hội thông qua giảng dạy và các hoạt động xã hội (diễn văn 35 năm thành lập GHPGVN).

Riêng Hệ phái Khất sĩ có 38 vị đã tốt nghiệp tiến sĩ, trong đội ngũ Tăng Ni sinh của GHPGVN đang theo học các chương trình đào tạo trong và ngoài nước, Tăng Ni Hệ phái Khất sĩ chiếm tỷ lệ khá cao. Điều này cho thấy, Hệ phái Khất sĩ rất quan tâm tới việc nâng cao trình độ tu sĩ, qua đó, mới có thể htực hiện tốt hoằng dương Phật pháp theo phương châm của Phật giáo “Duy tuệ thị nghiệp” lấy trí tuệ làm sự nghiệp (Kỷ yếu Hệ phái Khất sĩ kỷ niệm 35 năm GHPGVN).

35 năm, kể từ khi tham gia GHPGVN, Hệ phái Phật giáo Khất sĩ đã cùng Phật giáo cả nước thực hiện nhiều hoạt động thiết thực, lợi đạo – ích đời, vừa xây dựng GHPGVN nhằm đề cao giá trị đạo đức Phật giáo, đề cao vai trò đạo Phật – một tôn giáo có truyền thống gắn bó đồng hành cùng dân tộc Việt Nam trong tiến trình dựng nước và giữu nước, vừa góp phần xây dựng phát triển đất nước Việt Nam, nhằm tỏ rõ vị thế của một đất nước độc lập trong giai đoạn lịch sử mới.

Từ khi thành lập Ban Vận động thống nhất Phật giáo năm 1980, với 26 thành viên (bao gồm cả các ủy viên và Ban Thư ký), Hệ phái Khất sĩ đã có 3 thành viên tham gia. Đại hội Phật giáo lần thứ nhất tại Thủ đô Hà Nội năm 1981 với 165 đại biểu Phật giáo tiêu biểu cho các tổ chức, hệ phái Phật giáo cả nước, Hệ phái Khất sĩ có 6 đại biểu. Trải qua các kỳ đại hội Phật giáo toàn quốc, kỳ nào, Hệ phái Khất sĩ cũng có các vị cao Tăng tham gia trong bộ máy lãnh đạo thuộc Hội đồng Chứng minh và Hội đồng Trị sự. Riêng khóa VII (2012-2017) hệ phái có 8 vị tham gia Hội đồng Chứng minh, 14 vị tham gia Hội đồng Trị sự, Tăng Ni thuộc hệ phái luôn là những vị trang nghiêm, chuẩn mực về thân, khẩu, ý. Bởi theo giáo lý Tổ sư của Hệ phái Khất sĩ đã dạy: “Người Khất sĩ ăn không cầu no, ở không cầu yên, chỉ cần chăm lo trau dồi đức hạnh, làm gương quý báu cho đời, vì con người thể chịu thiếu kém về sự ăn mặc hoặc chỗ ở, vật chất còn có thể sống được, chớ thiếu đạo đức trí tâm ắt sẽ phải khổ nạn chết hết”. Tăng Ni Hệ phái Khất sĩ chú trọng giới luật hành đạo, dẹp bỏ bản ngã tự cao, tự đại, khất thực để nuôi thân, xin giáo pháp, hòa hợp với cộng đồng, làm lựoi người, lợi mình, sống trong giới luật, thiền định an trú trong chánh pháp.

Hệ phái Khất sĩ không chỉ hoạt động trong nước mà còn tích cực hoằng dương Phật pháp ở nước ngoài, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam thông qua tấm gương tu hành, học tập, phụng sự xã hội của Phật giáo Việt Nam. Một số chùa của Hệ phái Khất sĩ xây dựng ở nước ngoài là cơ sở để tập hợp Kiều bào, được đông đảo tín đồ Phật tử tín nhiệm, tin theo, vừa tu học, thực hành Phật pháp, vừa bảo tồn, phát huy truyền thống văn hóa của người Việt Nam ở nước ngoài.

Hệ phái Khất sĩ đã cùng Phật giáo cả nước đoàn kết vận động Tăng Ni, Phật tử gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện đoàn kết tôn giáo, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước, thông qua xây dựng nếp sống đạo đức tốt đẹp, văn hóa tiên tiến lành mạnh. Thực hiện giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn, … thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

35 năm đã qua, nhìn lại một chặng đường, tuy không dài so với hai ngàn năm lịch sử của Phật giáo Việt Nam nhưng Hệ phái Khất sĩ đã tự tạo nội lực vững vàng, xây dựng nên hình ảnh Phật giáo Khất sĩ đẹp trong Phật giáo và trong xã hội. Nhân kỷ niệm 35 năm thành lập GHPGVN, trân trọng ghi nhận và đánh giá cao những thành tựu của Hệ phái Khất sĩ đã đạt được. Mong sao, Hệ phái Khất sĩ phát huy tốt truyền thống, tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa để hình ảnh của Hệ phái đã đẹp càng đẹp hơn để góp phần xây dựng tổ chức GHPGVN ngày càng vững mạnh, xứng đáng với truyền thống của tôn giáo yêu nước, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc để xây dựng một đất nước Việt Nam giàu đẹp. Xứng đáng với sự mong mỏi của các bậc trưởng thượng đã tâm huyết như hai câu thơ của Ni trưởng Huỳnh Liên một người nổi tiếng trong Phật giáo Khất sĩ đã làm rung động thế giới yêu chuộng hòa bình và công lý, thể hiện ý chí của người tu hành đấu tranh cho hòa bình và độc lập dân tộc.

Nguyện dâng hiến trọn đời mình,

Cho nguồn Đạo pháp, cho tình quê hương.